"Thùng thuốc súng" Trung Đông sôi sục sau 2 vụ ám sát
(Dân trí) - Hai vụ ám sát nhằm vào các thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah đã đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới và có nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện.
Iran tuyên bố sẽ "trả thù" sau khi các cuộc không kích cướp đi sinh mạng của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran, Iran và chỉ huy cấp cao của Hezbollah ở Beirut, Li Băng trong vòng 12 giờ.
Quân đội Israel xác nhận đứng sau vụ không kích vào một tòa nhà ở Beirut, đồng thời tuyên bố cuộc không kích đã hạ chỉ huy cấp cao nhất của phong trào Hezbollah.
Israel quy trách nhiệm cho chỉ huy của Hezbollah về vụ tấn công rocket cuối tuần trước nhằm vào khu vực Majdal Shams ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Israel không lên tiếng về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, trong khi giới chức Hamas và Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này.
Khalil al-Hayya, một quan chức cấp cao của Hamas, dẫn lời các nhân chứng cho biết, ông Haniyeh đã thiệt mạng do một tên lửa bắn "trực tiếp" vào tòa nhà nơi ông đang ở. Ông Haniyeh đã tới Tehran để dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cũng đổ lỗi cho Israel và nói rằng, Iran có "nghĩa vụ" trả thù vì thủ lĩnh Haniyeh đã bị nhắm mục tiêu khi đang là khách mời tại quốc gia này. New York Times đưa tin, ông Khamenei đã ra lệnh cho Iran tấn công trực tiếp vào Israel.
Thời gian và địa điểm của hai cuộc không kích, nhắm vào các chỉ huy cấp cao của Hamas và Hezbollah ở hai thủ đô đông dân, đã trở thành "đòn giáng" mạnh vào Iran và Li Băng, làm tăng nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh khu vực toàn diện khi Iran tìm cách tái lập khả năng răn đe quân sự.
Mặc dù Hamas cũng đã thề sẽ "trả thù", nhưng sau gần 10 tháng chiến đấu ở Gaza, họ có rất ít khả năng tấn công ngoài dải đất này.
Lực lượng an ninh và các quan chức ở Israel, Iran và Li Băng phần lớn đều đồng ý rằng một cuộc xung đột toàn diện sẽ tàn phá tất cả các bên, bất kể bên nào giành chiến thắng. Tuy vậy, nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột vẫn leo thang trong khu vực.
Trong một tuyên bố kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm leo thang, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo các cuộc tấn công đánh dấu "sự leo thang nguy hiểm" và "việc chỉ kiềm chế vẫn không đủ vào thời điểm vô cùng nhạy cảm này".
Ai Cập và Qatar, những bên đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng ở Gaza, đã cảnh báo rằng việc ám sát thủ lĩnh Haniyeh sẽ làm chậm lại tiến trình đàm phán.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu quan trọng vào tối 31/7, ca ngợi cuộc không kích vào Li Băng, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu ở Gaza.
"Trong nhiều tháng qua, không một tuần nào trôi qua mà không có người cả ở trong và ngoài nước kêu gọi tôi chấm dứt chiến tranh. Lúc đó, tôi đã không đầu hàng trước những lời kêu gọi này và bây giờ, tôi cũng không đầu hàng họ", ông Netanyahu nhấn mạnh.
"Nếu chúng tôi đầu hàng trước áp lực chấm dứt chiến tranh, chúng tôi đã không loại bỏ được các thủ lĩnh của Hamas, chúng tôi đã không kiểm soát được Hành lang Philadelphi (dọc theo biên giới Ai Cập), nơi "cung cấp oxy" cho Hamas, và chúng tôi đã không tạo ra được điều kiện để vừa giải phóng tất cả những người bị bắt cóc vừa đạt được mục tiêu của cuộc chiến", nhà lãnh đạo Israel nói thêm.
Chính quyền Mỹ trong nhiều tháng đã dẫn đầu nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực với quy mô rộng lớn hơn. Các nhà ngoại giao Mỹ gần đây đã thúc đẩy mạnh mẽ một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington không biết và không liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh, đồng thời nhấn mạnh một thỏa thuận ngừng bắn ớ Gaza vẫn còn quan trọng.
Con đường để giảm leo thang xung đột khu vực đối với Iran và các đồng minh, từ Hezbollah ở biên giới phía bắc của Israel đến Houthi ở Yemen, đều đi qua Gaza.
Tất cả các nhóm, Hamas (ở Gaza), Houthi (ở Yemen) và Hezbollah (ở Li Băng), đều tuyên bố cầm vũ khí để đoàn kết với người Palestine, sau khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào tháng 10 năm ngoái. Nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, họ khó có thể hạ vũ khí.
Israel từng tuyên bố sẽ hạ gục ông Haniyeh và các thủ lĩnh khác của Hamas để đáp trả cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel. Cuộc tấn công khiến 1.200 người thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị bắt làm con tin.
Tại cuộc họp khẩn cấp của hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc, Nga, Algeria và các nước khác đã lên án vụ ám sát thủ lĩnh Hamas. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc thậm chí gọi đây là hành động khủng bố. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc nhận định việc không đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng.
Đại diện Palestine, Feda Abdelhady Nasser, lên án vụ ám sát, đồng thời công kích trực tiếp Israel, nói rằng "không có lằn ranh đỏ nào đối với Israel".
Lễ tang của thủ lĩnh Haniyeh sẽ được tổ chức tại Iran vào ngày 1/8 và nước này đã tuyên bố để tang ba ngày. Sau đó, thi thể của ông sẽ được đưa bằng máy bay đến thủ đô Doha của Qatar để chôn cất.
Mặc dù bị sốc trước cái chết của ông Haniyeh, nhưng các quan chức và nhà phân tích của Hamas cho biết vụ việc này sẽ không gây ra nhiều tác động ngay lập tức đến tình hình thực địa ở Gaza.
Hamas vẫn sống sót sau các vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao trước đây, bao gồm người cố vấn của ông Haniyeh là Ahmed Yassin vào năm 2004. Thủ lĩnh Haniyeh đã không chỉ huy các hoạt động ở Gaza sau khi rời đi và sống lưu vong vào năm 2019.
Các chiến binh Hamas ở Dải Gaza do Yahya Sinwar chỉ huy. Ông được cho là người đứng sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin.
Thủ lĩnh Haniyeh từng kêu gọi người Palestine "kiên định" khi cố vấn Yassin thiệt mạng và một cuộc không kích giết chết 3 người con trai và 4 người cháu của ông ở Gaza vào tháng 4.
Trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera vào thời điểm đó, thủ lĩnh Haniyeh khẳng định sự mất mát cá nhân của ông sẽ không buộc Hamas thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán. Do vậy, cái chết của chính ông có thể sẽ gây ra phản ứng tương tự từ các thủ lĩnh Hamas khác.
Israel từ chối bình luận về vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh, nhưng từng tuyên bố sẽ hạ gục tất cả thủ lĩnh Hamas sau cuộc tấn công của lực lượng này vào năm ngoái. Các cơ quan tình báo Israel từng bị cáo buộc thực hiện các vụ tấn công bí mật bên trong lãnh thổ Iran.
Đàm phán sẽ đi vào ngõ cụt?
Theo giới phân tích, vụ ám sát hai thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah đã đẩy Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng mới và làm giảm hy vọng mong manh về việc chấm dứt xung đột ở Dải Gaza trong thời gian tới.
Các chuyên gia thừa nhận, các vụ ám sát "phủ bóng đen" đáng lo ngại lên những nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Dải Gaza, cũng như hy vọng giảm leo thang giữa Israel và các đối thủ được Iran hậu thuẫn trong khu vực.
Nhà phân tích chính trị và chính sách đối ngoại của CNN, Barak Ravid cho rằng cái chết của thủ lĩnh Haniyeh "sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các cuộc đàm phán".
Trước khi thủ lĩnh Hamas bị ám sát, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Gaza và giải thoát những con tin Israel còn lại bị Hamas bắt giữ đã gặp phải nhiều rào cản trong suốt nhiều tháng.
Đầu tháng 7, ông Haniyeh đã liên lạc với các bên trung gian ở Qatar và Ai Cập để thảo luận về các đề xuất chấm dứt chiến tranh, làm dấy lên hy vọng rằng hai bên có thể tiến gần đến một thỏa thuận khung.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực bây giờ có thể "tan thành mây khói" sau cái chết của thủ lĩnh Hamas.
Một nguồn tin am hiểu về các cuộc đàm phán nói với CNN rằng vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh có thể "làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán hòa giải", vì ông đã đóng góp công sức vào tiến trình này. Nguồn tin cho biết ông Haniyeh là "người ra quyết định quan trọng", cùng với thủ lĩnh quân sự của Hamas ở Gaza, Yahya Sinwar.
"Ông ấy là người nhìn thấy giá trị của một thỏa thuận và đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được những đột phá nhất định trong các cuộc đàm phán", nguồn tin cho biết, đồng thời nói thêm rằng "ở giai đoạn này, vẫn chưa rõ tác động của thỏa thuận này đối với các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ như thế nào".
Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, một bên trung gian quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, đã viết trên mạng xã hội X: "Các vụ ám sát chính trị và việc tiếp tục nhắm mục tiêu vào dân thường ở Gaza trong khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn khiến chúng ta phải tự hỏi, làm sao hòa giải có thể thành công khi một bên nhắm mục tiêu vào người đàm phán ở phía bên kia?".
Qatar, quốc gia đã giúp giải thoát một số con tin Israel, đã cung cấp nơi ở cho thủ lĩnh Hamas trước khi ông bị ám sát, và văn phòng chính trị của nhóm này đã đặt trụ sở tại thủ đô Doha của Qatar kể từ năm 2012.
Một số câu hỏi cũng được đặt ra về các tính toán của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người mà nhiều nhà quan sát - bao gồm cả gia đình của các con tin - đã cáo buộc cố tình trì hoãn các cuộc đàm phán và kéo dài chiến tranh để bảo vệ sự sống còn về mặt chính trị.
"Ông Netanyahu có thể đã cản trở các cuộc đàm phán ngừng bắn vì việc chấm dứt chiến tranh có thể sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông ấy", chuyên gia Trita Parsi thuộc Viện Quincy, một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết trong một bài đăng trên X.
"Vụ ám sát khiến ông Netanyahu có thêm vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, mà không có kỳ vọng nghiêm túc nào về một thỏa thuận ngừng bắn", chuyên gia nói thêm.
Gershon Baskin, người từng tham gia đàm phán để giải thoát con tin Israel và là kênh liên lạc với Hamas, lưu ý rằng các cuộc đàm phán đã bế tắc ngay cả trước vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh.
Hiện tại, Baskin cho biết, có thể đã đến lúc các bên trung gian đưa ra một thỏa thuận và yêu cầu các bên như Israel và Hamas "chấp nhận hoặc từ bỏ".
"Và nếu họ rời đi, có lẽ đã đến lúc để các bên tự giải quyết", Baskin nói.
Một quá trình đàm phán không suôn sẻ cũng kéo dài nguy cơ đối với tính mạng của những con tin còn lại ở Gaza.
Theo dữ liệu từ văn phòng của Thủ tướng Netanyahu, hiện vẫn còn 111 con tin ở Gaza, trong đó có 39 người được cho là đã thiệt mạng. Gia đình họ đã nhiều lần chỉ trích Thủ tướng Netanyahu vì không đảm bảo việc trả tự do cho các con tin.
Khủng hoảng Gaza khó chấm dứt
Nếu không có lệnh ngừng bắn, người dân Gaza, những người đang bị bao vây, sẽ không thể được giải thoát khỏi cuộc chiến. Theo cơ quan y tế Gaza, hơn 39.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột. Nhiều vùng đất đã bị san phẳng và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cuộc chiến mà Israel phát động để đáp trả cuộc tấn công hồi tháng 10 năm ngoái của Hamas cũng đã khiến gần như toàn bộ 2 triệu người ở Dải Gaza phải sơ tán, với 86% lãnh thổ hiện nằm dưới lệnh sơ tán của Israel.
Bộ Ngoại giao Qatar hôm 31/7 cho biết vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh "sẽ khiến khu vực này rơi vào vòng xoáy hỗn loạn và làm suy yếu cơ hội hòa bình".
Ai Cập, một bên trung gian quan trọng trong cuộc xung đột nhưng có mối quan hệ căng thẳng với Israel kể từ tháng 10/2023, đã lên án "chính sách leo thang nguy hiểm của Israel" và cảnh báo về "các vụ ám sát vô nghĩa và vi phạm chủ quyền của các quốc gia".
Trong một tuyên bố, Ai Cập cho biết hai vụ ám sát thủ lĩnh Hamas và Hezbollah "làm bùng nổ" cuộc đối đầu trong khu vực.
Cái chết của hai thủ lĩnh Hamas ở Tehran và Hezbollah ở Beirut có tác động quan trọng cả về mặt thời gian và địa điểm.
Chuẩn tướng Assaf Orion, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, cho biết hai vụ việc này "làm tăng khả năng xảy ra phản ứng theo trục, đưa Iran và các cuộc tấn công ủy nhiệm khác vào danh sách".
Iran được cho là đã mất nhiều năm đầu tư vào các nhóm ủy nhiệm khu vực, được gọi một cách không chính thức là "Trục kháng chiến" - một liên minh chống Israel và chống phương Tây - bằng cách cung cấp tiền, vũ khí và huấn luyện, trong khi Tehran tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên khắp Trung Đông.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Iran coi việc trả thù cho vụ ám sát thủ lĩnh Hamas là nghĩa vụ của mình vì ông đã bị ám sát trên đất Iran.
Cuộc chiến của Israel chống lại Hamas ở Gaza đã đưa cuộc chiến tranh ngầm lâu đời với Iran ra "ánh sáng" và gây ra làn sóng phản đối trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 31/7, đại sứ Iran tại Liên hợp quốc đã đổ lỗi cho Mỹ về cái chết của thủ lĩnh Haniyeh, nói rằng vụ ám sát không thể xảy ra nếu không có sự cho phép và hỗ trợ tình báo của Washington. Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trong chuyến công du Philippines, cho biết ông không nghĩ rằng chiến tranh ở Trung Đông là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu Israel bị tấn công, Mỹ sẽ giúp bảo vệ nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington "không biết hoặc không liên quan đến" vụ ám sát thủ lĩnh Haniyeh, đồng thời khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực "ngay từ đầu" để đạt được lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn xung đột lan sang các khu vực khác.
HA Hellyer, học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh tại London, cho biết trừ khi có nỗ lực tích cực để làm dịu căng thẳng trong khu vực, nếu không, "sự leo thang chắc chắn sẽ xảy ra".
"Mỹ không muốn sử dụng đòn bẩy mà họ thực sự có đối với Israel để buộc Israel phải vào thế đàm phán nghiêm túc. Điều này không bền vững", chuyên gia Hellyer nhận định.
Trong khi đó, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Andrey Nastasyin cảnh báo Trung Đông "đang bên bờ vực của một cuộc xung đột toàn cầu". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng vụ ám sát thủ lĩnh Hamas có thể gây mất ổn định khu vực.
"Chúng tôi cho rằng những hành động như vậy đi ngược lại với các nỗ lực mang lại hòa bình cho khu vực, hoặc thậm chí có thể làm mất ổn định hơn nữa tình hình vốn đã căng thẳng", ông Peskov cho biết.
Theo Guardian, CNN, New York Times