Những vũ khí phương Tây tiếp sức cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga
(Dân trí) - Kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine gần một năm trước, phương Tây đã chuyển giao nhiều vũ khí cho Kiev dựa trên tình hình trên chiến trường.
Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai, Mỹ và các đồng minh cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi cần. Lãnh đạo các nước này cho biết, mục tiêu của họ là giúp Ukraine giành chiến thắng trên chiến trường để có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán, khôi phục lại lãnh thổ đã bị Nga kiểm soát.
Theo số liệu của Viện Kiel, trong giai đoạn từ ngày 24/1/2022 đến 20/11/2022, các thành viên NATO đã cam kết cấp ít nhất 80,5 tỷ USD bao gồm cả quân sự, tài chính và nhân đạo.
Trong đó, Mỹ là nước hỗ trợ lớn nhất với ít nhất 24,5 tỷ USD viện trợ quân sự, hơn 16 tỷ USD tài chính, 10,6 tỷ USD nhân đạo. Anh viện trợ nhiều thứ hai với 7,6 tỷ USD, Đức 5,8 tỷ USD.
Chính sách viện trợ vũ khí được phương Tây thực hiện tùy thuộc vào tình hình thực địa trên chiến trường Ukraine. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, họ chủ yếu cấp cho Kiev những vũ khí phòng thủ, cỡ nhỏ như tên lửa phòng không vác vai. Cùng với tính chất ngày càng phức tạp và khốc liệt của cuộc chiến, phương Tây đáp ứng nhu cầu khí tài ngày càng cao hơn của Ukraine từ hệ thống phòng không đến xe tăng chiến đấu hạng nặng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn coi máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa là "vùng cấm" trong chính sách viện trợ.
Vũ khí phòng thủ
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát lệnh mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, phương Tây bắt đầu giao vũ khí cho Kiev.
Từ tháng 2 đến tháng 3/2022, Ukraine đã nhận được hơn 40.000 vũ khí nhỏ và hạng nhẹ (súng lục, súng trường, súng tiểu liên), 17.000 tên lửa phòng không vác vai, 25.000 mũ bảo hộ và 30.000 áo chống đạn, theo dữ liệu của Viện Kiel của Đức, đơn vị theo dõi số vũ khí được cam kết và chuyển giao cho Ukraine.
Trong đó, Hy Lạp đã gửi 20.000 khẩu súng trường AK-47, còn Mỹ gửi 6.000 khẩu Manpad, 5.000 khẩu súng trường Colt M4 và 2.000 tên lửa chống tăng cầm tay Javelin. Thụy Điển cũng đóng góp 10.000 khẩu Manpad, Cộng hòa Séc 5.000 súng trường tấn công Vz58 và 3.200 súng máy Vz59.
Những vũ khí và thiết bị này dễ vận chuyển, tiếp nhận và triển khai trong trường hợp khẩn cấp.
Pháo và bệ phóng tên lửa
Sau khi quân đội Ukraine kháng cự quyết liệt ở Kiev và thành phố Kharkov, quân đội Nga đã rút lui khỏi những khu vực này vào cuối tháng 3/2022 để tập trung tấn công vào miền Đông và miền Nam.
Trong bối cảnh một trận chiến lớn sắp xảy ra ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, phương Tây bắt đầu cung cấp các loại pháo, bao gồm cả lựu pháo và bệ phóng tên lửa, để giúp Ukraine đánh vào phía sau chiến tuyến của Nga, phá hủy kho đạn dược và làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của đối phương.
Đến mùa thu năm ngoái, 321 khẩu lựu pháo đã được chuyển giao, trong đó có 18 khẩu Caesar của Pháp, cùng với 120 xe bộ binh, 49 bệ phóng rocket, 24 trực thăng tấn công, hơn 1.000 máy bay không người lái của Mỹ và 280 xe tăng do Liên Xô chế tạo, chủ yếu do nước láng giềng Ba Lan gửi đến.
Tên lửa đất đối không
Sau khi rút lui về mặt trận miền Đông và miền Nam, Nga tiếp tục tập kích các thành phố trên khắp Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái mang chất nổ, nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine.
Kiev khi đó đã yêu cầu viện trợ các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại mối đe dọa này. Mỹ quyết định gửi 8 hệ thống tên lửa, Anh cam kết 6, Tây Ban Nha là 4 và Đức là 1.
Vào tháng 12/2022, Washington đồng ý cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot, được coi là một trong những hệ thống phòng không tốt nhất trên thế giới.
Xe tăng hiện đại
Trong vài tháng qua, cuộc xung đột Nga -Ukraine đã biến thành cuộc chiến tiêu hao vũ khí ở mặt trận miền Đông. Lực lượng Nga đã tăng cường tấn công vào thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, trung tâm của trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải liên tục kêu gọi phương Tây gửi xe tăng tối tân để Kiev có thể tiếp tục phản công. Anh là nước đầu tiên hứa hẹn cung cấp 14 xe tăng chiến đấu Challenger 2 cho Kiev.
Sau đó, Đức cũng đồng ý cung cấp 14 xe tăng Leopard, được coi là một trong những loại xe tăng tốt nhất trên thế giới, đồng thời bật đèn xanh cho các quốc gia khác tái xuất một số xe tăng Leopard trong kho dự trữ của họ. Ngoài ra, Đức cam kết viện trợ ít nhất 100 xe tăng Leopard 1 cũ hơn, trong khi Mỹ cho biết sẽ gửi 31 xe tăng Abrams.
Xe tăng là một yếu tố có thể thay đổi tình thế của cuộc chiến, đặc biệt đối với Ukraine - nước cho đến nay vẫn dựa vào các vũ khí từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua cung cấp khí tài cho Ukraine chưa dừng ở đó. Ba Lan cho biết sẵn sàng hỗ trợ Ukraine máy bay chiến đấu F-16 nếu các thành viên NATO nhất trí.