Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tung ra loạt đòn bẩy nhằm gây áp lực buộc Nga bước vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột với Ukraine.
![Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine](https://cdnphoto.dantri.com.vn/wUsaKoPZyVVm70h8u4wqjPOkjxs=/2025/01/23/trumpputinreuters-1737607895381.jpg)
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông đã gia tăng sức ép với Nga bằng những lời đe dọa trừng phạt, áp thuế và đàm phán "theo cách khó khăn" nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin không ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Ông Trump đã nhiều lần cam kết sẽ thúc đẩy một giải pháp hòa bình nhanh chóng sau khi nhậm chức, khiến một số người lo ngại rằng ông có thể gây sức ép buộc Ukraine phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, những bình luận gần đây của ông Trump cho thấy tân tổng thống Mỹ có thể sẵn sàng áp dụng đường lối cứng rắn với Nga.
"Trong các cuộc đàm phán, vấn đề là ai cần đạt được thỏa thuận nhất. Tôi nghĩ đòn bẩy nằm ở ông Trump, không phải ông Putin", Timothy Ash, nhà nghiên cứu tại Chương trình Nga và Âu - Á của tổ chức Chatham House, nhận định.
Nga đang chiếm ưu thế trên mọi mặt trận ở Ukraine. Quân đội Nga đang đạt được những bước tiến nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày. Mặc dù chịu tổn thất không nhỏ, nhưng Moscow vẫn có thể tìm cách bù đắp, thậm chí thành lập các đơn vị mới bằng cách thu hút các nhà thầu quân sự.
Nga tiếp tục sản xuất vũ khí, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa mới, đồng thời khôi phục các xe bọc thép cũ. Nếu duy trì được tốc độ tiến công hiện tại, Nga có cơ hội giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk vào cuối năm nay, theo trang tin RBC-Ukraine.
"Tổng thống Putin thấy rằng quân đội Nga tiếp tục có những bước tiến mới. Theo quan điểm của ông, tại sao phải bắt đầu các cuộc đàm phán nếu Nga vẫn có thể xoay xở để đạt được bước tiến, mặc dù chậm hơn và với tổn thất nặng nề? Ông Putin hy vọng có thể đàm phán từ một vị thế mạnh hơn và tin rằng tình hình chính trị nội bộ ở Ukraine sẽ trở nên phức tạp hơn đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky", nhà phân tích chính trị Ivan Preobrazhensky cho biết.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Donald Trump có các đòn bẩy về mặt kinh tế, quân sự và ngoại giao. Câu hỏi chính là ông có sẵn sàng sử dụng đòn bẩy đó hay không.
Nền kinh tế Nga đang cho thấy những dấu hiệu gặp khó khăn, khiến Moscow dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước sức ép kinh tế bổ sung như các lệnh trừng phạt.
Việc Mỹ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trên chiến trường có thể làm tăng thêm tổn thất của Nga và thúc đẩy thêm việc ký kết thỏa thuận, cũng như thống nhất sự ủng hộ giữa các đồng minh và gây sức ép lên Nga trên mặt trận ngoại giao.
"Một cuộc chiến dài không gây tổn hại nhiều cho ông Trump. Nền kinh tế Mỹ không phải trả giá quá lớn. Không có sinh mạng nào của người Mỹ gặp nguy hiểm", chuyên gia Ash nói, đồng thời cho biết một phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ đã được tái đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Theo chuyên gia, "ông Trump có thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến, trong khi đối với ông Putin, mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn khi cuộc chiến kéo dài".
Đội ngũ của Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố ý định đạt được hòa bình thông qua sức mạnh. Mặc dù vẫn chưa rõ kế hoạch cụ thể nào phía sau ý tưởng này, nhưng hiện tại Nga có nhiều "điểm yếu" mà Mỹ có thể khai thác.
"Tình hình kinh tế của Nga, tiền tuyến và thương vong lớn đã thúc đẩy Nga tiến tới đàm phán. Đòn bẩy của ông Trump là cần thiết để thuyết phục ông Putin từ bỏ các điều kiện trước đây của mình. Và ông Trump có đòn bẩy đó", nhà phân tích chính trị Abbas Gallyamov nhận định.
Đòn bẩy kinh tế
![Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine - 1 Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/QdkICk_gj2ocGC1VpUdp84pCa60=/2025/02/05/russia-oil-1738754101049.png)
Dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nga (Ảnh: Getty).
Chính quyền Trump đã ra tín hiệu rằng các lệnh trừng phạt đang là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đàm phán của Mỹ với Nga.
"Nếu không đạt được thỏa thuận, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp thuế, thuế quan và lệnh trừng phạt cao đối với bất kỳ mặt hàng nào mà Nga bán cho Mỹ và các quốc gia liên quan khác", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 22/1.
Vladyslav Vlasiuk, Cố vấn và Ủy viên Tổng thống Ukraine về Chính sách trừng phạt, cho biết Mỹ vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng sức ép lên Nga.
"Điều này bao gồm các hạn chế về thuế quan như tăng thuế đối với kim loại, phân bón và các hàng hóa khác của Nga. Việc tăng cường các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty nghi giúp Nga lách lệnh trừng phạt, gây khó khăn cho các ngân hàng mới, tịch thu tài sản và hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ quan trọng cũng có thể là một phần của chiến lược gây sức ép. Các lệnh trừng phạt tiếp theo là đòn bẩy chính để buộc Điện Kremlin tham gia vào các cuộc đàm phán công bằng", chuyên gia Vlasuk liệt kê.
Theo cố vấn Ukraine, ưu tiên hàng đầu là phải giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga bằng cách, thắt chặt kiểm soát giá trần và tăng chi phí khai thác. Ngành công nghiệp dầu khí là trụ cột của nền kinh tế Nga và là nguồn tài trợ chính cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đầu tháng này, Bloomberg đưa tin chính quyền Trump đã bắt đầu hình thành chiến lược trừng phạt và có thể sẽ áp dụng một trong hai cách tiếp cận: hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà sản xuất dầu của Nga để khuyến khích đàm phán hoặc mở rộng đáng kể các lệnh trừng phạt để tăng áp lực.
"Các lệnh trừng phạt là đòn bẩy tốt nhất mà chúng ta có", Edward Fishman, học giả cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, nhận định.
Những "vết nứt" trong nền kinh tế Nga đang trở nên rõ ràng hơn sau 3 năm xung đột với lạm phát cao, lãi suất tăng và các khoản vay đắt đỏ. Ngoài ra, Nga còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khu vực dân sự vì một bộ phận đáng kể dân số tham gia vào xung đột và ngành công nghiệp quốc phòng. Hơn nữa, xung đột được cho là tiêu tốn khoảng 40% ngân sách liên bang của Nga.
"Nền kinh tế Nga phát triển quá nóng vì đã chuyển sang kinh tế thời chiến. Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này đang gặp khó khăn. Các ngân hàng cũng đang trong tình trạng rất khó khăn. Nga thiếu lao động, dẫn đến tăng trưởng tiền lương quá mức, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trên toàn bộ nền kinh tế. Tập đoàn dầu khí Gazprom cũng đang gặp khó khăn. Hiện tại, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là dầu khí. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực này, họ vẫn phải đối mặt với vấn đề giá cả", chuyên gia Preobrazhensky nói thêm.
Nhiều dự báo kinh tế cho rằng năm 2025 sẽ không mang lại bất kỳ sự cải thiện nào cho nền kinh tế Nga, và nếu phải đối mặt với những cú sốc mới từ bên ngoài, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo chuyên gia Fishman, "trong 10 ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đáng kể đối với ngành dầu khí của Nga, làm tăng đáng kể áp lực lên nền kinh tế Nga".
Các lệnh trừng phạt vào phút chót từ chính quyền sắp mãn nhiệm có thể nhằm cung cấp cho chính quyền Trump một thế mạnh đàm phán trong các cuộc đàm phán tương lai. Các lệnh trừng phạt mới có thể làm giảm xuất khẩu dầu của Nga từ nửa triệu đến một triệu thùng mỗi ngày trong ngắn hạn.
"Nền kinh tế Nga đang không mấy khả quan. Việc gia tăng sức ép lên Nga ngay bây giờ có thể là điều chúng ta cần để buộc Nga đàm phán", chuyên gia Fishman nói, đề cập đến dự báo về tăng trưởng đình trệ vào năm 2025 cũng như lạm phát và lãi suất cao.
Chuyên gia Fishman cho biết một chiến lược trừng phạt mạnh mẽ trước tiên cần thuyết phục Tổng thống Putin rằng Mỹ không có kế hoạch giảm bớt các lệnh trừng phạt, vì vậy Nga không thể chờ đợi khả năng này.
Chuyên gia Fishman cũng lưu ý rằng ông Trump có nhiều mục tiêu trừng phạt khác nếu muốn tăng áp lực trước các cuộc đàm phán. Đứng đầu trong số đó sẽ là trừng phạt các công ty năng lượng khổng lồ của Nga là Rosneft, Lukoil và Gazprom, những công ty cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi lệnh trừng phạt trực tiếp.
Mỹ có thể tìm cách làm giảm lợi ích của Nga ở những khu vực mà Moscow có lợi ích chiến lược như châu Phi, nơi khai thác tài nguyên, đặc biệt là vàng, cũng như Libya, Syria, Trung Á, Kavkaz, Viễn Đông và Iran.
Một biện pháp khác mà chính quyền Tổng thống Trump có thể thực hiện là áp đặt mức thuế quan cao và các lệnh trừng phạt bổ sung đối với tất cả hàng xuất khẩu của Nga sang Mỹ cũng như các quốc gia khác. Với kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nga không quá lớn, việc mất thị trường Mỹ sẽ không phải là thách thức đáng kể đối với Điện Kremlin.
Tuy nhiên, nếu Nhà Trắng có thể tác động đến các quốc gia khác để ngừng mua hàng hóa hoặc nguyên liệu thô của Nga, thì đây có thể trở thành một vấn đề lớn đối với Moscow. Nếu một số công ty Ấn Độ hoặc Trung Quốc mua dầu của Nga, Mỹ có thể áp thuế 20% hoặc các lệnh trừng phạt khác đối với các nước này.
Đòn bẩy dầu
Một đòn bẩy khác mà Tổng thống Trump có thể sử dụng là tăng nguồn cung dầu toàn cầu, từ đó giảm giá dầu. Chiến lược này có thể tác động đến Nga và có lợi cho Mỹ.
Một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump là tăng cường khai thác "vàng đen", còn được gọi là chiến lược "khoan, khoan, khoan". Tuy nhiên, một mình nước Mỹ không có khả năng làm giảm đáng kể giá dầu toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Do vậy, Mỹ cần hợp tác với các bên khác để tăng sản lượng hoặc duy trì ở mức cao.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể phối hợp với Ả Rập Xê Út và khiến giá dầu toàn cầu giảm mạnh. Ông Trump đã thiết lập mối quan hệ tương đối tốt với quốc gia này.
Trong tuần đầu tiên sau lễ nhậm chức, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman. Ông Trump đã tuyên bố công khai ít nhất 2 lần rằng ông sẽ yêu cầu Ả Rập Xê Út hạ giá dầu để thúc đẩy Nga chấm dứt chiến tranh.
Ông Trump cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự tới Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
"Nếu giá dầu giảm, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức", Tổng thống Trump tuyên bố.
Việc giảm giá dầu, ngay cả khi không áp đặt thêm lệnh trừng phạt, sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của Nga, làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow và tác động đến mức sống của hầu hết người dân Nga.
Đòn bẩy viện trợ
![Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine - 2 Đòn bẩy của Tổng thống Trump buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/nffQcQm9ccM6mu8CXyyzhJmNZFA=/2023/02/15/linhukrainevanhanhluuphaomybakhmutgetty-crop-1676433090835.jpeg)
Lính Ukraine vận hành lựu pháo của Mỹ ở Bakhmut (Ảnh: Getty).
Một trong những đòn bẩy mà Tổng thống Trump có thể sử dụng là tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, ít nhất là ở mức hiện tại hoặc thậm chí cao hơn, bao gồm cả vũ khí tầm xa. Điều này sẽ làm tăng thêm tổn thất cho Nga.
Keith Kellogg, Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Nga, nói rằng mục tiêu của chính quyền Trump là chấm dứt chiến tranh trong vòng 100 ngày.
Mặc dù các lệnh trừng phạt là động lực để đàm phán, nhưng "tác động của chúng có thể không thực sự gây nguy hiểm cho Nga trong vài tháng nữa", cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John E. Herbst cho biết.
Trong khi đó, Nga có động lực mạnh mẽ hơn để giành thêm quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ từ Ukraine và cố gắng đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi tỉnh biên giới Kursk trước khi đàm phán.
Ukraine đã mở chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga từ tháng 8 năm ngoái và cho đến nay vẫn kiểm soát một phần lãnh thổ Nga tại vùng biên giới này.
Mặc dù Nga đã giành được nhiều vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine và tỉnh Kursk trong năm qua, nhưng Moscow cũng chịu tổn thất nặng nề.
Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi đầu tháng này ước tính tổn thất quân sự của Nga trong năm nay sẽ vượt qua tổn thất của 2 năm trước cộng lại.
"Tôi nghĩ cách duy nhất để thúc đẩy Tổng thống Putin hành động nhanh hơn trong ngắn hạn là một gói viện trợ mới cho Ukraine do Tổng thống Trump phê duyệt, trong đó có đầy đủ vũ khí", chuyên gia Herbst nhận định.
Chuyên gia Herbst lưu ý rằng gói viện trợ này không cần phải trao miễn phí, mà có thể là một khoản vay hoặc được lấy từ các tài sản bị đóng băng của Nga hoặc các đối tác châu Âu.
Ngoài ra, ông cho biết, các quốc gia khác có thể mua vũ khí cho Ukraine, hoặc chính quyền Trump có thể thúc đẩy việc chuyển giao khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga, một phương án từng được thảo luận trước đây.
"Điều đó có thể buộc Tổng thống Putin phải hành động đúng hướng. Mặc dù vậy, ngay cả khi điều này xảy ra, vẫn chưa rõ ông Putin có sẵn sàng thỏa hiệp hay không", chuyên gia Herbst cho biết thêm.
Ngoài vũ khí, việc hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ tài chính và nhân đạo phi quân sự sẽ gián tiếp giúp Ukraine trên chiến trường, bằng cách trao cho nước này nhiều quyền tự do hơn để tiếp tục chiến đấu.
Đòn bẩy ngoại giao
Bất kể Tổng thống Trump chọn cách sử dụng đòn bẩy quân sự và kinh tế như thế nào, ông vẫn cần sử dụng đòn bẩy ngoại giao để đưa Tổng thống Putin vào bàn đàm phán và đảm bảo một thỏa thuận hòa bình. Bất kỳ động thái ngoại giao nào không chỉ cần bao gồm Ukraine và Nga mà còn phải cân nhắc đến các đồng minh của họ.
"Đầu tiên, cần phải thể hiện rõ ràng sự thống nhất giữa Ukraine, châu Âu và Mỹ về những gì chúng ta đang cố gắng đạt được. Càng ít sự khác biệt giữa Ukraine, châu Âu và Mỹ, đòn bẩy mà Tổng thống Trump sẽ có trong việc tương tác với Tổng thống Putin càng lớn", Thomas Graham, một thành viên danh dự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.
Theo chuyên gia Graham, một cách để củng cố vị thế ngoại giao của Ukraine là cần nhiều động thái hơn trong các cuộc đàm phán gia nhập EU. Ukraine vẫn cần thêm các cải cách kinh tế xã hội và chính trị, nhưng điều này sẽ báo hiệu cam kết lâu dài từ phương Tây nhằm đưa Ukraine hội nhập sâu hơn vào khối kinh tế toàn châu Âu.
Chuyên gia Graham cho biết việc chứng minh rằng phương Tây sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cũng sẽ gửi đi một tín hiệu.
Ông Trump đã loại trừ khả năng chấp thuận tư cách thành viên NATO cho Ukraine, nhưng nhiều quốc gia đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với Kiev kể từ năm 2014. Theo chuyên gia Graham, việc hợp nhất các thỏa thuận từng phần này và cung cấp nguồn lực để hỗ trợ các thỏa thuận sẽ là một cách để tăng thêm sức mạnh.
Ngoài ra, theo chuyên gia Graham, việc tạo áp lực lên Iran và Trung Quốc có thể cô lập Nga hơn nữa và làm phức tạp thêm vị thế quốc tế của Moscow.
Tình hình an ninh của Iran đã xấu đi do sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad của Syria vào tháng 12 năm ngoái và những căng thẳng gần đây với Israel. Áp lực lên Iran, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, có thể buộc Tehran phải phân bổ lại nguồn lực để giải quyết các mối quan ngại về an ninh của riêng mình, thay vì cung cấp sự hỗ trợ cho Nga.
"Ngoài ra, có những mối quan hệ và cuộc trao đổi mà chúng ta có thể tiến hành với Trung Quốc nhằm khuyến khích Trung Quốc giảm bớt sự ủng hộ dành cho Nga so với thời điểm hiện tại", chuyên gia Graham nói.
Theo Kyiv Independent, RBC-Ukraine, Newsweek