DMagazine

Tương lai chờ đón thế giới trong năm Covid-19 thứ 3

(Dân trí) - Thế giới chuẩn bị bước sang năm đại dịch Covid-19 thứ 3 sau 2 năm càn quét, nhưng viễn cảnh về một cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường ở mọi quốc gia dường như vẫn chưa thành hiện thực

TƯƠNG LAI CHỜ ĐÓN THẾ GIỚI TRONG NĂM COVID-19 THỨ 3 

Thế giới chuẩn bị bước sang năm đại dịch thứ 3 sau 2 năm Covid-19 càn quét, nhưng viễn cảnh về một cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường ở mọi quốc gia dường như vẫn chưa thành hiện thực.

Năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào năm 2021. Năm nay, viễn cảnh đó vẫn chưa thể diễn ra như kỳ vọng, dù ở một số nơi trẻ em quay trở lại trường học, các sự kiện thể thao tiếp tục được tổ chức, các gia đình cùng nhau tụ tập trong kỳ nghỉ lễ, người dân được lên máy bay đi lại và nhiều nhân viên trở lại văn phòng làm trực tiếp.

Tuy nhiên, tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, số ca tử vong vì Covid-19 năm nay vẫn cao hơn năm ngoái khi virus tấn công những người chưa được tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi. Cứ một trăm người Mỹ từ 65 tuổi trở lên sẽ có một người chết vì Covid-19. Hiện tại, khi các bệnh viện quá tải đến mức từ chối tiếp nhận bệnh nhân, rất khó để biết Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào.

Hàng loạt quốc gia từ châu Âu tới châu Á đang trải qua kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới u ám do làn sóng Covid-19 mới tồi tệ chưa từng có. Mùa đông năm nay dường như là phiên bản lặp lại của năm ngoái. Biến chủng Alpha từng phá hỏng mùa Giáng sinh năm 2020, đến năm 2021 biến chủng Omicron mới khiến số ca nhiễm tại hàng loạt quốc gia tăng cao kỷ lục.

Trong gần 6 tháng càn quét thế giới, biến chủng Delta dường như có khả năng đánh bại tất cả các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2, đến mức các nhà khoa học tin rằng khả năng lây nhiễm sang người của virus này đã đạt đến mức đỉnh điểm.

Đến tháng 11, sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron khiến các nhà khoa học phải thay đổi suy nghĩ. Sau khi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên ở phía nam châu Phi, biến chủng mới đã lan tới hơn 100 quốc gia trên thế giới chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Các nghiên cứu ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm so với các biến chủng khác, đồng thời vượt trội hơn các chủng virus ban đầu trong việc né tránh kháng thể có được từ 2 liều vaccine.

Theo bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu về Covid-19 của WHO, khi làn sóng Covid-19 bước sang năm thứ 3, thế giới đã có những công nghệ cần thiết để chấm dứt đại dịch. Vaccine Covid-19 đã được phát triển, thuốc điều trị virus đã được sản xuất, nhiều người đã được tiêm chủng và ngày càng có nhiều người biết cách điều trị bệnh.

"Chúng ta có các công cụ có thể loại bỏ dịch bệnh nghiêm trọng. Chúng ta có thể giảm ca tử vong vì Covid-19 và chúng ta cũng có thể giảm sự lây lan", bà Van Kerkhove viết trên tạp chí Nature Medicine tháng này.

Bà Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho rằng Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022. Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 cũng tuyên bố "2022 phải là năm thế giới chấm dứt đại dịch".

Khi năm 2021 gần kết thúc và các hệ thống y tế đang phải đối mặt với biến chủng Omicron mới với khả năng lây lan nhanh chóng, nhà dịch tễ học kỳ cựu Michael Osterholm nói rằng, so với 6 tháng trước, ở thời điểm hiện tại ông cảm thấy không chắc chắn về con đường tương lai.

"Chúng ta sẽ phải xem xét lại những giả định mà chúng ta từng đưa ra trước đó đối với đại dịch này. Nhiều người cho rằng Covid-19 sẽ giống dịch cúm và 2 năm nữa chúng ta sẽ thoát khỏi nó. Nhưng chúng ta còn lâu mới kết thúc đại dịch này, điều chúng ta chưa dự đoán được là nó sẽ bùng phát như thế nào trong vài ngày đến vài tuần hay nhiều tháng tới. Chúng ta không biết điều đó", ông Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota, cho biết:

CÁC KỊCH BẢN COVID-19 TRONG TƯƠNG LAI

Tương lai chờ đón thế giới trong năm Covid-19 thứ 3 - 1

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại New York, Mỹ ngày 19/12 (Ảnh: Bloomberg).

Sau những nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học đang tự hỏi: Liệu Omicron có thể đạt đến khả năng lây nhiễm tới mức nào? Không dễ để tìm ra câu trả lời, nhưng các nhà khoa học đã đưa ra 3 kịch bản về tương lai của Covid-19 - đại dịch cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,4 triệu người và khiến hơn 283 triệu người nhiễm bệnh trên toàn thế giới.

Kịch bản đầu tiên: Covid-19 sẽ trở thành bệnh theo mùa

Các loại virus chỉ có một "mục tiêu" chính là tồn tại. Phần lớn các nhà khoa học đồng tình rằng, cách tốt nhất để SARS-CoV-2 tồn tại lâu dài là trở thành mầm bệnh đặc hữu, tương tự như cách cúm hoặc các loại virus corona khác đã phát triển.

Nếu virus này gây tỷ lệ tử vong cao hơn, nó có thể gặp bất lợi, vì vật chủ cần phải sống sót để virus có thể tiếp tục lây nhiễm cho người khác. Một khi virus đã "thuần thục" về khả năng lây nhiễm, các biến chủng trong tương lai có thể không cần phải biến đổi nhiều về cách thức hoạt động.

"Virus dường như không thể làm gì tồi tệ hơn so với những gì chúng ta đang đối phó", Vaughn Cooper, Giám đốc Trung tâm Sinh học và Y học Tiến hóa thuộc Đại học Pittsburgh, nhận định.

"Liệu chúng ta có phải chơi trò đập chuột (tình huống có nhiều vấn đề nảy sinh nối tiếp nhau) với SARS-CoV-2 mãi không? Không. Nó sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu theo mùa. Điều đó sẽ xảy ra trong thập niên này, có thể trước cuối thập niên này", chuyên gia Cooper nhận định.

Mặc dù dự đoán sẽ có thời điểm dịch bùng phát mạnh hơn so với thời điểm khác, nhưng chuyên gia Cooper cho rằng vaccine sẽ tiếp tục là "vũ khí" giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng. Kháng thể nhờ vaccine không phải là hình thức bảo vệ duy nhất của cơ thể người. Các tế bào bạch cầu, thường được gọi là tế bào T và tế bào B, cũng có khả năng "ghi nhớ" những kẻ tấn công trong khoảng thời gian dài hơn so với kháng thể.

"Tôi có thể tự tin khẳng định, 3 liều vaccine hiện tại đủ để tạo ra sự đa dạng về phản ứng miễn dịch tế bào, từ đó giúp bảo vệ cơ thể trước virus trong vài năm. Tôi đặt cược vào điều đó. Tôi có thể bị nhiễm virus, nhưng virus sẽ không khiến bệnh của tôi trở nặng vì tế bào T và tế bào B đã từng đối mặt với thứ tương tự trước đây", chuyên gia Cooper cho biết thêm.

Mặc dù Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn, nhưng tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 ở thời điểm hiện tại thấp hơn nhiều so với năm ngoái khi thế giới đối mặt với biến chủng Alpha. Tỷ lệ các ca bệnh nặng do Omicron thấp hơn đáng kể so với các chủng trước đây của SARS-CoV-2.

Nhiều chuyên gia tin rằng Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành một bệnh đặc hữu giống như cúm và có thể phải cần một loại vaccine mới để có thể chống lại các biến chủng mới của virus xuất hiện hàng năm. 

"Tôi tin rằng, Omicron là bước đầu tiên trong quá trình biến đổi của virus gây ra những triệu chứng nhẹ hơn cho con người. Đó là cách biến đổi có lợi cho cả virus khi tác động đến con người theo hướng không gây bệnh nặng, bởi vì khi đó họ vẫn có thể giao tiếp với xã hội, và virus vẫn có thể lây lan", Julian Tang, giáo sư về bệnh hô hấp tại Đại học Leicester, cho biết.

Kịch bản thứ hai: Vaccine trở nên kém hiệu quả hơn khi virus tiến hóa

Tương lai chờ đón thế giới trong năm Covid-19 thứ 3 - 2

Một y tá Israel được tiêm liều thứ 4 vaccine Pfizer-BioNTech tại Trung tâm Y tế Sheba gần Tel Aviv ngày 27/12 (Ảnh: AFP).

Đường cong tiến hóa mà Covid-19 đã tạo ra khiến nhiều người lo ngại về tương lai đại dịch. Chỉ trong một năm, 2 biến chủng Alpha và Delta đã xuất hiện, chủng sau có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng trước và trở thành chủng thống trị. Gần đây nhất, biến chủng Omicron với số lượng đột biến nhiều chưa từng có cũng đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng.

"Không ai biết khi nào biến chủng thoát miễn dịch tiếp theo sẽ xuất hiện, cũng không ai biết liệu biến chủng đó có đột biến vượt trội như Omicron, hay chỉ tiến hóa dần giống virus cúm mùa trước đây", chuyên gia sinh học tiến hóa Maciej Boni, phó giáo sư tại Trung tâm bệnh truyền nhiễm Penn State ở Mỹ, cho biết.

Đến một lúc nào đó, virus SARS-CoV-2 có thể đạt đến giới hạn về khả năng lây nhiễm, khi tất cả những người mà virus có khả năng lây nhiễm đều đã đạt được khả năng miễn dịch ở mức độ nào đó. Vào thời điểm đó, để tiếp tục sống sót, virus có thể phải tìm cách phá vỡ hệ thống phòng thủ miễn dịch của cơ thể con người - cho dù là nhờ vaccine hay miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19.  

"Cách dễ dàng nhất để virus tiếp tục gây ra các đợt bùng phát dịch mới là dần né tránh hệ miễn dịch theo thời gian. Điều đó tương tự những gì chúng ta đã thấy với các loại virus corona gây bệnh theo mùa", Adam Kucharski, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nói với Nature.

Trong trường hợp đó, khả năng miễn dịch lan rộng trong cộng đồng có thể gây áp lực buộc virus phải tiến hóa để hình thành các biến chủng mới làm giảm hiệu quả của vaccine.

"Các virus tiến hóa có khả năng làm suy yếu hiệu quả của vaccine sẽ tiếp tục xuất hiện. Virus vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đột biến của chính nó", Andrew Read, chuyên gia nghiên cứu sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Pennsylvania nhận định.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/12 cho biết "rủi ro từ biến chủng Omicron vẫn rất cao" và các chứng cứ nhất quán cho thấy "Omicron lây lan dễ dàng hơn Delta với thời gian tăng gấp đôi từ 2 tới 3 ngày". Theo WHO, tỷ lệ lây lan nhanh của Omicron nhiều khả năng là do sự kết hợp của 2 yếu tố gồm "sự kháng miễn dịch và khả năng lây nhiễm được tăng cường của chính biến chủng Omicron".

Trước sự lây lan nhanh chóng của Omicron, cùng với những dữ liệu cho thấy vaccine giảm dần hiệu quả đối với biến chủng Delta trong 6 tháng, giới chức y tế nhiều nước đã kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường. Việc tiêm liều thứ 3 hay thứ 4 để tăng cường khả năng miễn dịch sau khi vaccine suy giảm hiệu quả là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn.

Kịch bản thứ ba: SARS-CoV-2 kết hợp với loại virus corona khác 

Tương lai chờ đón thế giới trong năm Covid-19 thứ 3 - 3

Biến chủng Omicron hiện đã lan ra hơn 110 quốc gia trên thế giới kể từ khi ghi nhận lần đầu tiên ở nam châu Phi hồi tháng 11 (Ảnh: Reuters).

Khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan rộng, có thể xảy ra trường hợp một loài động vật vốn có sẵn virus corona, đồng thời bị nhiễm thêm biến chủng mới của SARS-CoV-2. Khi đó, các chủng virus này có thể tạo thành một biến chủng lai, lây lan sang người và gây tử vong cao hơn so với các virus phiên bản cũ. Đây được xem là kịch bản tồi tệ nhất.

"Chúng ta có rất nhiều loại virus corona tồn tại, vì vậy khả năng virus xuất hiện, kết hợp với nhau rồi lây nhiễm cho con người rất cao", chuyên gia Andrew Read nhận định.

Chỉ riêng trong thế kỷ 21, thế giới đã ghi nhận 3 loại virus corona có khả năng gây bệnh nặng lây lan từ động vật sang người gồm SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2. Chuyên gia Read cho biết các loại virus  corona có khả năng tái tổ hợp cao. Một nghiên cứu hồi tháng 5 đã tìm thấy bằng chứng về một loại virus corona tái tổ hợp ở một bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi. Trong khi các nhà khoa học vẫn đang điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2, một nghiên cứu vào tháng 12/2020 cho rằng loại virus này xuất hiện từ sự tái tổ hợp giữa các virus corona ở dơi và tê tê.

Các ca mắc Covid-19 thường chỉ gắn với một biến chủng virus, tuy nhiên trong một số trường hợp, 2 chủng virus có thể "tấn công" con người cùng một lúc. Nếu 2 chủng virus cùng lây nhiễm vào một tế bào, chúng có thể hoán đổi DNA và kết hợp với nhau để tạo thành một phiên bản virus mới.

Tiến sĩ Paul Burton, giám đốc y tế của nhà sản xuất vaccine Moderna, cảnh báo số ca nhiễm biến chủng Delta và Omicron đang bùng phát ở Anh khiến kịch bản trên có khả năng xảy ra cao hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Cooper cho biết rất hiếm khi một người hoặc một loài động vật bị nhiễm 2 loại virus corona cùng một lúc. Hầu hết các khu vực đều có các biến chủng trội, do vậy khả năng một người nhiễm 2 chủng virus khó xảy ra. Đối với những người khỏe mạnh, ước tính chỉ mất khoảng 2 tuần kể từ khi nhiễm bệnh, cơ thể bắt đầu kích hoạt khả năng miễn dịch và loại bỏ thành công chủng virus đầu tiên.

"Chúng ta nên lo lắng về điều đó, nhưng khả năng này vẫn còn khá thấp", ông Cooper nói, đồng thời cho rằng nguy cơ virus tái tổ hợp là "mối lo ngại về lâu dài".

"Hầu hết trường hợp tái tổ hợp đều thất bại vì các thành phần của virus không kết hợp tốt với nhau. Nhưng một bài học được rút ra từ đại dịch này là những điều kỳ lạ vẫn có thể xảy ra", chuyên gia Cooper nhận định.