Vì sao không có "vũ khí thần kỳ" cho Ukraine?
(Dân trí) - Hết lần này tới lần khác, các loại vũ khí phương Tây được kỳ vọng là có khả năng "làm thay đổi cuộc chơi" theo hướng có lợi cho Ukraine, nhưng tốc độ phản công của Kiev không phản ánh điều đó.
Đầu tiên là súng chống tăng Javelin, sau đó là tên lửa HIMARS, rồi đến hệ thống Patriot, xe tăng Abrams, và sắp tới là máy bay F-16 cùng tên lửa ATACMS…
Từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, truyền thông và mạng xã hội phương Tây thường có xu hướng tung hô mỗi khí tài mà Washington và đồng minh gửi cho Kiev, nhất là sau khi chứng kiến uy lực của chúng qua các đoạn clip lan truyền trên internet.
Nhưng bất chấp độ hiệu quả không thể chối cãi của hầu hết các khí tài này, tâm lý phấn khích, cho rằng chúng có thể làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine dần tiêu tán theo thời gian, khi công chúng thấy rằng cuộc xung đột vẫn chưa chấm dứt.
"Từ đầu cuộc xung đột, công chúng đã hy vọng có loại vũ khí làm thay đổi cuộc chơi", Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., nói với Dân trí. "Nhưng không loại vũ khí nào có thể một mình mang lại chiến thắng".
Sức hút của khái niệm "vũ khí thần kỳ" nằm ở chỗ nó hứa hẹn có một loại công nghệ có thể giúp nhanh chóng chấm dứt đổ máu. Nhưng việc tập trung quá nhiều vào một loại vũ khí thường làm đơn giản hóa quá mức những yếu tố phức tạp trên chiến trường và cần phải được tiếp cận một cách thận trọng, theo các chuyên gia.
Không có đường tắt tới chiến thắng
Có nhiều lý do cho thấy việc mơ mộng về một loại "vũ khí thần kỳ" có thể mở ra lối tắt tới chiến thắng là sai lầm. Đầu tiên, việc mỗi loại khí tài đều chỉ có thể đảm nhiệm một số nhiệm vụ, chức năng nhất định.
"Gần như mọi loại vũ khí, dù mới lạ hay có khía cạnh nào đó gây ấn tượng lớn, đều cần phụ thuộc vào hệ thống hỗ trợ và các loại vũ khí khác để phát huy hết tác dụng", Giáo sư Richard Betts thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa Bình Saltzman nói với Dân trí.
Hơn nữa, dù vũ khí uy lực đến đâu, đối phương đều có thể học cách thích nghi theo thời gian.
Khi xung đột vừa bùng nổ, máy bay không người lái Bayraktar TB2 sản xuất bởi Thổ Nhĩ Kỳ, một nước NATO, đã được ca ngợi là cứu tinh của Ukraine. Liên tiếp nhiều hình ảnh và video xuất hiện cho thấy Ukraine dùng chúng tấn công xe tăng, thiết giáp và tàu tuần tra của Nga.
Nhưng chỉ sau một tháng, số vụ tập kích đã giảm đi đáng kể và ngày càng đi xuống, tín hiệu cho thấy phi đội Bayraktar TB2 của Ukraine đã bị xóa sổ phần lớn. Nguyên nhân nằm ở chỗ Nga đã cải thiện hệ thống không và tác chiến điện tử, từ đó bắn hạ nhiều TB2 của Ukraine, theo Samuel Bendett, chuyên gia về hệ thống quân sự không người lái tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA).
Tương tự, sự xuất hiện của bệ phóng tên lửa HIMARS ban đầu cũng được đón nhận với tâm lý phấn khích, và nó nhanh chóng chứng minh uy lực tập kích các mục tiêu quan trọng tầm xa như đồn chỉ huy và kho đạn. Nhưng dần dần, phía Nga cũng tìm cách thích ứng.
"Người Nga đã sử dụng thiết bị gây nhiễu để ngăn chặn đầu đạn dẫn đường bằng GPS, đồng thời biết cách phân tán, ngụy trang sở chỉ huy và kho hậu cần. Vì vậy, họ không còn dễ bị tổn thương như đầu cuộc xung đột", ông Cancian nhận định.
Theo các chuyên gia, tâm lý tìm kiếm "vũ khí thần kỳ" là hiện tượng tự nhiên vì nhiều người muốn tin rằng có tồn tại thứ gì đó có thể giúp kết thúc xung đột.
"Động cơ của hành động thổi phồng các sáng kiến nào đó như "vũ khí thần kỳ" có thể xuất phát từ sự ngây thơ hoặc thiếu chuyên môn của những người đưa ra các tuyên bố như vậy, hoặc vì mục đích tuyên truyền", Giáo sư Betts nói.
Ông Cancian cũng đồng tình rằng việc đề cao một số loại vũ khí của phương Tây có giá trị về mặt truyền thông.
"Một số bên, đặc biệt là ở Nhà Trắng, họ rất vui khi công chúng phấn khích về một loại vũ khí nào đó vì điều đó giúp tăng cường sự ủng hộ", ông Cancian nói.
Nguy cơ phản tác dụng
Không chỉ sai lầm, quan niệm cho rằng một loại vũ khí sẽ làm thay đổi cuộc chơi còn có thể phản tác dụng đối với Ukraine. Nó có nguy cơ làm suy yếu sự hỗ trợ quân sự lâu dài cho Kiev khi kỳ vọng của chính phủ các nước phương Tây đối với một số loại vũ khí nhất định không trở thành hiện thực.
Chẳng hạn, việc binh sĩ Ukraine nhanh chóng nắm được cách vận hành xe tăng Leopard 2 và các khí tài mới mẻ khác của phương Tây đã khiến một số nhà bình luận và nhà hoạch định chính sách tin rằng quân đội của Kiev sẽ nghiễm nhiên thành công trên chiến trường.
Nhưng vấn đề mà những người này không nghĩ đến là việc liệu chỉ một vài tháng huấn luyện có đủ để thực hiện cuộc tiến công hiệp đồng tác chiến các binh chủng phức tạp nhằm vào phòng tuyến vững chắc của Nga hay không, nhà nghiên cứu Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế chỉ ra trong một bài viết trên Foreign Policy.
Nỗi thất vọng có thể nhanh chóng tạo ra bất hòa và một số bên sẽ tung lời cáo buộc, cho rằng công tác cung cấp vũ khí không kịp thời hoặc không đủ số lượng. Nếu Ukraine là phía chỉ trích, một số chính phủ phương Tây sẽ cho rằng Kiev "vô ơn", ông Gady nhận định.
Cho tới nay, các chiến dịch vận động chuyển giao vũ khí cho Ukraine - vốn chỉ tập trung vào một số khí tài nổi bật - đã góp phần giúp duy trì sự ủng hộ của dư luận, nhưng chúng có thể khiến mọi người bỏ qua những trang bị hay quân nhu bình thường khác mà cũng có vai trò thiết yếu với người lính.
"Có nhiều thứ nhỏ nhặt không được chú ý đến nhưng lại rất quan trọng", ông Cancian nói và lấy ví dụ là kính nhìn ban đêm và thiết bị rà phá mìn. "Những thứ này nghe qua không phấn khích như xe tăng hoặc tên lửa ATACMS, nhưng cực kỳ quan trọng nếu muốn vượt qua các bãi mìn dày đặc của Nga".
Dù vậy, tất cả những điều trên không có nghĩa rằng các loại vũ khí phương Tây không hiệu quả. Tên lửa ATACMS mà Kiev sắp nhận từ Washington - với tầm bắn 300km, gấp 4 lần rocket GMLRS hiện tại trong tay Ukraine - sẽ giúp họ mở rộng tầm bắn và tăng số lượng mục tiêu.
"Việc gửi những vũ khí này là có ý nghĩa, nhưng cần lưu ý rằng chúng chuyên được dùng để tập kích một số mục tiêu nhất định và không thể thắng cả cuộc chiến", ông Cancian nói.
Và điều quan trọng hơn cả, theo ông Cancian, là đảm bảo dòng viện trợ từ phương Tây tiếp tục chảy sang Ukraine ít nhất ở mức độ hiện tại, vì các lực lượng tham chiến cần đạn dược và vũ khí để thay thế những gì họ đã sử dụng.
Làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ Ukraine là vấn đề đang khiến phương Tây đau đầu.
Từ khi xung đột nổ ra tới nay, Ukraine đã nhận được khoảng 100 tỷ USD viện trợ quân sự từ đối tác phương Tây, trong đó hơn 50 tỷ USD là từ Mỹ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tiết lộ hôm 3/9. Nhưng không có gì đảm bảo nguồn hỗ trợ ấy sẽ tiếp tục chảy.
Ngay lúc này đã xuất hiện những động thái làm phát sinh nghi ngờ đối với cam kết của phương Tây hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, như việc Quốc hội Mỹ bỏ gói 6 tỷ USD cho Kiev ra khỏi ngân sách được thông qua hôm 30/9, hay việc chính đảng thân Nga thắng cử Quốc hội tại Slovakia - một nước NATO.
"Thành công của Ukraine trên thực địa là rất quan trọng đối với lập luận của phe cho rằng viện trợ là điều cần thiết", ông Cancian nhận định. "Các bên đều lo ngại về một cuộc xung đột vĩnh viễn: Nó kéo dài, tiêu tốn sinh mạng và tiền của nhưng không đi đến đâu. Ukraine cần phá vỡ quan niệm ấy".