Quốc Đạt

Ukraine khó "cai" vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt

Kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt", Mỹ và đồng minh đã gửi cho Ukraine số đạn dược, tên lửa và xe tăng trị giá gần 100 tỷ USD, theo số liệu tính tới hết tháng 10/2023 của Viện Kiel (Đức).

Nhưng sau gần 2 năm, dòng chảy viện trợ đã bắt đầu dao động.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine tới chừng nào cần thiết. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ với mức viện trợ quân sự như năm 2022 và 2023", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, nói ngày 5/1.

Nhà Trắng đã cạn tiền viện trợ cho Ukraine, trong khi khoản 60 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Châu Âu cũng chậm phê duyệt gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine trong 4 năm tới do sự phản đối của Hungary.

Ngay cả trong trường hợp tốt nhất là ý chí chính trị của phương Tây không lay chuyển, đến một lúc nào đó, Mỹ và đồng minh cũng sẽ "lực bất tòng tâm" vì chính kho vũ khí của họ đang dần cạn kiệt.

Trong bối cảnh ấy, Ukraine muốn dần "cai nghiện" vũ khí phương Tây và bắt đầu phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của chính mình. Kiev thậm chí còn đặt mục tiêu tham vọng: Trở thành xưởng vũ khí của phương Tây.

"Chúng tôi trước giờ vẫn tự quảng bá mình là rổ bánh mì của châu Âu", Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược của Ukraine, ông Oleksandr Kamyshin, nói với Guardian. "Lúc này, chúng tôi muốn tái quảng bá mình là kho vũ khí của thế giới tự do".

Nhưng mục tiêu ấy không hề dễ dàng thực hiện, kể cả là ngay giữa thời bình.

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 1
Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 2

Trái: Ảnh chụp từ video cho thấy xuồng không người lái của Ukraine tiếp cận con tàu ngoài khơi Novorossiysk, Nga. Phải: Ảnh vệ tinh cho thấy cây cầu nối Nga với Crimea bị hư hại sau vụ nổ mà Ukraine tuyên bố nhận trách nhiệm (Ảnh: AP, Maxar/AFP/Getty).

Từ thịnh tới suy rồi tái khởi động

Nếu ngược dòng lịch sử, có thể thấy rằng Kiev từng là một trong những nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Ukraine là một phần của Liên Xô.

Ukraine Xô Viết là nơi đặt 750 nhà máy quân sự, bao gồm các xưởng đóng tàu và nhà máy sản xuất động cơ trực thăng, tên lửa đạn đạo, xe tăng và hệ thống liên lạc vô tuyến. Ngay trước khi Liên Xô tan rã, Ukraine chiếm tới 30% sản lượng quốc phòng của nước này.

Đối với Moscow, việc đặt các nhà máy quân sự tại Ukraine là điều hợp lý, theo cây bút Daniel Block đánh giá trên Atlantic, vì nơi đây nằm ở sườn phía đông nam Liên Xô, có vị trí then chốt trong ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây.

Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine được thừa hưởng kho vũ khí quân sự khổng lồ, bao gồm 780.000 quân, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu, 500 tàu chiến, 176 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và 1.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Denys Kiryukhin - nhà nghiên cứu về các nước hậu Xô Viết - nói với phóng viên Dân trí.

Sau khi độc lập, Ukraine bắt đầu giảm dần quy mô kho vũ khí trên bằng cách chuyển giao cho Nga hoặc tiêu hủy. Lực lượng Vũ trang Ukraine không cảm thấy sự cấp thiết phải mua thêm vũ khí và cũng không được cấp ngân sách cho mục đích này.

Do quân đội có nhu cầu thấp, các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng Ukraine phải dựa vào xuất khẩu để tồn tại. Xuất khẩu vũ khí từ Ukraine chủ yếu cho Nga do nhu cầu toàn cầu đối với công nghệ thời Xô Viết giảm dần.

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 3

Nhà máy tên lửa Yuzhmash của Ukraine ở Dnipro trong thời Xô Viết (Ảnh: Getty).

Tình trạng thiếu kinh phí cũng đã đẩy các kỹ sư có trình độ của Ukraine ra đi do sức hút của các ngành công nghiệp khác và lời hứa hẹn mức lương cao hơn, Thomas Laffitte, nghiên cứu viên khu vực Á - Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ), nói với phóng viên Dân trí. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine trở nên suy yếu.

Năm 2014, sự kiện Nga tuyên bố sáp nhập Crimea và bùng nổ xung đột ở Donbas đã trở thành hồi chuông báo động cho Ukraine, buộc quân đội nước này tăng cường mua vũ khí.

Số đơn đặt hàng của quân đội với các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh. Ukraine cũng đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng. Chính công tác cải cách ấy đã góp phần giúp Ukraine trụ vững trước đợt tấn công đầu tiên của Nga.

"Nga rõ ràng đã đánh giá thấp công tác cải cách quân đội và công nghiệp quốc phòng mà Ukraine thực hiện trong giai đoạn 2014-2022", ông Kiryukhin nói. "Sai lầm ấy đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát Ukraine bị thất bại".

Ukraine vẫn đang trong quá trình cải cách ngành công nghiệp quốc phòng, như việc tái cơ cấu tập đoàn nhà nước Ukroboronprom (UOP) - nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Ukraine, quản lý trong tay hơn 130 công ty nhà nước.

Tháng 6/2023, UOP giải thể và được chuyển thành công ty cổ phần Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (UDI) với 100% cổ phần do nhà nước nắm giữ. Động thái nhằm mở đường cho chuyển giao công nghệ, lập liên doanh với đối tác nước ngoài, thu hút đầu tư…

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 4

Công nhân Ukraine cải tiến xe bọc thép chở quân cho tại nhà máy thiết giáp ở Kiev, Ukraine vào năm 2016 (Ảnh: Getty).

Những bước đi đầu tiên

Cả Kiev và Moscow đều tỏ ra chưa sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán mà dường như đang đặt hy vọng vào việc mình có thể chịu đau lâu hơn bên kia.

Nhưng trong khi phương Tây bắt đầu có dấu hiệu dao động trong viện trợ cho Ukraine, Nga đã "lên dây cót" cho nền kinh tế và ngành công nghiệp quốc phòng phục vụ cuộc xung đột dài hơi.

"Chúng ta đang tăng sản lượng lên gấp nhiều lần, không phải vài phần trăm mà là vài lần", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hồi tháng 10/2023 về sản lượng khí tài quân sự.

Giới lãnh đạo Ukraine hiểu rằng họ phải tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước để giảm phụ thuộc vào phương Tây. Các nước đồng minh nhiều khả năng sẽ sẵn sàng hỗ trợ Kiev trên phương diện này hơn là những khoản viện trợ trực tiếp gây tranh cãi.

Để có ngành công nghiệp quốc phòng đáp ứng được nhu cầu trong nước và giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nước ngoài, Ukraine đang theo đuổi 3 "mũi nhọn", theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington D.C. đánh giá ngày 14/1.

Đó là tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước, xây dựng quan hệ đối tác song phương và đa phương với các nước châu Âu, tìm cách liên doanh công nghiệp với công ty phương Tây để cùng sản xuất khí tài quân sự ở Ukraine và những địa điểm khác.

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 5

Máy bay không người lái Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất (Ảnh: Anadolu Agency).

Cho tới nay, Ukraine đã có những động thái đầu tiên.

Cuối tháng 9/2023, Kiev lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế với sự tham gia của hơn 250 công ty từ hơn 30 quốc gia sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự. Doanh nghiệp Ukraine đã ký 20 văn kiện với đối tác nước ngoài về sản xuất UAV, đạn pháo, sản xuất và sửa chữa xe bọc thép…

Kiev cũng khuyến khích một số tập đoàn quốc phòng lớn của châu Âu như BAE Systems (Anh), Rheinmetall (Đức) và Baykar (Thổ Nhĩ Kỳ), bắt đầu hoạt động ở Ukraine.

BAE đang thảo luận với một số công ty Ukraine và đặt mục tiêu sản xuất phụ tùng tại nước này trong vòng vài tháng tới. Doanh nghiệp này nói rằng theo thời gian, họ cũng có thể bắt đầu chế tạo lựu pháo hạng nhẹ trên đất Ukraine.

Trong khi đó, Rheinmetall đã đặt xưởng sửa chữa phương tiện quân sự của Đức tại Ukraine, Wall Street Journal dẫn lời một người phát ngôn. Công ty này dự định sớm bắt đầu lắp ráp xe bọc thép chở quân Fox của mình tại Ukraine.

Xa hơn nữa, tham vọng của Rheinmetall là sản xuất mẫu xe tăng mới Panther và vũ khí phòng không ở Ukraine. Armin Papperger, Giám đốc điều hành của Rheinmetall, cho biết hoạt động sản xuất tại Ukraine rẻ hơn do chi phí lao động thấp hơn.

Và vào tháng 6/2023, hãng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ đã động thổ nhà máy mới ở Ukraine để sản xuất mẫu máy bay không người lái từng được Ukraine sử dụng rộng rãi để bảo vệ Kiev khi xung đột mới bùng nổ.

"Chúng tôi dự định hoàn thành khâu xây dựng tổng thể vào cuối năm sau", Giám đốc điều hành Haluk Bayraktar nói với Wall Street Journal.

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 6

Xe bọc thép Fox của Rheinmetall tại nhà máy ở Kassel, Đức (Ảnh: Reuters).

Có khả thi giữa thời chiến?

Để ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine khôi phục hào quang quá khứ sẽ cần sự đầu tư rất lớn, cả về nhân lực, thời gian và tiền bạc. Đây là những thứ Ukraine đều không dư dả, nhất là trong thời chiến.

"Thách thức chính hiện nay là chiến sự với Nga", ông Terrence Guay - Giáo sư kinh doanh quốc tế thuộc Đại học Kinh doanh Smeal, Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), nhà nghiên cứu về tác động chính sách nhà nước lên ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu - nói với phóng viên Dân trí. "Rất khó để đưa nguyên liệu và linh kiện vào trong nước để phục vụ sản xuất".

"Ngoài ra còn là thách thức về việc đáp ứng đủ điện cho các xưởng sản xuất khí tài quân sự và về nguồn nhân lực, do nhiều người lao động có tay nghề đã nhập ngũ hoặc trốn khỏi đất nước", ông Guay nói.

Một thử thách khác là thuyết phục các công ty phương Tây và nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ các dự án công nghệ quân sự tư nhân tại Ukraine. Những cơ sở này đối mặt rủi ro lớn trước các đợt không kích của Nga.

Ukraine khó cai vũ khí phương Tây giữa chiến sự khốc liệt - 7

Một người lính Ukraine đấu nối pin với chất nổ tự chế cho chiếc UAV tự sát ở tỉnh Kherson vào tháng 12/2023 (Ảnh: New York Times).

Trong Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế hồi tháng 9/2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này đang phát triển "cơ chế kinh tế đặc biệt" cho ngành công nghiệp quốc phòng. Dù vậy, Kiev tới nay chưa tiết lộ thêm chi tiết.

Cuối cùng là vấn đề tham nhũng và kém hiệu quả, cản trở sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, nhất là trong việc xúc tiến hợp tác với đối tác nước ngoài.

"Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc tái cơ cấu UDI. Rất ít công ty phương Tây quan tâm tới việc hợp tác với các đơn vị của UDI với cơ cấu như hiện tại", ông Guay nói. "Tình trạng tham nhũng và kém hiệu quả là những trở ngại đáng kể".

Không thể phủ nhận tiềm năng lớn của công nghiệp quốc phòng Ukraine. Chính tên lửa Neptune được sản xuất nội địa đã góp phần khiến soái hạm Moskva của Nga bị chìm, hay Ukraine được cho là nước đầu tiên triển khai hạm đội xuồng không người lái tại Biển Đen.

Nhưng theo chuyên gia, Ukraine khó có thể tự chủ công nghiệp quốc phòng khi chiến sự vẫn còn diễn ra.

"Với nhân sự, công nghệ và cơ sở sản xuất có trình độ cao, Ukraine rất có khả năng tạo ra tổ hợp công nghiệp quân sự của riêng mình", ông Kiryukhin nói. "Sau chiến sự, nếu được đầu tư đầy đủ, Ukraine sẽ có thể đạt được mục tiêu này".