Israel đau đầu tìm cách giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ
(Dân trí) - Phong trào vũ trang Hamas của Palestine đã bắt giữ hơn 100 con tin trong cuộc tấn công ở miền nam Israel, khiến Tel Aviv rất khó khăn trong việc thực hiện chiến dịch trả đũa quân sự vào Dải Gaza.
Cuộc khủng hoảng con tin chưa từng có tại Israel đang trở nên nghiêm trọng hơn vào ngày 9/10 khi các tay súng của lực lượng vũ trang Hamas dọa giết các con tin, trừ khi Tel Aviv dừng việc bắn phá khu bảo tồn Gaza của họ.
Người phát ngôn Lữ đoàn cảm tử Al-Qassam của Hamas, Abu Obaida cho biết: "Kể từ bây giờ trở đi, chúng tôi thông báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các ngôi nhà dân sự mà không có cảnh báo trước sẽ phải đối mặt đòn đáp trả đáng tiếc...".
Thông báo này của Hamas đã khiến chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đối mặt tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi cân nhắc xem có nên tiếp tục tăng cường cuộc tấn công kéo dài 3 ngày ở Dải Gaza để đáp trả cuộc tấn công phối hợp hôm 7/10 của Hamas hay không.
Sau khi tấn công các căn cứ quân sự và thị trấn ở miền nam Israel, các tay súng của Hamas đã bắt cóc ít nhất 150 con tin. Hiện gia đình của các con tin đang thúc ép Thủ tướng Netanyahu "nhanh chóng làm gì đó" bảo vệ mạng sống của họ trong khi chiến dịch quân sự tiếp tục.
Nỗi lo sợ Hamas có thể xử tử một số con tin khiến Thủ tướng Netanyahu và các cố vấn của ông phải đắn đo về các bước đi quân sự tiếp theo, bao gồm cả việc có nên tiến hành một cuộc tấn công trên bộ có thể gây ra nhiều thương vong hơn nữa hay không.
Israel đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công trả đũa vào các mục tiêu ở Gaza, sau cuộc tấn công của Hamas. Tổng cộng, hơn 1.100 người thiệt mạng ở cả 2 phía kể từ khi xung đột bùng phát vào cuối tuần qua. Nhưng theo các chuyên gia, Tel Aviv khó chấp nhận một thỏa thuận trao đổi tù nhân với Hamas trong đó trả tự do cho hàng nghìn người Palestine để đổi lấy việc đưa hàng trăm người Israel bị bắt cóc về nước vì điều này có nguy cơ mang lại cho Hamas một chiến thắng về mặt truyền thông.
"Chúng tôi quan tâm đến con tin của mình. Nhưng bây giờ là lúc chiến đấu chống lại Hamas và tất cả người Israel đều đứng sau chúng tôi", Ariel Heimann, cựu tướng người Israel và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, một tổ chức tư vấn ở Tel Aviv, cho biết. "Nếu thỏa thuận và nhượng bộ Hamas, đó là một tình huống thua-thua".
Ngay cả trước khi Hamas đe dọa sát hại con tin, chính phủ Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực từ các bộ trưởng cực hữu đầy quyền lực: đó là không nhượng bộ và tiếp tục tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm giành lại các con tin.
Cảnh báo của Hamas được đưa ra sau khi quân đội Israel hôm 9/10 cho biết đang tiến hành một cuộc tấn công bằng chiến dịch ném bom dữ dội. Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã ra lệnh bao vây khu vực ven biển và quân đội đã hạn chế thực hiện thông lệ là đưa ra cảnh báo trước các cuộc không kích để dân thường có thời gian sơ tán.
Tìm kiếm thỏa thuận khả thi?
Theo các quan chức Ai Cập, đã có những dấu hiệu cho thấy Israel có thể đang tìm kiếm một thỏa thuận khả thi với Hamas, ít nhất là nhằm đảm bảo việc phụ nữ và trẻ em được thả tự do và nhờ Cairo làm trung gian
Nhưng phía Hamas có rất ít dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng đàm phán, trừ khi có thể đảm bảo được việc Israel phải thả những người Palestine đang bị giam giữ.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận một phần về việc thả tù nhân, Hamas và các nhóm chiến binh khác khó có thể giao nộp hàng chục binh sĩ Israel mà họ tuyên bố đang giam giữ, làm tăng nguy cơ thương vong từ cuộc phản công của Israel.
Ở một đất nước nhỏ bé như Israel, số phận của một số lượng nhỏ con tin cũng là nguyên nhân gây tổn thương sâu sắc cho cả quốc gia, khiến các chính phủ trước đây phải đàm phán hay tiến hành các nhiệm vụ giải cứu.
Năm 2011, binh sĩ Israel Gilad Shalit được trả tự do sau hơn 5 năm bị giam cầm trong cuộc trao đổi với 1.027 người Palestine, trong đó có Yahya Sinwar, một thủ lĩnh cấp cao của Lực lượng vũ trang Hamas ở Gaza. Anh trai của Thủ tướng Netanyahu, ông Jonathan, đã thiệt mạng khi đang dẫn đầu một nhiệm vụ táo bạo năm 1976 nhằm giải thoát 106 người Israel tại sân bay Entebbe ở Uganda sau một vụ cướp máy bay do các tay súng do người Palestine thực hiện. Bốn con tin và cả ông Netanyahu lúc đó đều sống sót trở về nhà.
Gần 124.000 người Palestine phải rời bỏ nhà cửa trước nguy cơ bị Israel trả đũa Hamas trên quy mô rộng hơn, một số người phải tìm nơi trú ẩn trong các trường học và nơi trú ẩn khẩn cấp. Đường phố và chợ ở trung tâm thành phố Gaza tràn ngập tiếng pháo kích của Israel và tiếng còi xe cứu thương. Gần chục thường dân Palestine thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em, đã được đưa ra khỏi một khu dân cư. Điện ở Gaza đã giảm xuống chỉ còn chưa đến 3 giờ một ngày.
Theo Bộ Y tế Palestine, ít nhất 560 người Palestine thiệt mạng và 2.900 người bị thương. Chính phủ Israel chưa công bố con số chính thức về số lượng con tin, nhưng quân đội Israel ước tính con số này lên tới hơn 100 người và những gia đình có người thân mất tích cho biết con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Các thành viên trong gia đình cho biết, chính phủ chậm cung cấp thông tin về các con tin, khiến họ phải quét các nguồn cấp dữ liệu trên mạng xã hội của Hamas để tìm bất kỳ dấu hiệu nào của người thân của họ. Quân đội Israel hôm 9/10 cho biết họ đã bắt đầu thông báo cho gia đình về số phận người thân của họ. Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel, cho biết: "Chúng tôi sẽ chỉ cập nhật thông tin trong nước và truyền thông sau khi đã thông báo cho các gia đình".
Trong số những người có thể là con tin có Adi Mayzel, 21 tuổi. Mayzel mất tích sau khi tham dự một lễ hội âm nhạc kéo dài suốt đêm ở một cánh đồng hẻo lánh gần biên giới Gaza, nơi các tay súng của Hamas tấn công vào sáng 7/10. Người mẹ, Ahuva Mayzel, 54 tuổi, cho biết cuộc gọi cuối cùng mà bà nhận được từ con gái là vào lúc 7h40 sáng 7/10 và đã không nhận được bất kỳ tin tức gì kể từ đó.
"Tôi không biết con gái mình đang thế nào. Tôi không biết nó còn sống, bị thương hay đã chết. Và tôi không biết nó ở đâu", bà Mayzel nói. "Có nhiều gia đình như tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với con cái và người thân của họ".