DMagazine

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn

(Dân trí) - Vụ tai nạn thảm khốc khiến thành tựu cao nhất của công nghệ tàu ngầm hạt nhân Liên Xô chìm xuống đáy biển, làm toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

NHÌN LẠI THẢM KỊCH ĐẮM TÀU NGẦM KURSK TỪNG KHIẾN 118 THỦY THỦ NGA TỬ NẠN 

Vụ tai nạn thảm khốc khiến thành tựu cao nhất của công nghệ tàu ngầm hạt nhân Liên Xô chìm xuống đáy biển, làm toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Niềm tự hào của Hải quân Nga

K-141 Kursk là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình lớp Oscar-II của Hải quân Nga. Việc đóng tàu bắt đầu từ năm 1990 tại các nhà máy đóng tàu quân sự của Hải quân ở thành phố cảng Severodvinsk, phía Bắc Nga. Trong quá trình thi công Kursk, Liên bang Xô Viết sụp đổ nhưng công việc vẫn tiếp tục, và con tàu được hạ thủy tháng 12/1994, trở thành một trong những tàu hải quân đầu tiên được hoàn thành sau khi Liên Xô tan rã.

Là tàu ngầm mang tên lửa hành trình lớn thứ hai từng được chế tạo, Kursk thừa hưởng những công nghệ hiện đại nhất của Liên Xô. Hai lò phản ứng hạt nhân OK-650b và chân vịt 7 cánh giúp tàu đạt tốc độ 59 km/h khi lặn. Nó có thể lặn dưới nước tới 120 ngày.

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 1

Hình ảnh tàu ngầm Kursk cập cảng căn cứ hải quân Vidyaevo vào tháng 5/2000 (Ảnh: Reuters).

Con tàu dài hơn 154 m này được thiết kế để chống lại một nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Kursk được trang bị 24 tên lửa hành trình P-700 Granit và 8 ống phóng ngư lôi các loại ở mũi. Tên lửa P-700 Granit có tầm bắn 550 km, tốc độ siêu âm và có chế độ chọn mục tiêu thông minh. Chỉ 1 quả ngư lôi Kiểu 65 mang đầu nổ nặng 450 kg là đủ mạnh để đánh chìm một tàu sân bay.

Cả tên lửa và ngư lôi đều có thể lắp đầu đạn hạt nhân. Kursk dài hơn 9,1 m so với các tàu ngầm lớp Oscar I trước đó. Các sĩ quan cấp cao có phòng nghỉ riêng trên tàu và toàn bộ thủy thủ đoàn có phòng tập thể dục chung.

Trong hơn 5 năm phục vụ, Kursk chỉ một lần thực hiện nhiệm vụ, kéo dài 6 tháng, khi được điều động đến Địa Trung Hải vào mùa hè năm 1999 để giám sát Hạm đội 6 Mỹ trong cuộc khủng hoảng Kosovo.

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 2

Bên trong tàu ngầm K-141 Kursk (Ảnh: conceptbunny.com).

Tai nạn khi đang tập trận

Ngày 10/8/2000, tàu ngầm Kursk cùng 29 tàu khác tham gia "Summer-X", cuộc tập trận hải quân quy mô lớn đầu tiên của Nga trong hơn một thập niên. Tàu được nạp đầy đủ vũ khí và nhiên liệu, là một trong số ít các tàu hải quân được mang tải trọng chiến đấu vào mọi thời điểm.

Trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận, Kursk đã phóng thành công tên lửa P-700 Granit lắp đầu đạn giả. Sáng ngày 12/8, Kursk có lịch phóng 2 quả ngư lôi giả (không mang đầu đạn) vào tàu tuần dương Peter Đại đế. Vào lúc 11h28 giờ địa phương, các máy đo địa chấn ghi nhận hai vụ nổ dưới nước trên biển Barents xảy ra cách nhau 134 giây và Hải quân Nga mất liên lạc với tàu Kursk từ đó.

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 3

Biểu đồ của Viện Địa chấn Na Uy cho thấy các vụ nổ được phát hiện bởi 3 trạm giám sát từ khu vực nơi tàu ngầm hạt nhân Kursk chìm (Ảnh: Reuters).

Vụ nổ đầu tiên tương đương 250 kg thuốc nổ TNT, vụ thứ hai tương đương 3-7 tấn thuốc nổ TNT và có thể ghi nhận ở tận Alaska (Mỹ). Báo cáo của Hải quân Nga cho rằng High-test peroxide (HTP), một dạng hydrogen peroxide đậm đặc được sử dụng làm chất đẩy cho ngư lôi, đã thấm qua một mối hàn bị lỗi. Hóa chất này khi gặp xúc tác sẽ nở ra với hệ số 5000, phản ứng oxy hóa tạo ra áp suất mạnh làm vỡ thùng nhiên liệu chứa dầu hỏa và gây ra vụ nổ thứ hai của các ngư lôi trong khoang hai phút sau đó.

Tàu ngầm K-18 Karelia gần đó đã ghi nhận vụ nổ, nhưng thuyền trưởng lại cho rằng đó là một phần của cuộc tập trận. Trên tàu tuần dương Peter Đại đế, thủy thủ đoàn đã phát hiện tín hiệu thủy âm đặc trưng của một vụ nổ dưới nước và cảm thấy thân tàu rung lên. Tuy nhiên báo cáo của họ với hạm đội Biển Bắc đã không được chú ý.

Khoảng thời gian dự kiến để Kursk hoàn thành việc bắn ngư lôi đã kết thúc vào lúc 13h30 ngày 20/8 mà không có bất kỳ liên lạc nào với hạm đội. Tư lệnh hạm đội Biển Bắc cử 1 trực thăng đi tìm kiếm.

Lúc 17 giờ, một máy bay tuần tra Ilyushin 38 đã được điều động, người ta không thu được dấu hiệu nào của Kursk sau ba giờ tìm kiếm. Sau khi nỗ lực liên lạc không thành công, Bộ chỉ huy hạm đội Biển Bắc của Nga đã ý thức được tính nghiêm trọng của vụ việc và khẩn trương tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, huy động 15 - 22 tàu và khoảng 3.000 thủy thủ. 

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 4

Vị trí và tọa độ tàu ngầm Kursk khi xảy ra tai nạn (Ảnh: nonproliferation.org).

Chiến dịch cứu hộ quy mô lớn

Vào buổi chiều xảy ra vụ việc, Cố vấn An ninh Quốc gia Sandy Berger và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đã được thông báo rằng tàu ngầm Kursk đã bị chìm. Sau khi thông tin được công khai, chính phủ Anh, Pháp, Đức, Israel, Italia và Na Uy đã đề nghị giúp đỡ, và Mỹ đề nghị sử dụng một trong hai phương tiện cứu hộ nước sâu đang có, nhưng chính phủ Nga đã từ chối sự hỗ trợ quốc tế. 

Lúc 17h30 phút ngày 13/8, tàu cứu hộ Mikhail Rudnitsky hạ phương tiện cứu hộ nước sâu AS-34 xuống đáy biển. Đến 18h30, ở độ sâu khoảng 100 m và tốc độ dòng chảy 2 hải lý/giờ, AS-34 báo cáo đã va chạm với một vật thể và qua cửa sổ, thủy thủ đoàn nhìn thấy chân vịt và bộ ổn định đuôi tàu ngầm Kursk.

Lúc 22h40, do AS-34 hư hại và phải nổi lên sửa chữa, AS-32 được thả xuống thay thế và bắt đầu tìm kiếm Kursk, nhưng không thể xác định vị trí chính xác do lỗi nhân viên điều hướng. Đến ngày 14/8, tàu kéo trục vớt Nikolay Chiker đến tham gia chiến dịch cứu hộ, và thu được những hình ảnh đầu tiên nhờ thiết bị chụp hình nước sâu. Nhờ đó, người ta xác định được độ sâu chìm tàu là 108 m, mũi tàu cắm sâu 22 m xuống đáy biển, và kính tiềm vọng được nâng lên cho thấy tai nạn đã xảy ra khi tàu lặn sâu chưa đến 20 m.

5 giờ sáng thứ Hai, AS-34 tiếp tục lặn xuống và cố gắng mở cửa thoát hiểm khoang thứ 9 của Kursk, nhưng bất thành. Khi ắc quy cạn kiệt, AS-34 phải nổi lên để sạc lại do không có dự phòng. Để tình hình thêm tồi tệ, biển động mạnh khiến Hải quân phải tạm ngừng các hoạt động cứu hộ.

Trong hai ngày tiếp theo, ngày 15 và 16/8, AS-34 tìm cách mở cửa thoát hiểm khoang thứ 9, nhưng vẫn không thành công. Tàu cần cẩu PK-7500 đến và thả phương tiện khác xuống, nhưng phải rút lên do không thể bám vào thân tàu Kursk và bị bão lớn gây hư hại. Nỗ lực cuối cùng là thả chuông lặn của tàu cứu hộ Altay.

 Anh và Na Uy vào cuộc trợ giúp

Năm ngày sau vụ việc, Nga chấp nhận đề nghị hỗ trợ của chính phủ Anh và Na Uy. Sáu đội thợ lặn người Anh và Na Uy đã đến để triển khai công tác cứu nạn.

Các bên liên quan đồng ý rằng thợ lặn Na Uy sẽ khoét các lỗ trên thân Kursk nhưng chỉ thợ lặn Nga mới được vào bên trong tàu. Máy cắt áp suất cao giúp mở một lỗ trên khoang thứ 8, từ đó thợ lặn Nga mở được vách ngăn khoang cuối cùng và tìm thấy nhật ký tàu. Các thi thể phát hiện ở tầng dưới đều bị bỏng nặng. Máy đo bức xạ bên trong và ngoài tàu không cho kết quả bất thường.

Các hoạt động cứu hộ chính thức kết thúc ngày 21/8, khi các thợ lặn Na Uy kết luận không còn ai sống sót. Thi thể các thủy thủ được đưa lên chôn cất.

Nguyên nhân

Theo kết luận của Ủy ban điều tra của chính phủ Nga, con tàu bị đắm do một vụ nổ xảy ra khi nó chuẩn bị phóng thủy lôi vào một mục tiêu giả định. Mặc dù vậy, suốt hơn 20 năm qua, vẫn còn nhiều giả thuyết về nguyên nhân thực sự đằng sau thảm kịch này.

Thậm chí mới hồi tháng trước, trả lời phỏng vấn hãng tin Sputnik, Đô đốc Vyacheslav Popov, cựu chỉ huy Hạm đội phương Bắc của Nga giai đoạn 1999 - 2001, nói rằng vụ đắm tàu ngầm hạt nhân Kursk là kết quả của một vụ va chạm với một tàu ngầm NATO.

Cựu quan chức này cho biết thêm, trước vụ va chạm, "tàu ngầm nước ngoài" này bị máy bay chống ngầm của Hải quân Nga phát hiện ở ngoài khơi Na Uy. Ông Popov nói, ông biết chắc chắn đến 90% tên của tàu ngầm này, nhưng không được phép tiết lộ.

Trục vớt

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 5

Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt, với phần mũi tàu bị cắt rời (Ảnh: Wikipedia).

Đầu năm 2001, một tập đoàn Hà Lan được chính phủ Nga ký hợp đồng trục vớt tàu Kursk, không bao gồm phần mũi. Họ cắt rời hẳn mũi tàu khỏi phần thân trước khi nâng lên, đưa về cảng Severomorsk và đặt vào ụ nổi để phân tích.

Năm 2002, người Nga thu hồi một số mảnh vỡ ngư lôi và ống phóng, trước khi cho phá hủy hoàn toàn mũi tàu bằng thuốc nổ.

Khoang chứa lò phản ứng hạt nhân và khoang vũ khí, có thể bao gồm một số tên lửa hạt nhân, đã không bị hư hại. Người ta tin rằng, trong tình huống nguy kịch, các thủy thủ trên tàu đã dũng cảm dập tắt đám cháy vô hiệu hóa được lò phản ứng hạt nhân, chặn đứng tai họa thảm khốc quy mô.

Khoang chứa lò phản ứng hạt nhân được kéo đến vịnh Sayda phía Bắc bán đảo Kola, nơi có hơn 50 khoang chứa lò phản ứng các tàu khác. Tại đây, một nhà máy đóng tàu đã loại bỏ tất cả các thanh nhiên liệu hạt nhân đầu năm 2003.

Vinh danh và tưởng niệm

Phó Thủ tướng Nga khi đó là Valentina Matviyenko, người đứng đầu một Ủy ban đặc biệt, thông báo rằng gia đình các thủy thủ tàu Kursk sẽ nhận được 10 năm tiền lương người thân của họ, miễn phí nhà ở tại một thành phố Nga tùy ý họ lựa chọn, miễn học phí đại học cho con cái.

Nhìn lại thảm kịch đắm tàu ngầm Kursk từng khiến 118 thủy thủ Nga tử nạn - 6

Cabin điều khiển của tàu ngầm Kursk được đặt lên đài tưởng niệm (Ảnh: RIA Novosti).

Một sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký đã truy tặng tất cả thủy thủ đoàn Huân chương Dũng cảm, và danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga được trao cho Gennady Lyachin, thuyền trưởng tàu Kursk.

Ở cảng Murmansk, phía Bắc Nga có một đài tưởng niệm, trên đó đặt Cabin điều khiển Kursk - được thu hồi nguyên vẹn. Các tượng đài khác được dựng ở thành phố Severodvinsk, Moscow, Sevastopol, Nizhny Novgorod và Severomorsk. Thành phố Kursk, nơi đặt tên cho con tàu, đã dựng một đài tưởng niệm làm từ các mảnh vỡ được trục vớt.

Tai nạn tàu ngầm Kursk trở thành một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Hải quân nước Nga. Bên cạnh nỗi đau về sự ra đi của 118 thủy thủ, nhiều người cho rằng đó là cả sự nuối tiếc cho chiếc tàu ngầm tấn công lớn nhất từng được chế tạo và là một trong những tàu ngầm hiện đại nhất lúc bấy giờ. Vụ việc cũng thúc đẩy Hải quân Nga cải tổ và nâng cấp hệ thống đảm bảo an toàn trên các tàu ngầm của nước này.