DMagazine

Những dấu hiệu Mỹ đang trở lại Đông Nam Á mạnh mẽ sau nhiệm kỳ "lơ là"

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, GS Carl Thayer cho rằng chính quyền Biden đã có những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á từ những ngày đầu song những nỗ lực này phần nào bị cản trở bởi đại dịch.

NHỮNG DẤU HIỆU MỸ ĐANG TRỞ LẠI ĐÔNG NAM Á MẠNH MẼ SAU NHIỆM KỲ "LƠ LÀ"

Các chuyên gia nhận định, Mỹ đang trở lại Đông Nam Á mạnh mẽ, nhưng cần hợp tác chặt chẽ hơn với ASEAN, cũng như đưa ra cam kết về kinh tế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.

Tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến đi đầu tiên đến Đông Nam Á từ khi nhậm chức, với ba điểm dừng chân là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đây được xem là chuyến đi "tiền trạm" cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo ASEAN, dự kiến được tổ chức tại Mỹ vào tháng 1/2022.

Chuyến công tác của ông Blinken diễn ra sau một loạt động thái ngoại giao của Washington được cho là nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, trong bối cảnh mối quan hệ đã phần nào bị suy yếu bởi cách tiếp cận đơn phương và "lơ là" khu vực dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Những dấu hiệu Mỹ đang trở lại Đông Nam Á mạnh mẽ sau nhiệm kỳ lơ là - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 10/2021 (Ảnh: Kyodo).

Chính quyền Biden đã khắc phục sự "lơ là" này bằng việc tham gia mọi hội nghị quan trọng của ASEAN và các thiết chế do tổ chức này dẫn dắt trong năm 2021. Mỹ cũng công bố kế hoạch viện trợ 102 triệu USD để hỗ trợ các chương trình về y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục tại Đông Nam Á.

Song một báo cáo nghiên cứu mới đây cho rằng nếu so với chính quyền Obama, nỗ lực của chính quyền Biden với ASEAN đến nay vẫn còn "khiêm tốn". Trong khi sự tăng cường kết nối của Mỹ sẽ được hoan nghênh ở hầu hết các thủ đô Đông Nam Á, những thách thức và khác biệt chắc chắn sẽ vẫn còn.

"Để có một chiến lược châu Á hiệu quả, để có một cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả, Mỹ phải làm nhiều hơn nữa ở Đông Nam Á", ông Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, phát biểu gần đây.

SỰ TRỞ LẠI MẠNH MẼ CỦA MỸ

Những dấu hiệu Mỹ đang trở lại Đông Nam Á mạnh mẽ sau nhiệm kỳ lơ là - 2

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước thềm chuyến đi của ông Blinken, quan chức hàng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ về châu Á Daniel Kritenbrink hôm 8/12 cho hay, Tổng thống Biden cam kết thúc đẩy quan hệ với ASEAN lên mức "chưa từng thấy". Theo đó, ông Blinken sẽ thảo luận với những người đồng cấp ở Đông Nam Á về việc phát triển một "khuôn khổ kinh tế khu vực".

Ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Anh để tham dự hội nghị bộ trưởng G7 trước khi đến Đông Nam Á. Sau khi kết thúc lịch trình ở Thái Lan, ông sẽ bay đến Hawaii để gặp Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino, theo thông cáo trên website Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuần trước, ông Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, đã có chuyến công tác tại 4 nước ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Nửa năm qua cũng chứng kiến chuyến thăm khu vực của các quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng LLoyd Austin, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman. Bà Sherman mới đây cũng có cuộc gặp với đại sứ các nước ASEAN tại Washington, DC.

Bản thân Tổng thống Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ trực tuyến vào tháng 10, sau 4 năm hội nghị này vắng bóng người tiền nhiệm của ông. Ông Trump đã liên tục phái cử quan chức cấp dưới thay ông tham dự các diễn đàn khu vực trong thời gian tại nhiệm, khiến một số nước ở châu Á hoài nghi về cam kết của Mỹ.

"Mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN rất quan trọng, mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai của toàn bộ một tỷ người dân chúng ta", ông Biden nói tại hội nghị với ASEAN hồi tháng 10. "Quan hệ đối tác của chúng ta là điều cần thiết để duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, vốn là nền tảng thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta trong nhiều thập niên".

Trong phát biểu của mình, ông Biden đề cập đến "tầm nhìn chung về một khu vực nơi mọi quốc gia có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng và tất cả các quốc gia, bất kể lớn hay mạnh, đều tuân thủ luật pháp".

Sau hội nghị này, ông Biden cũng tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) theo hình thức trực tuyến.

Tổng thống Biden cũng đề xuất việc tổ chức hội nghị trực tiếp với lãnh đạo các nước ASEAN tại Mỹ, dự kiến vào tuần thứ ba của tháng 1/2022, sau gần hai năm trì hoãn vì dịch bệnh. Lần gần nhất Mỹ tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN là khi cựu Tổng thống Barack Obama tổ chức hội nghị tương tự tại Sunnylands, California, vào tháng 2/2016.

Trao đổi với Dân trí, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales - Canberra (Australia), cho rằng chính quyền Biden đã có những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á từ những ngày đầu, bao gồm việc bổ nhiệm những người dày dạn kinh nghiệm như Kurt Campbell hay Daniel Kritenbrink. Song những nỗ lực này phần nào bị cản trở bởi đại dịch cũng như những vấn đề nội bộ và quốc tế khác, chẳng hạn việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan hay chính biến tại Myanmar.

"Tổng thống Biden nhậm chức với kinh nghiệm đáng kể về chính sách đối ngoại với thời gian phục vụ tại Thượng viện và với tư cách phó tổng thống. Song chính quyền của ông đã bị chỉ trích vì khởi đầu chậm chạp trong việc thúc đẩy can dự ở Đông Nam Á", ông Thayer nói.

VƯỢT RÀO CẢN VÀ HOÀI NGHI

Những dấu hiệu Mỹ đang trở lại Đông Nam Á mạnh mẽ sau nhiệm kỳ lơ là - 3

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có chuyến thăm Đông Nam Á tuần tới (Ảnh: Reuters).

Điều này được phản ánh trong báo cáo mang tên "Một ghế tại bàn: Vai trò của các thiết chế đa phương trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ", được Trung tâm Nghiên cứu Mỹ (USSC) thuộc Đại học Sydney (Australia) công bố hôm 3/12. Báo cáo của nhà nghiên cứu Susannah Patton chỉ ra việc Trung Quốc và Australia đều đã nâng cấp quan hệ với ASEAN thành "đối tác chiến lược toàn diện" trong năm nay, còn Mỹ vẫn chưa.

"Khi nói đến ASEAN, sự thể hiện của chính quyền Biden trong năm 2021 giống như mới chỉ 'đủ điểm qua môn'. Họ xuất hiện tại các cuộc họp then chốt, điều chỉnh sự lơ là của chính quyền Trump, nhưng mức độ can dự vẫn còn kém xa các nước khác", bà Patton nói trong một bài phân tích đăng trên website USSC.

Cho đến nay, vị trí đại sứ của Mỹ tại một số nước ASEAN vẫn đang bị bỏ trống, bao gồm Thái Lan và Philippines - hai nước đồng minh hiệp ước của Mỹ, cũng như Brunei - nước chủ tịch ASEAN năm nay. Với Singapore, Thượng viện Mỹ vừa mới phê chuẩn doanh nhân Jonathan Kaplan làm đại sứ, kết thúc 4 năm Washington không có đại diện ngoại giao cấp cao nhất tại đảo quốc này. Tại Indonesia, đại sứ Mỹ được phê chuẩn gần đây, Sung Kim, đang phải kiêm nhiệm vai trò đặc phái viên của Tổng thống Biden về Triều Tiên.

Nhấn mạnh việc ghế đại sứ Mỹ bên cạnh ASEAN vẫn trống từ khi chính quyền Trump bắt đầu cho đến nay, tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, người đã có 20 năm làm việc tại Ban Thư ký ASEAN, đồng ý rằng chính quyền Biden đã hành động "tương đối chậm" ở Đông Nam Á.

Trao đổi với Dân trí, Chalermpalanupap, hiện là nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nói: "Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng đối với sự sống còn của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ theo đuổi. Nhưng tôi hoài nghi việc chính quyền Biden dành nhiều sự quan tâm cho ASEAN".

Báo cáo của chuyên gia Patton cũng nhận định rằng chính quyền Biden dường như đang ưu tiên việc thúc đẩy liên kết nhóm nhỏ hơn với các "quốc gia cùng chí hướng", như nhóm Bộ Tứ (với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) và AUKUS (với Anh và Australia), thay vì ưu tiên hợp tác với các thiết chế đa phương như ASEAN hay APEC. Bộ Tứ và AUKUS được xem là những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.

"Việc không khai thác đầy đủ tiềm năng của các thiết chế đa phương tại khu vực sẽ làm cản trở sự thành công của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chính quyền Biden theo đuổi", báo cáo nói. Từ đó, bà Patton kiến nghị Washington cần can dự tích cực hơn trong các thiết chế khu vực như ASEAN, EAS và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

Song theo giáo sư Thayer, những cơ chế hợp tác như Bộ Tứ hay AUKUS không thể thay thế vai trò của ASEAN trong chiến lược châu Á của Mỹ, vì mỗi bên phục vụ một mục đích khác nhau. Mỹ coi ASEAN đóng vai trò trọng tâm đối với việc đảm bảo hòa bình và an ninh tại khu vực với sự gia tăng về sức mạnh kinh tế và chính trị của khối. Trong khi đó, Bộ Tứ ưu tiên giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà ASEAN và các thành viên cũng đang đối mặt, còn AUKUS tập trung nhiều hơn vào các mối đe dọa phi truyền thống xuất phát từ sự mạnh lên của Trung Quốc về quân sự.

"Các lãnh đạo Bộ Tứ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò trung tâm mà ASEAN theo đuổi cũng như của các cơ chế đa phương mà ASEAN dẫn dắt", ông Thayer nói. "Còn AUKUS tạo ra đối trọng với Trung Quốc, giúp ASEAN có không gian phát triển".

Edgard Kagan, quan chức phụ trách Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, hồi tháng 10 nhấn mạnh rằng Washington không coi Bộ Tứ là "một NATO châu Á" và không có ý định cạnh tranh với ASEAN, theo Nikkei Asia. Ông nói Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, về khí hậu và giải quyết "những thách thức chung trong vấn đề biển".

CẠNH TRANH ẢNH HƯỞNG 

Trung Quốc coi Bộ Tứ và AUKUS là những mối đe dọa đối với ảnh hưởng và vai trò của nước này tại Đông Nam Á, cũng như đối với khả năng kiểm soát ở Biển Đông. Hồi tháng 11, Bắc Kinh đã nâng cấp quan hệ với ASEAN thành "đối tác chiến lược toàn diện", trong lễ kỷ niệm có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường thường xuất hiện trong các hội nghị với ASEAN.

Trái ngược với Mỹ vốn tập trung vào việc củng cố các mối quan hệ an ninh, đặc biệt là ở các vùng biển Đông Nam Á, Bắc Kinh hướng tới những thách thức về y tế công cộng và kinh tế đã bao trùm khu vực kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm toàn bộ 10 nước ASEAN tính từ cuối năm 2020, lần gần nhất là vào tháng 9, theo The Diplomat. Trong những chuyến thăm này, vaccine và phục hồi kinh tế là trọng tâm của chương trình nghị sự.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD viện trợ phát triển để giúp các nước ASEAN kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế trong 3 năm tới, đồng thời cam kết nhập khẩu từ ASEAN khối lượng nông sản trị giá đến 150 tỷ USD trong 5 năm tới. Bắc Kinh cũng sẽ đóng góp 5 triệu USD cho quỹ chống dịch ASEAN và 150 triệu liều vaccine cho khu vực.

Bất chấp việc chính quyền Biden đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, kinh tế vẫn là một "điểm mù" trong cam kết của Mỹ với Đông Nam Á, đặc biệt trở nên nổi bật từ khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Biden chưa cho thấy dấu hiệu nào về kế hoạch quay trở lại với hiệp định. Và cùng với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020, Mỹ hiện đứng ngoài hai thỏa thuận thương mại tự do lớn của châu Á.

Những khoảng trống này là điều mà các quan chức Mỹ hiểu rõ. Trong hội nghị thượng đỉnh với ASEAN và các cuộc họp liên quan vào tháng 10, Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang bắt đầu các cuộc đàm phán để phát triển một "khuôn khổ kinh tế khu vực", với cam kết viện trợ 102 triệu USD. Hiện sáng kiến này còn nhiều điều chưa rõ, song so với con số mà Bắc Kinh cam kết, nỗ lực của Mỹ rõ ràng còn chưa đủ.

Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm suy yếu thông điệp về việc tăng cường hợp tác cùng có lợi mà Trung Quốc truyền đi, gia tăng sự hoài nghi đối với Bắc Kinh trong ASEAN. Do đó, cho dù Trung Quốc can dự tích cực hơn Mỹ trong các cơ chế khu vực, một số nước ASEAN cuối cùng vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng với Bắc Kinh.

Một bảng xếp hạng về quyền lực của các nước tại châu Á mới đây của Viện Lowy (Australia) đã xếp Mỹ trên Trung Quốc (lần lượt ở vị trí 1 và 2), theo Japan Times. Mỹ là nước lớn duy nhất tăng hạng về quyền lực tổng thể năm nay, trong khi Trung Quốc lần đầu tiên tụt hạng kể từ khi bảng xếp hạng này ra đời năm 2018. Các nhà nghiên cứu xếp hạng 26 quốc gia và vùng lãnh thổ theo 131 chỉ số bao gồm ảnh hưởng kinh tế, khả năng quốc phòng, ảnh hưởng văn hóa và ngoại giao và các nguồn lực dự kiến trong tương lai.

Phát biểu hôm 8/12, nhà ngoại giao Mỹ Daniel Krintenbrink nói "có điểm chung to lớn giữa các đối tác của chúng tôi tại khu vực, bao gồm ba quốc gia Đông Nam Á" mà Ngoại trưởng Mỹ sắp đến thăm. Điểm chung đó là "tầm nhìn của chúng tôi về kiểu khu vực mà chúng tôi muốn sống trong đó... một khu vực không có sự cưỡng bức, một khu vực mà các nước lớn không bắt nạt kẻ yếu và nơi tất cả các nước chơi theo luật".

Ông Kritenbrink cho biết Mỹ không yêu cầu các nước trong khu vực chọn bên, mà muốn đảm bảo rằng họ có khả năng đưa ra quyết định của riêng mình.

"Chúng tôi chọn tầm nhìn về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, đều tuân thủ luật lệ", ông nói.