DMagazine

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt "mưa tên lửa" của Nga tại Ukraine

(Dân trí) - Những trận tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga nhằm vào các mục tiêu tại Ukraine trong thời gian qua được xem là lời cảnh tỉnh cho phương Tây về việc không nên đánh giá thấp kho vũ khí của Moscow.

LỜI CẢNH TỈNH VỚI PHƯƠNG TÂY SAU LOẠT "MƯA TÊN LỬA" CỦA NGA TẠI UKRAINE

Những trận tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga tại Ukraine trong thời gian qua được xem là một lời cảnh tỉnh cho phương Tây về việc không nên đánh giá thấp kho vũ khí của Moscow.

Các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn của Nga nhằm vào những mục tiêu tại thủ đô Kiev và nhiều vùng lãnh thổ Ukraine trong thời gian gần đây đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Ukraine. Không chỉ gặp tổn thất lớn về người và tài sản, hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng đã bị đánh phá dữ dội, qua đó khiến hàng triệu người dân tại đất nước này phải sống trong cảnh mất điện.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt mưa tên lửa của Nga tại Ukraine - 1
Thủ đô Kiev của Ukraine tan hoang sau màn tập kích tên lửa hôm 23/11 (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia nhận định các cuộc tập kích tên lửa của Nga đã khiến cho không chỉ chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky mà còn cả các đồng minh phương Tây của Ukraine bất ngờ, do những dự báo và thông tin tình báo của phương Tây thời gian qua luôn khẳng định Nga đã cạn tên lửa hành trình.

Cuộc tập kích với quy mô lớn chưa từng có

Ngày 15/11, quân đội Nga tiến hành một trận tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào thủ đô Kiev và nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine. Theo Không quân Ukraine, gần 100 tên lửa hành trình đã đánh trúng các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như một số khu dân cư tại quận trung tâm Pechersk ở thủ đô Kiev, thành phố Lviv, cùng các khu vực Kharkov, Rivne, Kryvyi Rih, Poltava, Odessa và Zhytomyr.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt mưa tên lửa của Nga tại Ukraine - 2
Oanh tạc cơ Tu-160 mang tên lửa hành trình của quân đội Nga trong một nhiệm vụ tác chiến (Ảnh: Getty).

Không lâu sau cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn chưa từng có vào ngày 15/11, trong 2 ngày 17 và 23/11, quân đội Nga đã tiếp tục bắn hơn 100 tên lửa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

Các vụ tấn công này đã khiến nhiều khu vực tại thủ đô Kiev cùng các thành phố lớn tại Ukraine bị thiệt hại nghiêm trọng. Tại thủ đô Kiev, hơn một nửa dân số của thành phố này đã phải sống trong tình trạng mất điện. Các tòa nhà cao tầng cũng đã bị trúng tên lửa của Nga, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Theo công ty phụ trách mạng lưới hệ thống điện Ukrenergo của Ukraine, hệ thống điện của đất nước đã bị hư hỏng nặng, gây ra mất điện trên phạm vi cả nước. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tiết lộ hơn một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị phá hủy.

"Thật không may, Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng quan trọng và dân sự của Ukraine. Gần một nửa hệ thống năng lượng của chúng tôi đã bị vô hiệu hóa", ông Shmyhal nói trong một cuộc họp báo.

Theo ước tính của trang Ukrainska Pravda, chi phí mà Nga bỏ ra trong cuộc tập kích hôm 15/11 có thể lên tới gần 1 tỷ USD. Không quân Ukraine cáo buộc Moscow đã sử dụng 96 tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển Kh-101, Kh-555, 3M-54 Kalibr; tên lửa dẫn đường Kh-59; và các máy bay không người lái (UAV) Shahed-136/131, Orion và Orlan-10.

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã tăng cường các vụ tập kích hỏa lực nhằm vào Ukraine. Giới quan sát nhận định, Nga dường như đang muốn gia tăng áp lực lên Ukraine trong bối cảnh mùa đông lạnh giá sắp tới gần.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông Nga hôm 17/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các vụ tấn công tên lửa dồn dập của Nga nhằm vào thủ đô Kiev và các vùng lãnh thổ khác của Ukraine trong thời gian qua là nhằm gây sức ép buộc Kiev nhanh chóng trở lại bàn đàm phán.

Theo ông Peskov, mục tiêu của các vụ tập kích tên lửa là các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, qua đó sẽ làm gián đoạn các dịch vụ cung cấp điện, sưởi và nước cho người dân nước này. Người phát ngôn Điện Kremlin cáo buộc chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm cho sự gián đoạn trên.

"Sự chậm trễ trong việc trở lại bàn đàm phán của Ukraine đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta cần phải thảo luận để tháo gỡ chúng", ông Peskov nhấn mạnh.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây

Tên lửa hành trình là một loại vũ khí phổ biến được quân đội Nga sử dụng trong xung đột với Ukraine. Với uy lực và độ chính xác vượt trội, các tên lửa này dễ dàng vượt qua lưới lửa phòng không của Ukraine trong thời gian đầu của xung đột và gây ra thiệt hại nặng nề cho Kiev. Bên cạnh đó, việc được phóng đi từ khoảng cách rất xa và quân đội Ukraine không có vũ khí tầm xa để đáp trả góp phần biến loại vũ khí này trở nên an toàn tuyệt đối cho các binh sĩ Nga.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt mưa tên lửa của Nga tại Ukraine - 3
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của quân đội Nga (Ảnh: Reuters).

Từ giữa tháng 7, việc quân đội Nga sử dụng tên lửa hành trình với tần suất dày đặc đã khiến cho giới chức tình báo Ukraine và phương Tây đưa ra các giả thuyết về việc kho tên lửa của Moscow sắp cạn kiệt.

Hôm 12/7, giới chức tình báo Ukraine, dựa trên những lập luận của các chuyên gia quân sự phương Tây, tuyên bố việc Nga bắt đầu sử dụng cả những tên lửa phòng không được cải tiến để tấn công các mục tiêu trên mặt đất là một bằng chứng rõ nét cho thấy kho tên lửa hành trình dẫn đường chính xác của quân đội Nga đang dần cạn kiệt.

Đến cuối tháng 8, ông Vadym Skibitskyi, quan chức cao cấp thuộc Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine khẳng định Nga đang "đối diện tình huống khó khăn" với số lượng tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14 Kalibr không còn nhiều, trong khi tên lửa hành trình tầm ngắn 9K720 Iskander-M chỉ còn khoảng 20%. Báo cáo của tình báo Ukraine vào thời điểm đó cũng cho thấy Nga hiện chỉ còn gần 45% kho tên lửa hành trình.

Đến giữa tháng 10, Bộ Quốc phòng Ukraine ra tuyên bố cho biết Nga đã sử dụng tổng cộng 1.235 tên lửa tầm xa, tương đương với 2/3 kho tên lửa hành trình có độ chính xác cao mà nước này sở hữu trong hơn 7 tháng chiến sự tại Ukraine.

Không chỉ Ukraine, Mỹ và phương Tây cũng không ít lần đưa ra những nhận định tiêu cực về tiềm lực của kho tên lửa Nga. Ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được tiến hành tại Ukraine, giới chức tình báo Mỹ đã cho rằng Nga sẽ hết tên lửa Kalibr vào ngày 20/3.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt mưa tên lửa của Nga tại Ukraine - 4
Lính cứu hỏa Ukraine nỗ lực dập tắt đám cháy tại một nhà máy điện sau vụ tập kích tên lửa của Nga (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, giới chức phương Tây còn đưa ra những dự báo tiêu cực về năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga sau khi hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của phương Tây.

Hồi tháng 10, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ "đang cản trở năng lực của công nghiệp quốc phòng Nga trong sản xuất vũ khí, cũng như thay thế các vũ khí bị phá hủy trong xung đột vũ trang".

"Nga đang hết dần các thiết bị vi điện tử có vai trò trọng yếu đối với tổ hợp công nghiệp - quân sự. Giới chức Nga quan ngại họ không có đủ các linh kiện nước ngoài. Hai trong số các nhà sản xuất vi điện tử nội địa lớn nhất của Nga đã tạm thời ngừng sản xuất do thiếu các công nghệ nước ngoài thiết yếu", Thứ trưởng Adeyemo đánh giá.

Tuy nhiên, gần như sau mỗi tuyên bố mang tính tiêu cực của Ukraine và phương Tây, Moscow lại đáp trả bằng một trận tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào Kiev. Các vụ tập kích này không chỉ là một lời khẳng định đanh thép về năng lực quốc phòng của Nga mà còn gây "choáng váng" cho Ukraine và các đồng minh phương Tây.

Các chuyên gia nhận định rằng các trận mưa tên lửa của Nga trong thời gian gần đây đã để lại bài học sâu sắc cho giới chức quốc phòng phương Tây về việc không nên đánh giá thấp năng lực của kho vũ khí Nga. Theo các nguồn tin, giới chức quốc phòng phương Tây bắt đầu phải tính toán lại những nhận định về tiềm lực quốc phòng của Moscow nhằm đưa ra dự báo chính xác hơn về cục diện chiến trường Ukraine.

Sau các trận tập kích dữ dội trên, Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thừa nhận về khả năng Ukraine khó lòng có thể tái chiếm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát trong thời gian ngắn. Nguyên nhân chính của nhận định này là việc Mỹ đã nhận ra việc Nga có đủ phương tiện và vũ khí nhằm duy trì chiến đấu tại Ukraine trong một thời gian dài.

Các phỏng đoán của phương Tây

Theo 2 tác giả Marc Santora và Lara Jakes từ báo New York Times, có 4 giả thuyết có thể giúp giải thích về lý do Nga vẫn có đủ tên lửa để liên tục tấn công các mục tiêu của Ukraine.

Đầu tiên, Nga đã sử dụng các tên lửa phòng không S-300 được cải tiến để làm nhiệm vụ tấn công các mục tiêu mặt đất của Ukraine. Theo đó, nhằm thay đổi công năng của các tên lửa S-300, các kỹ sư quân đội Nga đã lắp thêm thiết bị định vị vệ tinh lên các tên lửa này để giúp việc tấn công mặt đất trở nên dễ dàng hơn.

Lời cảnh tỉnh với phương Tây sau loạt mưa tên lửa của Nga tại Ukraine - 5
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 đã nhiều lần được Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất của Ukraine (Ảnh: The Drive).

Tổ hợp tên lửa S-300 là một trong những vũ khí phòng không uy lực và phổ biến của quân đội Nga. Được phát triển dưới thời Liên Xô và triển khai lần đầu vào năm 1979, quân đội Nga được cho là thừa hưởng một kho tên lửa S-300 khổng lồ sau khi Liên Xô tan rã. Việc lực lượng Không quân Ukraine không đủ mạnh để gây thách thức cho không phận Nga, cùng với sự bổ sung các tên lửa phòng không S-400 hiện đại hơn cho phép Nga sử dụng lượng tên lửa S-300 dư thừa trong kho cho mục đích tấn công mặt đất.

Giới chức quân sự phương Tây, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng bỏ ngỏ khả năng Nga đã nhập thêm tên lửa hành trình từ Iran và Triều Tiên để bù đắp cho lượng vũ khí đã hao hụt tại Ukraine. Trước đó, Iran đã chuyển giao cho Nga các UAV cảm tử và quân đội Nga được cho là đã sử dụng loại vũ khí này để tấn công Ukraine. Tuy nhiên, cả Tehran, Bình Nhưỡng đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin cung cấp tên lửa hành trình cho Moscow.

Một lý giải khác mà phương Tây đưa ra là việc quân đội Nga đã liên tục sản xuất thêm tên lửa trong thời gian qua để tăng cường năng lực cho kho vũ khí của nước này.

Janes, một tổ chức tình báo có trụ sở tại Anh, nhận định ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chế tạo thêm tên lửa, sử dụng vi mạch dự trữ và công nghệ khác nhằm lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Theo tổ chức này, Nga "có thể đã bắt đầu sản xuất một số lượng lớn tên lửa Iskander, Kalibr và tên lửa hành trình" trước tháng 2 và hiện giờ ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang hoạt động suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu vũ khí của các lực lượng tham chiến tại Ukraine.

Vào tháng 8, chính phủ Nga đã ban hành một gói hỗ trợ trị giá khoảng 7,5 tỷ USD nhằm tăng cường năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Cuối cùng, một số chuyên gia cho rằng các tên lửa hành trình thế hệ cũ được sản xuất từ thời Liên Xô đã được quân đội Nga sử dụng lại để tấn công các mục tiêu tại Ukraine. Với tư cách là nước thừa kế chính của kho vũ khí Liên Xô, Nga sở hữu một lượng tên lửa đạn đạo lớn được Liên Xô chế tạo trong các cuộc chạy đua vũ trang từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy độ chính xác không cao, uy lực và số lượng của các tên lửa này vẫn có thể gây ra nhiều thách thức với quân đội Ukraine.

Tùng Nguyễn

Theo NYT, Reuters, Defense Express, Guardian

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine