(Dân trí) - Giai đoạn 2 cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho sẽ rất quyết liệt với sự can dự ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây, nhưng các chuyên gia cho rằng, chỉ đàm phán mới có thể mang lại ổn định lâu dài.
KỊCH BẢN TỐT NHẤT CHO NGA-UKRAINE SAU 2 THÁNG CHIẾN SỰ RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI
Giai đoạn 2 cuộc chiến giữa Nga và Ukraine được cho sẽ rất quyết liệt với sự can dự ngày càng mạnh mẽ từ phương Tây, nhưng các chuyên gia cho rằng, chỉ đàm phán mới có thể mang lại ổn định lâu dài.
Ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự với mục tiêu là phá hủy các cơ sở quân sự bằng vũ khí chính xác để "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine. Sau khoảng một tháng giao tranh quyết liệt trên nhiều khu vực, Nga thông báo khép lại giai đoạn một của chiến dịch. Giờ đây, khi chiến sự sắp bước sang ngày thứ 60, Nga đang tiến hành giai đoạn 2 của chiến sự, khi tập trung vào khu vực Donbass, Đông Ukraine.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, chiến dịch ở Donbass có vai trò "rất quan trọng trong toàn bộ chiến dịch quân sự của Nga".
Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là liệu trong giai đoạn 2 của chiến dịch, Nga có đạt được những kết quả tốt hơn giai đoạn một hay không, và liệu Ukraine có đủ quân và vũ khí để cản trở Nga, hoặc giành lại quyền kiểm soát những khu vực Moscow đang nắm giữ hay không? Và đâu mới là giải pháp tốt nhất để khép lại chiến sự giữa 2 nước?
HAI THÁNG CHIẾN SỰ "CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN"
Nga cho đến nay đã đưa ra một loạt đề xuất để chấm dứt xung đột, trong đó Ukraine phải cam kết trung lập (không gia nhập NATO), không sở hữu vũ khí hạt nhân, công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của vùng ly khai Donbass.
Cuối tháng 3, lực lượng Ukraine, với sự trợ giúp về mặt quân sự từ phương Tây, đã ngăn chặn đà tiến của Nga tại một số khu vực chủ chốt. Nga thông báo đã hoàn tất mục tiêu giai đoạn một của chiến dịch và chuyển hướng tập trung sang "giải phóng" vùng ly khai Donbass. Ngoài ra, theo CNN, mục tiêu của Nga cũng là giành được quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol để thiết lập một hành lang trên bộ nối đất liền Nga với bán đảo Crimea. Đây được xem là mục tiêu quan trọng vì nó sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho Nga về mặt hậu cần.
Để đạt được điều này, lực lượng Nga đã rút quân khỏi các khu vực quan trọng tại phía bắc như Kiev, và tái triển khai đơn vị quân sự về hướng đông bắc. Mỹ ước tính, Nga hiện đã huy động khoảng 78 tiểu đoàn chiến thuật ở miền đông Ukraine - tương đương 75.000 quân. Ngoài ra, Nga cũng đang triển khai lượng lớn quân ở khu vực biên giới Ukraine.
Theo các chuyên gia quân sự, chiến thuật của Nga hiện đang theo đuổi là: "Sử dụng lượng lớn pháo, hệ thống rocket và tên lửa phóng vào mục tiêu quân sự của Ukraine để mở đường cho lực lượng thiết giáp tiến vào kiểm soát lãnh thổ".
Tình hình chiến sự tới ngày thứ 57 (21/4) được thể hiện qua đồ họa sau:
Theo các chuyên gia và nhà phân tích, trong giai đoạn 2, Nga hiện đang tiến theo 3 hướng chính. Nếu tưởng tượng Donbass là một hình vuông, thì Nga đang ở 3 cạnh của hình và chỉ để lại hướng phía tây cho phía Ukraine thực hiện hoạt động tiếp viện và nếu cần thiết là rút quân.
Từ hướng nam và hướng đông, các đơn vị tiền phương của Nga đã tiến được vài km ở Zaporizhzhia, tỉnh giáp với Donetsk.
Theo các chuyên gia, Nga đang tiến hành việc định hình lại chiến trường để có thể đảm bảo vấn đề hậu cần không bị gián đoạn. Trên thực tế, với việc rút chiến dịch quân sự về Đông Ukraine, Nga đang có lợi thế về mặt hậu cần khi khu vực này gần lãnh thổ Nga, và nó có địa hình đồng bằng thuận lợi cho Nga, khác với việc phải cận chiến trong đô thị và tác chiến trong rừng trước đó tại các khu vực khác ở Ukraine.
Tổ chức Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng, trong giai đoạn một của chiến dịch, Nga vẫn tồn tại một số vấn đề như sự hợp tác giữa các nhánh trong quân đội chưa đủ mạnh mẽ dẫn tới việc phối hợp chưa được nhịp nhàng làm ảnh hưởng tới hiệu quả tác chiến.
Về phía Ukraine, theo các chuyên gia, Kiev trong giai đoạn một đã thể hiện lợi thế của việc hiểu biết địa hình và sử dụng chiến thuật du kích cũng như các vũ khí hiện đại (ví dụ máy bay không người lái - UAV) để gây thiệt hại và cản đà tiến của quân đội Nga.
Giờ đây, trong giai đoạn 2, Ukraine sẽ phải đưa ra quyết định liệu họ có nên bố trí hệ thống phòng thủ tĩnh hay không vì điều này có thể dẫn tới kịch bản các khí tài này có thể bị lực lượng pháo binh, rocket, tên lửa và thiết giáp hùng hậu của Nga phá hủy. Nga trong những ngày qua đã tăng cường nhắm hỏa lực vào mục tiêu của Ukraine, với trung bình hơn 1.000 mục tiêu bị phá hủy mỗi ngày.
Vì vậy, phương án thay thế mà các chuyên gia cho rằng Ukraine có thể áp dụng là sử dụng các hệ thống phòng thủ di động để tạo sự linh hoạt hơn trong hoạt động tác chiến và rút lui khi cần thiết.
Ngoài ra, nếu lợi thế của Nga giờ đây là gần nguồn hậu cần, thì Ukraine có thể sẽ cân nhắc tới việc thách thức đường dây tiếp tế của Nga ở Donbass.
Đã có một số bằng chứng về việc Ukraine có thể đang tìm cách chặn tuyến tiếp tế của Nga. Tuần trước, một cây cầu trên tuyến đường hậu cần của Nga bị cho nổ tung trên lãnh thổ Ukraine. Trước đó, một cầu đường sắt của Nga ở thành phố giáp biên giới Ukraine Belgorod cũng bị phá hủy. Đây đều là các tuyến đường quan trọng với Nga trong việc chuyển khí tài tới Ukraine.
Nhìn chung, theo Washington Post, Ukraine vẫn đối mặt với rủi ro nhất định khi Donbass đang có nguy cơ bị bao vây lại. Ukraine sẽ phải linh hoạt chiến thuật để ngăn kịch bản bị Moscow siết chặt vòng vây. Ví dụ, tại Mariupol, Ukraine đang mất đi lợi thế vì bị Nga vây chặt ở nhà máy Azovstal. Nga muốn kiểm soát nhà máy luyện kim này, từ đó hướng tới kiểm soát toàn bộ Mariupol để giành được lợi thế lớn. Cục diện chiến sự lúc này có thể sẽ được đẩy nhanh hơn nữa nếu hành lang đường bộ giữa Nga và Ukraine đã được thiết lập.
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI GIAI ĐOẠN 2
Trên thực tế, dù Nga bị thiệt hại không ít trong giai đoạn đầu của chiến sự, nhưng về năng lực quân sự họ vẫn áp đảo so với Ukraine về khí tài quân sự, trang bị. Bảng dưới đây mô tả sự chênh lệnh rõ ràng giữa 2 bên:
Tuy nhiên, bảng so sánh trên hiện chưa thể cập nhật hết những hỗ trợ mà Ukraine đã nhận được từ phương Tây. Bắt đầu từ giai đoạn 2, khi Mỹ và NATO xác định rằng, chiến sự ở Ukraine có thể kéo dài nhiều tháng và nhiều năm, họ đã đẩy mạnh viện trợ vũ khí cho Kiev.
Theo Reuters, Mỹ ngày 13/4 đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm 11 trực thăng Mi-17, 18 lựu pháo Howitzer, 300 máy bay không người lái Switchblade, 500 tên lửa chống tăng Javelin, 200 xe thiết giáp chiến đấu, cùng các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực và nhiều loại vũ khí khác. Gói viện trợ này được chú ý nhiều hơn so với các gói viện trợ trước đó, một phần vì có thêm các loại vũ khí tinh vi hơn và hạng nặng hơn.
Các đồng minh của Mỹ cũng đang đưa vũ khí hạng nặng, phức tạp hơn tới Ukraine trong khi ở giai đoạn trước đó, họ chỉ đưa vũ khí hạng nhẹ, thiết bị phi sát thương, đồ bảo hộ.
Nguồn cung vũ khí từ nước ngoài chính là yếu tố quan trọng tác động tới tình hình chiến sự ở Ukraine trong giai đoạn kế tiếp. Hồi đầu tháng, Ukraine thừa nhận Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn nền công nghiệp quốc phòng của nước này, vì vậy, Ukraine trong suốt tháng này liên tục phát đi những thông điệp về vũ khí và họ tuyên bố rằng vũ khí thì không bao giờ là đủ.
Theo CNN, việc phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine đang là cuộc đua về mặt thời gian vì nếu thiếu khí tài, Nga sẽ đẩy nhanh tốc độ trên chiến trường và Kiev có thể sẽ lỡ thời điểm quan trọng.
Việc phương Tây quyết định cấp vũ khí cho Ukraine chỉ là một chuyện, việc chuyển vũ khí tới miền Đông an toàn và hiệu quả lại là một chuyện khác. Với các vũ khí hạng nặng, việc ngụy trang như vũ khí hạng nhẹ trước đó là không khả thi và Nga đã nhiều lần tuyên bố họ coi các vũ khí phương Tây là "mục tiêu hợp pháp".
Trong những ngày qua, Nga tuyên bố, lực lượng tên lửa đã phá hủy nhiều kho vũ khí Ukraine, bắn rơi máy bay vận tải chở vũ khí phương Tây. Phương Tây có thể chuyển vũ khí ồ ạt tới Ukraine, nhưng những khí tài này có thể an toàn ra tới chiến trường hay không là câu hỏi khác.
Thêm vào đó, chính Mỹ dường như cũng thừa nhận, khi khí tài của họ được chuyển vào Ukraine, họ không thể theo dõi đường đi của chúng trong Ukraine và nguy cơ các vũ khí này rơi vào tay đối thủ là có thể xảy ra. Đây là một rủi ro đáng kể có thể tác động mạnh tới kết quả cuộc chiến.
Hồi đầu tuần, một quan chức Mỹ nói rằng, họ đang liên tục cấp vũ khí cho Ukraine với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Kể từ ngày 24/2 tới nay, Mỹ đã chuyển cho Ukraine lượng vũ khí với tổng trị giá 2,3 tỷ USD. Mỹ cũng cho biết, họ dự kiến sẽ cung cấp tiếp cho Ukraine vũ khí cần thiết.
Ngoài vấn đề vũ khí, một điều mà chuyên gia quân sự Tim Lester cũng đặc biệt chú ý là "mục tiêu" của Nga.
Nhiều nguồn tin nói rằng, Nga muốn một bước tiến rõ rệt trên chiến trường trước ngày 9/5 - thời điểm họ sẽ kỷ niệm Ngày Chiến thắng (khi lực lượng Đồng minh đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến II). Đây có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy Nga trong những ngày tới tăng tốc cuộc chiến, đặc biệt là sau khi kịch bản họ kiểm soát được Mariupol xảy ra.
Nga có thể sẽ phải thúc đẩy chiến lược mới để đẩy nhanh tốc độ hơn nữa của chiến sự so với hiện tại, đồng thời suy xét tới các yếu tố khác như khả năng chống cự của Ukraine trên chiến trường và lượng vũ khí mà phương Tây đổ về Ukraine.
Chuyên gia Jack Watling thuộc Viện Royal United Services nhận định, sự phản kháng của Ukraine có thể giúp họ có thêm thời gian để kêu gọi phương Tây đổ thêm vũ khí vào, cũng như là thực hiện các biện pháp kinh tế để gây áp lực lên Điện Kremlin.
PHƯƠNG ÁN NÀO ĐỂ THÁO GỠ XUNG ĐỘT?
Trên thực tế, các dự đoán từ trước tới nay về chiến sự Ukraine có nhiều điểm khá sát, nhưng có những điểm hoàn toàn sai khác thực tế. Ví dụ, ban đầu, giới quan sát cho rằng, Nga sẽ đẩy nhanh tốc độ chiến dịch quân sự và kiểm soát Ukraine nhanh chóng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà trong giai đoạn đầu, Nga tiến quân tương đối chậm so với dự đoán ban đầu.
Vì vậy, việc đưa ra một dự đoán chính xác hoàn toàn không phải là điều dễ, nhất là trong bối cảnh chiến sự đang xảy ra nhiều yếu tố tác động lên tới cả 2 phía.
Trong bài phân tích trên Asia Times, chuyên gia Philipp Kastner từ đại học Tây Australia đã đưa ra nhận định về cách mà chiến sự giữa 2 nước có thể khép lại.
Theo chuyên gia này, chiến dịch quân sự của Nga khó có thể chỉ giải quyết trên chiến trường. Chắc chắn các diễn biến trên chiến trường sẽ mang lại lợi thế hoặc điều bất lợi trên bàn đàm phán cho các bên, nhưng ông Kastner cho rằng, để có thể đạt được một kết quả bền vững, các bên vẫn sẽ cần thương lượng một giải pháp đầy đủ.
Ông Kastner nhận định, các nỗ lực đàm phán, thương lượng, trung gian giữa Nga và Ukraine trong 60 ngày qua "chưa thực sự thành công" và chưa có bước tiến đáng kể. Hai bên vẫn mắc kẹt trong những bất đồng về vấn đề Crimea, Donbass hay thậm chí cơ chế cụ thể cho tình trạng trung lập trong tương lai của Ukraine. Sự "lệch pha" ngay cả trong việc thống nhất về điều khoản hòa bình, hay thậm chí là mở hành lang nhân đạo khiến cho các nỗ lực đàm phán đình trệ, không hiệu quả.
Ông Kastner cho rằng, các vấn đề Crimea và Donbass khá "gai góc" và có thể khó giải quyết nhanh chóng chỉ trong một lệnh ngừng bắn hay một hiệp ước hòa bình. Vấn đề chủ quyền là khá nhạy cảm và không thể được đồng ý một cách vội vàng, vì vậy nó đặt Ukraine vào thế khó khi họ vừa muốn giữ lãnh thổ, vừa muốn hòa bình lập lại.
Các chuyên gia kêu gọi, việc đàm phán có thể chia theo giai đoạn và các bên cần hướng tới những điểm mà họ có thể thống nhất được để tạo ra những bước tiến trong quá trình đàm phán. Hòa bình là cả một quá trình, theo ông Kastner.
Chuyên gia Jeffrey Sachs từ Đại học Columbia (Mỹ) cũng có đồng quan điểm với ông Kastner khi cho rằng, thỏa thuận hòa bình được thương lượng là điều mà Nga và Ukraine cần nhất để khép lại chiến sự và nó có thể là phương án duy nhất. Ông Sachs cảnh báo, chiến lược hiện tại của Mỹ tập trung vào cấp vũ khí cho Ukraine và trừng phạt mạnh mẽ với Nga có thể sẽ không đủ hiệu quả.
Mặt khác, chuyên gia trên nhấn mạnh, một thỏa thuận hòa bình có thể được cả Nga và Ukraine đồng thuận là điều có thể xảy ra, nhưng nó sẽ buộc Mỹ và phương Tây cũng phải có thỏa hiệp nhất định về NATO, điều mà Mỹ lâu nay vẫn không đồng thuận.
Thêm vào đó, ông Sachs cho rằng, phía Nga cũng có thể sẽ cần phải thể hiện sự nhượng bộ cần thiết để tạo điều kiện cho việc đàm phán thành công.
Chuyên gia Sachs nhận định, các nỗ lực của phương Tây để cô lập, trừng phạt Nga đang bộc lộ những điểm chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Chúng dường như chưa làm lay chuyển quyết tâm của Nga dù những biện pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ đã được đưa ra. Thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ hướng tới Venezuela, Triều Tiên, Iran khiến cho các nước này khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn chưa làm xoay chuyển đáng kể được quan điểm của họ theo cách Mỹ muốn.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt dù cứng rắn nhưng rất khó để kín kẽ và Nga có thể tìm ra các kẽ hở để né tránh. Thêm nữa, các lệnh trừng phạt cũng đang gây ra hiệu ứng ngược, không chỉ làm tổn hại tới kinh tế Nga mà còn tác động tới Mỹ và phương Tây cũng như toàn cầu.
Đức Hoàng
Theo Reuters, Asia Times, Washington Post, Guardian