1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi việc Trung Quốc bị nghi gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc bị nghi đã vận động và gây áp lực lên các công ty Mỹ để họ chống lại dự luật liên quan tới Bắc Kinh ở quốc hội, cảnh báo viễn cảnh các doanh nghiệp này có thể bị mất thị phần và doanh thu.

Tranh cãi việc Trung Quốc bị nghi gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ - 1

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Reuters dẫn 4 nguồn thạo tin cho hay, Trung Quốc trong những tuần gần đây dường như đã thúc giục các lãnh đạo cấp cao, công ty và doanh nghiệp Mỹ chống lại các dự luật liên quan tới Bắc Kinh ở Quốc hội Mỹ.

Các nguồn tin nói rằng, phía Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ đã gửi thư, gặp mặt với các doanh nghiệp để phát đi các thông điệp.

Cụ thể, trong các lá thư từ cơ quan ngoại giao Trung Quốc mà Reuters tiếp cận được, Bắc Kinh được cho đã gây áp lực lên các doanh nhân để những người này kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thay đổi hoặc loại bỏ các dự luật nâng cao năng lực cạnh tranh của Mỹ.

Theo Reuters, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo các công ty Mỹ về viễn cảnh có thể bị mất thị phần hoặc doanh thu ở Trung Quốc nếu các dự luật trên được chính thức ký thành luật.

Đại sứ quán Trung Quốc và người đứng đầu văn phòng kinh tế và thương mại Trung Quốc không phản hồi khi được yêu cầu đưa ra bình luận.

Các nguồn tin nói rằng, những yêu cầu của Trung Quốc đã khiến một số cá nhân quan ngại rằng họ có thể bị xem là vi phạm Đạo luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (FARA) nếu họ vận động hành lang các nghị sĩ liên quan tới các vấn đề tương tự trong tương lai.

Vì vậy, với một hành động tranh cãi từ phía Trung Quốc như vậy, không một nguồn tin nào muốn lộ danh tính rằng họ đã nhận hoặc xem các thông điệp của phía Bắc Kinh, theo Reuters.

Trước đó, vào tháng 6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Cạnh tranh và Đổi mới (USICA). Một dự luật tương tự ở Hạ viện tên là Eagle hiện đang bị đình trệ vì Quốc hội Mỹ đang tập trung vào các vấn đề trong nước. Đạo luật USICA hay Eagle có mục tiêu nhằm tăng năng lực cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và cấp ngân sách cho ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn.

Theo Reuters, ngôn từ trong các lá thư mà Trung Quốc gửi đi dường như đã đề nghị các doanh nghiệp phản đối USICA hay dự luật Eagle.

Trung Quốc coi những dự luật này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng trưởng kinh tế và sức mạnh địa chính trị.

"Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc giục các thành viên Quốc hội Mỹ từ bỏ lối tư duy và tư tưởng định kiến, ngừng việc đưa ra các dự luật tiêu cực liên quan tới Trung Quốc, xóa bỏ những điều khoản thiếu tích cực, để tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế và thương mại song phương trước khi quá muộn", Reuters đăng một đoạn văn bản mà họ trích dẫn từ lá thư Trung Quốc gửi hồi đầu tháng 11.

"Hậu quả của những dự luật tiêu cực liên quan tới Trung Quốc sẽ không phục vụ lợi ích cho công ty Mỹ. Tất cả mọi người sẽ bị tổn thương. Ủng hộ một chuỗi cung ứng không có Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ và các công ty Mỹ mất thị phần và doanh thu tại Trung Quốc", lá thư cảnh báo.