DMagazine

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine

(Dân trí) - Sau khi để mất nhiều khí tài quân sự hiện đại vào tay Ukraine, Nga đang phải đối mặt với nguy cơ bị lộ bí mật quân sự trong xung đột kéo dài với Kiev.

NGUY CƠ LỘ BÍ MẬT QUÂN SỰ: LỜI CẢNH TỈNH VỚI QUÂN ĐỘI NGA TẠI UKRAINE

Quân đội Nga đã để mất nhiều khí tài quân sự hiện đại vào tay Ukraine kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được Moscow phát động hồi tháng 2/2022. Điều này khiến nguy cơ lộ bí mật quân sự trở nên hiển hiện hơn bao giờ hết với Nga.

Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, gần một năm đã trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine - 1
Các binh sĩ Ukraine chụp ảnh trên một xe tăng thu được từ Nga tại thành phố Izium (Ảnh: Reuters).

Trong suốt hơn 11 tháng của cuộc xung đột trên, quân đội Nga đã để mất nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại, có giá trị sử dụng cao vào tay các lực lượng Ukraine. Điều này khiến cho quân đội Nga phải đối mặt với nguy cơ bị lộ những thông tin quân sự tuyệt mật mà những vũ khí này chứa đựng.

Loạt khí tài quan trọng bị thu giữ

Việc để quân đội Ukraine thu giữ khí tài quân sự đã diễn ra một cách rải rác với Nga kể từ khi xung đột giữa 2 quốc láng giềng nổ ra. Tuy nhiên, vấn đề này bắt đầu được đặc biệt chú ý kể từ sau khi quân đội Nga buộc phải rút khỏi Kharkov sau đòn phản công chớp nhoáng của Ukraine hồi tháng 9/2022.

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine - 2
Một tổ hợp UAV Orlan-10 còn nguyên vẹn của Nga bị thu giữ ở Kharkov (Ảnh: Defense Express).

Việc rút quân vội vàng ra khỏi Kharkov đã khiến quân đội Nga phải đối mặt với nguy cơ lộ những bí mật quân sự do nhiều khí tài có giá trị của lực lượng này đã bị các binh sĩ Ukraine thu giữ.

Những vũ khí kể trên, bao gồm cả radar phản pháo Zoopark-1M, tổ hợp UAV Orlan-10 cùng đài chỉ huy và tài liệu hướng dẫn sử dụng, xe chỉ huy hỏa lực 1B14, mìn chống tăng PTKM-1R hay tên lửa phòng không "Ong bắp cày" Osa-AKM, đều chứa đựng nhiều công nghệ quân sự tiên tiến của Nga.

Đặc biệt, sau chiến dịch phản công tại Kharkov, quân đội Ukraine đã lần đầu tiên thu giữ siêu tăng T-90M "Proryv", một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của Moscow. "Sát thủ chiến trường" này được trang bị nhiều công nghệ mới và vô cùng hiện đại như hệ thống quan sát đa kênh và trao đổi thông tin tác chiến thời gian thực, lớp phủ Nakidka có khả năng hấp thụ sóng radar, giáp phản ứng nổ tiên tiến Relikt hay hệ thống phòng vệ Shtora-M.

Sau chiến thắng chiến lược tại Kharkov, cục diện chiến trường đã đổi chiều theo hướng có lợi hơn cho quân đội Ukraine. Với sự hỗ trợ của các vũ khí hiện đại do những đồng minh phương Tây chuyển giao, Kiev đã bắt đầu nhiều đợt phản công, qua đó đẩy lùi quân đội Nga khỏi vị trí kiểm soát tại một số mặt trận ở miền Đông và miền Nam nước này.

Trong các đợt phản công nêu trên, nhiều vũ khí khác của Nga tiếp tục bị phía Ukraine thu giữ. Tiêu biểu trong số này là tổ hợp radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" được sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Đây là radar tiên tiến và được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại của Nga. Được thiết kế để truy tìm mục tiêu cỡ nhỏ và chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa của tổ hợp phòng không S-300 và S-400, radar này có tầm hoạt động lên tới 300km ở độ cao 10km.

Việc liên tục để mất những vũ khí có giá trị đã khiến giới quan sát quân sự tại Moscow không thể ngồi yên. Nhiều chỉ trích đã được đưa ra nhằm về phía các binh sĩ của lực lượng thân Nga tại Ukraine. Các chỉ trích này đa phần có chung một nội dung, đó là chê trách các binh sĩ này đã quên việc phá hủy các trang thiết bị quân sự trước khi rút lui nhằm tránh để đối phương thu thập các thông tin tình báo hữu dụng. Đây được xem là một nguyên tắc tối quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

Những nguy cơ hiển hiện

Việc bỏ lại một cách nguyên vẹn những khí tài trên khiến giới quan sát bày tỏ sự lo ngại về việc nhiều công nghệ quân sự hiện đại của Nga sẽ rơi vào tay không chỉ quân đội Ukraine mà còn là lực lượng tình báo nhiều nước đồng minh phương Tây của Kiev. Những công nghệ quân sự này, sau khi được phân tích và "mổ xẻ", có thể giúp Ukraine tìm ra được những điểm yếu của vũ khí Nga, qua đó tìm ra cách đối phó hiệu quả.

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine - 3
Tổ hợp tên lửa phòng không 9K33 Osa-AKM của Nga được tìm thấy tại Kharkov (Ảnh: Twitter).

Mối lo ngại trên đã phần nào được chứng minh ngay trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Trong 9 tháng đầu tiên của chiến dịch này, chiếc xe tăng T-90M "Proryv" bị thu giữ tại Kharkov là "sát thủ chiến trường" duy nhất mà Nga bị mất ở Ukraine. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ và thu giữ thêm 9 xe tăng T-90M khác của Nga. Giới chuyên gia quân sự tại Moscow nhận định những thông tin thu được sau khi phân tích chiếc xe tăng đầu tiên bị thu giữ đã góp phần giúp Ukraine tìm ra một số điểm yếu, qua đó nghiên cứu chiến thuật tấn công hợp lý nhằm ngăn chặn loại xe tăng đầy uy lực này.

Ngoài ra, vào đầu tháng 1/2023, những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy quân đội Ukraine đã thu giữ được một phiên bản đặc biệt dùng để tấn công mặt đất của UAV trinh sát và cảnh giới Orlan-10 của Nga. Theo đó, các binh sĩ Ukraine đã sử dụng một hệ thống tác chiến điện tử để chế áp và buộc máy bay không người lái Nga phải hạ cánh.

Việc chế áp thành công UAV Orlan-10 được cho là có sự giúp sức của các tài liệu hướng dẫn sử dụng, đài ăng ten chỉ huy và thiết bị điều khiển mà quân đội Ukraine thu được của Nga tại Kharkov. Ngay sau khi phát hiện ra "món quà" vô cùng giá trị này, nhiều kỹ sư của quân đội Ukraine đã tuyên bố sẽ sử dụng chúng để chế tạo các đài chỉ huy giả nhằm cản trở hoạt động thậm chí là "bắt sống" các UAV Orlan-10 của Nga trong tương lai.

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine - 4

Nhiều xe tăng và xe bọc thép chở quân của Nga đã bị bắn cháy hoặc thu giữ tại Ukraine (Ảnh: AP).

Để mất nhiều vũ khí tại chiến trường Ukraine cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Wilson, một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Mỹ, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới và chiếm khoảng 20% thị trường toàn cầu. Hàng năm, ngành công nghiệp này mang lại cho Moscow trung bình khoảng 15 tỷ USD và tạo ra việc làm cho hàng chục ngàn người lao động.

Tuy nhiên, việc bị lộ nhiều công nghệ quân sự, dẫn đến nguy cơ đối phương có thể nghiên cứu và tìm ra cách thức đối phó, sẽ khiến nhiều khách hàng tiềm năng "chùn bước" trước khi quyết định ký hợp đồng mua vũ khí Nga. Thêm vào đó, việc bị Ukraine thu giữ cũng phần nào đó chứng minh những lỗ hổng trong hiệu suất hoạt động của nhiều loại vũ khí được mệnh danh là hiện đại và có tiềm năng xuất khẩu của Nga như xe tăng T-90 hay UAV Orlan-10. Những yếu tố này, cùng với những lệnh trừng phạt dày đặc mà phương Tây ban hành nhằm vào Moscow trong suốt thời gian qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Thêm vào đó, nhiều vũ khí hạng nặng như xe tăng và xe bọc thép bị Nga bỏ lại còn được quân đội Ukraine nhanh chóng sửa chữa và đem vào tái trang bị để chống lại chính lực lượng Nga.

Trong một thông báo được đưa ra vào tháng 11/2022, bà Nataliia Humeniuk, người đứng đầu văn phòng báo chí của Bộ Tư lệnh tác chiến phía Nam Ukraine, xác nhận quân đội Nga đã bỏ lại tại thành phố Kherson nhiều lựu pháo, xe tăng và xe bọc thép trước khi rút lui. Bà đồng thời tuyên bố số vũ khí này sẽ nhanh chóng được sửa chữa và đưa vào phục vụ trong biên chế quân đội Ukraine.

Bài học từ quá khứ

Trong quá khứ, quân đội Liên Xô, tiền thân của quân đội Nga sau này, đã từng nhiều lần phải trả giá khi một số công nghệ quân sự của lực lượng này lọt vào tay các quốc gia đối thủ tại phương Tây. Một trong những phi vụ lộ công nghệ quân sự nổi tiếng nhất mà Liên Xô từng gặp phải là cuộc đào tẩu của phi công Viktor Ivanovich Belenko cùng tiêm kích siêu thanh MiG-25.

Nguy cơ lộ bí mật quân sự: Lời cảnh tỉnh với quân đội Nga tại Ukraine - 5
Tiêm kích MiG-25 được phi công Viktor Ivanovich Belenko điều khiển hạ cánh xuống Nhật Bản (Ảnh: NHK).

Ngày 6/9/1976, khi đang trong buổi bay huấn luyện thường kỳ, viên trung úy phi công Viktor Ivanovich Belenko đã tìm cách tách khỏi đội hình, bay thấp để tránh radar giám sát và đào tẩu về phía không phận Nhật Bản. Hai tiêm kích F-4 Phantom của Tokyo lập tức được lệnh lao lên đánh chặn máy bay Liên Xô nhưng đành bất lực vì tốc độ quá khủng khiếp của MiG-25.

Chỉ đến khi Belenko hạ cánh xuống sân bay Hakodate, giới chức Nhật Bản cùng toàn bộ lực lượng tình báo phương Tây mới vỡ òa vì "món quà từ trên trời rơi xuống này" chính là loại vũ khí bí ẩn của Liên Xô mà từ lâu Mỹ và các đồng minh đã muốn sở hữu.

Được thiết kế và chế tạo bởi Cục Thiết kế Mikoyan - Gurevich từ những năm 1960, vào thời điểm đó, MiG-25 chính là tiêm kích với tốc độ lớn nhất thế giới khi đạt tốc độ Mach 3 (khoảng 3.700km/h). Trong những lần chạm chán hiếm hoi, các tiêm kích hiện đại nhất của phương Tây ở thời điểm đó đều bị MiG-25 cho "hít khói".

Giới chức tình báo Mỹ, thông qua Trung tâm tình báo không quân và không gian quốc gia, đã lập tức tháo rời chiếc MiG-25 đào tẩu để kiểm tra. Những phát hiện sau đó đã làm bất ngờ với nhiều chuyên gia Mỹ. Thay vì sử dụng bóng bán dẫn hiện đại, tiêm kích MiG-25 chỉ được trang bị những bóng đèn điện tử chân không. Tuy nhiên, đây lại là một thiết kế rất thông minh khi nó cho phép MiG-25 bay trong điều kiện bị gây nhiễu xung điện từ mạnh. Với thiết kế này, MiG-25 sẽ là máy bay duy nhất trên thế giới có thể cất cánh trong điều kiện chiến tranh hạt nhân xảy ra. Bên cạnh đó, động cơ của MiG-25 cũng được thiết kế rất hiệu quả và giúp máy bay này tạo ra lực đẩy mạnh mẽ hơn dù thải ra ít muội than hơn.

Nhiều điểm yếu của tiêm kích MiG-25 cũng đã bị người Mỹ khám phá, chẳng hạn như việc nhiệt độ của máy bay bị tăng bất thường khi bay với tốc độ quá cao. Ngoài ra, Liên Xô đã buộc phải thiết kế lại hệ thống radar cho tiêm kích siêu thanh này do tính năng của radar cũ đã bị người Mỹ giải mã cùng với sự hỗ trợ của bộ tài liệu hướng dẫn vận hành máy bay.

Tùng Nguyễn

Theo Asia Times, Guardian, Defense Express

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine