F-16 Ukraine bị Nga bắn hạ: Huyền thoại sụp đổ
(Dân trí) - Không quân Ukraine có một ngày "thứ sáu đen tối", khi họ phải chịu thêm một đòn giáng nặng nề và huyền thoại về chiến đấu cơ F-16 của Mỹ đã tan vỡ.

Từ "thanh bảo kiếm trên không" thành mục tiêu di động
Ngày 12/4 được cho là ngày buồn đối với Không quân Ukraine khi họ đăng cáo phó về một phi công tử nạn khi đang lái máy bay chiến đấu F-16 trong một nhiệm vụ chiến đấu.
Cùng lúc đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F-16 trên bầu trời tỉnh Sumy của Ukraine. Sau khi tin tức được đưa ra, truyền thông phương Tây đã náo động, bởi loại máy bay chiến đấu tiên tiến này - vốn được Ukraine coi là "thanh bảo kiếm trên không" - trở thành "mục tiêu sống" của phòng không Nga.
Theo video tại hiện trường và lời kể của nhân chứng, chiếc F-16 đã bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 phát hiện và khóa chặt ngay sau khi cất cánh. Tên lửa Nga xé toạc bầu trời, lao trúng vào mục tiêu, thân máy bay nổ thành một quả cầu lửa và các mảnh vỡ rơi xuống đất như pháo hoa.
Mặc dù phi công đã cố gắng phóng dù ra ngoài, nhưng không thành công. Trận chiến chớp nhoáng này không chỉ khiến Không quân Ukraine mất một máy bay chiến đấu trị giá hàng chục triệu USD, mà còn khiến thực lực của họ vốn đã sứt mẻ nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn.
F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến), loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 đầu tiên, ra đời trong thời Chiến tranh Lạnh, từng được phương Tây ca ngợi là máy bay đa năng hoàn hảo.
Nhờ sở hữu khả năng cơ động tuyệt vời, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và có thể sử dụng nhiều loại vũ khí, "Chim ưng chiến" đã thể hiện tốt trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ. Tuy nhiên, thực tế nghiệt ngã của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến huyền thoại về F-16 đang sụp đổ.
Kể từ khi Ukraine nhận được lô F-16 đầu tiên vào cuối tháng 7 năm ngoái, loại máy bay chiến đấu này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông phương Tây. Lãnh đạo Kiev và phương Tây coi đây là "chìa khóa xoay chuyển cục diện chiến tranh" và thậm chí còn phóng đại tính năng của nó thông qua cuộc chiến truyền thông. Tuy nhiên, thực tế đã giáng cho phương Tây một cú đòn thẳng tay.
Vào ngày 29/8 năm ngoái, Kiev xác nhận một chiếc F-16 đã bị rơi khi làm nhiệm vụ đáp trả cuộc không kích của Nga và phi công đã thiệt mạng. Vào thời điểm đó, truyền thông phương Tây đưa ra những lý do như lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của phi công, thậm chí cũng có nguồn tin cho rằng nó bị chính tổ hợp tên lửa Patriot của Ukraine bắn nhầm, để giải thích cho sự cố này.
Nhưng vụ việc hôm 12/4 đã phơi bày hoàn toàn bộ điểm yếu của chiến đấu cơ F-16 trên chiến trường Ukraine rực lửa, khi trước mạng lưới phòng không hùng mạnh của Nga, "Chim ứng chiến" chẳng khác gì một mục tiêu di động.
Chiến thắng của tên lửa S-400 không phải là ngẫu nhiên. Kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã phát triển phòng không trở thành một trong những lực lượng cốt lõi của mình, họ đầu tư rất nhiều nguồn lực để xây dựng "mạng lưới phòng không" bao phủ toàn bộ lãnh thổ.
Các hệ thống tên lửa đánh chặn tiên tiến như S-400, S-300 và S-350 Vityaz, kết hợp với máy bay cảnh báo sớm A-50 và mạng lưới trinh sát không người lái… đã tạo thành một lưới lửa phòng không dày đặc.
Lấy vụ bắn hạ F-16 ngày 12/4 làm ví dụ, radar phòng không của Nga đã khóa mục tiêu vào chiếc F-16 chỉ vài phút sau khi nó cất cánh và truyền tọa độ mục tiêu về trung tâm chỉ huy mặt đất theo thời gian thực, thông qua đường truyền dữ liệu tốc độ cao. Hệ thống tên lửa S-400 phản ứng rất nhanh, toàn bộ quá trình từ khi phóng tên lửa đến khi đánh trúng mục tiêu chỉ mất vài giây.
Trước đợt "tấn công bão hòa" của tên lửa phòng không Nga, ngay cả khi các phi công F-16 đã cố gắng hết sức để né tránh, họ cũng khó thoát khỏi số phận bị bắn hạ.
Điều khiến Ukraine càng khó khăn hơn nữa là chiến thuật của phòng không Nga liên tục được nâng cấp. Ngoài tên lửa dẫn đường bằng radar thông thường, quân đội Nga còn sử dụng rộng rãi các biện pháp gây nhiễu điện tử, vũ khí mồi bẫy và các phương tiện khác để làm suy yếu khả năng sống sót của F-16 trên chiến trường.
Theo một số nguồn tin, trong trận đánh ngày 12/4, quân đội Nga đã can thiệp vào hệ thống radar và liên lạc của F-16 thông qua chế áp điện tử, khiến nó mất nhận thức về tình huống vào thời điểm quan trọng và cuối cùng trở thành "mục tiêu sống" cho tên lửa.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong buổi ra mắt chính thức của tiêm kích F-16 Ukraine ở một căn cứ không xác định (Ảnh: AFP).
Những nhược điểm chết người
Thất bại của F-16 trên chiến trường Ukraine đã phơi bày nhiều nhược điểm chết người của chiến đấu cơ phương Tây trong chiến tranh hiện đại.
Trước hết, F-16 được thiết kế cho các cuộc không chiến trong Chiến tranh Lạnh, nhưng đến nay, radar cùng thiết bị điện tử của nó không thể sánh được với hệ thống phòng không thế hệ mới của quân đội Nga.
Ví dụ, mặc dù radar AN/APG-68 của F-16 có khả năng phát hiện mục tiêu nhất định, nhưng khoảng cách hiệu quả bị rút ngắn đáng kể do sự can thiệp điện tử của hệ thống S-400 Nga, khiến việc nhận thấy các mối đe dọa trở nên khó khăn.
Thứ hai, khả năng tàng hình của F-16 gần như bằng không. Trước radar phòng không Nga, đặc điểm phản xạ tín hiệu radar và hồng ngoại, do thân máy bay bằng kim loại và động cơ phản lực của "Chim ưng chiến" lộ ra cực kỳ rõ ràng, khiến nó trở thành "mục tiêu có thể nhìn thấy bằng mắt thường".
Cuối cùng, các khó khăn về bảo trì và hỗ trợ hậu cần cho loại máy bay này của Ukraine đã hạn chế ít nhiều hiệu quả chiến đấu của nó. Theo thống kê, chỉ có chưa đến một nửa số F-16 mà Không quân Ukraine nhận được có thể cất cánh bất cứ lúc nào, nên những điểm mạnh của chúng không phát huy tối đa trong thực chiến.
F-16 bị rơi không chỉ là lỗi kỹ thuật, mà còn là sự thu nhỏ trong tính toán chính trị của các nước phương Tây. Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng kéo Nga vào vũng lầy của một "cuộc chiến tranh kéo dài" thông qua viện trợ quân sự cho Ukraine.
Là "vũ khí ngôi sao" của viện trợ phương Tây, F-16 mang nhiều ý nghĩa chính trị. Một mặt, nó tượng trưng cho sự ủng hộ vững chắc của phương Tây dành cho Ukraine. Mặt khác, nó cũng được coi là "chuột bạch" để thử nghiệm hệ thống phòng không Nga.
Tuy nhiên, các đồng minh của Kiev rõ ràng đã đánh giá thấp sức mạnh quân sự của lực lượng Moscow.
Những vụ rơi máy bay F-16 liên tiếp, chẳng những không giúp Ukraine xoay chuyển được cục diện cuộc chiến, mà còn khiến phương Tây rơi vào thế khó xử. Họ cần tiếp tục cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine để duy trì hình ảnh của nước này là "lính xung kích", thế nhưng, thất bại của F-16 cũng gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp quốc phòng phương Tây, thậm chí có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế của họ.

Tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo đã được chuyển giao cho Ukraine (Ảnh minh họa: FT/AFP).
Tương lai nào cho Không quân Ukraine?
Đứng trước thực tế F-16 tự rơi hay bị bắn hạ, tương lai của Không quân Ukraine đang ngày càng trở nên ảm đạm. Hiện nay, các máy bay chiến đấu chủ lực của họ vẫn là MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô, chúng hầu như không có cơ hội chiến thắng khi đối đầu với máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Việc đặt niềm tin vào F-16 và những vụ tổn thất liên tiếp của loại chiến đấu cơ này đã khiến lực lượng không quân Ukraine vốn đã mong manh, nay càng trở nên dễ vỡ.
Cùng với đó, hệ thống đào tạo phi công của Ukraine đang bên bờ vực sụp đổ. Do thiếu thời gian huấn luyện và thiết bị mô phỏng, các phi công Ukraine thường xuyên mắc lỗi vận hành khi lái máy bay F-16.
Trong hoàn cảnh như vậy, Không quân Ukraine chỉ có thể hy vọng rằng phương Tây sẽ tiếp tục "bơm máu". Tuy nhiên, với sự sụp đổ của huyền thoại F-16, liệu phương Tây có cung cấp thêm máy bay chiến đấu tiên tiến cho Kiev hay không bắt đầu trở thành một dấu hỏi lớn
Việc F-16 "gãy cánh" một lần nữa chứng minh một thực tế tàn khốc: trong chiến tranh hiện đại: không có loại tiêm kích nào bất khả chiến bại cả. Cho dù là F-35 hay F-16 của Mỹ, Su-57 hay Su-35 của Nga, không loại nào có thể miễn nhiễm trong một cuộc đối đầu có hệ thống.
Điều quyết định kết quả của một cuộc chiến không bao giờ là hiệu suất của một vũ khí riêng lẻ, mà là sức mạnh tổng thể của toàn bộ hệ thống quân sự.
Đối với Ukraine, sự sụp đổ của huyền thoại F-16 có thể là một bài học xương máu. Nhưng đối với thế giới, cuộc xung đột này bộc lộ một sự thật sâu sắc hơn: ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ quân sự, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi tình hình chiến tranh thông qua một "cuộc chạy đua vũ trang" đều chắc chắn là vô ích.
Trận không chiến ngày 12/4 được dự đoán sẽ trở thành sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Sự sụp đổ của F-16 không chỉ giáng một đòn nặng nề vào Không quân Ukraine, mà còn khiến các nước phương Tây nhận ra rằng, trước hệ thống phòng không Nga, bất kỳ huyền thoại trên không nào cũng có thể trở thành "bong bóng".