DNews

Đáp trả Hamas, Israel lo "ném chuột vỡ bình"

Quốc Đạt

(Dân trí) - Quân đội Israel tuyên bố đã quét sạch chiến binh Hamas xâm nhập và lập lại an ninh tại các khu dân cư. Nhưng chuyên gia cho rằng Tel Aviv sẽ đau đầu vì câu hỏi: "Sau đó thì sao?".

Đáp trả Hamas, Israel lo "ném chuột vỡ bình"

"Những gì Hamas sắp trải qua sẽ rất khó khăn và tồi tệ. Chúng ta đã mở chiến dịch và chúng ta chỉ mới bắt đầu", Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố với thị trưởng các khu vực miền nam Israel. "Tôi mong các ngài kiên định vì chúng ta sẽ thay đổi cả Trung Đông".

Đến nay, Israel đã lấy lại thế chủ động sau sự bất ngờ ban đầu. Quân đội nước này gọi nhập ngũ 300.000 quân dự bị và dồn 100.000 quân tới gần miền nam. Tất cả là chỉ dấu của những động thái quân sự lớn chưa từng có.

Nhưng dù Israel có ưu thế áp đảo về lực lượng và công nghệ, nhiệm vụ sắp tới không hề dễ dàng, theo các chuyên gia, bởi nước này sẽ phải đảm bảo nhiều mục tiêu cùng lúc: Đảm bảo Hamas mất khả năng tấn công, ngăn chặn bạo lực lan sang Bờ Tây, bảo vệ bước tiến ngoại giao gần đây, và xử lý vụ Hamas bắt cóc con tin.

"Vấn đề với Israel là họ không có lựa chọn nào tốt cả", ông Hussein Ibish, học giả thuộc Viện Các quốc gia Ả Rập Vùng Vịnh có trụ sở tại Mỹ, nói với Dân trí. "Họ có thể để Hamas sống sót, hoặc họ có thể tái chiếm đóng Dải Gaza. Cả hai lựa chọn đều khó chấp nhận đối với Israel lúc này".

Đáp trả Hamas, Israel lo ném chuột vỡ bình - 1

Tên lửa phát nổ trong cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza vào ngày 8/10 (Ảnh: AFP).

Chính sách răn đe đã thất bại

Trước kia, các nhà lãnh đạo Israel có thể lập luận rằng họ có khả năng kiềm chế Hamas từ bên ngoài chỉ bằng cách không kích và bóp nghẹt nền kinh tế Dải Gaza. Chính sách đáp trả "ăn một trả mười" của quân đội Israel cũng được cho là biện pháp răn đe hiệu quả.

Nhưng sau cuộc tấn công chưa có tiền lệ hôm 7/10 khiến chính Hamas cũng bất ngờ vì "bước tiến" của mình, những lập luận ấy giờ đây không còn sức nặng. Dù Israel có thể tiếp tục nã pháo vào Dải Gaza, điều đó sẽ không làm lung lay quyền lực của Hamas.

"Chính sách răn đe của Israel đã thất bại. Hamas biết Israel sẽ đáp trả gay gắt và Gaza sẽ bị tàn phá, nhưng họ tin rằng hiện trạng trước cuộc chiến đang gây tổn hại cho họ về mặt chính trị", ông Daniel Byman, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), nói với Dân trí.

Động thái của Hamas có thể nhằm gửi đi thông điệp rằng, chỉ lực lượng này mới dám phản kháng Israel vì cách đối xử với người Palestine, tương phản với chủ trương ôn hòa của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vốn được quốc tế công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine.

Khi răn đe đã không còn hiệu quả, chính phủ Israel có thể buộc phải hành động cứng rắn hơn, cụ thể là việc đưa lực lượng vào chiếm đóng Dải Gaza, theo các chuyên gia.

Tính hiệu quả của phương án đưa quân vào Gaza chưa rõ ràng. Quân đội Israel từng chiếm đóng Dải Gaza trong 38 năm (1967-2005), sau đó đã 2 lần đưa quân vào, gồm 3 tuần trong năm 2008-2009 và 7 tuần trong năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi binh sĩ của Tel Aviv rời đi, tình hình trở về như cũ và Hamas tiếp tục xây dựng lực lượng chờ thời cơ tiếp theo. Phong trào này hiện đã bám rễ sâu, đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội như điều hành bệnh viện, nhà thờ Hồi giáo, trường học, các nhóm thanh niên cũng như cảnh sát.

Lịch sử có thể sẽ không ngăn cản được chính phủ Israel hành động, khi một vài đợt không kích nữa khó có thể xoa dịu dư luận.

"Tất cả những nơi là đầu não của Hamas trong thành phố ma quỷ này, tất cả những nơi mà Hamas đang ẩn náu và hành động, chúng ta sẽ biến chúng thành đống đổ nát", Thủ tướng Netanyahu khẳng định.

Đáp trả Hamas, Israel lo ném chuột vỡ bình - 2

Người dân xem xét thiệt hại ở khu Al-Rimal của Gaza sau cuộc tấn công của Israel (Ảnh: New York Times).

Thế lưỡng nan với Hamas

Trong ngắn hạn, Israel có thể đạt được một số lợi ích bằng cách đưa quân đội vào chiếm đóng toàn bộ hoặc một phần Dải Gaza.

Với sự hiện diện quân sự trong Dải Gaza, Israel sẽ tạm thời phá vỡ sự kiểm soát của Hamas, tiêu diệt thành viên Hamas các cấp, và phá hủy các cơ sở hạ tầng phục vụ lực lượng này. Tất cả những điều đó sẽ làm suy yếu Hamas và giảm bớt mối đe dọa ngắn hạn đối với Israel.

Nhưng ngay cả khi có thể làm suy yếu Hamas, phương án chiếm đóng sẽ mang lại rủi ro lớn. Địa hình đô thị dày đặc của Dải Gaza gây trở ngại đáng kể cho lực lượng mặt đất của Israel và tạo ra nguy cơ thương vong lớn cho dân thường.

"Israel thường cảnh báo dân thường trước các cuộc tấn công, nhưng ở một nơi có mật độ dân số dày đặc như Gaza, khó có thể tránh khỏi thương vong cho dân thường", Aaron Pilkington, nhà nghiên cứu Trung Đông thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Kobel (Mỹ), nói.

Đáp trả Hamas, Israel lo ném chuột vỡ bình - 3

Hệ thống kiểm soát bao quanh Dải Gaza trong 16 năm qua (Đồ họa: Al Jazeera).

Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng năm 2014 đã dẫn đến cái chết của 66 binh sĩ Israel, 6 thường dân Israel và hơn 2.200 người Palestine (chủ yếu là dân thường), theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, dù lực lượng Israel chỉ xâm nhập vài kilomet vào Dải Gaza.

Hamas cũng đã đào nhiều đoạn đường hầm để tổ chức các cuộc tấn công bất ngờ và bắt thêm binh sĩ Israel làm con tin, từ đó có thể biến thảm họa chính trị hiện tại thành cơn ác mộng lớn hơn.

"Nếu chiếm đóng Dải Gaza, người Israel sẽ sa lầy vào cuộc kháng cự vũ trang có tổ chức", ông Ibish nói. "Có thể tình hình sẽ yên tĩnh trong vài tháng khi mọi chuyện lắng xuống, nhưng dù sớm hay muộn, người Israel cũng sẽ phải đối mặt với đội quân du kích".

Cả lực lượng Hamas và Israel đều đã lên dây cót cho cuộc chiến kéo dài. Trong khi Thủ tướng Netanyahu cảnh báo Israel đang "dấn thân vào cuộc chiến lâu dài và khó khăn", Ali Barakeh - một thành viên trong ban lãnh đạo Hamas - khẳng định lực lượng này đã chuẩn bị đầy đủ cho mọi kịch bản, trong đó có "chiến tranh lâu dài".

Ở tình thế hiện tại, Israel là bên sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định chiếm đóng lâu dài tại Dải Gaza. Không những gây thiệt hại về con người cho cả 2 phía, động thái này sẽ có thể khiến bạo lực lan rộng.

Trong quá khứ, hoạt động quân sự của Israel ở Gaza thường làm dấy lên các cuộc biểu tình lớn ở Đông Jerusalem và Bờ Tây, 2 khu vực vốn đã căng thẳng do những cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel. Xung đột lần này và phản ứng mạnh tay của Israel có thể đổ thêm dầu vào lửa.

Đáp trả Hamas, Israel lo ném chuột vỡ bình - 4

Lễ tang một người lính Israel tại nghĩa trang ở Kfar Menahem (Ảnh: New York Times).

Israel cũng cần cân nhắc yếu tố ngoại giao trong cách phản ứng với Hamas, vì nước này đang tìm cách bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út.

Nếu Israel có thể thiết lập quan hệ với Ả Rập Xê Út, đây có thể được coi là thắng lợi ngoại giao cho Tel Aviv, giúp tăng cường an ninh, cải thiện hợp tác kinh tế và mở đường thiết lập quan hệ với các nước Ả Rập khác.

Tuy nhiên, trước tình trạng bạo lực đang hoành hành, Ả Rập Xê Út không thể nhượng bộ. Tuyên bố do Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đưa ra hôm 8/10 khẳng định sự kiện vừa qua là do Israel "tiếp tục chiếm đóng, tước đoạt các quyền hợp pháp của người Palestine và lặp lại các hành động gây hấn có hệ thống nhằm vào sự tôn nghiêm của họ".

Xung đột tại Dải Gaza càng kéo dài, Israel càng mạnh tay với Hamas và gây ra cái chết cho càng nhiều dân thường, thế giới Ả Rập, trong đó có Ả Rập Xê Út, sẽ không thể ngồi yên.

Những nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel như UAE có thể sẽ buộc phải hành động và bị đẩy tới bước đóng băng quan hệ, thậm chí đảo ngược một số tiến triển với Israel.

Vòng xoáy không lối thoát

Trên lý thuyết, Israel có khả năng làm suy yếu Hamas về lâu dài nếu họ có thể tìm được những người Palestine khác để quản lý Dải Gaza sau khi chiếm đóng và trấn áp Hamas. Một ứng viên của họ có thể là Tổng thống Mahmoud Abbas, người đứng đầu chính quyền Palestine tại Bờ Tây.

"Nhưng bất cứ ai lên nắm quyền tại Gaza trên xe tăng của Israel sẽ bị ghét bỏ và mất hoàn toàn tín nhiệm", ông Ibish nói.

Điều đó có nghĩa là một cuộc tấn công trên mặt đất nhằm lật đổ Hamas sẽ khiến Israel mắc kẹt trong việc quản lý Dải Gaza, buộc họ phải đối phó với tình hình kinh tế khó khăn và những người dân không có thiện cảm với họ.

Theo ông Ibish, lựa chọn tốt nhất cho Israel trước mắt không phải là dùng vũ lực để chiếm đóng Dải Gaza, dù tình hình hiện tại "chua xót và bất hạnh" ra sao, và bất chấp việc Hamas có thể tuyên bố chiến thắng.

"Bạn cần quay lại mô hình kiểm soát từ bên ngoài nhưng siết chặt nó hơn nữa", ông Ibish nói, đề cập tới cơ chế kiểm soát của Israel đối với Dải Gaza.

Đáp trả Hamas, Israel lo ném chuột vỡ bình - 5

Thành viên Hamas phá dỡ một đoạn hàng rào ngăn cách giữa Israel và Dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Theo cơ chế ấy, vùng trời, vùng nước, cũng như 2 trong 3 cửa khẩu đường bộ ra vào Dải Gaza bị Israel phong tỏa kín. Cửa khẩu thứ 3 do Ai Cập quản lý.

Với "vòng kim cô" bao quanh, cuộc sống người dân Gaza đã bị bóp nghẹt trong 16 năm qua. Hôm 9/10, chiếc vòng ấy lại siết chặt hơn nữa sau lệnh "bao vây toàn diện" Dải Gaza, cắt đứt dòng điện, thực phẩm và nhiên liệu chảy vào từ Israel.

Nhưng biện pháp gia tăng kiểm soát từ bên ngoài cũng không tối ưu vì chính vụ tấn công vừa qua đã chứng minh rằng Hamas vẫn có thể tung đòn bất ngờ.

Cho tới nay, Israel và cả cộng đồng quốc tế dường như chưa có giải pháp đối với vấn đề Dải Gaza. Chừng nào vấn đề ấy chưa có câu trả lời, những người dân thường vẫn sẽ phải chịu cảnh mưa bom bão đạn.

"Những điều sắp xảy đến sẽ tàn phá người dân Palestine ở Gaza", ông Pilkington nói.

Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas