Quốc Đạt

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình?

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình? - 1

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp mặt lần 2 vào ngày 15/11, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC tại San Francisco, Mỹ vào tuần này (Ảnh: Reuters).

Trước thềm cuộc gặp ngày 15/10 giữa ông Biden và ông Tập bên lề APEC, giới quan sát như thường lệ đã đưa ra nhiều bình luận về ý nghĩa của sự kiện này với quan hệ Mỹ - Trung. Nhưng có lẽ không ai có thể nói rõ hơn chính người trong cuộc.

"Từ khi ngài nhậm chức Tổng thống, chúng ta đã duy trì liên lạc qua các cuộc họp trực tuyến, điện đàm và thư tín", ông Tập nói trong lần gặp đầu tiên với ông Biden tại Bali, Indonesia vào cuối năm 2022. "Nhưng không hình thức nào có thể thực sự thay thế các cuộc gặp trực tiếp".

Một năm qua, thế giới tiếp tục gặp nhiều biến động. Khi cuộc xung đột tại châu Âu chưa có tín hiệu kết thúc, một cuộc chiến khác đã xảy ra tại Trung Đông và có nguy cơ lan rộng. Căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan vẫn âm ỉ. Nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều không trong tình trạng lý tưởng.

Gặp mặt trong bối cảnh ấy, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ không thiếu vấn đề khó nhằn cần trao đổi để hiểu nhau hơn và tìm cách quản lý quan hệ song phương. Nhưng giới chuyên gia cho rằng không nên đặt kỳ vọng quá cao vì cả 2 còn nhiều khác biệt.

Dù vậy, trong mối quan hệ đặc biệt giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới, bản thân cuộc gặp diễn ra đã là dấu hiệu tích cực, theo giới chuyên gia.

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình? - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden cười tươi trong lần gặp mặt trực tiếp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, vào ngày 14/11/2022 (Ảnh: AFP).

Một năm trúc trắc

Lần gần nhất 2 nhà lãnh đạo gặp nhau là khi áp lực đối với họ được giảm đi phần nào. Ông Tập khi ấy vừa tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi ông Biden và đảng Dân chủ vừa đạt thành tích tốt hơn dự kiến trong bầu cử giữa kỳ. Cả hai đều chia sẻ những nụ cười rất tươi trước ống kính.

Và cuộc gặp ấy lẽ ra cũng sẽ đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo tích cực, nhất là sau căng thẳng xung quanh chuyến thăm đảo Đài Loan hồi tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, khi đó là bà Nancy Pelosi, theo ông Charles Morrison - chuyên gia của Trung tâm Đông - Tây tại Hawaii.

"Không phải vì có bên nhượng bộ sau cuộc gặp ấy mà chủ yếu là vì giữa hai nước sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn", ông Morrison nói với phóng viên Dân trí. "Nhưng rồi mọi chuyện bị chệch hướng vì sự cố khinh khí cầu".

Lầu Năm Góc đến nay đã kết luận rằng khí cầu Trung Quốc không thu thập tin tức tình báo trong lúc bay qua Mỹ nhưng mọi chuyện khi ấy đã quá muộn. Quả khí cầu đã kéo quan hệ 2 nước đi xuống khi nó bị máy bay Mỹ bắn rơi.

Đến giữa năm nay, chính quyền ông Biden đã chủ động tiếp cận Bắc Kinh với chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken, theo ông Zhiqun Zhu, Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ). Nhiều quan chức chính quyền cùng phái đoàn Quốc hội Mỹ sau đó cũng lần lượt thăm Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để khôi phục trao đổi song phương. Chuyến thăm Washington ngày 26-28/10 của Ngoại trưởng Vương Nghị được nhiều người cho là có mục đích tạo tiền đề cho cuộc gặp sắp tới của ông Biden và ông Tập tại San Francisco.

"Cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch sắp tới sẽ là cố gắng cực điểm của hai bên nhằm ổn định quan hệ", Giáo sư Zhu nói trên Think China.

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình? - 3

Sự cố khí cầu Trung Quốc trong không phận Mỹ vào tháng 2 năm nay đã kéo quan hệ Mỹ - Trung đi xuống (Ảnh: AP).

Mỗi bên có tính toán riêng

Tất nhiên, để cuộc gặp sắp tới có thể trở thành hiện thực thì nó phải cần phải phù hợp với những tính toán về lợi ích chiến lược của Mỹ và Trung Quốc.

"Động lực thúc đẩy Mỹ đi đến cuộc gặp sắp tới cũng giống điều đã thôi thúc họ đến với cuộc gặp ở Bali, đó là để ngăn cạnh tranh Mỹ - Trung trở thành nguồn cơn tiềm ẩn gây xung đột", ông Daniel Sneider, giảng viên Nghiên cứu Á Đông tại Đại học Stanford (Mỹ) nói với phóng viên Dân trí và cho rằng động lực ấy càng lớn hơn so với một năm trước vì các cuộc khủng hoảng trên thế giới đang khiến Mỹ phải phân tâm.

Trong cuộc gặp, ông Biden dự kiến đưa ra những lời trấn an rằng tuy đặt ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn, Mỹ không cố gắng tiến hành "chiến tranh kinh tế" với Bắc Kinh.

"Mỹ không muốn phân tách khỏi Trung Quốc", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã nói khi gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong. "Chúng tôi tìm kiếm mối quan hệ kinh tế lành mạnh với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho cả hai nước theo thời gian".

Ngoài ra, một trong những ưu tiên mà Mỹ muốn đạt được trong cuộc gặp sắp tới là việc nối lại đối thoại quốc phòng đã bị gián đoạn kể từ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình? - 4

Một tấm màn hiển thị con chip máy tính và chữ "Tự chủ" tại Hội nghị AI Quốc tế ở Thượng Hải vào tháng 7. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tự chủ công nghệ cao, trong bối cảnh Mỹ áp đặt một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ chất bán dẫn với Trung Quốc (AP).

Việc tướng Lý Thượng Phúc - người nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ - không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ gần cuối tháng 10 cũng được cho là có thể mở lại cánh cửa đối thoại quân sự, theo ông Sneider.

Bắc Kinh từng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với tướng Lý để làm điều kiện nối lại đối thoại với người đứng đầu Lầu Năm Góc, tướng Lloyd Austin. Trung Quốc chưa nêu tên tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Trong những tháng gần đây, các mối quan hệ quân sự cấp thấp hơn đã được nối lại. Chẳng hạn, Đô đốc John Aquilino, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đã gặp tướng Từ Khởi Linh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tại Fiji vào tháng 8.

"Cũng sẽ có một số cuộc về tình hình các cuộc khủng hoảng thế giới như Ukraine và Gaza", ông Sneider nói. "Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc muốn ông Biden khẳng định hoặc lặp lại lập trường về vấn đề Đài Loan, cụ thể là Mỹ không ủng hộ hòn đảo này độc lập".

Theo ông Sneider, động lực khiến Bắc Kinh đến San Francisco một phần là do khó khăn kinh tế trong quá trình phục hồi hậu đại dịch và giữa cuộc khủng hoảng bất động sản. Gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm trong khoảng thời gian tháng 7-9, lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Bắc Kinh đã nhiều lần đề nghị Mỹ dỡ bỏ thuế quan với Trung Quốc còn sót lại từ thời ông Trump. Nhưng lần này, ông Tập nhiều khả năng sẽ chỉ yêu cầu ông Biden đảm bảo Mỹ không tung thêm các biện pháp hạn chế mới.

Triển vọng nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình? - 5

Chiến đấu cơ Trung Quốc diễn tập quanh đảo Đài Loan vào tháng 8. Vấn đề Đài Loan nhiều khả năng sẽ được đề cập trong cuộc gặp sắp tới giữa ông Biden và ông Tập (Ảnh: Xinhua).

Còn nhiều khác biệt

Tuy cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra cùng nỗ lực để cuộc gặp sắp tới thành hiện thực, giới chuyên gia đều nhận định không nên kỳ vọng quá nhiều vì giữa 2 nước còn tồn tại nhiều khác biệt.

Ngoài ra, cả 2 bên sẽ không thể nhượng bộ một phần vì các ràng buộc nội bộ. Chẳng hạn, ông Biden sẽ không thực hiện hành động có thể bị coi là mềm mỏng trước Trung Quốc khi ông sẽ tái tranh cử vào năm sau.

"Họ có thể hái một số "quả mọc cành thấp" như thỏa thuận về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI)", ông Sneider nói và chỉ ra rằng không chỉ Mỹ và châu Âu mà Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng AI bị lạm dụng. "Nhưng sẽ không có đột phá. Họ chỉ cần đưa mọi thứ rời xa bờ vực xung đột. Vậy là đủ".

Như vậy, dù kết quả cuộc gặp tại San Francisco có lẽ sẽ không đột phá, nó vẫn là dịp để mỗi bên lắng nghe lập trường của bên kia, từ đó giảm hiểu nhầm. Và một trong những điều quan trọng có thể giúp tăng cường thấu hiểu giữa là thúc đẩy sự giao lưu giữa người dân 2 nước.

"Chúng ta muốn công dân Mỹ và Trung Quốc, bao gồm các nhà khoa học, học giả, du khách…, có thể đi lại tự do giữa 2 nước", ông Morrison nói. "Một tín hiệu tốt là gần đây, số lượng chuyến bay thẳng giữa 2 nước đã tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn năm 2019".

Dù ông Biden hay một người khác sẽ đắc cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ trong năm 2024, cuộc gặp sắp tới cũng sẽ đặt nền tảng để Mỹ - Trung giữ đà tiếp xúc cho tương lai.

"Bản thân cuộc gặp đã là rất quan trọng và tôi cho rằng các cuộc họp ở cấp lãnh đạo đóng vai trò mấu chốt", ông Sneider nói. "Nó có thể dẫn đến những điều khác nữa nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp".