(Dân trí) - Với cục diện chiến sự giằng co khi Nga dồn lực ở miền Đông và miền Nam, còn Ukraine nhận được hỗ trợ từ phương Tây, các chuyên gia đã nhận định về kịch bản có thể xảy ra trong năm thứ hai xung đột.
Với cục diện chiến sự giằng co khi Nga dồn lực tấn công ở miền Đông và miền Nam, còn Ukraine tiếp tục nhận được hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ phương Tây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về các kịch bản có thể xảy ra trong năm thứ hai xung đột.
Nhân dịp đánh dấu 1 năm nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Báo Dân trí tổ chức tọa đàm: "Cơ hội hòa bình cho Ukraine - Nga sau 1 năm chiến sự", với sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Viễn Đông Liên bang Nga và Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Ông đánh giá như thế nào về cục diện chiến sự Nga - Ukraine hiện nay và Nga đã đạt được các mục tiêu đề ra khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hay chưa?
ĐS Vũ Dương Huân: Một năm đã trôi qua, tôi nghĩ cục diện hiện nay là giằng co, chưa bên nào thắng được bên nào. Mặc dù Nga đã sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga, nhưng các vùng lãnh thổ đều chưa hoàn chỉnh. Do vậy, cục diện hiện giằng co rất quyết liệt giữa hai bên, đặc biệt trong chiến dịch tại những mặt trận ở miền Đông như thành phố Bakhmut gần đây.
Vậy mục tiêu của Nga có đạt hay không? Tôi nghĩ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã nói hai mục tiêu lớn của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt gồm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine.
Đối với mục tiêu phi quân sự hóa, Nga có lẽ đã đạt được tương đối thành công. Điều này thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, Nga đã phá hủy hầu như 70-80% cơ sở quân sự của Ukraine, các nhà máy, xí nghiệp về sản xuất quốc phòng, nhiều đường sá, cơ sở vật chất của quân sự bị hư hại. Thứ hai, lực lượng quân sự của Ukraine bị thu hẹp đáng kể. Ukraine thiệt hại tương đối lớn cả về cơ sở vật chất cũng như con người.
Hơn 6.000 xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy. Hệ thống điện của Ukraine bị phá hủy đến 60-70%. Đường sá, đặc biệt là đường sắt cũng bị phá hủy nghiêm trọng. Ngoài ra, việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine cũng thể hiện thiệt hại về mặt quân sự.
Điều này thể hiện ở chỗ khi các vùng lãnh thổ của Ukraine bị thu hẹp lại, nguồn lực cũng như dân số ở các khu vực đó cũng bị thu hẹp. Hơn nữa, khoảng 10 triệu người Ukraine ra nước ngoài, như vậy dân số của Ukraine cũng thu hẹp lại. Tóm lại, trong chiến dịch quân sự một năm qua, Ukraine thiệt hại vô cùng lớn.
Về mục tiêu thứ hai liên quan đến phi phát xít hóa Ukraine, tôi cho rằng Nga không đạt được nhiều mục tiêu này. Thậm chí vào tháng 9 năm ngoái, chính quyền Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO và Ukraine vẫn quyết tâm đánh bại Nga đến cùng với sự giúp đỡ của phương Tây.
ĐS Tôn Sinh Thành: Cục diện cho đến nay vẫn là cục diện giằng co. Hai bên vừa phòng ngự vừa phản công. Nga có lúc phải phòng ngự, nhưng có lúc tổ chức phản công. Ukraine cũng vậy. Như vậy, hai bên không còn áp đảo nhau. Trước đây Nga từng áp đảo, nhưng sau đó phải rút ở phía Bắc để tập trung cho phía Đông và phía Nam Ukraine.
Sau đó, tháng 8 năm ngoái Ukraine đã phản công lại và giành lại được một số vị trí, tương đương khoảng 50% diện tích mà Nga chiếm được. Cho nên cục diện hiện nay là hai bên đều có khả năng phòng ngự, khả năng phản công bất cứ lúc nào. Cục diện có thể đi đến giằng co kéo dài, không bên nào có thể thắng tuyệt đối, hoàn toàn trước bên kia.
Hiện nay mục tiêu của hai bên đều chưa đạt được. Nga có mục tiêu ban đầu rất lớn, bao gồm thay đổi chính quyền Kiev, nhưng sau đó thu hẹp mục tiêu, tập trung vào kiểm soát khu vực phía Đông và phía Nam Ukraine, bao gồm 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập và giữ bán đảo Crimea.
Tại 4 khu vực sáp nhập, Kherson đã trở lại dưới quyền kiểm soát của Ukraine, khu vực Zaporizhzhia cũng mất đi một phần, ngay cả Donetsk cũng chưa kiểm soát được tất cả, chỉ có Lugansk bị Nga kiểm soát hơn 90%. Như vậy, các khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập cho đến nay vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, nghĩa là mục tiêu của Nga chưa đạt được. Tôi nghĩ mục tiêu của Nga còn hơn xa hơn chút, họ muốn giành được những lãnh thổ vượt ra ngoài khu vực Donbass, vượt ra ngoài 4 khu vực sáp nhập, vì trước khi đàm phán, họ muốn có dư địa.
Còn phía Ukraine cũng vậy. Ukraine bây giờ muốn đàm phán để giành lại 4 khu vực đã sáp nhập vào Nga thì ít nhất họ phải giành được những lãnh thổ trên thực địa. Nghĩa là họ không thể giành được gì trên bàn đàm phán nếu không có gì trên thực địa. Đó là thực tế mà lịch sử đã chứng minh. Bạn đàm phán với con số 0 thì không thể đàm phán được.
Hiện nay xung đột diễn ra khốc liệt ở phía Đông Ukraine. Ông đánh giá như thế nào về khu vực này và tại sao Nga phải tập trung trang thiết bị cũng như nguồn lực vào mặt trận này?
ĐS Vũ Dương Huân: Mặt trận miền Đông Ukraine (vùng Donbass) là một trong những mặt trận chính của cả hai bên, đặc biệt là của Nga. Tại sao Nga lại coi trọng mặt trận miền Đông Ukraine? Mặt trận này bao gồm Donetsk và Lugansk, nơi Nga đã công nhận độc lập từ tháng 2/2022. Khu vực này về địa chiến lược sát với biên giới Nga, cũng là một khu vực công nghiệp nền tảng của Ukraine.
Ngoài ra, Nga cũng rất quan tâm khu vực miền Nam Ukraine, bao gồm tỉnh Zaporizhia và Kherson vì hai tỉnh này có liên hệ trực tiếp tới bán đảo Crimea. Nếu chiếm được cả khu vực này, nó tạo ra một con đường liên hoàn nối vùng Donbass với Crimea. Ngoài ra, con đường này cũng án ngữ hoàn toàn Biển Azov và tiếp cận với Biển Đen.
Vì vậy, Nga rất coi trọng vùng Donbass và coi đó là trọng tâm chiến lược, bằng mọi giá phải kiểm soát Donbass. Hiện nay, Nga đã kiểm soát khoảng 97% Lugansk, nhưng với Donetsk mới khoảng 60%, nên họ quyết tâm kiểm soát toàn bộ khu vực này.
Hai bên đã chịu tổn thất như thế nào khi cuộc chiến chuẩn bị bước sang năm thứ hai? Ông đánh giá như thế nào về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với nền kinh tế Nga và Ukraine sau một năm?
ĐS Tôn Sinh Thành: Tôi cho rằng đây là một cuộc xung đột khá nghiêm trọng kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay và gây thiệt hại về nhiều mặt cho cả hai nước. Đối với Ukraine, thiệt hại rất nặng nề về mặt quân sự cũng như kinh tế.
Kinh tế của Ukraine ước tính giảm khoảng 30%, hoạt động xuất khẩu gần như không còn. Nga cũng đang chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây lớn chưa từng có. Có hàng nghìn biện pháp trừng phạt như vậy, cả về mặt thương mại, hàng không, năng lượng, công nghệ cao, nên sẽ có những tác động rất lâu dài.
Nền kinh tế Nga trong năm ngoái không tăng trưởng. Nga cũng đã có những nỗ lực để giữ nền kinh tế. Nga vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ, nhất là về năng lượng, nên Nga vẫn giữ được nguồn lực khá mạnh.
Nhưng nhìn chung, chiến tranh tác động vào nền kinh tế của hai nước rất lớn, làm cho hai nước suy yếu, suy yếu về kinh tế dẫn đến suy giảm các nguồn lực huy động cho chiến dịch xung đột. Đó mới chỉ là tác động tới hai nước, ngoài ra còn có những tác động lớn với thế giới nói chung.
Sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, bao gồm vũ khí và huấn luyện, tác động như thế nào đến cuộc xung đột trong một năm qua?
ĐS Vũ Dương Huân: Sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine về quân sự rất lớn. Theo số liệu hiện nay, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine khoảng 120 tỷ USD. Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Ukraine và tuyên bố viện trợ thêm 500 triệu USD nữa. Như vậy, tổng viện trợ cho Ukraine vô cùng lớn và họ tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ đến khi nào Ukraine thấy cần thiết.
Viện trợ của phương Tây cho Ukraine về vũ khí tác động vô cùng lớn đến chiến trường và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vì nguồn viện trợ đó là viện trợ chính cho lực lượng quân sự của Ukraine, trong bối cảnh gần như toàn bộ vũ khí đạn dược của Ukraine đã bị phá hủy và vũ khí đạn dược từ thời Liên Xô không còn được sử dụng.
Như vậy, viện trợ quân sự đã góp phần làm thay đổi ở mức độ nào đó cục diện quân sự giữa Nga và Ukraine.
Tôi cho rằng, mặc dù viện trợ quân sự của phương Tây vô cùng lớn nhưng khó làm thay đổi cục diện chiến trường, vì việc viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine có nhiều vấn đề.
Thứ nhất, nhiều vũ khí được viện trợ còn mới, nên binh lính Ukraine chưa thể nắm bắt được và cần phải có thời gian để tập huấn. Thứ hai, khi vũ khí viện trợ được đưa đến chiến trường, nhiều loại đã bị lực lượng Nga phá hủy.
Thứ ba, viện trợ quân sự cũng không kịp thời. Binh sĩ Ukraine trên chiến trường rất cần vũ khí, nhưng đôi khi do khó khăn về vận chuyển nên không tới kịp. Ngoài ra, một vấn đề khác của viện trợ quân sự phương Tây là không viện trợ vô hạn.
Hiện nay, bản thân phương Tây cũng thiếu vũ khí, đạn dược. Nhiều vũ khí phương Tây muốn cung cấp cho Ukraine nhưng lại ảnh hưởng đến việc đảm bảo nền quốc phòng của chính các nước đó. Mặc dù viện trợ quân sự có tác động vô cùng lớn về mặt tâm lý, về mặt tác động trên chiến trường, nhưng cũng có hạn chế chứ không phải là ưu thế hoàn toàn.
ĐS Tôn Sinh Thành: Viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine không chỉ có vũ khí mà còn cả về huấn luyện và thông tin tình báo.
Những hình thức viện trợ đó cũng rất quan trọng và tôi nghĩ cũng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai bên. Giả sử không có vũ khí của phương Tây, tương quan lực lượng rất chênh lệch, nghiêng hẳn về phía Nga.
Các nước ủng hộ Ukraine là những nước có tiềm lực rất lớn, tổng GDP lên tới 40.000 tỷ USD, trong khi Nga chỉ có 1.000 tỷ USD. Nói riêng về mặt kinh tế chúng ta thấy đã làm thay đổi tương quan lực lượng, nên tôi nghĩ rằng viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine có tác động rất lớn tới cuộc chiến này.
Xung đột Nga - Ukraine đã tác động như thế nào tới tình hình thế giới nói chung cũng như quan hệ Nga - phương Tây nói riêng trong một năm qua, thưa ông?
ĐS Tôn Sinh Thành: Tôi cho rằng cuộc chiến này không chỉ tác động ở khu vực châu Âu mà còn tác động toàn cầu. Mỹ và phương Tây sử dụng biện pháp trừng phạt đối với Nga, mà những biện pháp trừng phạt đó có tác động không chỉ với Nga mà còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu về năng lượng, lương thực.
Điều đó sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, khiến lạm phát của các nước tăng lên, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế thế giới. Còn đối với địa chính trị, tác động của cuộc xung đột rất mạnh.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây có lẽ đã lên đến đỉnh điểm mà chỉ thiếu chút nữa là có thể đi đến thành xung đột trực tiếp. Nếu xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây nổ ra, khả năng sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân, những tác động đó rất căng thẳng và chưa từng có.
Một tác động nữa của cuộc xung đột Nga - Ukraine là làm cho tập hợp lực lượng trên thế giới trở nên nhanh hơn. Đứng trước sức ép như vậy, Nga sẽ phải xích lại gần với Trung Quốc hơn, Nga phải tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á chứ không thể quay sang châu Âu được nữa. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu phải xích lại gần nhau. Tôi nghĩ cuộc chiến đang làm thay đổi rất mạnh cục diện địa chính trị trên thế giới.
Theo ông, cuộc xung đột này có thể coi là phép thử cho sự đoàn kết của liên minh phương Tây không?
ĐS Vũ Dương Huân: Tôi rất tán thành. Đây có thể là phép thử cho sự đoàn kết của Mỹ, NATO và phương Tây nói chung. Cuộc chiến này làm cho Mỹ và phương Tây đoàn kết lại với nhau hơn, xử lý nhiều vấn đề khúc mắc trong quan hệ giữa các nước, nhờ đó quan hệ của Mỹ, phương Tây gắn chặt hơn và vững bền hơn.
Sang năm thứ 2, phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thế nào và liệu phương Tây có sẵn sàng vượt qua mọi lằn ranh đỏ để cung cấp khí tài cho Ukraine hay không, bất chấp những cảnh báo của Nga?
ĐS Tôn Sinh Thành: Tôi nghĩ rằng việc Nga đưa ra nhiều lằn ranh đỏ, đó là vấn đề chiến thuật mà bên nào cũng sẽ đưa ra. Tuy nhiên, có những lằn ranh đỏ chiến thuật và lằn ranh đỏ thực chất.
Nếu đó là lằn ranh đỏ chiến thuật, phương Tây sẽ không quan tâm lắm và sẽ vượt qua. Ví dụ, 4 khu vực mà Nga sáp nhập, Moscow đã tuyên bố rằng nếu Ukraine đánh vào 4 khu vực đó sẽ đồng nghĩa với việc đánh vào lãnh thổ Nga. Nhưng cuối cùng Ukraine vẫn giành lại Kherson, tức là lằn ranh đỏ đó đã bị phá vỡ.
Về việc viện trợ vũ khí, Nga đã tuyên bố nếu phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa với khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga thì đó sẽ là một "lằn ranh đỏ". Tôi nghĩ rằng họ sẽ không quan tâm lắm về vấn đề đó. Phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí để làm Nga suy yếu.
Tuy nhiên, họ sẽ phải quan tâm đến lằn ranh đỏ thực chất, đó là lợi ích tối thiểu của Nga là gì. Ví dụ ở đây có thể là việc mất bán đảo Crimea. Đây sẽ là điều Nga không thể chấp nhận. Nếu vượt qua lằn ranh này, Nga sẽ phản ứng lại mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các nước phương Tây sẽ không muốn đẩy tới mức này vì những hậu quả khôn lường.
Phương Tây vì vậy sẽ phải tính toán nhằm ngăn chặn những cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO hay Mỹ mà có thể dẫn đến chiến tranh thế giới hay chiến tranh hạt nhân.
Theo ông, trong tương lai phương Tây có thể viện trợ máy bay chiến đấu và các loại khí tài hạng nặng khác cho Ukraine hay không?
ĐS Vũ Dương Huân: Gần đây, Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc nói rằng phương Tây đã vượt lằn ranh đỏ khi cung cấp xe tăng cho Ukraine.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu mục đích của phương Tây là gì. Ban đầu họ đặt mục tiêu làm Nga suy yếu, gần đây họ nói là muốn đè bẹp Nga. Mục tiêu của họ vì vậy không chỉ là làm suy yếu Nga mà giờ đây trở thành triệt tiêu Nga.
Căn cứ mục tiêu đó, tôi tin rằng phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí, đạn dược cho Ukraine. Tôi nghĩ rằng họ sẽ cung cấp máy bay cho Ukraine. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể khẳng định loại máy bay nào sẽ được chuyển giao.
Ukraine muốn F-16 nhưng phương Tây lấy lý do rằng loại máy bay này quá tiên tiến và phi công Ukraine cần thời gian để huấn luyện. Nhưng tôi nghĩ rằng phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại và máy bay cho Ukraine, vì điều đó sẽ giúp họ đạt được mục tiêu là đánh bại Nga. Sự cung cấp này sẽ diễn ra từ từ và tùy theo sự tiến triển trên chiến trường.
Khi Ukraine liên tục được cung cấp vũ khí hiện đại, một số tên lửa đã rơi xuống các nước láng giềng của Ukraine. Liệu có nguy cơ xung đột vượt ra khỏi biên giới Ukraine và bùng phát thành một cuộc xung đột giữa Nga và NATO hay không?
ĐS Vũ Dương Huân: Ngày 15/11/2022, tên lửa đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Lúc đầu Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng đó là tên lửa Nga và muốn đẩy vấn đề lên để biến nó trở thành một cuộc xung đột giữa Nga và NATO. Ngay sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đó không phải là tên lửa Nga mà là tên lửa từ hệ thống S-300 của Ukraine. Tổng thống Ba Lan cũng khẳng định điều này. Việc này đã giúp dập được ngòi lửa có thể dẫn tới chiến tranh giữa Nga và NATO.
Liệu sự kiện đó có thể dẫn đến chiến tranh giữa Nga và NATO không? Tôi nghĩ là khó vì chiến tranh giữa Nga và NATO trong kỷ nguyên mới này sẽ là chiến tranh hạt nhân, mà chiến tranh hạt nhân sẽ không có người thắng kẻ thua.
Nghiên cứu lại các phát biểu của lãnh đạo Mỹ và phương Tây có thể thấy, mặc dù họ hỗ trợ Ukraine nhưng vẫn để một khoảng cách nhằm không bị kéo vào một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga. Và ngay cả Nga cũng không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trực tiếp với NATO.
Bên cạnh đó, Nga cũng có nhiều lợi ích trong quan hệ với NATO và Mỹ. Mỹ và NATO cũng có nhiều lợi ích trong quan hệ với Nga, đặc biệt là lợi ích về thiết lập và quản lý toàn cầu cùng nhiều lợi ích khác.
ĐS Tôn Sinh Thành: Vụ tên lửa bắn nhầm vào lãnh thổ các nước thành viên NATO sẽ có hai trường hợp. Một là do chủ ý, nếu trường hợp này xảy ra, NATO sẽ cần phải kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO và xung đột chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, nếu vụ việc là ngẫu nhiên, tức là do bom rơi đạn lạc, cả hai bên đều sẽ muốn giảm nhẹ để tránh trường hợp xung đột trực tiếp xảy ra.
Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, Chiến tranh thế giới thứ 3 cũng sẽ xảy ra. Đây sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân và không quốc gia nào muốn xảy ra, kể cả Nga. Đối đầu với một khối NATO gồm hàng chục nước với tiềm lực quân sự rất lớn là điều không thể với Nga. Còn với Mỹ, họ hiểu rằng nếu đẩy Nga đến bước đường cùng, Nga cũng sẽ sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Theo ông, kịch bản nào sẽ xảy ra trong năm thứ hai của chiến sự?
ĐS Tôn Sinh Thành: Tôi nghĩ có nhiều kịch bản, nhưng có thể loại trừ hai kịch bản, tức là một bên thắng hoàn toàn. Trong bối cảnh hiện nay, Nga khó có thể thắng hoàn toàn, hoặc Ukraine cũng hy vọng rất nhiều với viện trợ của Mỹ để giành chiến thắng. Nhưng theo tôi, hai kịch bản đó khó xảy ra.
Kịch bản thứ ba, tôi cho rằng xung đột sẽ giằng co và kéo dài. Kịch bản thứ tư, cũng là kịch bản rất nhiều người hy vọng, đó là không bên nào thắng, không thể thực hiện mục tiêu của mình bằng giải pháp quân sự thì các bên sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù đàm phán sẽ rất khó, nhưng dù sao hai bên cũng ngồi lại với nhau. Tôi cho rằng, nhiều người đang thiên về kịch bản thứ ba và thứ tư.
ĐS Vũ Dương Huân: Sẽ có một số kịch bản về mặt quân sự. Một là Nga thắng toàn diện, hai là Ukraine thắng toàn diện, nhưng kịch bản đó khó xảy ra. Kịch bản thứ ba, tôi cho rằng xung đột sẽ giằng co và quyết liệt hơn trong năm 2023.
Thứ nhất, do chủ đích của Nga là mở rộng tiến công, tổng tiến công để giành thắng lợi nhất định. Thứ hai, phương Tây nắm được vấn đề đó và quyết tâm hỗ trợ Ukraine để giành lại những lãnh thổ đã mất, gồm 4 tỉnh và bán đảo Crimea.
Do vậy, xung đột sẽ rất căng thẳng, quyết liệt vì hai bên đều tỏ quyết tâm và đang chuẩn bị lực lượng để tiến hành cuộc phản công trong mùa xuân này.
Vậy xung đột có chấm dứt trong năm 2023 hay không? Tôi nghĩ là khó. Xung đột sẽ kéo dài, đồng thời phụ thuộc vào mục tiêu của Nga, chỉ là vùng Donbass và một phần miền Nam, hay cả vùng Odessa, Nikolaev để nối với vùng Dnipro, nơi có vài triệu người Nga sinh sống.
Như vậy, xung đột kéo dài hay không, phụ thuộc vào mục tiêu của Nga. Nếu mục tiêu của Nga chỉ là miền Đông và một phần miền Nam Ukraine thì xung đột có thể giải quyết được trong năm 2023. Nhưng nếu Nga đặt mục tiêu xa hơn, ví dụ mở rộng đến cả Kharkov và hoặc theo một số ý kiến, Nga sẽ mở rộng đến bờ đông sông Dnipro thì xung đột sẽ còn kéo dài.
Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào hai khía cạnh: một là, khả năng kinh tế và quân sự của Nga không phải vô hạn; hai là, khả năng phương Tây hỗ trợ Ukraine cũng không phải vô hạn.
Tôi dự đoán rằng, trong năm 2023, Nga có thể sẽ hoàn thành mục tiêu kiểm soát miền Đông Ukraine và 4 khu vực đã tuyên bố sáp nhập. Trên cơ sở đó, Nga sẽ chuyển sang đàm phán ngoại giao vì hầu như tất cả các cuộc xung đột quân sự trên thế giới cuối cùng cũng phải giải quyết bằng ngoại giao và thương lượng hòa bình. Tất nhiên không phải tất cả, nhất là trong bối cảnh tương quan lực lượng không áp đảo nhau.
Nga nhiều lần cáo buộc là Mỹ và đồng minh muốn kéo dài cuộc xung đột, vậy theo ông, động thái của phương Tây sẽ tác động như thế nào với việc giải quyết cuộc xung đột hiện nay?
ĐS Vũ Dương Huân: Nga cáo buộc rằng thực chất cuộc xung đột này là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga với Mỹ và NATO. Nhiều ý kiến của phía Nga cho rằng sở dĩ chưa đàm phán là vì phương Tây tiếp tục kéo dài cuộc xung đột. Nếu phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, xung đột còn kéo dài. Đó là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, Nga yêu cầu phương Tây phải chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine thì mới đàm phán.
ĐS Tôn Sinh Thành: Vấn đề Mỹ có muốn kéo dài xung đột hay không theo tôi có hai mặt. Mỹ muốn đẩy Nga ra khỏi Ukraine vì Mỹ từ lâu đã coi Ukraine như là đối trọng với Nga. Nếu hiện giờ Ukraine rơi vào vùng ảnh hưởng của Nga thì Nga rất mạnh và điều không có lợi cho Mỹ.
Do vậy, mục tiêu lâu dài của Mỹ là làm cho Nga suy yếu để duy trì một trật tự do Mỹ lãnh đạo. Khi xảy ra xung đột, Mỹ cho rằng đây là một cơ hội để làm suy yếu một trong hai đối thủ lớn.
Ở mặt thứ hai, tôi cho rằng Mỹ cũng phải tính toán khả năng kéo dài. Bởi nếu cuộc chiến kéo dài thì cùng lúc, Mỹ sẽ phải đối phó với cả hai đối thủ lớn, họ sẽ phải phân tán lực lượng và không tập trung vào đối thủ lớn nhất là Trung Quốc.
Do đó, họ sẽ phải tính toán. Hơn nữa, nếu xung đột kéo dài, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ có tác động ngược đối với nền kinh tế phương Tây và kinh tế thế giới nói chung. Điều này còn tùy vào mức độ tác động như thế nào và phương Tây chống chịu được bao lâu.
Do vậy, Mỹ sẽ phải tính toán rằng nếu kết thúc xung đột bằng đàm phán có lợi cho Mỹ hoặc có lợi cho nhất định cho Ukraine, họ cũng có thể chấp nhận không kéo dài cuộc chiến, thay vào đó sẽ thúc đẩy đàm phán để tập trung vào những mục tiêu khác lớn hơn.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đàm phán để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột này?
ĐS Tôn Sinh Thành: Trước khi bàn về cơ hội đàm phán trong xung đột Nga - Ukraine, trước hết chúng ta phải hiểu một khái niệm rất cơ bản trong đàm phán đó là BATNA. BATNA là giải pháp thay thế cho đàm phán.
Tức là nếu các bên có giải pháp thay thế mạnh, ví dụ Nga và Ukraine có giải pháp thay thế, tức là dùng vũ lực, quân sự để đạt được mục tiêu của mình thì họ không cần đến đàm phán. Tuy nhiên, nếu biện pháp thay thế đó, biện pháp quân sự yếu, thì sẽ phải cần tới đàm phán.
Nhìn vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, chúng ta thấy cả hai bên đều mạnh về giải pháp thay thế, tức là giải pháp quân sự. Nga vẫn hy vọng có thể đạt được mục tiêu của mình bằng giải pháp quân sự, cho nên họ cũng không cần đàm phán.
Kể cả có đàm phán thì cũng đạt được kết quả rất ít, kết quả chỉ về mặt nhân đạo, trao đổi tù binh, nhưng không có giải pháp. Tuy nhiên, hiện giờ, chúng ta có thể hy vọng về một cơ hội đàm phán hòa bình bởi vì giải pháp thay thế BATNA của hai bên đã suy yếu.
Nga thấy rằng không thể nào đạt được mục tiêu của mình bằng giải pháp quân sự nữa, Ukraine cũng thế. Cục diện chiến trường quyết định rất nhiều đến triển vọng và kết quả trên bàn đàm phán. Do vậy, tôi cho rằng hiện có những tia sáng cuối đường hầm cho cuộc xung đột này.
Nghĩa là hai bên có những điều kiện, những cơ hội để ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Tất nhiên đàm phán có đạt kết quả hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bởi vì hiện nay lập trường và mục tiêu của hai bên rất khác nhau.
Hai bên đều muốn vùng lãnh thổ ở miền Đông, miền Nam Ukraine và cả Crimea. Nga quyết giữ những khu vực đó, Ukraine cũng quyết giành lại. Do vậy, cơ hội đàm phán tuy có nhưng việc kết thúc đàm phán rất khó khăn.
Các bên phải có những giải pháp rất sáng tạo mới có thể kết thúc cuộc xung đột này và có thể dẫn đến một cục diện là vừa đánh vừa đàm, nghĩa là tìm lợi thế trên chiến trường, sau đó lại đàm phán.
Thực tế, họ đã ngồi lại với nhau nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ rằng Ukraine và cả phương Tây đang muốn giành thêm một số lợi thế trên chiến trường trước khi ngồi vào đàm phán. Giải pháp thay thế BATNA của họ cũng yếu rồi, nên sớm muộn trong năm nay hoặc cùng lắm là năm tới, họ sẽ phải ngồi vào đàm phán.
ĐS Vũ Dương Huân: Lý thuyết của đàm phán là chỉ có thể giành được kết quả trên bàn đàm phán trên cơ sở giành được kết quả trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện nay chiến trường chưa dứt điểm, vẫn giằng co, nên đàm phán hiện nay rất khó khăn. Về ý chí, cả hai bên, đặc biệt là Ukraine không muốn đàm phán vì Ukraine dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây, đặc biệt về lĩnh vực quân sự, nên họ cảm thấy chưa đến lúc phải đàm phán.
Cơ hội đàm phán đến khi Nga thắng lớn trên chiến trường, ép Ukraine và phương Tây phải chấp nhận đàm phán, hoặc khi Ukraine thắng lớn buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. Điều này chưa thể khẳng định trong năm 2023 do cuộc xung đột đang trong tình thế rất giằng co.
Theo ông, cá nhân, quốc gia hoặc tổ chức nào có thể đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay?
ĐS Vũ Dương Huân: Nga và Ukraine rất cần trung gian hòa giải. Vậy, nước nào có thể làm trung gian hòa giải? Tiêu chí trước tiên, đó phải là bên có tầm cỡ nhất định, không phải một nước quá nhỏ. Thứ hai, nước đó phải có chính sách trung lập, nghĩa là có quan hệ tương đối tốt với cả Nga và Ukraine, khi đó họ mới có quan điểm khách quan.
Căn cứ vào hai tiêu chí đó, tôi nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất phù hợp với vai trò trung gian hòa giải. Thổ Nhĩ Kỳ vừa là thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ rất tốt với Nga, Tổng thống Recep Erdogan có quan hệ tốt với Tổng thống Putin. Thổ Nhĩ Kỳ tuy chưa phải là cường quốc thế giới, nhưng cũng là cường quốc khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng đóng vai trò trung gian hòa giải để Ukraine và Nga đàm phán với nhau vào tháng 3 năm năm ngoái.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể đảm nhiệm vai trò này bởi Ấn Độ có quan hệ rất tốt với Nga và có chính sách trung lập, không theo phương Tây để áp biện pháp trừng phạt Nga. Ấn Độ chưa phải cường quốc tầm thế giới nhưng cũng là cường quốc khu vực, một cường quốc mới nổi.
Một số người cho rằng, Trung Quốc có thể giữ vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên, theo tôi, điều này khó xảy ra.
Ngoài hai nước này, tôi có thể kể thêm một số phương án như Brazil, một quốc gia lớn trung lập trong khối BRICS có quan hệ tốt với cả hai bên. Một số người cũng đề xuất ý tưởng Israel làm trung gian, nhưng theo tôi là khó vì Israel là một nước nhỏ.
ĐS Tôn Sinh Thành: Về điều kiện cho trung gian hòa giải, điều kiện quan trọng nhất và khách quan nhất là sự chín muồi của việc trung gian hòa giải. Tôi thấy hiện nay tình hình đã chín muồi, vì hai bên gần như đã kiệt quệ, nên cần phải đi vào đàm phán. Với điều kiện là họ không đàm phán trực tiếp được với nhau, họ mới cần đến trung gian hòa giải.
Thực tế, Nga đã tuyên bố rằng họ không muốn qua trung gian hòa giải, vì lo sợ sự thiên vị. Ngoại trưởng Nga từng đề cập tới việc đó, vì vậy còn tùy thuộc vào việc họ có muốn trung gian hòa giải hay không.
Nếu hai bên cần trung gian hòa giải thì điều kiện thứ hai là ý chí chủ quan của các bên làm trung gian hòa giải. Bên trung gian phải trung lập. Chúng ta thấy rằng trong cuộc đàm phán để đạt được các thỏa thuận Minsk 1, 2, Pháp và Đức đã đứng ra làm trung gian.
Nhưng giờ đây Đức và Pháp không làm được nữa vì họ đã đứng hẳn sang phía Ukraine. Trung Quốc cũng vậy, họ được cho là đứng về phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã làm trung gian theo kiểu cung cấp địa điểm, còn Ấn Độ cũng có tiềm năng rất lớn nhưng điều đó còn tùy thuộc vào họ. Để làm được trung gian hòa giải đòi hỏi nhiều năng lực tinh tế hơn cả đàm phán.
Một phương án mà tôi nghĩ rằng cũng cần phải tính tới là các tổ chức quốc tế, ví dụ Liên hợp quốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã được nhắc tới là một bên có thể đứng ra trực tiếp làm trung gian hòa giải. Nga từng nói là sẵn sàng mời Tổng thư ký Liên hợp quốc làm trung gian hòa giải và Ukraine dường như cũng đồng ý với việc đó.
Tôi hy vọng khi hai bên thấy rằng là không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp đàm phán và cần sự hỗ trợ trung gian hòa giải, tôi nghĩ việc đàm phán và với sự hỗ trợ của bên thứ ba sẽ xảy ra.
Theo ông, bài học kinh nghiệm nào cần rút ra từ cuộc xung đột Nga - Ukraine?
ĐS Tôn Sinh Thành: Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn giữa các quốc gia lúc nào cũng có, vấn đề là giải quyết như thế nào. Tôi cho rằng không nên sử dụng vũ lực vì nó gây ra những thiệt hại ghê gớm và sẽ có những hậu quả khôn lường.
Cho nên, bài học ở đây là nếu có những tranh chấp, mâu thuẫn thì cố gắng ưu tiên giải pháp đối thoại, đàm phán, thay vì sử dụng vũ lực để giải quyết. Tôi nghĩ mọi việc sẽ giải quyết được nếu thực sự muốn hòa bình, còn nếu để những mâu thuẫn phát triển thành bế tắc tới mức không thể giải quyết, gây ra hậu quả.
Nói cho cùng, quốc gia phải tính toán lợi ích, nhưng tôi cho rằng có những tính toán sai. Tính toán lợi ích để dẫn đến những hậu quả thiệt hại cho cả hai bên, không những thế cho cả thế giới, khu vực nữa thì đó là tính toán sai.
Tôi nghĩ có lẽ bài học ở đây là chúng ta phải tính trước mọi hành động, cái gì có lợi chúng ta nên nghiêng về cái đó. Đây không phải đến nỗi bế tắc mà không thể giải quyết được. Có tranh chấp, mâu thuẫn có thể tồn tại rất lâu. Nhưng giờ đây nếu lựa chọn giải pháp chiến tranh, xung đột hay dùng vũ lực thì tôi nghĩ là không nên.
ĐS Vũ Dương Huân: Một bài học kinh nghiệm rút ra là câu chuyện giữa nước lớn, nước nhỏ. Ukraine phải thấy vị trí địa chiến lược của mình là gì. Ukraine nằm giữa một bên là phương Tây, một bên là Nga, hai bên đều lớn thì Ukraine phải nhận thức địa chiến lược để thực thi đường lối đối ngoại cho hợp lý.
Đường lối chính sách phù hợp là phải cân bằng quan hệ với phương Tây và cân bằng quan hệ với Nga. Một bài học rút ra là trong quan hệ nước lớn - nước nhỏ là phải biết được cân bằng quan hệ, suy nghĩ xem địa chính trị của mình ở đâu và có chính sách địa chính trị hợp lý, cân bằng.
Nội dung: Thành Đạt - Ảnh: Hữu Nghị
Video: Phạm Tiến - Thiết kế: Ngọc Diệp