(Dân trí) - Giữa vòng vây của quân đội Nga và lực lượng ly khai, nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol trở thành "pháo đài cuối cùng" cho các đơn vị chiến đấu còn lại của Ukraine.
VÌ SAO NGA KHÓ KIỂM SOÁT AZOVSTAL - "PHÁO ĐÀI CUỐI CÙNG" Ở MARIUPOL?
Giữa vòng vây của quân đội Nga và lực lượng ly khai, nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol trở thành "pháo đài cuối cùng" cho các đơn vị chiến đấu còn lại của Ukraine.
Những tiếng nổ ầm ầm, khói bốc lên dày đặc trong tuần này khu vực sản xuất gang thép ở thành phố Mariupol cho thấy mức độ khốc liệt của các cuộc giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine tại một trong những thành phố cảng chiến lược này.
"Khói lửa được nhìn thấy bốc lên từ một số tòa nhà ở khắp khu vực phía Tây và phía Đông của thành phố cũng như trong và gần nhà máy sản xuất gang thép Azovstal, nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt giữa lực lượng Nga và Ukraine", Maxar, một công ty vệ tinh tư nhân của Mỹ, cho biết trong tuần này.
Theo Reuters, nhà máy gang thép Azovstal đã trở thành "pháo đài cuối cùng" của lực lượng Ukraine ở Mariupol trước vòng vây của quân đội Nga và phe ly khai.
Mariupol, miền Nam Ukraine, là thành phố cảng chiến lược trên bờ Biển Azov. Nếu giành quyền kiểm soát Mariupol, Nga có thể thiết lập một hành lang giữa Nga, khu vực Donbass và bán đảo Crimea, cũng như kiểm soát hoàn toàn Biển Azov.
TỪ NHÀ MÁY ĐẾN PHÁO ĐÀI
Azovstal là một một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu, nằm ở phía Đông của cảng miền Nam Ukraine. Khu công nghiệp này nhìn ra Biển Azov, có diện tích hơn 11 km2 với nhiều tòa nhà, lò luyện kim, cùng một mê cung các con đường và hầm ngầm.
Trong thời bình, nhà máy Azovstal sản xuất khoảng 4 triệu tấn thép mỗi năm và 3,5 triệu tấn kim loại nóng, 1,2 triệu tấn thép cuộn. Cũng giống như Illich nhà máy gang thép khác ở Mariupol đã bị phía Nga kiểm soát, nhà máy Azovstal thuộc Metinvest, tập đoàn do Rinat Akhmetov, tỷ phú giàu nhất Ukraine kiểm soát. Hôm 15/4, công ty Metinvest cho biết cuộc bao vây của Nga ở Mariupol đã vô hiệu hóa hơn 1/3 năng lực luyện kim của Ukraine.
Hãng tin AP dẫn lời cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine là Vadym Denysenko hôm 19/3 cho biết trên truyền hình: "Một cuộc chiến đang diễn ra vì Azovstal. Trên thực tế, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở châu Âu đang thực sự bị phá hủy".
Tỷ phú Akhmetov đã phải chứng kiến đế chế kinh doanh của mình bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột kéo dài suốt 8 năm qua ở miền Đông Ukraine, nhưng ông vẫn tin vào một ngày phục hồi. Ông gọi những người trụ lại Mariupol là "những người lính dũng cảm". Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết Mariupol - nơi 90% hạ tầng bị phá hủy bởi các cuộc giao tranh.
Một phó chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga cho biết trên kênh truyền hình quốc gia Nga đầu tuần này rằng, Moscow đã chiếm được 80% thành phố cảng Mariupol, nhưng lực lượng của Ukraine tiếp tục kháng cự, tìm cách "lui về phía nhà máy Azovstal". Ông này mô tả nhà máy Azovstal như một "pháo đài trong thành phố", thậm chí pháo đài cuối cùng. Trước đó, phía Nga nói rằng, 1.000 quân nhân thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine đã tự nguyện hạ vũ khí và đầu hàng ở khu vực nhà máy luyện kim Illich. Tuy nhiên, Ukraine phủ nhận thông tin này và cho biết, những lực lượng còn lại của lữ đoàn 36 đã hội quân với Tiểu đoàn Azov - một đơn vị khác cũng đang chiến đấu bảo vệ Mariupol của Ukraine.
Theo ước tính của phe ly khai, khoảng 1.500 đến 3.000 quân nhân của Ukraine đang tập trung tại Azovstal, gồm lính thủy đánh bộ Ukraine, lữ đoàn cơ giới, lữ đoàn vệ binh quốc gia và thành viên Tiểu đoàn Azov - một lực lượng dân quân được thành lập bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, sau này trở thành một phần của lực lượng quân sự Ukraine. Lực lượng này được tin là sử dụng hệ thống đường hầm ở khu công nghiệp Azovstal xây dựng từ thời Liên Xô để làm nơi phòng thủ.
Thực tế, ngay từ đầu cuộc chiến, Tiểu đoàn Azov, một trong những đơn vị cánh hữu thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine tham gia bảo vệ Mariupol, đã xác định các vị trí tại nhà máy này là tuyến phòng thủ chính. Một trong những người sáng lập của Tiểu đoàn Azov, ông Andriy Biletskiy, đã gọi Azovstal là "pháo đài của Azov".
VÌ SAO NGA KHÓ KIỂM SOÁT AZOVSTAL?
Ngày 11/4, đại diện lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) của phe ly khai, ông Eduard Basurin, việc tấn công vào các công sự ngầm của Azovstal ở Mariupol không có nhiều ý nghĩa. Ông này cho rằng sẽ rất khó kiểm soát các cơ sở dưới lòng đất, quân đội Nga và lực lượng dân quân Donetsk sẽ bị tổn thất đáng kể.
Do đó, Nga và lực lượng ly khai Ukraine đã sử dụng cách khác để loại bỏ phòng tuyến cuối cùng của Ukraine ở Mariupol. Họ liên tục pháo kích, dội hỏa lực vào khu vực nhà máy nhiều tuần qua, song đến nay vẫn chưa thể giành quyền kiểm soát Azovstal.
Trước đó, ông Basurin nói: "Hiện tại, chúng ta cần phong tỏa hoàn toàn nhà máy này, tìm và chặn tất cả các lối ra, vào. Sau đó, tôi nghĩ chúng ta nên chuyển sang đội quân hóa học".
Ukraine cho biết họ đang kiểm chứng liệu Nga và phe ly khai có sử dụng vũ khí hóa học ở Mariupol hay không. Việc sử dụng vũ khí hóa học bị coi là vi phạm Công ước Cấm vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông Bassurin bác bỏ việc sử dụng bất kỳ vũ khí hóa học nào ở Azovstal. Ông giải thích, quân đội hóa học là sử dụng súng phóng lựu nhiệt áp RPO-A Shmel như một kỹ thuật chiến đấu trong điều kiện tương tự.
Về lý do Azovstal được coi là thành trì của quân đội Ukraine ở Mariupol, ông Oleh Zhdanov, một nhà phân tích quân sự tại Kiev, nhận xét: "Nhà máy Azovstal là một khu vực rộng lớn với rất nhiều tòa nhà mà phía Nga khó có thể phát hiện lực lượng phòng thủ Ukraine. Đó là lý do tại sao có những lo ngại rằng Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công hóa học vì đó là cách duy nhất để dụ các lực lượng phòng thủ Ukraine ra ngoài".
Sergiy Zgurets, một nhà phân tích quân sự, cũng cho rằng: "Azovstal là khu vực rộng lớn với các nhà xưởng kiên cố không thể bị phá hủy từ trên không và đó là lý do tại sao Nga sử dụng bom hạng nặng ở đây".
Nhà máy Azovstal được cho là được Liên Xô thiết kế để có thể duy trì năng lực sản xuất trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân của NATO. Tổ hợp này có tổng cộng 6 công trình ngầm dài khoảng 24 km được xây dựng bằng bê tông cốt thép với địa hình phức tạp. Phần đỉnh công trình ngầm là bê tông cốt thép dày 8 m có thể chống chịu một cuộc tấn công hạt nhân và một cuộc tấn công trực tiếp bằng bom hạt nhân chiến thuật. Các đường hầm dưới lòng đất được mở rộng ra tất cả các hướng.
Tiến sĩ Aglaya Snetkov, một chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh của Nga tại Đại học Hoàng gia London, nhận định điều khiến cơ sở xây dựng từ thời Liên Xô này khó bị chinh phục là bởi nó được xây dựng kiên cố và rất rộng lớn. Theo chuyên gia này, cuộc giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy Azovstal cho thấy phía Nga dường như đang gặp thách thức khi tác chiến đô thị và cố gắng nhắm vào những nơi có nhiều quân của đối phương nhất.
BBC dẫn nhận định của chuyên gia tình báo Justin Crump cho rằng, Nga đang áp dụng chiến thuật tiêu hao kéo dài, nghĩa là bao vây, cắt đứt đường tiếp viện vũ khí đạn dược, lương thực và liên tục tập kích vào khu vực phòng thủ của lực lượng Ukraine ở Azovstal. Ông nói, quân đội Nga đã dựa vào các hệ thống pháo tự hành hạng nặng 240mm để liên tục phá hủy các kiến trúc nơi binh sĩ của Ukraine trú ẩn, sau đó mới tiến hành tấn công bằng bộ binh để giảm thiểu thương vong cho quân đội của họ.
CƠ HỘI PHÁ VÂY MONG MANH
Mặc dù, Azovstal được coi là "pháo đài" kiên cố, nhưng liệu lực lượng của Ukraine có thể phá được vòng vây của quân đội Nga và phe ly khai hay không là một vấn đề hoàn toàn khác.
Chuyên gia phân tích quân sự Zhdanov nói rằng, cơ hội để lực lượng Ukraine phá vòng vây rất mong manh. "Không ai đoán được liệu Ukraine còn bao nhiêu lương thực và đạn dược, nhưng họ không có lối thoát. Họ đã bị bao vây từ mọi phía và phải chiến đấu đến cùng", ông nói.
Reuters dẫn nguồn tin an ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, rất khó để xác định liệu quân đội Ukraine có thể chống trả bao lâu, song mặt khác, việc Azovstal có các khu công nghiệp phức hợp, với nhiều hệ thống đường hầm bên dưới cũng khiến Nga khó chiếm được toàn thành phố Mariupol.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng binh sĩ Ukraine có thể phá vòng vây của lực lượng Nga ở Mariupol nếu được cung cấp tiêm kích, pháo hạng nặng. "Nếu có đủ tiêm kích, xe thiết giáp chở quân và pháo binh, chúng tôi có thể hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt để phá vòng vây ở Mariupol", Tổng thống Zelensky phát biểu hôm 11/4.
Theo ông, Ukraine vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí từ các đối tác và không nhận được nhiều khí tài cần thiết để kết thúc xung đột sớm hơn. Khoảng 30 nước phương Tây đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng chủ yếu là tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai. Gần đây, một số nước, trong đó có Mỹ và Anh, cam kết sẽ chuyển các xe bọc thép cho Ukraine. Cộng hòa Séc trở thành thành viên NATO đầu tiên cung cấp cho Ukraine các xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất.
Phương Tây đến nay vẫn chưa cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev do lo ngại nguy cơ làm leo thang căng thẳng và dẫn tới xung đột trực tiếp với Nga. Slovakia là quốc gia châu Âu duy nhất cung cấp một tổ hợp phòng không S-300 cho Ukraine.
Minh Phương
Theo Reuters, BBC, Washington Post