DNews

"Trò chơi sinh tử" khốc liệt giữa Israel và Iran

Ngọc Huy

(Dân trí) - Nguy cơ xảy ra chiến tranh đang đến gần hơn bao giờ hết khi cả hai bên đều có những tuyên bố cứng rắn sau vụ Iran tập kích tên lửa quy mô lớn vào Israel hôm 1/10.

"Trò chơi sinh tử" khốc liệt giữa Israel và Iran

Trong đêm 1/10, Iran đã bất ngờ thực hiện đợt tấn công tên lửa quy mô lớn nhằm vào các cơ sở tình báo và căn cứ quân sự quan trọng của Israel. Theo Times of Israel, quân đội Israel (IDF) hôm 2/10 thừa nhận một số căn cứ của nước này đã trúng tên lửa đạn đạo của Iran đêm 1/10. Tel Aviv tuyên bố sẽ có đòn đáp trả khủng khiếp với Iran.

Tuy nhiên, một vấn đề là liệu Israel có một lần nữa tấn công như đã từng làm trước đây trước đối thủ "nặng cân" Iran. Đồng thời, kịch bản động binh của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có hiệu quả và đủ mạnh để Tehran chùn tay hay sẽ khơi mào cho cuộc chiến lưỡng bại câu thương.

Israel không chỉ đe dọa suông

Trước khi tính tới căng thẳng giữa Israel và Iran hiện tại, hãy cùng nhìn lại lịch sử tác chiến huy hoàng của Israel với khối Ả Rập bằng chiến lệ nổi tiếng: Chiến tranh Sáu ngày năm 1967.

Khi đó, bằng sự khôn khéo tài tình, Israel bất ngờ tung đòn tập kích đường không sấm sét, gần như "xóa sổ" không quân Ai Cập, Syria và Jordan, nhờ đó tạo lợi thế tuyệt đối trên bầu trời để cuối cùng giúp IDF giành chiến thắng vang dội.

Trong cuộc khủng hoảng với Iran hiện tại - đối thủ có tiềm lực về tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công mạnh bậc nhất khu vực - Israel cũng đã tính tới kịch bản dùng binh đủ mạnh để khiến Tehran chùn tay hoặc ít nhất hạn chế thấp nhất khả năng tấn công đáp trả của đối thủ.

Israel được cho là đang xem xét một loạt lựa chọn để tấn công trả đũa Iran và họ vẫn đang tham vấn với Mỹ về vấn đề này. Một trong những lựa chọn đó là cố gắng gây thiệt hại tài chính hoặc kinh tế nghiêm trọng cho Iran bằng cách tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của nước này, nguồn tin giấu tên cho hay.

Nguồn tin thạo tin nói rằng Israel chưa quyết định được thời điểm tấn công, nhưng dự kiến là "sớm". Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen hôm 6/10 cho biết, quân đội Israel có thể sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc các mục tiêu quân sự khác của Iran trong vòng 48 giờ tới. Hiện giới chức Israel và Iran chưa có phản hồi về thông tin này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 2/10 cứng rắn khẳng định, Iran đã phạm sai lầm lớn khi ồ ạt bắn tên lửa vào Israel và Tehran sẽ phải lãnh hậu quả. "Chúng tôi tuân thủ quy tắc đã thiết lập: bất kỳ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công lại họ", ông nói.

Bất chấp những tuyên bố hay dự báo về thời điểm mà IDF có thể tổ chức tấn công, mọi động thái của Israel hiện tại dường như đang dựa vào sự thay đổi tình hình để có quyết định cuối cùng.

Vì nếu Israel xuất chiêu, các đồng minh quan trọng của họ, đặc biệt là Mỹ, đã tuyên bố sẽ không tham gia. Newsweek đưa tin, khi trao đổi với giới truyền thông hôm 2/10, Tổng thống Biden đã được hỏi ông có ủng hộ kịch bản Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran để trả đũa Tehran hay không. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết: "Câu trả lời là không".

Điều này khiến các kịch bản tấn công và khả năng thành công của nó trước một đối thủ nằm cách xa lãnh thổ và có năng lực phòng thủ đáng gờm thực sự khó có thể thành công mỹ mãn, cho dù IDF sở hữu năng lực chiến đấu vượt trội và từng được chứng minh trong lịch sử.

Trò chơi sinh tử khốc liệt giữa Israel và Iran - 1

Tiêm kích F-16 Israel (Ảnh: IDF).

Kịch bản nào cho "trò chơi sinh tử"?

Việc nói miệng sẽ luôn dễ dàng hơn hành động thực tế. Hiện tại, Israel cũng có nhiều khả năng tấn công Iran với nhiều cấp độ khác nhau.

Ở cấp độ không leo thang, Tel Aviv có thể tấn công vào các vị trí có lợi ích của Iran ở nước ngoài. Hành động tương tự đã được thấy trong các đòn tấn công tên lửa của Israel nhằm vào tướng lĩnh quân sự, tình báo Iran ở Syria, Iraq hay Li Băng.

Lựa chọn tiếp theo là tấn công vào các vị trí quân sự trong lãnh thổ Iran với điều kiện có báo trước hoặc không, nhưng không nhằm vào các vị trí có vai trò chiến lược.

Với tiềm lực không quân và tên lửa của Israel, những đòn đáp trả như vậy có thể thực hiện nhanh chóng và hiệu quả cao. Tuy nhiên, Israel sẽ không hành động vội vàng mà là "vào thời điểm thích hợp". Ở kịch bản này, IDF có thể sử dụng UAV tự sát "song kiếm hợp bích" cùng tên lửa hành trình không đối đất như Delilah để đạt hiệu quả phá hủy cao nhất.

Đây có thể coi như đòn tấn công vừa để "giữ mặt mũi" với những biến số về khả năng leo thang căng thẳng tối thiểu. Sau đó, Tehran chắc chắn sẽ đáp trả bằng cơn mưa tên lửa và UAV tự sát kết hợp với đó là đòn tấn công từ "trục kháng chiến" như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Lebanon hay các nhóm Hồi giáo dòng Shitte ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, kịch bản có thể dừng lại ở các đòn trả đũa qua lại giữa các bên và khó có thể đẩy xung đột lên tới mức toàn diện.

Tên lửa Delilah: Nhỏ nhưng có võ

Delilah - tên lửa hành trình do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel Military Industries (IMI) phát triển vào năm 2018. Delilah thực chất là một loại đạn tuần kích, có khả năng cơ động cao, có thể thu thập thông tin mục tiêu và tấn công các mục tiêu cố định cũng như đang di chuyển.

Được trang bị động cơ tua-bin phản lực, tên lửa Delilah có thể bay "lảng vảng" trong thời gian dài trên không để xác định chính xác mục tiêu trước khi tấn công.

Trò chơi sinh tử khốc liệt giữa Israel và Iran - 2

Tên lửa hành trình Delilah do Israel chế tạo (Ảnh: Wikimedia).

Theo nhà sản xuất, tên lửa Delilah có kích thước nhỏ, chỉ dài khoảng 2,71m, đường kính 0,33m, và có trọng lượng 185kg. Tên lửa có thể mang các loại đầu đạn khác nhau nặng từ 30kg đến 54kg để tấn công cả mục tiêu trên đất liền và trên biển và có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.

Delilah có 3 biến thể, có thể phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, kể cả máy bay cánh cố định. Biến thể Delilah HL có thể phóng từ máy bay trực thăng, trong khi biến thể Delilah GL và SL có thể phóng từ mặt đất và tàu chiến.

Tất cả các biến thể này đều được tích hợp hệ thống dẫn đường quán tính/định vị toàn cầu (INS/GPS), thiết bị tìm kiếm quang điện và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến cho phép tên lửa thực hiện nhiệm vụ một cách tự động, song người điều khiển vẫn có thể can thiệp và khóa mục tiêu từ xa.

Delilah có thể tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi lên tới 250km. Tên lửa sẽ bay với tốc độ hành trình ở độ cao 8.500m trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ gần 1.050km/h.

Kịch bản nguy hiểm nhất chính là việc IDF có thể tấn công vào các vị trí có giá trị chiến lược của Iran, trong đó có các cơ sở hạt nhân của Iran ở miền Trung nước này.

Dù kết quả của các đòn tấn công của Israel có hiệu quả tới đâu thì sẽ kích hoạt sự phản công toàn diện của Iran với tất cả nguồn lực có trong tay và leo thang mất kiểm soát dễ dẫn tới chiến tranh lan rộng trên toàn Trung Đông, kéo theo những thiệt hại to lớn. Điều này không có lợi cho cả Tel Aviv và Tehran. Thậm chí nếu bên nào có thắng lợi thì cũng như chiến thắng kiểu Pyrros mà thôi. 

Chiến thắng kiểu Pyrros hay kiểu Pyrrhic là một thành ngữ để mô tả bên thắng lợi cũng có những tổn thất khủng khiếp tương đương với thất bại.

Trò chơi sinh tử khốc liệt giữa Israel và Iran - 3

Iran có thể sẽ tấn công trả đũa Israel (Ảnh minh họa: AFP).

Iran đã "đi nước cờ của mình", Israel cân não đáp trả

Ngay sau vụ tấn công tên lửa của Iran, giới chức quân sự Israel đã ngay lập tức có tuyên bố cứng rắn, Israel sẽ phô diễn "khả năng tấn công đáng kinh ngạc" để đáp trả hành động của Iran

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, Trung tướng Herzi Halevi không nói rõ chính xác khi nào đòn trả đũa sẽ diễn ra, nhưng khẳng định Israel sẽ "chọn thời điểm" phù hợp để đáp trả.

Cùng với đó, bất chấp cuộc tấn công tên lửa từ Iran, không quân Israel vẫn thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các mục tiêu ở Trung Đông trong đêm 2/10, đặc biệt là các mục tiêu của Hezbollah trên lãnh thổ Li Băng.

"Tối nay chúng ta sẽ tấn công, kết quả của nó sẽ được nhìn thấy trên khắp Trung Đông", ông Halevi tuyên bố.

Về vấn đề này, cố vấn Văn phòng Thủ tướng Israel Dmitry Gendelman cho biết, Tel Aviv sẽ tấn công bất cứ ai đe dọa: "Israel đã sẵn sàng cho mọi tình huống, cả phòng thủ lẫn tấn công. Chúng tôi sẽ tấn công bất cứ ai có hành động hoặc có kế hoạch làm tổn hại tới chúng tôi".

Đánh giá về khả năng phản ứng của Israel, Wall Street cho biết: "Tel Aviv đã gửi thông điệp rõ ràng rằng sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Israel, bất kể đó là nhỏ hay lớn… Đặc biệt, Israel đã nói thẳng rằng họ có thể sẽ thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hạt nhân hoặc dầu mỏ của Iran".

Trước tình hình leo thang căng thẳng, Mỹ đã điều tàu sân bay, tàu đổ bộ, tàu khu trục cùng các phi đội tiêm kích tới Trung Đông, để răn đe cũng như sẵn sàng bảo vệ cho đồng minh Israel nếu kịch bản Iran tấn công xảy ra.

Mặt khác, Washington được cho cũng tìm cách phát đi thông điệp tới Tehran để kiềm chế. Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng, Iran dường như thể hiện sự quyết tâm sẽ đáp trả, bất chấp kịch bản này có thể châm ngòi chiến sự.

Thực tế, Iran muốn sử dụng đòn tấn công hôm 1/10 để "giữ thể diện" sau những hành động của Israel ám sát thủ lĩnh phe cánh chính trị của phong trào Hamas ngay tại Tehran hay vụ không kích quy mô khiến nhiều lãnh đạo của phong trào Hezbollah ở Li Băng thiệt mạng, cũng như cao trào là việc IDF cho đặc nhiệm tấn công xuyên biên giới sang Li Băng.

Tehran đã "đi nước cờ của mình", vấn đề còn lại do Israel và các đồng minh thân cận quyết định. Việc đẩy xung đột lên nấc thang mới là điều hoàn toàn không có lợi cho cả Tel Aviv và Tehran hiện tại.