Nga - Ukraine ăn miếng trả miếng, Biển Đen dậy sóng
(Dân trí) - Việc Nga, Ukraine đồng loạt cảnh báo nhắm mục tiêu vào tàu hoạt động ở Biển Đen làm dấy lên nguy xung đột leo thang và lan rộng.
VÙNG BIỂN CHIẾN LƯỢC
Biển Đen trải dài từ phía đông và nam châu Âu, chạy qua Trung Đông và châu Á. Đây là một vùng biển thông ra Địa Trung Hải qua hai eo biển hẹp là Bosporus và Dardanelles.
Với diện tích lớn hơn bang California của Mỹ, Biển Đen tiếp giáp với 6 nước, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Gruzia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria là các thành viên NATO.
Vùng biển này từ lâu đã đóng vai trò quan trọng cả về mặt quân sự và kinh tế đối với các quốc gia xung quanh. Biển Đen có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ hai thế giới chỉ sau Vùng Vịnh. Ngoài ra, nơi đây cũng được biết đến với trữ lượng khoáng sản, kim loại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.
Với châu Âu, Biển Đen là hành lang vận tải và vận chuyển năng lượng, ngũ cốc lớn. Với Nga, việc kiểm soát Biển Đen là vấn đề sống còn với an ninh bởi đây là lối tấn công duy nhất vào quốc gia này mà không phải đi qua Ba Lan và một loạt nước Bắc Âu khác.
Hơn nữa, Biển Đen có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga ở khu vực. Mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược này của Nga là sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, trao cho Moscow quyền kiểm soát cảng Sevastopol. Đây là nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen Nga.
Kiểm soát Crimea và Biển Đen cho phép Nga ở thế thượng phong trong khu vực, từ đó mở rộng ảnh hưởng tới Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Vịnh Ba Tư.
Do vị trí chiến lược đó, Biển Đen trở thành chiến trường của một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Nga và phương Tây.
CUỘC ĐUA MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG
Biển Đen được coi là trọng tâm trong tham vọng địa chính trị của Nga kể từ khi Moscow lập trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea năm 1783. Đây là con đường ngắn nhất nối Nga với các vùng biển nước ấm như Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Phi, Nam Âu, Nam Á, châu Á và châu Mỹ Latinh, đưa Nga đến với những khu vực chủ chốt. Ngày nay, tầm quan trọng của Biển Đen đối với Nga ngày càng lớn trong bối cảnh lệnh trừng phạt của phương Tây bủa vây.
Trong học thuyết hàng hải công bố ngày 31/7/2022, Nga tuyên bố Biển Đen và Biển Azov là các khu vực quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Nói cách khác, tầm quan trọng của các vùng biển này với Nga tương đương Biển Baltic hay Địa Trung Hải.
Từng có ý kiến cho rằng, Biển Đen là "hồ của NATO" do hai eo biển ra vào Biển Đen đều do Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, kiểm soát. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Kể từ đó đến nay, Nga không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen. Năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí từng nói rằng vùng biển này "gần như đang trở thành hồ của Nga".
Sự kết hợp giữa hệ thống phòng không, tác chiến điện tử tiên tiến cùng với các máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu mặt nước được trang bị tên lửa mà Nga bố trí ở trong và xung quanh Crimea đã giúp nước này kiểm soát phần lớn Biển Đen.
Ngay từ những ngày đầu mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga cũng thể hiện rõ mục tiêu giành quyền kiểm soát các cảng quan trọng của Ukraine ở Biển Đen để đánh vào huyết mạch kinh tế của nước này.
Cảng biển đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Ukraine. Do nằm trên bờ Biển Đen nên chúng rất thuận lợi cho vận chuyển thương mại. Tàu thuyền tại các cảng này có thể tiếp cận với những quốc gia giáp Địa Trung Hải, kênh đào Suez và các thị trường xa hơn.
Hai trong số 5 cảng chính của Ukraine là Berdyansk và Mariupol, nằm ở phía đông bắc Biển Đen đã thất thủ. Tuy nhiên, các cảng lớn khác như Odessa và Mykolaiv vẫn do Ukraine kiểm soát.
Hơn một năm kể từ khi xung đột nổ ra, Nga vẫn chưa từ bỏ mục tiêu. Tuy chưa thể thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ để kiểm soát Odessa và Mykolaiv, Nga tìm cách phong tỏa những cảng này bằng hạm đội áp đảo. Sau một thời gian yên ắng, những ngày gần đây, Nga dồn dập tấn công tên lửa vào hai thành phố cảng chiến lược của Ukraine.
Trong khi đó, Biển Đen, nơi chứng kiến sự tăng cường quân sự từ phía Bắc của Nga, sự trỗi dậy của Trung Quốc ở phía Đông, trước đây đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng của NATO. Điều này là bởi Mỹ và các đồng minh lo ngại thách thức Nga ở đây có thể kéo họ vào một cuộc chiến khốc liệt.
Những năm gần đây, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea, NATO ra sức tăng cường hiện diện ở Biển Đen. Các thành viên NATO thường xuyên thực hiện chuyến bay giám sát, Mỹ và Anh cũng nhiều lần điều động tàu chiến tới khu vực này.
Tầm quan trọng của Biển Đen mới chỉ được đưa vào chiến lược dài hạn của NATO lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2022.
"Biển Đen đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh NATO vì là nơi hội tụ về mặt địa lý của nhiều đồng minh, đối tác cũng như đối thủ, đồng thời là nơi giàu trữ lượng hydrocarbon, các hành lang vận chuyển ngũ cốc thiết yếu và cũng là nơi đang chứng kiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine", Đô đốc nghỉ hưu của Mỹ James Stavridis, người từng là Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh của NATO, nhận định.
Tuy nhiên, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, các hoạt động của NATO ở khu vực Biển Đen gần như lắng xuống. Ngoài các đơn vị của Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Bulgari đồn trú ở Biển Đen, không có lực lượng hàng hải nào của các đồng minh NATO hiện diện ở đây. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cấm tất cả các tàu chiến đi qua hai eo biển Bosphorus và Dardanelles theo các quy định của Công ước Montreux.
Công ước Montreux ký kết năm 1936 cho phép các tàu thuyền dân sự tiếp cận Biển Đen không hạn chế. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn đối với các tàu chiến.
Theo Công ước, tàu chiến của các nước không thuộc Biển Đen chỉ có thể duy trì hiện diện ở vùng biển này tối đa 21 ngày và tổng trọng tải của các tàu không vượt quá 30.000 tấn. Chỉ các quốc gia ven Biển Đen mới có thể cử tàu ngầm qua eo biển, nhưng tàu sân bay không bao giờ được phép di chuyển qua những khu vực này.
Đặc biệt, Công ước Montreux năm 1936 trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền ngăn cản tàu chiến sử dụng hai eo biển ra vào Biển Đen trong thời gian diễn ra chiến tranh.
Mỹ và NATO từ lâu đã tìm cách vượt qua rào cản của những công ước liên quan tới Biển Đen nhằm hiện diện vĩnh viễn ở khu vực. Điều này thể hiện qua việc Mỹ và NATO không ngừng tăng cường điều động lực lượng luân phiên đến Biển Đen tham gia các hoạt động diễn tập và hợp tác quân sự.
"YẾT HẦU" LƯƠNG THỰC DƯỚI HỌNG SÚNG
Biển Đen "nóng" trở lại gần đây sau khi Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau ngày 17/7 để đáp trả việc Ukraine bị cáo buộc tập kích cầu Crimea.
Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đạt được hồi tháng 7/2022 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5.
Quyết định trên của Nga cùng với việc Moscow liên tục tập kích hạ tầng ở thành phố cảng Odessa, Mykolaiv, miền Nam Ukraine những ngày qua có thể coi là một đòn giáng vào "yết hầu" lương thực của khu vực và thế giới.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo bắt đầu từ 0h ngày 20/7, họ sẽ coi tất cả các tàu đi đến các cảng của Ukraine đều có thể là tàu chở hàng quân sự, cũng như các quốc gia mà tàu mang cờ là các bên tham gia xung đột và theo phe Ukraine.
Moscow cảnh báo các khu vực phía đông nam và tây bắc của hải phận quốc tế ở Biển Đen tạm thời không an toàn cho giao thông hàng hải, nhưng không nêu chi tiết về các khu vực sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho hay, Moscow muốn các tàu ở Biển Đen được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng không được lợi dụng để chở vũ khí cho Ukraine.
Ukraine cũng gần như ngay lập tức "ăn miếng, trả miếng" với thông báo: "Từ 0h ngày 21/7, tất cả tàu di chuyển trên Biển Đen hướng đến cảng của Nga và cảng Ukraine đang bị Nga kiểm soát đều có thể bị coi là tàu chở hàng quân sự và sẽ chịu rủi ro tương ứng".
Những diễn biến này đang đẩy Nga và Ukraine đến bờ vực của một giai đoạn xung đột mới và đe dọa đến tuyến vận tải quan trọng ở Biển Đen, tác động tiêu cực đến an ninh lương thực thế giới.
"Nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm rất cao", Michael Petersen, giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Nga tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định. Theo ông, ngay cả khi Nga kiềm chế không tấn công các đoàn tàu được hộ tống, những tàu hàng đậu tại cảng Odessa cũng rất dễ trở thành mục tiêu. Toàn bộ vùng Odessa nằm trong tầm bắn của hệ thống tên lửa bờ Bastion-P được Nga bố trí tại Crimea,
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia quân sự cho rằng khó xảy ra kịch bản Nga hay Ukraine tấn công tàu dân sự ở Biển Đen. Trung tâm truyền thông quân sự Ukraine tuần trước cho biết Nga dường như đang chuẩn bị các biện pháp nhằm phong tỏa Biển Đen. Mặc dù vậy, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng, kịch bản Nga phong tỏa hoàn toàn Biển Đen khó xảy ra bởi điều đó đồng nghĩa với việc Moscow nổ súng vào tất cả các tàu tìm cách tiếp cận Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay từ chối cử tàu hộ tống các tàu chở ngũ cốc ở Biển Đen do lo ngại những rủi ro với lực lượng của họ. Cả Nga và Ukraine được cho là đã rải thủy lôi ở vùng biển này để tạo vùng đệm phòng thủ hoặc nhằm phong tỏa các cảng của Ukraine. Việc xử lý những thủy lôi này có thể mất nhiều tháng.
Cựu đô đốc Mỹ kiêm cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO James Stavridis tuần trước đề xuất NATO triển khai lực lượng hộ tống các tàu chở ngũ cốc ở Biển Đen và sẵn sàng can thiệp nếu Nga tìm cách nhắm đến các tàu ra hoặc vào cảng của Ukraine.
"NATO và Mỹ có thể hộ tống các chuyến hàng ngũ cốc trên biển, điều mà họ có nhiều khả năng thực hiện với ba quốc gia lớn của NATO ở biển Đen", ông Stavridis nói khi đề cập đến 3 thành viên của liên minh gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania.
Cựu đô đốc này nói thêm: "Với những cảnh báo rõ ràng đối với Hạm đội Biển Đen của Nga, NATO nên bắn trả nếu một tàu chiến Nga tấn công một tàu chở ngũ cốc bởi về cơ bản đây được coi là tàu hoạt động nhân đạo trong vùng biển quốc tế".
Theo các chuyên gia quân sự, phương Tây có rất ít lựa chọn để cử tàu hộ tống đến Biển Đen bởi bị hạn chế bởi Công ước Montreux. Hơn nữa, việc đưa tàu chiến của Mỹ hay các nước NATO vào Biển Đen với sứ mệnh là hộ tống tàu hàng có thể bị Nga coi là một bước leo thang căng thẳng.
Vì những lý do này, giới ngoại giao các bên đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc để tháo ngòi một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết ông dự định trao đổi với người cấp Nga Vladimir Putin để "đảm bảo thỏa thuận ngũ cốc được gia hạn". Ông cũng thảo luận vấn đề này với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo WSJ, SWP, Reuters, New York Times