DNews

Nước đi mới của ông Trump trong "ván cờ Ukraine" cân não với ông Putin

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang thay đổi lập trường trong ván cờ với Nga, dù ông từng tuyên bố giải quyết xung đột Ukraine trong ngày đầu tiên nhậm chức.

Nước đi mới của ông Trump trong "ván cờ Ukraine" cân não với ông Putin

Sau cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vào ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên mạng xã hội tuyên bố rằng Nga và Ukraine sẽ "ngay lập tức bắt đầu đàm phán" hướng tới lệnh ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông Trump cũng nói thêm rằng các điều kiện cho hòa bình sẽ do Nga và Ukraine "tự đàm phán".

Theo ông Trump, Vatican "rất quan tâm đến việc tổ chức các cuộc đàm phán" và các nhà lãnh đạo châu Âu cũng được thông báo đầy đủ về tiến trình này.

Các tuyên bố của Tổng thống Trump đã đặt ra nghi vấn rằng Mỹ dường như từ bỏ nỗ lực hòa giải, vốn đang bị đình trệ, của mình để chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine.

Nước đi mới của ông Trump trong ván cờ Ukraine cân não với ông Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 19/5 (Ảnh: Reuters).

Kịch bản Tổng thống Trump rút khỏi hòa đàm ngày càng có khả năng xảy ra, bất chấp những tuyên bố trước đó rằng ông có thể kết thúc cuộc chiến trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức.

Kịch bản này càng được nhìn thấy rõ hơn vào ngày 16/5, khi các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Ukraine và Nga trong hơn 3 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc mà không có thỏa thuận ngừng bắn.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ điện đàm với người đồng cấp Nga và Ukraine vài ngày sau cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông chủ Nhà Trắng dường như đã bắt đầu quá trình rút lui của Mỹ. Điều này càng được chú ý hơn khi ngay trước cuộc điện đàm Trump - Putin, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố Washington có thể chấm dứt hoạt động ngoại giao con thoi của nước này.

"Đây không phải là cuộc chiến của chúng tôi", Phó Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Cả Phó Tổng thống Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đều bày tỏ sự thất vọng với tiến trình đàm phán giải quyết xung đột Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng châu Âu mới là bên cần giải quyết cuộc xung đột này.

Sự thay đổi của ông Trump

Nước đi mới của ông Trump trong ván cờ Ukraine cân não với ông Putin - 2

Tổng thống Donald Trump đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2 (Ảnh: Getty).

Chỉ vài phút sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Trump đã bật tín hiệu cho thấy ông đang dần rút Mỹ khỏi cuộc chiến.

5 ngày trước đó, Tổng thống Trump vẫn là nhà lãnh đạo đóng vai trò trung gian nhiệt tình, người gìn giữ hòa bình sẵn sàng bắc cầu nối giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky để có cuộc gặp giữa hai phái đoàn Nga - Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng sau cuộc điện đàm, ông Trump tuyên bố Ukraine và Nga phải tự đối thoại trực tiếp, "vì chỉ họ mới có thể làm được" điều đó. Ông Trump cũng thể hiện rõ rằng Mỹ đang từ bỏ vai trò là bên hòa giải trong các nỗ lực chấm dứt chiến tranh, để lại Moscow và Kiev tự giải quyết mọi việc.

Ông Trump thậm chí còn "chuyển giao sứ mệnh" hòa giải cuộc xung đột cho Vatican, nơi vừa chứng kiến lễ đón giáo hoàng mới, như một lựa chọn thay thế.

Một số chuyên gia cho rằng Mỹ có thể không hoàn toàn rút khỏi hòa đàm Nga - Ukraine, nhưng Washington có thể muốn bên khác dẫn dắt tiến trình này.

Trước đây, Tổng thống Trump từng cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm "các biện pháp trừng phạt thứ cấp" đối với các nước mua dầu của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, kịch bản này có thể dẫn đến căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và các cường quốc khác. Điều này có thể khiến ông Trump lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành đàm phán với các nước để hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan.

Nếu Tổng thống Trump mạnh tay hơn nữa trong đòn trừng phạt Nga, điều đó sẽ khiến Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến mà chưa biết khi nào đến hồi kết. Do vậy, Tổng thống Trump buộc phải đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất.

Với phương châm "Nước Mỹ trên hết" và tìm kiếm mọi lợi thế cho nước Mỹ, ông Trump sẽ không thấy lợi ích trong việc "đầu tư" dài hạn vào một cuộc xung đột với Nga, một đối thủ mà ông Trump muốn duy trì mối quan hệ cùng có lợi.

Đối với Tổng thống Trump, cuộc điện đàm với Tổng thống Putin đã thắp lên hy vọng về tương lai tươi sáng của mối quan hệ "thương mại quy mô lớn" giữa Nga và Mỹ, "khi cuộc đổ máu thảm khốc này kết thúc".

Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Nga, cho biết bầu không khí của cuộc điện đàm Trump - Putin thân thiện đến mức không tổng thống nào muốn là người đầu tiên cúp máy.

Trong cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu sau khi điện đàm với ông Putin, ông Trump không những cho thấy tín hiệu ông đang rút lui mà còn không có ý định gây thêm áp lực lên Moscow, trong khi các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.

Ông Trump thừa nhận với các nhà báo vào đầu tuần này rằng, ông thậm chí còn không nhắc lại yêu cầu trước đó của mình đối với ông Putin về việc ngừng các cuộc tấn công vào các khu vực ở Ukraine.

"Cuộc điện đàm với ông Trump là một chiến thắng cho ông Putin. Ông ấy đã nói rõ rằng lệnh ngừng bắn sẽ không sớm xảy ra, vì vậy Nga có thể tiếp tục giao tranh. Và vẫn không có lệnh trừng phạt bổ sung nào được áp dụng", Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine hiện làm việc tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế tại Đại học Stanford, cho biết.

"Bỏ rơi" các đồng minh châu Âu

Nước đi mới của ông Trump trong ván cờ Ukraine cân não với ông Putin - 3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Albania ngày 16/5 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Trump từng nói rằng sẽ không có tiến triển nào trong việc hướng tới hòa bình ở Ukraine cho đến khi ông và Tổng thống Putin gặp nhau. Nhưng điều đáng lưu ý là rất ít động thái hướng tới lệnh ngừng bắn ở Ukraine - chứ chưa nói đến thỏa thuận hòa bình - diễn ra sau cuộc điện đàm gần đây giữa hai tổng thống vào tháng 2.

Một phần của sự thiếu tiến triển này là do ông Trump không muốn gây áp lực thực sự lên ông Putin. Bất chấp thỏa thuận với châu Âu và sự chuẩn bị của Washington cho việc leo thang lệnh trừng phạt đối với Nga, ông Trump khó có thể thay đổi cách tiếp cận của mình.

Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky đã có một cuộc gọi ngắn trước khi Tổng thống Trump điện đàm với Tổng thống Putin. Ông Zelensky cho biết ông đã nói với ông Trump rằng không được đưa ra quyết định về Ukraine "nếu không có chúng tôi".

Nhưng thay vì đưa ra "tối hậu thư" rõ ràng cho ông Putin về việc chấp nhận lệnh ngừng bắn, ông Trump dường như đã thảo luận rất kỹ về mối quan hệ trong tương lai với ông Putin trước khi thông báo cho ông Zelensky và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu rằng, cuộc chiến ở Ukraine hiện là vấn đề duy nhất họ phải tự giải quyết.

Điều này chắc chắn đã làm dấy lên nỗi lo ngại ở Ukraine và các nước châu Âu ủng hộ Kiev rằng, vì mục đích thiết lập lại quan hệ với Nga, Mỹ có thể sẽ hoàn toàn từ bỏ các đồng minh bên kia Đại Tây Dương.

Đối với giới quan sát, đây là bước ngoặt sau hơn 3 năm xung đột Ukraine nổ ra. Một tổng thống từng hứa sẽ chấm dứt xung đột vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai dường như đang rút khỏi nỗ lực này và để Ukraine tự quyết định vận mệnh của mình.

Cuộc điện đàm Trump - Putin đã xác nhận nỗi lo ngại lớn nhất của châu Âu, rằng tổng thống Mỹ đã sẵn sàng xoay trục sang Moscow và ngó lơ Kiev.

Tuy nhiên, nếu chiến lược của Tổng thống Trump thực sự là thiết lập lại quan hệ với Nga bằng mọi giá, cách tiếp cận này có thể sẽ khiến Mỹ đối mặt rủi ro. Mặc dù Nga có vẻ sẵn sàng tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Tổng thống Zelensky lại không muốn nhượng bộ. Nga có thể dựa vào sự ủng hộ liên tục của các nước bạn bè truyền thống như Trung Quốc hay Triều Tiên, trong khi Ukraine có thể trông cậy vào sự ủng hộ từ châu Âu.

Việc rời xa Ukraine và châu Âu ngay bây giờ sẽ lấy đi của Mỹ những đồng minh mà về lâu dài, Washington sẽ cần để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Bằng cách từ bỏ vai trò trung gian giữa Moscow và Kiev, Tổng thống Trump có thể đã phá vỡ thế bế tắc trong nỗ lực đạt được mục tiêu thiết lập lại quan hệ với Nga, nhưng việc đạt được mục tiêu này có thể buộc Mỹ phải chấp nhận đánh đổi.

Tổng thống Ukraine đã cảnh báo về hậu quả có thể xảy ra nếu Mỹ xích lại gần Nga và bỏ rơi đồng minh.

"Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Mỹ không được xa rời các cuộc đàm phán cũng như nỗ lực theo đuổi hòa bình, bởi vì người duy nhất được hưởng lợi từ điều đó là Tổng thống Putin", Tổng thống Zelensky tuyên bố sau khi điện đàm với Tổng thống Trump.

Tính toán của Nga

Nước đi mới của ông Trump trong ván cờ Ukraine cân não với ông Putin - 4

Phái đoàn Nga - Ukraine đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5 (Ảnh: Getty).

Kết quả khiêm tốn của cuộc đàm phán Nga - Ukraine, cũng như cuộc điện đàm Trump - Putin, không có gì đáng ngạc nhiên. Rõ ràng, Nga vẫn chưa sẵn sàng cho bất kỳ nhượng bộ nào.

Nga vẫn kiên quyết yêu cầu Ukraine phải chấp nhận các điều kiện tối đa do Moscow đặt ra về nhượng bộ lãnh thổ và sự trung lập của Kiev trong tương lai.

Về phần mình, Tổng thống Putin tiếp tục trì hoãn các cuộc đàm phán. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố "Nga sẽ đề xuất và sẵn sàng làm việc với phía Ukraine về một bản ghi nhớ xác định các quan điểm để hướng đến thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai".

Theo ông Putin, bản ghi nhớ này có thể vạch ra "các nguyên tắc giải quyết, thời điểm của một thỏa thuận hòa bình tiềm năng và những vấn đề liên quan, bao gồm cả ngừng bắn trong thời gian nhất định".

Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa thực sự hiểu những gì Tổng thống Putin đang đề xuất.

Nhận định về ý tưởng bản ghi nhớ của ông Putin, một quan chức cấp cao của Ukraine nói rằng "không ai biết bản ghi nhớ đó là gì, lý do của bản ghi nhớ đó và tại sao nó lại quan trọng". Tổng thống Zelensky cũng thừa nhận ông không hiểu rõ đề xuất bản ghi nhớ của Nga.

"Nga sẽ tiến hành các cuộc đối thoại cấp thấp, trao đổi nhiều tài liệu khác nhau, trong khi vẫn tiếp tục xung đột", Bill Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết.

Ukraine cho rằng Nga không vội vàng chấm dứt giao tranh. Trước cuộc điện đàm Trump - Putin, Nga đã thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào Ukraine, nhắm mục tiêu vào nhiều khu vực bao gồm thủ đô Kiev.

Từ đó đến nay, các cuộc giao tranh không có dấu hiệu giảm bớt. Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng không cho thấy lệnh ngừng bắn ở Ukraine nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của tổng thống Nga.

Một phát ngôn viên quân đội Ukraine cho biết "các trận chiến dữ dội" đang diễn ra xung quanh thành phố chiến lược Pokrovsk ở miền Đông Ukraine và khu vực phía bắc Toretsk gần đó. Các binh sĩ Ukraine cho biết một xa lộ đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng thường xuyên bị máy bay không người lái tấn công, đe dọa hoạt động của Ukraine trong khu vực.

Bản đồ của DeepState, dự án theo dõi những thay đổi trên tiền tuyến, cho thấy quân đội Nga cách biên giới nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất chưa đầy 5km.

Việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk phía đông, cùng với các khu vực lân cận gồm Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, những khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022, vẫn là mục tiêu quân sự quan trọng đối với Moscow. Trong các cuộc đàm phán với các quan chức Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, Nga đã nêu rõ rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào đều đi kèm với điều kiện là Ukraine phải rút toàn bộ lực lượng khỏi cả 4 khu vực trên.

"Về mặt quân sự, tôi nghĩ Nga có thể duy trì cuộc chiến ở thời điểm hiện tại, với việc tuyển liên tục các tình nguyện viên. Giới lãnh đạo Nga có thể tin rằng họ vẫn có thể cải thiện vị thế trên chiến trường", Rob Lee, một chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết.

Theo ông Lee, khi mùa hè đến gần, điều kiện thời tiết sẽ trở nên thuận lợi hơn cho các hoạt động quân sự, điều này có thể có lợi cho Nga.

"Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tối thiểu là kiểm soát toàn bộ các khu vực Donetsk và Lugansk. Vì vậy, họ có thể cố gắng kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt vào mùa hè này, trước khi tham gia đàm phán nghiêm túc hơn", chuyên gia dự đoán.

Theo Stefan Wolff, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học Birmingham, một phần lớn trong tính toán của Điện Kremlin dường như là mong muốn đạt được một thỏa thuận lớn với Nhà Trắng về việc thiết lập lại rộng rãi hơn mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Đối với Nga, mục tiêu này dường như quan trọng hơn việc giải quyết xung đột Ukraine, thậm chí có thể xảy ra mà không cần kết thúc cuộc chiến ở đó.

Điều này dường như cũng đang thúc đẩy tính toán ở Washington. Tổng thống Trump đã báo trước sự cải thiện trong quan hệ song phương Nga - Mỹ bằng cách mô tả "giọng điệu và tinh thần" trong cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Putin là "tuyệt vời". Ông cũng bày tỏ sự hài lòng về triển vọng "thương mại quy mô lớn" với Nga.

Một số chuyên gia cho rằng mong muốn rút lui của Tổng thống Trump là điều dễ hiểu.

"Nếu ông ấy có thể buộc hai bên đàm phán với nhau và tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, đó có thể là điều cần thiết để mọi thứ tự tiến triển", chuyên gia Peter Slezkine thuộc nhóm nghiên cứu Stimson Center nhận định.

Theo một số chuyên gia, ông Trump hiện có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc xích lại gần Moscow hơn là giải quyết xung đột Ukraine.

"Vào thời điểm này, ông Trump dường như coi việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ là mục đích chính. Mọi thứ khác đều phụ thuộc vào mục tiêu đó", Andrew Weiss, phó chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định.

Theo Asia Times, Financial Times, Guardian, Newsweek