1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới xác định đại dịch Covid-19 kết thúc bằng tiêu chí nào?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chưa có một khái niệm thống nhất về việc thế giới sẽ xác định đại dịch Covid-19 kết thúc dựa trên tiêu chí nào, và liệu cuộc sống có thể trở về hoàn toàn bình thường sau dấu mốc đó hay không.

Thế giới xác định đại dịch Covid-19 kết thúc bằng tiêu chí nào? - 1

Covid-19 được xem là đại dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây khi đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,2 triệu người (Ảnh minh họa: Getty).

Theo AP, hiện chưa có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi: "Thế giới sẽ quyết định khi nào đại dịch kết thúc?". Trên thực tế, cũng chưa có một định nghĩa chính xác nào cho việc xác định thời điểm một đại dịch bắt đầu hay chấm dứt và mức độ đe dọa của một đợt bùng phát quy mô toàn cầu có thể khác biệt với từng quốc gia.

"Đó là một đánh giá mang tính chủ quan (thời điểm dịch kết thúc) vì nó không chỉ là về tiêu chí số ca bệnh. Nó còn liên quan tới mức độ nghiêm trọng và tác động của dịch", quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết.

Tháng 1/2020, WHO đã xếp Covid-19 vào nhóm cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu gây lo ngại trên phạm vi quốc tế. Tháng 3 cùng năm, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã mô tả Covid-19 này là một "đại dịch", phản ánh thực tế là virus SARS-CoV-2 đã lây lan đến hầu hết mọi lục địa.

Đại dịch có thể được công nhận rộng rãi là đã kết thúc khi WHO quyết định rằng SARS-CoV-2 không còn là tình trạng khẩn cấp gây lo ngại trên phạm vi toàn cầu, một tiêu chí mà hội đồng chuyên gia của WHO đánh giá lại mỗi 3 tháng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở mỗi quốc gia sẽ được đánh giá bởi những tiêu chí riêng, khác nhau của mỗi nước.

"Sẽ không có chuyện một ngày một ai đó nói rằng 'được rồi, đại dịch đã kết thúc rồi'", Tiến sĩ Chris Woods, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Duke (Mỹ), nhận định. Mặc dù không có tiêu chí được thống nhất trên toàn cầu, nhưng ông cho biết các quốc gia có thể sẽ dựa vào xu hướng giảm bền vững ca bệnh trong một khoảng thời gian để đưa ra quyết định.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng, SARS-CoV-2 tới cuối cùng sẽ trở thành một virus dễ dự đoán, giống như cúm mùa, đồng nghĩa với việc nó có thể gây các đợt bùng dịch theo mùa, nhưng không bùng theo quy mô lớn và dữ dội như hiện tại. Tuy nhiên, ngay cả khi thế giới đạt tới mốc đó, ông Woods cho biết, một số thói quen, ví dụ như đeo khẩu trang ở nơi công cộng, sẽ có thể vẫn được tiếp tục duy trì.  

"Ngay cả khi đại dịch được xem là kết thúc, Covid-19 sẽ vẫn ở lại với chúng ta", ông cảnh báo.