DNews

"Lửa" xung đột lan rộng, Nga - NATO nguy cơ đối đầu trực diện

Thành Đạt

(Dân trí) - Tuyên bố của Tổng thống Pháp về khả năng triển khai binh sĩ phương Tây tới Ukraine đã gây ra tranh cãi nội bộ, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột Nga - NATO.

"Lửa" xung đột lan rộng, Nga - NATO nguy cơ đối đầu trực diện

Sau khi chủ trì cuộc họp gồm 25 nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng "không có sự đồng thuận" về việc đưa quân tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng ông nói thêm rằng: "Không nên loại trừ bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng Nga không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này".

Điện Kremlin sau đó cảnh báo bất kỳ sự can thiệp trên thực địa của bất kỳ quốc gia NATO nào cũng sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa liên minh quân sự phương Tây và lực lượng Nga, gây ra nhiều nguy hiểm tiềm tàng.

Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy và Séc vội vàng nhấn mạnh rằng họ không cân nhắc việc đưa quân tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định liên minh này không có kế hoạch như vậy.

"Một điều rõ ràng: Sẽ không có lực lượng bộ binh từ các quốc gia châu Âu thuộc NATO ở Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định.

Giới chức Pháp phân trần rằng ông Macron đang cố gắng nhấn mạnh việc châu Âu phải xem xét các hành động mới để hỗ trợ Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cho biết hỗ trợ mới cho Ukraine trong các lĩnh vực rà phá bom mìn, phòng thủ mạng và sản xuất vũ khí "có thể yêu cầu sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine, song không vượt qua ngưỡng tham chiến".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hai năm trước, Mỹ và hầu hết các đồng minh châu Âu đã loại trừ khả năng quân đội NATO can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột, cảnh báo rằng một bước đi như vậy có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Tổng thống Joe Biden công khai tuyên bố quân đội Mỹ không được triển khai tới Ukraine trong những tuần trước cuộc xung đột và từ đó đến nay, ông vẫn nhắc lại quan điểm này. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby ngày 27/2 nói thêm: "Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột này: Sẽ không có quân đội Mỹ có mặt trên thực địa trong vai trò chiến đấu ở đó".

Tính toán của Tổng thống Pháp

Lửa xung đột lan rộng, Nga - NATO nguy cơ đối đầu trực diện - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) phát biểu tại hội nghị ủng hộ Ukraine ở Paris hôm 26/2 (Ảnh: New York Times).

Những tranh cãi của các nhà lãnh đạo châu Âu về việc triển khai quân đội tới Ukraine cho thấy NATO, mặc dù trở nên hùng mạnh hơn khi kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho cuộc xung đột.

Các quốc gia phương Tây có một số lựa chọn ngoài việc đưa bộ binh vào khu vực xung đột. Ukraine đã yêu cầu thêm máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa, đạn dược và hệ thống phòng không, khi quân đội Kiev đối phó với bước tiến của Nga.

Các cuộc tấn công của Moscow khiến Kiev phải rút lui khỏi thành phố Avdiivka, thành trì trọng điểm ở miền Đông Ukraine.

Những tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây đã trở nên phổ biến trong cuộc xung đột kéo dài hai năm qua ở Ukraine. Điện Kremlin thường phản ứng trước các hành động của phương Tây bằng những lời cảnh báo về nguy cơ đối đầu, bao gồm việc thường xuyên nhắc nhở các đối thủ về kho vũ khí hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo, Nga vẫn kiềm chế tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh phương Tây của Ukraine, bao gồm cả các địa điểm cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Cuộc thảo luận về khả năng can thiệp của một quốc gia thành viên NATO vào Ukraine, vốn là điều mà hầu hết các nhà phân tích cho là khó xảy ra, đã làm lu mờ những câu hỏi cấp bách hơn về những hạn chế trang thiết bị mà Ukraine đang gặp phải ở tiền tuyến. Ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu đang phải vật lộn để đáp ứng các cam kết về đạn dược cho Ukraine, chưa nói đến việc bù đắp lỗ hổng do Mỹ để lại.

Liên minh châu Âu đã thừa nhận rằng khối này sẽ không đạt được mục tiêu cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trước ngày 1/3. Tổng thống Macron nói rằng "đó có thể là một cam kết thiếu khôn ngoan", đồng thời thừa nhận châu Âu không có đủ kho dự trữ hoặc khả năng sản xuất để đáp ứng mục tiêu này.

Andrew S. Weiss, phó chủ tịch nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: "Việc đề cập đến khả năng triển khai quân của các nước thành viên NATO tới Ukraine dường như nhằm mục đích đánh lạc hướng. Câu hỏi thực sự mang tính quyết định là châu Âu có thể làm gì để bù đắp cho việc thiếu hỗ trợ quân sự của Mỹ".

Lửa xung đột lan rộng, Nga - NATO nguy cơ đối đầu trực diện - 2

Các binh sĩ Ukraine chiến đấu ở miền Đông (Ảnh: New York Times).

Theo Wall Street Journal, nhà lãnh đạo Pháp có thể đang cố gắng lấp đầy khoảng trống lãnh đạo do Mỹ để lại khi để ngỏ khả năng đưa quân tới Ukraine. Tuy nhiên, Jana Puglierin, một thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho biết, nỗ lực của ông Macron nhằm báo hiệu sức mạnh của NATO với Nga đã phản tác dụng.

"Việc ông Macron từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine đã dẫn đến nguy cơ chia rẽ giữa các thành viên NATO một cách không cần thiết, trong khi các quốc gia vốn hoài nghi về vấn đề này. Đây không phải là cách để thúc đẩy sự đoàn kết và sức mạnh của châu Âu", chuyên gia Puglierin nhận định.

Ông Macron từ chối cho biết quốc gia nào đã thảo luận về việc gửi quân tới Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh Paris, đồng thời nói thêm rằng Pháp đang duy trì quan điểm "mơ hồ về mặt chiến lược" liên quan đến kế hoạch của riêng nước này.

Tổng thống Macron tuyên bố ông ủng hộ việc các quốc gia châu Âu mua đạn dược cho Ukraine từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu. Cộng hòa Séc đang thúc đẩy việc mua sắm này để giải quyết tình trạng thiếu hụt đạn dược khẩn cấp của Ukraine, khi đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ vẫn trì hoãn việc cung cấp viện trợ quân sự mới.

"Châu Âu đã có hai năm để cùng nhau hành động và huy động cơ sở công nghiệp của họ. Mọi thứ khác chỉ nhằm đánh lạc hướng khỏi hạn chế đó", chuyên gia Weiss cho biết.

Tướng Onno Eichelsheim, sĩ quan quân sự hàng đầu của Hà Lan, cho rằng Tổng thống Macron có thể muốn nói rõ với nhà lãnh đạo Nga rằng không có lựa chọn nào là vượt quá giới hạn của phương Tây.

"Bạn phải đặt tất cả các phương án lên bàn thảo luận. Đây là lựa chọn xa vời và tôi không nghĩ các nước NATO sẵn sàng thực hiện điều đó. Nhưng bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra", tướng Hà Lan nói với Reuters trong chuyến thăm một nhà máy vũ khí ở Séc.

"Ông Macron đang cố gắng tạo ra sự cân bằng quyền lực và do đó gửi thông điệp tới Tổng thống Putin rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi thứ, vì vậy ông nên lo lắng, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc", Nicole Bacharan, nhà khoa học xã hội và chuyên gia về Mỹ tại Đại học Sciences Po, cho biết.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho rằng tổng thống Pháp đã dùng đến cuộc khủng hoảng Ukraine để làm chệch hướng những lời chỉ trích về chính sách đối nội của ông.

"Để giữ quyền lực cá nhân của mình, ông Macron không tìm thấy lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc khơi dậy Thế chiến ba. Những sáng kiến của ông ấy đang trở thành mối đe dọa đối với người dân Pháp", RT dẫn lời quan chức Nga nói.

Tuy vậy, theo một nhà ngoại giao châu Âu, cuộc thảo luận cởi mở về việc đưa quân đội phương Tây tới Ukraine cho thấy tình hình của Kiev đã trở nên nghiêm trọng như thế nào.

"Việc phương án này được đưa ra thảo luận có nghĩa là tình hình tệ hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ", nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

USA Today mô tả đề xuất của Tổng thống Macron như một "quả bóng bay thử nghiệm bị thủng nhanh chóng".

NATO sẵn sàng đối đầu với Nga?

Lửa xung đột lan rộng, Nga - NATO nguy cơ đối đầu trực diện - 3

NATO đã sẵn sàng chiến đấu?

Câu hỏi về việc một quốc gia NATO đưa quân đến Ukraine bắt đầu gây chú ý khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết các quốc gia khác trong liên minh NATO đang thảo luận về các thỏa thuận song phương để đưa bộ binh vào Ukraine.

Tuy nhiên, sự phủ nhận nhanh chóng của các nhà lãnh đạo châu Âu đã đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của liên minh cũng như về việc liệu những bình luận của tổng thống Pháp có phải là một lời đe dọa suông hay không.

Cho đến nay, NATO chỉ giới hạn trong việc huấn luyện lực lượng quân sự Ukraine và cung cấp cho Kiev vũ khí phòng thủ.

Các quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu lo ngại rằng việc đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga ở Ukraine sẽ có nguy cơ leo thang nghiêm trọng. Tổng thống Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao của Nga cũng thường xuyên cảnh báo Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này trong trường hợp xảy ra xung đột trên quy mô lớn hơn.

NATO đang tiến hành cuộc tập trận quân sự có quy mô lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận Steadfast Defender diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5 và có sự tham gia của tất cả 31 quốc gia thành viên. Với mục đích nâng cao khả năng phòng thủ tập thể cũng như khả năng sẵn sàng tác chiến của liên minh, đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ sau cuộc tập trận Reforger năm 1988, với sự tham gia của 125.000 binh sĩ từ Mỹ, Đức, Canada, Pháp và Đan Mạch.

Tướng Christopher Cavoli, chỉ huy lực lượng đồng minh tối cao của NATO tại châu Âu, cho biết: "Steadfast Defender 2024 sẽ là một minh chứng rõ ràng về sự đoàn kết, sức mạnh và quyết tâm của chúng ta để bảo vệ lẫn nhau, các giá trị của chúng ta và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Điều quan trọng là cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng Mỹ và Canada, nhằm thể hiện tốc độ và quy mô khả năng tăng cường lực lượng của NATO.

Theo Asia Times, cuộc tập trận vừa đóng vai trò như một sự trấn an cho các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu, vừa là một lời cảnh báo cho những đối thủ tiềm tàng về khả năng NATO có thể đưa lực lượng lớn vào chiến trường. Các cuộc tập trận cũng là một phần của hoạt động răn đe.

Cuộc tập trận nhằm mô phỏng một "kịch bản xung đột mới xuất hiện với một đối thủ ngang hàng". Đây được cho là một thông điệp gửi tới Nga, cho thấy NATO bắt đầu chú ý tới mối đe dọa xung đột trực tiếp với Moscow.

Trong Chiến tranh Lạnh, NATO thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn. Ví dụ, cuộc tập trận Lionheart, do Anh dẫn đầu năm 1984, có sự tham gia của gần 58.000 binh sĩ và phi công Anh với tổng lực lượng 131.565 người, bao gồm cả quân đội từ Mỹ, Hà Lan và Tây Đức khi đó.

Kể từ khi Liên Xô tan rã, NATO đã tìm kiếm một "bản sắc" mới. Trong những năm 1990, trọng tâm của liên minh này đã chuyển từ bảo vệ lãnh thổ chung sang bảo vệ lợi ích chung của các thành viên, như họ đã làm bằng cách can thiệp vào các cuộc chiến ở Bosnia năm 1995 và Kosovo năm 1999 khi chính thức phê duyệt khái niệm chiến lược mới.

Việc thể hiện sự đoàn kết và năng lực quân sự của NATO là điều quan trọng, sau hai năm bất đồng về cách ứng phó với cuộc chiến ở Ukraine và trong bối cảnh nổ ra tranh cãi về việc cung cấp vũ khí của các đồng minh phương Tây cho Ukraine.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn sau những tuyên bố gần đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, các nước thành viên NATO sẽ không còn được Mỹ bảo vệ nếu họ không đáp ứng các nguyên tắc chi tiêu quốc phòng.

Điều khoản quan trọng trong hiệp ước NATO là Điều 5, quy định an ninh tập thể và buộc các thành viên phải hành động nếu một quốc gia trong khối bị tấn công bởi bên thứ ba. Mỹ là quốc gia thành viên NATO duy nhất viện dẫn Điều 5 sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên NATO khác ở Afghanistan và rộng hơn là trong "cuộc chiến chống khủng bố".

Nếu quân đội phương Tây có mặt trên lãnh thổ Ukraine dù với số lượng như thế nào, chỉ cần một tên lửa hoặc rocket của Nga cướp đi sinh mạng của bất kỳ binh sĩ nào trong số họ, thì về mặt lý thuyết có thể kích hoạt Điều 5 của Hiệp ước NATO. Chính nguy cơ leo thang này khiến nhà lãnh đạo Mỹ và Đức đã có ý định tránh kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà NATO phải đối mặt không phải là việc triển khai lực lượng quân sự của khối, mà là việc trang bị cho lực lượng này. Nỗ lực cung cấp thiết bị và đạn dược cho Ukraine trong thời gian qua cho thấy, NATO không có kho dự trữ cũng như năng lực sản xuất để cung cấp cho một cuộc chiến tranh hiện đại kéo dài.

Điều này là do NATO từ lâu đã lên kế hoạch cho một cuộc xung đột với nguồn lực có sẵn, có nghĩa là lực lượng NATO chỉ có khả năng chiến đấu miễn là còn đủ thiết bị và vật tư. Vì lý do này, chiến lược của NATO luôn là, trong trường hợp xảy ra xung đột, phải giải quyết xung đột càng nhanh càng tốt.

Các thành viên NATO có biên giới chung với Nga hoặc vùng đất Kaliningrad của Nga gồm Na Uy, Latvia, Estonia, Lithuania và Ba Lan. 5 quốc gia này có hơn 1.200km đường biên giới chung với Nga. Trong khi đó, Phần Lan có hơn 1.300km đường biên giới chung, dọc theo khu vực tây bắc Nga. Do đó, kể từ tháng 4/2023, sau khi Phần Lan gia nhập, NATO sẽ có tổng cộng hơn 2.500km đường biên giới chung với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng thông báo liên minh quân sự này sẽ tăng số lượng binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cao lên 300.000 quân. NATO tuyên bố 100.000 quân sẽ được triển khai trong vòng 10 ngày nếu nổ ra xung đột với Nga, số còn lại sẵn sàng ra chiến trường một tháng sau đó.

Tuy nhiên, theo các quan chức Đông Âu và khu vực Baltic, họ vẫn không biết quốc gia nào sẽ cung cấp binh sĩ cho kế hoạch tăng quân của NATO, hoặc trả tiền cho việc triển khai quân. Họ cũng không chắc chắn về việc liệu các binh sĩ có được triển khai kịp thời để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga hay không.

Trong khi đó, một số thành viên NATO nghi ngờ cam kết từ các đồng minh của họ về kế hoạch triển khai binh sĩ. Đức dẫn đầu nhóm tác chiến ở Lithuania, nhưng phản đối lời kêu gọi từ Vilnius về việc triển khai một lữ đoàn thường trực ở đó. Thay vào đó, Berlin muốn giữ lại 6.000 quân ở lại Đức, nơi họ có thể được triển khai "nếu cần".

NATO cáo buộc Nga là "mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với an ninh của các đồng minh cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương". Moscow lập luận rằng, việc NATO tiếp tục mở rộng sang phía đông sau Chiến tranh Lạnh và việc NATO quyết tâm đưa Ukraine trở thành thành viên của khối được xem là mối đe dọa không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia của Nga.

Theo New York Times, Asia Times, Wall Street Journal