WHO: Thế giới phải chấm dứt đại dịch trong năm 2022
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thế giới hợp tác cùng nhau, đưa ra lựa chọn cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 trong năm 2022.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva hôm 20/12.
Trước đó, tỷ phú Bill Gates nhấn mạnh với tốc độ phát hiện biến chủng mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, ông hy vọng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022.
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách vấn đề Covid-19 của WHO, ngày 15/12 cho rằng thế giới sẽ có đủ công cụ để thoát đại dịch vào năm 2022.
Tổng giám đốc WHO thừa nhận khi các lễ hội cuối năm đang tới gần, "tất cả chúng ta đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình, tất cả chúng ta đều muốn trở lại cuộc sống bình thường". Tuy nhiên, để cuộc sống trở lại bình thường, ông Tedros cho biết "chúng ta cần phải tự bảo vệ mình ngay bây giờ, khi số ca nhiễm tăng đột biến do sự xuất hiện của biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng".
"Sẽ là tốt hơn nếu hủy các sự kiện ngay bây giờ và tổ chức sau, thay vì ăn mừng ngay bây giờ và đau khổ sau này. Chúng ta bây giờ phải tập trung vào việc chấm dứt đại dịch này", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.
Ông Tedros khẳng định thế giới có thể ngăn chặn đại dịch, nhưng cần phải sử dụng tất cả công cụ có sẵn, từ vaccine đến khẩu trang và giãn cách xã hội. Theo lãnh đạo WHO, điều quan trọng nhất là thế giới cần phải chấm dứt sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine.
"Nếu chúng ta muốn chấm dứt đại dịch trong năm tới, chúng ta phải chấm dứt sự bất bình đẳng về vaccine", ông Tedros cho biết thêm.
Ông Tedros cho biết "hiện có bằng chứng nhất quán rằng Omicron lây lan nhanh hơn rất nhiều so với biến chủng Delta". Ngoài ra, nhiều khả năng những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm do Omicron.
Omicron, biến chủng với số lượng đột biến cao bất thường, được phát hiện đầu tiên tại châu Phi và đã lan ra khoảng 90 quốc gia trên thế giới. Anh đã ghi nhận 12 ca tử vong vì biến chủng Omicron, trong khi Mỹ ngày 20/12 xác nhận có ca tử vong đầu tiên.
Theo những nghiên cứu đánh giá ban đầu, Omicron có khả năng lây lan cao, dễ né miễn dịch nhờ vaccine hoặc miễn dịch do từng mắc Covid-19. Tuần trước, WHO cho biết, tại những nơi có lây nhiễm trong cộng đồng, số ca Omicron có thể tăng gấp đôi chỉ sau 1,5 - 3 ngày.
Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan cảnh báo không nên vội vàng kết luận dựa vào những bằng chứng ban đầu rằng Omicron ít nguy hiểm hơn. Chuyên gia này nhấn mạnh, việc Omicron có thể né một số phản ứng miễn dịch đồng nghĩa nhiều nước nên triển khai tiêm chủng tăng cường hướng đến nhóm dân số có hệ thống miễn dịch yếu hơn.
"Chúng tôi không tin rằng tất cả các loại vaccine sẽ trở nên vô hiệu hoàn toàn", nhà khoa học Swaminathan nói:
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros cũng đề nghị Trung Quốc, nơi phát hiện ca nhiễm virus Sars-CoV-2 đầu tiên vào cuối năm 2019, cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến nguồn gốc của virus để giúp ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
"Chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu cho đến khi chúng ta biết được nguồn gốc của đại dịch, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa vì cần học hỏi từ những gì đã xảy ra trong đại dịch này để làm tốt hơn trong tương lai", ông Tedros nói thêm.