DMagazine

Ông Thaksin nung nấu đường về sau nhiều năm lưu vong, bỏ trốn?

(Dân trí) - Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra dường như đang nung nấu ý định để thực sự có thể quay về Thái Lan, sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài và chạy trốn hàng loạt cuộc điều tra và các bản án.

ÔNG THAKSIN NUNG NẤU ĐƯỜNG VỀ SAU NHIỀU NĂM LƯU VONG, BỎ TRỐN?

Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra dường như đang nung nấu ý định để thực sự có thể quay về Thái Lan, sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài và chạy trốn hàng loạt cuộc điều tra và các bản án.

Hồi tháng 7, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã đưa ra một lời hứa hẹn táo bạo từ Dubai, nơi ông đang sống lưu vong. Ông nói ông "nhất định sẽ về nước", và sẽ "về bằng cửa trước, chứ không phải cửa sau".

"Tôi nhắc lại là tôi nhất định sẽ về nước. Tôi sẽ nói rõ hơn vào thời điểm thích hợp. Tôi sẽ về bằng cửa trước của sân bay Suvarnabhumi, chứ không phải cửa sau", ông Thaksin nói với những người nghe ông trò chuyện trên Clubhouse, một nền tảng mạng xã hội âm thanh.

Ngay sau tuyên bố của "Tony Woodsome", cái tên được ông Thaksin sử dụng trên Clubhouse, hashtag "Tony sẽ quay về" đã nhanh chóng lan truyền trên Twitter tại Thái Lan.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Thaksin nói sẽ về nước kể từ khi bắt đầu cuộc sống lưu vong vào năm 2008, song một lời hứa hẹn như vậy vẫn khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về ý định của ông. 

Kể từ khi bị lật đổ khỏi ghế thủ tướng năm 2006, ông Thaksin đã bị điều tra, kết án trong các vụ việc khác nhau.

Mới đây nhất, hồi tháng 9, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan đã mở một cuộc điều tra ông Thaksin về việc phê duyệt thương vụ mua máy bay không phù hợp, dẫn đến tình trạng thua lỗ của hãng Thai Airways. Ngoài ông Thaksin, 4 người khác cũng bị nghi ngờ có liên quan.

Theo giới quan sát, những kịch bản để ông Thaksin có thể quay về Thái Lan vẫn tồn tại, dù mong manh ở thời điểm hiện nay. Chúng bao gồm khả năng ông có thể đạt được một thỏa thuận để đảng Pheu Thai (PT) thân Thaksin bắt tay với đảng Palang Pracharath (PPP) thân quân đội sau cuộc bầu cử tiếp theo tại Thái Lan, dự kiến diễn ra vào năm 2023.

Góp phần thổi bùng những đồn đoán là việc con gái út của ông, Paetongtarn Shinawatra, được bổ nhiệm làm cố vấn trong đảng PT hồi cuối tháng 10. Đây là lần đầu cô Paetongtarn, 35 tuổi, bước chân vào chính trường, song các nhà phân tích không ngạc nhiên và cũng không loại trừ khả năng cô trở thành ứng viên tiềm năng cho ghế thủ tướng trong tương lai.

"Với việc đưa con gái út, cũng là đứa con ông thương yêu nhất, vào chính trường, Thaksin cho thấy ông ta dường như chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm phát động một nỗ lực mới để tranh giành quyền lực chính trị tại Thái Lan", tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, nghiên cứu viên chương trình Nghiên cứu Thái Lan tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói với Dân Trí.

Ảnh hưởng suốt hai thập niên

Ông Thaksin nung nấu đường về sau nhiều năm lưu vong, bỏ trốn? - 1

Ông Thaksin trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Hong Kong năm 2019 (Ảnh: AFP).

Kể từ khi ông Thaksin, một doanh nhân trở thành chính trị gia, lần đầu lên nắm quyền năm 2001, nền chính trị Thái Lan đã luôn ở trong tình trạng phân cực giữa một bên là những người ủng hộ ông và một bên là những người phản đối ông. Phe ủng hộ coi ông là nhà đấu tranh cho người nghèo, người đã tìm cách nâng cao vị thế của Thái Lan trên trường quốc tế, trong khi phe chống đối lại coi ông là chính trị gia dân túy tham nhũng, người muốn trở nên quyền lực.

Tuy nhiên, hầu hết đều không thể phủ nhận rằng Thaksin vẫn luôn có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Thái Lan dù đã sống lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 2006. Sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự 2006, các chính đảng kế tục liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử năm 2007, 2011 và 2019. Em rể ông, Somchai Wongsawat, và em gái ông, Yingluck Shinawatra, đều trở thành thủ tướng (dù sau đó cũng bị lật đổ). Vợ cũ của ông và cũng là mẹ cô Paetongtarn, bà Potjaman Na Pombejra, được cho là nắm quyền kiểm soát tài chính đối với các đảng phái thân Thaksin.

Đã vài lần công khai ý định trở về nước, song ông Thaksin chưa bao giờ đặt chân trở lại Thái Lan kể từ năm 2008. Ông từng đưa ra tuyên bố hùng hồn không kém vào năm 2009 khi phong trào biểu tình phản đối chính phủ Thủ tướng Abhisit Vejjajiva diễn ra. "Nếu có nổ súng, nếu binh sĩ nhắm vào người dân, tôi sẽ trở về ngay lập tức để đích thân dẫn anh em đến Bangkok", ông nói trong một cuộc gọi video. Dù các cuộc biểu tình cuối cùng xảy ra đổ máu, ông Thaksin đã không quay về.

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị phi đảng phái chưa vội coi tuyên bố "sẽ quay về" mới nhất của ông Thaksin chỉ là lời nói suông.

"Ông ấy đã hoạt động tích cực hơn, chủ yếu trên mạng xã hội. Việc đang sống ở nước ngoài khiến những gì ông ấy có thể làm được trở nên hạn chế. Song ông ấy chắc chắn đang theo đuổi một kế hoạch nào đó, đang vạch ra và cân nhắc các phương án", tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak của Khoa Chính trị học, Đại học Chulalongkorn, nói với Dân Trí.

Những kịch bản trở về và án tù 10 năm chờ đợi

Theo nhà nghiên cứu Termsak của Viện ISEAS-Yusof Ishak, có khả năng ông Thaksin đạt được một thỏa thuận bí mật với đảng PPP, để đảng này và PT liên minh với nhau sau cuộc bầu cử tiếp theo. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2023 khi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha kết thúc nhiệm kỳ hiện tại, nhưng cũng có thể diễn ra sớm hơn nếu ông Prayuth quyết định kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.

Ông Thaksin nung nấu đường về sau nhiều năm lưu vong, bỏ trốn? - 2

Em gái ông Thaksin là bà Yingluck cũng đang sống lưu vong để tránh án tù (Ảnh: Getty).

Những chuyển động chính trị gần đây góp phần củng cố giả thiết đó. Trong khi đảng PPP và đảng PT có lợi ích chung trong việc sửa đổi quy định về bầu cử trong hiến pháp năm 2017, thì PPP lại mâu thuẫn với 3 đảng còn lại trong liên minh cầm quyền hiện tại vì việc trì hoãn những sửa đổi này. Ba đảng - bao gồm đảng Bhumjaithai, đảng Dân chủ và đảng Chat Thai Phattana - đã hợp lại với nhau để ủng hộ đề xuất sửa đổi của nhau, đồng thời không ủng hộ đề xuất của PPP.

Liên minh PPP-PT có thể là điều ông Thaksin đang nhắm đến, bởi nếu PT trở thành một phần của liên minh cầm quyền mới, họ có thể khởi động chiến dịch kiến nghị ban hành một lệnh tổng ân xá mới cho những người được xem là "nạn nhân của chính trị". Không chỉ ông Thaksin và em gái Yingluck, người cũng đang sống lưu vong để tránh án tù, mà cả các nhà lãnh đạo biểu tình từ mọi phe đã bị bắt hoặc bỏ tù đều có thể được ân xá, tiến sĩ Termsak cho hay.

Theo hiến pháp năm 2017, cử tri Thái Lan có quyền chủ động đề xuất một dự thảo luật để xem xét, miễn là nó không liên quan đến các vấn đề tài khóa. Mục 133 của hiến chương quy định rằng một đề xuất như vậy chỉ cần 10.000 cử tri ủng hộ.

Dù sống lưu vong ở nước ngoài từ lâu, ông Thaksin vẫn có tên trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan. Theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes hồi tháng 7, ông đứng thứ 18 trong danh sách với khối tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Một khả năng khác là ông Thaksin quay về Thái Lan và chấp nhận án tù 10 năm để có thể được hưởng ân xá từ Nhà vua. Theo Mục 179 của hiến pháp năm 2017, nhà vua có đặc quyền ân xá, nhưng việc ân xá như vậy chỉ có thể được yêu cầu sau khi một người thực sự đã thụ án và người đó không còn quyền kháng cáo nữa. Việc ân xá có thể giúp chấm dứt hoặc rút ngắn thời gian ngồi tù của người bị kết án, nhưng sẽ không dẫn đến việc họ được trả lại tài sản bị tịch thu.

Để thỏa mãn điều kiện được nhà vua ân xá, trước tiên ông Thaksin phải ngồi tù ở Thái Lan. Trên thực tế, ông chưa bao giờ bị cấm về nước một cách chính thức, song án tù 10 năm đang chờ ông nếu ông quay về. Do đó, khả năng này có phần khó xảy ra hơn.

Một "Shinawatra" khác

Trong bối cảnh đó, việc cô Paetongtarn gia nhập PT trở nên đáng chú ý. Trong ba người con của ông Thaksin, cô là người duy nhất có khả năng làm chính trị và có thể trở thành một "Shinawatra" khác trên chính trường. Người con trai cả của ông Thaksin vốn chịu nhiều điều tiếng trong khi người con gái giữa là mẫu phụ nữ của gia đình, theo tiến sĩ Thitinan.

Ông Thaksin nung nấu đường về sau nhiều năm lưu vong, bỏ trốn? - 3

Cô Paetongtarn Shinawatra là con gái út của ông Thaksin (Ảnh: Ingshin21/Instagram).

"(Vai trò mới của cô Paetongtarn)  có thể là bước đệm để ông Thaksin trở về Thái Lan. Có lẽ cách duy nhất để điều đó xảy ra là Pheu Thai có thể thành lập chính phủ", tiến sĩ Punchada Sirivunnabood, một nhà nghiên cứu khác của Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho biết trên Straits Times.

Giữa lúc có những suy đoán rằng cuộc bầu cử tiếp theo có thể diễn ra vào năm sau và các đảng lớn đã công bố ứng viên thủ tướng của họ, thì Pheu Thai - đảng chiếm nhiều ghế nhất ở hạ viện - vẫn im ắng cho đến nay. Song PT đã tiết lộ rằng họ sẽ đề cử ba ứng viên tiềm năng "có thể kết nối với cả thế hệ lớn tuổi lẫn những người trẻ tuổi".

Theo tiến sĩ Punchada, cô Paetongtarn rất có thể sẽ được PT đề cử làm ứng viên thủ tướng dù cô mới chân ướt chân ráo đứng vào hàng ngũ. Chuyên gia viện dẫn việc bà Yingluck, cô của Paetongtarn, cũng mới chỉ bước vào chính trường hai tháng trước cuộc bầu cử năm 2011, và cuối cùng đã trở thành thủ tướng.

Các nhà phân tích thừa nhận rằng chỉ riêng việc mang họ Shinawatra đã có thể giúp con gái ông Thaksin đi được nửa đường tới chiến thắng. Ngoài ra, bộ máy truyền thông đã được tôi luyện của đảng PT có thể giúp cô Paetongtarn, người có thể thu hút cử tri trẻ, leo cao hơn trên chiếc thang chính trị.

"Thương hiệu chính trị gia đình Shinawatra có thể đã bị loãng đi ít nhiều sau những năm ông Thaksin sống lưu vong, nhưng nó có thể tái sinh và lớn mạnh trở lại, giống như cách bà Yingluck từng hồi sinh thương hiệu này trong sự nghiệp chính trị của mình", tiến sĩ Thitinan của Đại học Chulalongkorn nhận định, cho rằng việc bổ nhiệm cô Paetongtarn là một "phép thử".

Hồi tháng 3/2019, ông Thaksin được cho là đứng sau kế hoạch đề cử công chúa Ubolratana làm ứng viên thủ tướng của đảng mới Raksa Chart, vốn được biết đến như là "đảng dự phòng" của PT. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại ngay khi được triển khai, vì không nhận được sự ủng hộ của Nhà vua.

Trong phát biểu sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ủy ban Cố vấn về Gia nhập và Đổi mới của đảng PT hôm 28/10, cô Paetongtarn đã không ít lần nhắc đến cha mình.

"Tôi đã tiếp xúc với chính trị từ năm 8 tuổi. Khi đó, cha tôi là bộ trưởng ngoại giao. Khi tôi lên 9, ông ấy được bầu làm lãnh đạo đảng Palang Dhamma. Ba năm sau, khi tôi 12 tuổi, cha tôi đã thành lập đảng Thai Rak Thai, và đảng luôn ở trong tâm trí tôi", cô nói, theo Bangkok Post.

Những lời lẽ đó cộng hưởng với những hoạt động sôi nổi của ông Thaksin trên mạng xã hội từ đầu năm nay, trong nỗ lực được cho là nhằm thuyết phục người trẻ ủng hộ các đảng thân Thaksin.

Nhiều câu hỏi vẫn còn đó và vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Tiến sĩ Termsak cho rằng một vài thỏa thuận có thể đã được sắp xếp để ông Thaksin và bà Yingluck trở lại Thái Lan. Nhưng với giá nào?

"Một kịch bản là chính phủ sẽ trả lại số tiền đã sung công từ ông Thaksin và ông có thể dùng số tiền này để mua vaccine Covid-19 làm 'quà hồi hương' tặng người dân - một động thái đôi bên cùng có lợi", nhà nghiên cứu người Thái Lan nói.

Cũng có thể là ông Thaksin không thực sự muốn trở về mà chỉ nói như vậy để cổ vũ tinh thần của những người ủng hộ ông để họ tiếp tục ủng hộ Pheu Thai. Nội bộ đảng đã xảy ra lục đục và nhiều nhân vật chủ chốt đã rời bỏ hàng ngũ, bao gồm hai người từng được xem là ứng viên số 1 và số 2 của đảng cho vị trí thủ tướng trong cuộc bầu cử 2019.