1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga phản đối đề xuất của ông Trump với Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin phản đối đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đổi viện trợ quân sự để lấy đất hiếm của Ukraine.

Nga phản đối đề xuất của ông Trump với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Nếu chúng ta gọi mọi thứ bằng tên thì đây thực chất là một đề xuất mua viện trợ, chuyển từ viện trợ miễn phí sang thỏa thuận thương mại", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 4/2 phát biểu.

Ông nhấn mạnh: "Tất nhiên, tốt hơn hết là không nên cung cấp bất kỳ viện trợ nào (cho Ukraine) vì điều đó sẽ giúp chấm dứt xung đột này".

Đây là bình luận đầu tiên của Nga sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đổi viện trợ quân sự của Washington để lấy quyền tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine.

"Chúng tôi đang tìm cách thực hiện một thỏa thuận với Ukraine. Một thỏa thuận sẽ đảm bảo đổi những gì chúng tôi cung cấp cho họ lấy đất hiếm và những thứ khác. Chúng tôi muốn có một sự đảm bảo. Chúng tôi đang đưa tiền cho họ, cho họ sức mạnh của cú đấm", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 3/2.

Chủ nhân Nhà Trắng hé lộ ông đã nhận được tin từ chính phủ Ukraine rằng họ sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận để cho phép Washington tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm - yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế công nghệ cao hiện đại.

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump làm dấy lên lo ngại Mỹ sẽ sớm muộn cắt viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích việc chính quyền tiền nhiệm đổ hàng chục tỷ USD viện trợ cho Kiev trong gần 3 năm qua kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Reuters dẫn bốn nguồn thạo tin cho hay, các lô vũ khí của Mỹ chuyển cho Ukraine đã tạm dừng một thời gian ngắn vào cuối tháng trước và chỉ được nối lại gần đây sau khi Nhà Trắng rút lại đánh giá ban đầu về việc ngừng mọi viện trợ cho Kiev.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt nhanh chóng xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông cùng đội ngũ của mình đã hé lộ phần nào kế hoạch giải quyết xung đột, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ đề xuất chính thức và cụ thể nào.

Ông xác nhận, đội ngũ của ông đã lên kế hoạch cho những cuộc họp, đàm phán với Nga và Ukraine cũng như các bên liên quan khác.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng bản chất các ý tưởng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà Tổng thống Trump đang nói tới đều chưa rõ ràng.

"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác ý của ông ấy là gì nên rất khó để đưa ra ý kiến", ông Peskov nói.

Moscow khẳng định vẫn luôn sẵn sàng đàm phán với các bên để giải quyết xung đột Ukraine, song nhấn mạnh đến nhiều yếu tố quyết định.

Ông Alexey Polishchuk, Vụ trưởng Vụ 2 - cơ quan phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập của Bộ Ngoại giao Nga, lưu ý để khởi động các cuộc đàm phán, cần phải giải quyết các khía cạnh pháp lý về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sắc lệnh do ông Zelensky đưa ra về việc cấm Kiev đàm phán với Moscow.

Ông cũng nêu rõ: "Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng có thể đạt được giải pháp hòa bình dựa trên thỏa thuận Istanbul năm 2022, trong đó đề cập đến tình trạng trung lập không liên kết, không sở hữu vũ khí hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, không triển khai quân đội và căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình, xem xét tình hình thực tế về lãnh thổ và xóa bỏ mọi nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine".

Theo Pravda, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine