Phương Tây cân nhắc điều quân đến Ukraine, Nga cảnh báo xung đột với NATO
(Dân trí) - Điện Kremlin cảnh báo, xung đột giữa Mỹ và NATO không thể tránh khỏi nếu các nước thành viên của liên minh này điều quân đến Ukraine.
"Việc thảo luận khả năng gửi quân từ các nước NATO đến Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng. Trong trường hợp đó, chúng ta không cần nói về khả năng xảy ra (xung đột trực tiếp) mà phải bàn đến việc không thể tránh khỏi", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/2 cho biết khi được hỏi về nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO nếu phương Tây đưa quân đến Ukraine.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Slovkia Robert Fico ngày 26/2 cho biết, một số nước NATO và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa quân đến Ukraine khi xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3.
"Tôi có thể xác nhận rằng có những quốc gia sẵn sàng gửi quân tới Ukraine. Cũng có những quốc gia tuyên bố sẽ không bao giờ làm việc đó, trong đó có Slovakia. Cũng có những nước nói rằng đề xuất này cần được xem xét", Thủ tướng Fico nói.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc gửi quân đến chiến trường Ukraine, nhưng cũng không thể loại trừ kịch bản này.
Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cảnh báo, việc NATO đưa quân đến Ukraine, nếu xảy ra, sẽ bị coi là hành động can dự trực tiếp vào cuộc xung đột và là một lời tuyên chiến với Nga.
"Đó sẽ không phải thời điểm NATO bắt đầu tham gia vào cuộc chiến, mà sẽ được hiểu là sự tham gia trực tiếp của NATO vào các hành động thù địch, thậm chí tuyên chiến với Nga", ông Kosachev nói.
Ông lưu ý, những nước phương Tây phủ nhận khả năng đưa quân đến Ukraine ngày nay từng phủ nhận viện trợ xe tăng, tên lửa và máy bay cho Kiev, nhưng cuối cùng họ vẫn làm.
Phản ứng của Ukraine và một số nước châu Âu
Bình luận về ý tưởng phương Tây điều quân đến Ukraine, Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết: "Điều này trước hết cho thấy nhận thức tuyệt đối về những rủi ro do Nga gây ra cho châu Âu. Việc mở đầu cuộc thảo luận về khả năng đưa lực lượng vũ trang hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine nên được coi là mong muốn làm rõ hơn những rủi ro đó".
Ông cho rằng, hiện giờ là thời điểm quan trọng để tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.
Các nước thành viên NATO và EU đã liên tục viện trợ cho Ukraine kể từ xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm. Tuy nhiên, về cơ bản, phương Tây vẫn loại trừ phương án đưa quân đến Ukraine do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga và kéo theo thế chiến.
Một quan chức Nhà Trắng hôm qua khẳng định Mỹ không có ý định đưa quân đến Ukraine tham chiến và cũng không có kế hoạch điều lực lượng NATO đến chiến trường này.
Giới chức Slovakia, Ba Lan và Cộng hòa Séc, Hungary cũng tuyên bố không cân nhắc đưa quân đến Ukraine.
"Theo tôi, chúng ta nên tiếp tục hướng hỗ trợ cho Ukraine như chúng ta đã làm. Tôi tin rằng chúng ta không cần phải mở một số phương pháp hay cách thức khác", Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk hôm nay 27/2.