Lá chắn tên lửa Israel "mất thiêng": Sự khác lạ trong cơn thịnh nộ của Iran
(Dân trí) - Trong đêm 1/10, Iran đã bất ngờ thực hiện đợt tấn công tên lửa quy mô lớn nhằm vào các cơ sở tình báo và căn cứ quân sự quan trọng của Israel. Có điều khác biệt đã xảy ra trong lần tập kích này.
Cú ra đòn khác lạ khiến lá chắn tên lửa trứ danh của Israel rung lắc dữ dội
Điều khác lạ của lần tập kích tên lửa này ở chỗ nó được Tehran tiến hành mà không thông báo trước như đợt tấn công ngày 13/4. Chính vì thế, dù được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, hệ thống đánh chặn trứ danh của Israel cũng "mất thiêng". Tel Aviv cũng đã ra tuyên bố sẽ có đòn đáp trả khủng khiếp với Iran.
Sau vụ tấn công, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết, đòn tấn công tên lửa vào Israel là một hành động tự vệ, hoàn toàn phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc: "Iran chỉ thực hiện quyền phòng thủ hợp pháp theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và chỉ nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự và an ninh".
CNN xác nhận mục tiêu mà Iran nhắm đến gồm trụ sở cơ quan tình báo quốc gia Mossad và các sân bay quân sự Navatim và Hatzrim của Israel. Một số căn cứ gần Tel Aviv cũng bị tấn công.
Hãng tin Lenta của Nga dẫn các nguồn tin tại cả Iran và Israel nhận định, Tehran đã sử dụng từ 250 đến 500 tên lửa đạn đạo tầm xa trong vụ tấn công. Điều khá đặc biệt là 80% số tên lửa tấn công đã vượt qua được lưới lửa đa tầng thuộc loại trứ danh bậc nhất trên thế giới của Israel, cũng như các hệ thống lá chắn trên hạm của Mỹ và đồng minh trong khu vực để đánh trúng các mục tiêu.
Phải chăng các lá chắn tên lửa trị giá nhiều tỷ USD của Israel đã "mất thiêng"? Những yếu tố nào làm nên trận tập kích "vô tiền khoáng hậu" của Iran? Hãy cùng đi tìm lời giải.
Thứ nhất, yếu tố bất ngờ. Nếu như trong đòn tập kích bằng tên lửa và UAV tự sát diễn ra ngày 13/4, Iran đã chủ động "bắn tin" qua các nguồn trung lập tới Mỹ và Israel về việc sẽ động binh trước 72 giờ thì đợt tấn công đêm 1/10 gần như bất ngờ. Lầu Năm Góc chỉ kịp đưa ra cảnh báo về khả năng Tehran tấn công tên lửa vài giờ trước khi Iran khai hỏa.
Thực tế, dù có sự chuẩn bị, nhưng để đối phó với các đợt tấn công tên lửa quy mô lớn thường rất khó khăn. Những hình ảnh do người dân Israel ghi lại trong đêm 1/10 đã cho thấy "một bầu trời sao" giữa tên lửa đạn đạo của Iran và tên lửa đánh chặn của Israel. Điều này chứng tỏ Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) có sự chuẩn bị, nhưng như thế không đủ.
Nói về phòng thủ tên lửa, thời điểm có xác suất diệt mục tiêu cao nhất chính là trước khi tên lửa đạn đạo hồi quyển để tăng tốc. Ở giai đoạn này tên lửa tấn công có tốc độ bay thấp và quỹ đạo dễ bị bắn hạ nhất. Chính những hình ảnh tại hiện trường cho thấy, khi tên lửa của Iran bước vào pha cuối tiếp cận mục tiêu thì các tổ hợp đánh chặn của IDF tỏ ra đuối sức.
Thứ hai, số lượng. Với vài trăm tên lửa mà Iran sử dụng, Israel cần số lượng tên lửa nhiều gấp 3-5 lần để vô hiệu hóa. Gánh nặng này không dành cho Iron Dome mà thuộc về Patriot, David's Sling cũng như Arrow-3. Nhiều khả năng, hệ thống của Israel đã bị tấn công bão hòa, "trắng bệ", không còn khả năng phòng thủ.
Thứ ba, chiến thuật tinh vi. Tehran đã rút kinh nghiệm từ đợt tấn công ngày 13/4 để tổ chức đợt tập kích tên lửa quy mô lớn trong thời gian ngắn, đánh tập trung vào một số vị trí quan trọng đã được lên kế hoạch trước. Điều này khiến lưới lửa của Israel dù có phát hiện cũng không có đủ cơ số đạn để đánh chặn trong khi thời gian phản ứng rất gấp trước tình huống vô cùng phức tạp nảy sinh trên không.
Với những lý do trên, không khó để giải thích tại sao hệ thống phòng thủ tên lửa Israel không hoàn thành nhiệm vụ trước "cơn mưa tên lửa" của Iran. Điều này cũng bao hàm lời cảnh báo từ Tehran tới Tel Aviv rằng các đòn tấn công tiếp theo sẽ khốc liệt hơn.
Israel sẽ trả đũa?
Ngay sau khi khói lửa vừa tan, trang tin Axios dẫn các nguồn từ Israel nhận định, Tel Aviv sẽ tiến hành một đòn tấn công trong vòng vài ngày tới để đáp trả đòn tập kích tên lửa quy mô lớn hôm 1/10, có thể đánh vào các cơ sở sản xuất dầu và các cơ sở chiến lược khác, bao gồm cả cơ sở hạt nhân của Iran.
Bên cạnh đó, các nguồn tin từ Washington thông báo, Nhà Trắng đã nói rõ rằng họ ủng hộ phản ứng của Israel nhưng tin rằng hành động này nên được thực hiện với sự kiềm chế.
Về phần mình, việc Israel yêu cầu phía Mỹ cung cấp thêm các hỗ trợ để Tel Aviv để đối phó với Iran chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Tel Aviv sắp có đòn tấn công trả đũa Iran.
Trong kịch bản đơn giản nhất, IDF có đủ khả năng sử dụng kho UAV tấn công đa dạng bậc nhất thế giới tấn công áp chế và làm suy yếu hệ thống phòng không của Iran để mở đường cho các đòn tấn công bằng tên lửa không đối đất chính xác cao như Delilah - tên lửa hành trình do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Israel Military Industries chế tạo - để tấn công vào các bãi phóng tên lửa, vị trí tập trung lực lượng tấn công của Iran.
Đây có thể coi như đòn tấn công phòng ngừa với những biến số về khả năng leo thang xung đột tối thiểu. Sau đó, Iran chắc chắn sẽ đáp trả bằng cơn mưa tên lửa và UAV tự sát. Kết hợp với đó, "trục kháng chiến" trong vùng Trung Đông như Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Li Băng hay các nhóm Hồi giáo dòng Shitte ở Iraq và Syria sẽ ra tay.
Tuy nhiên, kịch bản có thể dừng lại ở các đòn trả đũa qua lại giữa các bên và khó có thể đẩy xung đột lên tới mức toàn diện.
Trong kịch bản thứ hai, Israel có thể sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa kết hợp với tên lửa hành trình phóng từ trên không và từ tàu ngầm có thể đã ém sẵn ngoài khơi vịnh Persian nhằm thẳng vào các căn cứ hạt nhân quan trọng nằm ở miền Trung Iran.
Hệ thống phòng không của Iran có thể mạnh mẽ, nhưng năng lực đối phó với các đòn tập kích đường không bằng các loại vũ khí đạn đạo và tên lửa hành trình chính xác cao như những loại Israel có trong trang bị sẽ rất hạn chế.
Sự nguy hiểm của đòn trả đũa này sẽ khiến Iran kích hoạt toàn bộ năng lực tấn công vào không chỉ lãnh thổ Israel, mà còn những cơ sở nước ngoài của họ. Cuộc chiến toàn diện kết hợp với lực lượng ủy nhiệm của Iran xung quanh lãnh thổ Israel sẽ đẩy Tel Aviv vào thế phải chiến lâu dài và không có hồi kết. Thậm chí nếu có chiến thắng thì cũng như chiến thắng kiểu Pyrros, tức thắng mà như thua.
Điều này cũng được giới chức Israel dự đoán với hãng tin NBC News. Theo đó, Tel Aviv đang chuẩn bị cho chiến dịch tấn công kéo dài nhiều ngày có thể xảy ra từ Iran và phong trào Hezbollah.
"Họ sẽ cố gắng làm chúng tôi kiệt sức", quan chức Israel nhấn mạnh.
Nhằm răn đe đối phương, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố, Israel sẽ phải đối mặt với các đợt đáp trả mạnh mẽ hơn nhiều. "Nếu Tel Aviv phản ứng trước hành động của Tehran, nước này sẽ phải đối mặt với các đợt tấn công tàn khốc".
Luôn có "ánh sáng cuối đường hầm"
Xung đột giữa Israel và Iran cùng các đồng minh hiện tại có thể coi như "thùng thuốc súng" đã được châm ngòi. Tuy nhiên, căn cốt của vấn đề xung đột hiện tại chưa đẩy các bên vào thế sinh tồn, mà nằm chủ yếu ở việc giữ thể diện.
Cả Iran và Israel đều hiểu năng lực và tiềm lực của nhau. Không ai muốn đẩy xung đột lên tới mức để "đồng quy vu tận".
Nhà khoa học chính trị và chuyên gia về các vấn đề của các nước Trung Đông người Nga Stanislav Tarasov đánh giá, cả Iran và Israel không sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn tại Trung Đông ở thời điểm hiện tại.
Theo đánh giá của chuyên gia này, tất cả các dấu hiệu, bao gồm cả động thái của giới lãnh đạo Iran, đều cho thấy Tehran thực tế không muốn đẩy căng thẳng tới mức mất kiểm soát. Tuy nhiên, họ cần phải đáp trả để giữ thể diện.
"Không ai sẵn sàng cho cuộc chiến này. Cuộc xung đột càng lôi kéo nhiều bên tham gia thì khả năng xảy ra chiến tranh càng thấp. Đây là điều thứ nhất. Vấn đề thứ hai là Mỹ sẽ không tham gia cuộc chiến này vì chiến dịch bầu cử tổng thống đang tới gần. Không bên nào ở Mỹ có thể đưa ra quyết định quan trọng liên quan tới cuộc xung đột của Israel với Iran", ông Tarasov nói.
"Tổng thống Mỹ Joe Biden không còn là người ra quyết định cuối cùng khi con đường chính trị của ông ấy đã chấm dứt. Đồng thời, Iran đang bắt đầu đi theo con đường chính sách đối ngoại mới để gây sức ép lên Phó Tổng thống Mỹ Harris rằng, nếu xung đột xảy ra, Tehran sẽ làm mọi cách để ủng hộ ông Donald Trump. Mặc dù ông này có quan điểm chống Iran gay gắt, nhưng kẻ thù của kẻ thù sẽ là bạn", chuyên gia Stanislav Tarasov đánh giá.