1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cách Nga ngăn bom thông minh của Mỹ thay đổi cục diện chiến sự ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bom thông minh JDAM-ER của Mỹ từng được nhận định là vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chơi ở Ukraine, nhưng thực tế trên chiến trường cho thấy điều này dường như chưa thành hiện thực.

Cách Nga ngăn bom thông minh của Mỹ thay đổi cục diện chiến sự ở Ukraine - 1

Một quả bom thường được gắn bộ điều hướng JDAM-ER trở thành bom thông minh (Ảnh: Mil.in.ua).

Tháng trước, Mỹ xác nhận đã viện trợ bom thông minh JDAM-ER cho Ukraine. Trên thực tế, đây là một bộ công cụ, gồm thiết bị định vị toàn cầu và hệ thống điều khiển tiên tiến, có thể biến bom thường thành bom thông minh có khả năng dẫn đường với độ chính xác cao.

Vào thời điểm đó, các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng những quả bom này sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các lực lượng Nga. JDAM-ER bay ở khoảng cách lên tới 72km và có thể nặng tối đa 900kg, gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu. Khi được thả đi từ máy bay, các quả bom này tự động nhằm mục tiêu tọa độ định trước và hoạt động như một loại vũ khí với cơ chế "thả và quên".

Tuy nhiên, Politico dẫn lời một quan chức ẩn danh của Lầu Năm Góc nói rằng, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của JDAM-ER là tương đối thấp vì Nga đã dùng vũ khí tác chiến điện tử để đánh chặn bom. Thông tin này cũng xuất hiện trong những tài liệu của Mỹ về chiến sự ở Ukraine bị rò rỉ trong thời gian qua. Cụ thể, các tài liệu nói rằng, JDAM-ER dường như đã bị các thiết bị tác chiến điện tử của Nga vô hiệu hóa trong một số vụ tấn công.

Theo báo cáo trên, có 2 vấn đề trên JDAM-ER. Thứ nhất, ngòi nổ trên bom dường như không được lắp chính xác và không quân Ukraine đã khắc phục. Thứ 2, tín hiệu GPS giúp quả bom định vị mục tiêu được cho thường gặp vấn đề và khiến nó đánh trượt mục tiêu. Nga được cho đứng sau vấn đề thứ 2.

Ngoài ra, tài liệu cũng nói rằng, các quả rocket dẫn đường từ hệ thống phóng loạt của Ukraine (GMLRS) cũng gặp vấn đề tương tự về GPS.

Vào thời điểm báo cáo trên được thực hiện, không quân Ukraine đã thả ít nhất 9 quả JDAM-ER xuống mục tiêu Nga, và gần một nửa dường như bị trượt do Nga gây nhiễu tín hiệu của bom.

Theo Eurasian Times, cường quốc quân sự Nga sở hữu các thiết bị tác chiến điện tử hàng đầu thế giới.

Vũ khí tác chiến điện tử thường được gọi là "sát thủ vô hình" vì đây là các khí tài quân sự sử dụng năng lượng điện từ để tấn công hoặc làm gián đoạn hoạt động của đối thủ. Nó có thể vô hiệu mọi thiết bị sử dụng điện và có thể được thực hiện từ mặt đất, trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mà không cần sử dụng tới thuốc nổ, hay các đòn đánh trực diện.

Theo giới chuyên gia, một nhiệm vụ tác chiến điện tử thành công có thể trấn áp mạng lưới thông tin truyền thông, hệ thống định vị và ngay cả máy bay.

"Gần như ngay lập tức, hệ thống thông tin sẽ ngừng hoạt động hoặc bạn sẽ không thể điều động hỏa lực, không thể cảnh báo sắp có hỏa lực bắn tới vì radar đã ngừng hoạt động và chúng không thể dò ra bất cứ thứ gì", cựu đại tá Laurie Moe Buckhout, một chuyên gia về tác chiến điện tử cho hay.

"Nó còn có thể trở nên nguy hiểm và gây sát thương lớn hơn các cuộc tấn công vũ khí thường vì nó vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của đối phương", bà Buckhout nói.

Trong chiến sự ở Ukraine, Nga đã ứng dụng thiết bị tác chiến điện tử khá hiệu quả, ví dụ làm giảm bớt uy lực của các máy bay không người lái Ukraine tại tiền tuyến.

Theo Politico, Eurasian Times