1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cách tiếp cận mới của chính quyền Biden với Đông Nam Á

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Các chuyến công du của giới chức Mỹ đến Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của Mỹ và quyết tâm trở lại mạnh mẽ, thực chất đối với khu vực này.

Cách tiếp cận mới của chính quyền Biden với Đông Nam Á - 1

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vẫy tay chào khi tới Hà Nội hôm 24/8 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đông Nam Á được xem là một cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới, đồng thời là khu vực quan trọng để các cường quốc bên ngoài tăng cường quan hệ, thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược. ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trở thành một điểm hội tụ trong liên kết khu vực.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Đông Nam Á dường như không phải là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ, vì nhiều lý do, như chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của ông Trump, cuộc chiến căng thẳng Mỹ - Trung khiến Đông Nam Á bị mắc kẹt...

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu đã coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; tham gia đóng góp trong các cơ chế hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức đặt ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 6 tháng kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Biden, Mỹ chưa có những kết nối thực chất đối với khu vực.

Chính quyền Biden khi mới nắm quyền dường như quan tâm đến các ưu tiên khác hơn là Đông Nam Á. Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin không thể đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La vì dịch Covid-19. Kế đó, vào tháng 5, hội nghị ngoại trưởng Mỹ - ASEAN bị hủy phút chót. Bản thân ông Biden cũng chưa hội đàm trực tiếp với bất kỳ nhà lãnh đạo Đông Nam Á nào.

Chính sách thương mại của chính quyền Biden đối với Đông Nam Á cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á, đồng thời nỗ lực cân bằng cán cân thương mại có lợi cho Mỹ. Có rất ít cuộc thảo luận về việc tăng cường thương mại của Mỹ với khu vực.

Điều chỉnh cách tiếp cận

Tuy nhiên, gần đây, cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực được điều chỉnh. Chính quyền Biden nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của Đông Nam Á, vai trò trung tâm của ASEAN như một phần của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ để cạnh tranh với các nước lớn mà còn để giải quyết một loạt các thách thức khác. Vì thế, ông Biden có các đề cử cho vị trí Trợ lý Ngoại trưởng và Quốc phòng khu vực châu Á - cả hai vị trí quan trọng cần bổ sung để tạo điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện chính sách tốt hơn.

Các quan chức ngoại giao, quốc phòng Mỹ đã dồn dập đến Đông Nam Á. Vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham dự một loạt cuộc hội đàm trực tuyến với các đối tác ASEAN. Đặc biệt là chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tháng 8 vừa qua.

Điều quan trọng là Mỹ có cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn đối với khu vực. Mỹ coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ với ASEAN và các đối tác ở khu vực Đông Nam Á tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Mỹ sẽ tham vấn và hợp tác chặt chẽ với ASEAN, với tư cách là quan hệ đa phương và cả quan hệ song phương.

Mỹ tuyên bố sự tham gia của Washington ở khu vực không nhằm đối đầu bất kỳ quốc gia nào; và Mỹ không bắt các nước Đông Nam Á phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. "Sự can dự của chúng tôi ở Đông Nam Á, rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào cũng như không buộc nước nào phải lựa chọn giữa nước này hay nước kia", bà Harris nhấn mạnh tại Singapore.

Trước đó, cũng tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Austin khẳng định: "Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc". Điều này cho thấy cách tiếp cận của Mỹ đã có sự tương đồng với quan điểm, cách nhìn nhận của ASEAN.

Một điểm khác phản ánh cách tiếp cận mới là Mỹ không chỉ có các mối quan tâm về an ninh và chiến lược, mà muốn củng cố mối quan hệ về kinh tế, thương mại với khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Bắc Kinh cũng thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong khi đó, Mỹ đã đánh mất lợi thế cạnh tranh khi rút khỏi TPP.

Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với ASEAN là một trọng tâm trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Harris. Ngoài hợp tác về kinh tế, Mỹ và ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo... nhằm bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng, ứng phó với đại dịch Covid-19; phát triển thương mại điện tử, nền kinh tế số…

Mỹ tiếp tục đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương ứng phó với Covid-19, nỗ lực sản xuất, cung ứng vắc xin đầy đủ, an toàn và hiệu quả cho các nước Đông Nam Á. Mỹ cũng đã viện trợ vắc xin cho các nước khu vực và đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ, đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng, Mỹ có thể tiếp tục cải thiện vị thế của mình ở khu vực, bằng việc tham dự các diễn đàn lãnh đạo đa phương thiết yếu, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (AES) tại Brunei vào cuối năm nay, với sự tham dự của các quan chức cấp cao hơn, thay cho việc cử các quan chức cấp thấp như trước đây.

Như vậy, nước Mỹ đã trở lại Đông Nam Á nhằm tái khẳng định và làm mới mối quan hệ, với những cách tiếp cận mới linh hoạt hơn, thực chất hơn. Quan điểm của Mỹ đã được đón nhận ở Đông Nam Á, tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn là hành động của chính quyền Washington trong tương lai, nhằm định vị lại mình trong các mối quan hệ với ASEAN và các đối tác khu vực.