DMagazine

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình: Đi tìm "khoảnh khắc ngọt ngào"

(Dân trí) - Cách đây 9 năm, ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình từng trải qua "khoảnh khắc ngọt ngào" trong quan hệ Mỹ - Trung. Liệu kịch bản này có lặp lại tại hội nghị thượng đỉnh giữa 2 lãnh đạo trong tuần này?

THƯỢNG ĐỈNH JOE BIDEN - TẬP CẬN BÌNH: ĐI TÌM KHOẢNH KHẮC NGỌT NGÀO

Cách đây 9 năm, ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình từng trải qua "khoảnh khắc ngọt ngào" trong quan hệ Mỹ - Trung. Liệu kịch bản này có lặp lại tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo trong tuần này?

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình: Đi tìm khoảnh khắc ngọt ngào - 1

Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden gặp nhau vào năm 2012 tại Los Angeles, Mỹ khi cả hai đều là cấp phó của các nhà lãnh đạo đương nhiệm (Ảnh: Reuters).

Năm 2012, tại Los Angeles, ông Tập Cận Bình, khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc, đã nếm thử hạt mắc ca phủ sô cô la trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sau chuyến công du kéo dài 5 ngày của ông Tập tới Mỹ, ông Biden đã ca ngợi phó chủ tịch Trung Quốc vì sự quan tâm của ông dành cho Mỹ, cũng như mong muốn gặp gỡ phía Mỹ.

Chỉ trong vòng chưa đầy một thập niên, cả ông Tập và ông Biden đều đã vươn lên trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã có nhiều thay đổi.

Trong những năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục trừng phạt lẫn nhau, gửi thông điệp cho nhau thông qua các hoạt động quân sự, "giáng đòn" thuế quan và đối đầu nhau trên mọi lĩnh vực, từ cam kết chống biến đổi khí hậu cho đến xử lý đại dịch toàn cầu.

Tuần này, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ "giáp mặt" nhau tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức trực tuyến. Giới phân tích dự đoán, mỗi bên sẽ tìm cách sử dụng những thế mạnh của mình để chiếm ưu thế so với bên còn lại. Câu hỏi được đặt ra là: Ai sẽ là người "trên cơ" trong cuộc đàm phán lần này?

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1, hai nhà lãnh đạo đã có 2 lần trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình lần này được đánh giá là cuộc thảo luận có ý nghĩa quan trọng nhất của ông Biden và ông Tập từ trước đến nay.

SỰ ỦNG HỘ CỦA CÔNG CHÚNG

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình: Đi tìm khoảnh khắc ngọt ngào - 2

Tổng thống Joe Biden bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị G20 ở Rome, Italy hồi tháng 10 (Ảnh: Getty).

Hội nghị thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau khi ông Joe Biden có chuyến công du tới châu Âu để tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã dừng chân ở Rome, Italy để dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 và tới Glasgow, Scotland để dự hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Ông Biden đã nhắc đến tên của ông Tập khi nhà lãnh đạo Trung Quốc vắng mặt ở cả 2 hội nghị quan trọng này.

Ông Tập Cận Bình được biết đến là nhà lãnh đạo có lịch trình công du quốc tế dày đặc. Tuy nhiên, ông đã không rời khỏi Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào năm ngoái, do vậy, xét trên phương diện nào đó, ông không thể trực tiếp mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, vị thế của ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc chưa bao giờ vững chắc như hiện nay.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11/11 tuyên bố sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình có "ý nghĩa quyết định" đối với quốc gia, khẳng định vị thế vững chắc của ông trong tương lai chính trị của Trung Quốc.

"Mục đích chính của Hội nghị (Trung ương 6) là củng cố quyền lực của ông Tập, đưa ông trở thành lãnh đạo quan trọng nhất của Trung Quốc kể từ sau ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình", Henry Gao, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết.

Theo giới quan sát, nghị quyết lịch sử được Hội nghị Trung ương 6 thông qua được xem là văn kiện xác lập vị thế của ông Tập Cận Bình như một nhà lãnh đạo đang đứng ở nút giao lịch sử, có trọng trách đưa Trung Quốc bắt kịp và vượt các nước phương Tây.

Trong khi đó, chỉ 10 tháng sau nhiệm kỳ đầu tiên, ông Biden đang phải chịu áp lực lớn ở quê nhà, với kết quả không mấy vang dội cho đảng Dân chủ trong một số cuộc đua thống đốc và thị trưởng.

Theo một cuộc khảo sát của CNN được công bố vào tuần trước, 58% số người được hỏi đồng ý rằng ông Biden không tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Tỷ lệ những người ủng hộ mạnh mẽ những gì Tổng thống Biden đã làm chỉ đạt 15%, giảm so với 34% hồi tháng 4.

Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho rằng "kết quả bầu cử gần đây không thuận lợi cho đảng Dân chủ".

"Trong khi địa vị của ông Tập vừa được củng cố, ông Biden đang phải đối mặt với áp lực cho cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Mỹ", chuyên gia Pang nhận định.

Chuyên gia Lu cho rằng ông Tập Cận Bình đang có lợi thế hơn ông Biden xét về sự ủng hộ của người dân trong nước. Theo Lu Xiang, chuyên gia về các vấn đề Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - một tổ chức tư vấn trực thuộc chính phủ Trung Quốc, các cuộc thăm dò ở Mỹ cũng cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với Tổng thống Biden đang giảm sút.

"Trên phương diện quốc tế, các liên minh dân chủ và các giá trị chung không phải là điều mà người dân Mỹ quan tâm chủ yếu. Các cuộc thăm dò của CNN cho thấy ông Biden đang không đi đúng hướng", chuyên gia Lu cho biết thêm.

CĂNG THẲNG LEO THANG

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai nước bất ngờ đạt được đồng thuận thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu ở Glasgow.

Tuy nhiên, sự kiện này cũng diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng về Đài Loan - vấn đề được xem là "điểm nóng" nguy hiểm nhất trong quan hệ song phương.

Ngày 9/11, quân đội Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận mới nhất trong một loạt cuộc tập trận ở ngoài khơi đảo Đài Loan. Ngày 13/11, Ngoại trưởng Mỹ - Trung đã cảnh báo lẫn nhau về vấn đề Đài Loan trong cuộc điện đàm trước thượng đỉnh.

Ngoài Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc cũng căng thẳng trong một loạt vấn đề như Tân Cương, Hong Kong, Tây Tạng, cũng như tranh chấp thương mại và tấn công mạng. Mỹ cũng chỉ trích các hành vi quân sự hóa và yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình: Đi tìm khoảnh khắc ngọt ngào - 3

Một cấu trúc nghi là giếng phóng tên lửa của Trung Quốc (Ảnh: Planet).

Mỹ còn thất vọng trước việc Trung Quốc cản trở các cuộc điều tra đa phương về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Washington cũng tức giận trước sức ép của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty Mỹ, nhằm buộc các doanh nghiệp này vận động hành lang để quốc hội Mỹ bãi bỏ những đạo luật gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Căng thẳng Mỹ - Trung còn leo thang trước năng lực quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc, bao gồm kho vũ khí hạt nhân của nước này. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm gần đây và nghi ngờ Trung Quốc xây thêm ít nhất 250 giếng phóng mới dành cho tên lửa tầm xa.

ƯU THẾ THUỘC VỀ AI?

Robert Daly, giám đốc của Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định không bên nào có thể chiếm ưu thế tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Theo chuyên gia Daly, vị thế của ông Tập Cận Bình tại Trung Quốc đã tăng lên sau hội nghị của đảng tuần trước, tuy nhiên, ông không nhận được sự ủng hộ trên trường quốc tế do cách xử lý các vấn đề "nóng" như Tân Cương hay Hong Kong.

Trong khi đó, mặc dù ông Biden đang phải đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ ở quê nhà, nhưng so với ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Donald Trump, ông lại được chào đón nhiều hơn trên trường quốc tế với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu.

"Có lẽ sẽ không có bên nào đàm phán trên cơ. Cả ông Tập và ông Biden đều không xem xét lại các lợi ích hoặc chiến lược của mỗi nước trước thềm thượng đỉnh. Thay vào đó, mỗi bên dường như đang tìm kiếm một cách thức có thể thuyết phục bên còn lại chấp nhận các chính sách của mình theo các điều kiện của mình", chuyên gia Daly cho biết.

Theo chuyên gia Pang Zhongying, cả hai nhà lãnh đạo đều không thừa nhận vị thế sức mạnh của bên còn lại, nhưng khi Tổng thống Biden tìm cách thiết lập lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, ông đang phát huy những lợi ích mà mạng lưới liên minh có thể mang lại cho Washington.

"Mỹ có lợi thế trong hệ thống liên minh của mình. Giờ đây, họ có AUKUS (thỏa thuận liên minh giữa Anh, Mỹ, Australia), họ dẫn đầu ở NATO và đảm nhận vai trò lãnh đạo trong G7 và G20", ông Pang cho biết.

KỲ VỌNG VỀ THƯỢNG ĐỈNH

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình: Đi tìm khoảnh khắc ngọt ngào - 4

Ông Tập Cận Bình đón ông Joe Biden tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2011 (Ảnh: Getty).

Giới phân tích không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp diễn ra. Hai nhà lãnh đạo nhiều khả năng sẽ không ra tuyên bố chung. Nhà Trắng cũng úp mở rằng Tổng thống Biden sẽ không trả lời câu hỏi của báo chí sau khi hội đàm với ông Tập kết thúc.

"Nhìn chung, đối với cả Washington và Bắc Kinh, kỳ vọng về hội nghị khá thấp. Thay vào đó, mối quan hệ giữa hai nước mang tính mặc cả nhiều hơn", Scott Moore, giám đốc các chương trình và sáng kiến chiến lược của Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania, cho biết.

"Đối với Biden, ông ấy đang phải đối mặt với những thách thức chính trị ở quê nhà với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra (vào năm tới). Do đó, ông ấy có thể sẽ phải đối mặt với những ràng buộc về chính trị và không thể thực hiện bất kỳ hành động nào bị coi là nhượng bộ đáng kể trước Trung Quốc", chuyên gia Moore nhận định.

"Đối với ông Tập, rủi ro lớn nhất là trên mặt trận kinh tế. Đó là lý do Bắc Kinh đang đánh tiếng dành sự quan tâm của họ trong việc đạt được tiến bộ về thương mại. Các phát ngôn gần đây từ các quan chức trong chính quyền Biden cho thấy, hai bên quan tâm đến việc hợp tác về vấn đề thương mại, nhưng vẫn có những ràng buộc chính trị đáng kể", ông Moore cho biết thêm.

Cả hai nhà lãnh đạo sẽ tìm cách tránh để sự cạnh tranh giữa hai nước vượt ngoài tầm kiểm soát.

Trong một thông điệp gửi tới Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, ông Tập nói rằng quan hệ song phương đang ở "thời điểm lịch sử quan trọng".

"Cả hai nước sẽ được lợi từ sự hợp tác và chịu tổn thất nếu đối đầu. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất", ông Tập tuyên bố.

Trong thông điệp gửi tới ủy ban trên, Tổng thống Biden cũng cho biết: "Từ việc đối phó đại dịch Covid-19 đến giải quyết mối đe dọa hiện hữu của cuộc khủng hoảng khí hậu, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa toàn cầu".