(Dân trí) - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói rằng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ hàng năm là 30.000 “đại sứ văn hóa” gắn kết quan hệ Việt - Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ hàng năm là những “đại sứ văn hóa” gắn kết quan hệ Việt - Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Buangan đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về hợp tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định “hợp tác về giáo dục đóng vai trò trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác chung giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt 25 năm qua”.
“Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta hiện nay rất tốt. Chúng ta hợp tác trên tất cả lĩnh vực, từ an ninh, kinh tế, xử lý các vấn đề do chiến tranh để lại, năng lượng cũng như giao lưu nhân dân. Tôi cho rằng tất cả hoạt động hợp tác đó đều dựa trên nền tảng là quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước. Do vậy, tôi khẳng định rằng hợp tác về giáo dục đóng vai trò trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác của chúng ta. Điều đó được thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói.
Đại sứ Kritenbrink nhận định sự hợp tác này cho thấy “niềm tin và sự quan tâm của Mỹ đối với thành công của Việt Nam”.
“Chúng tôi tin rằng giáo dục đóng vai trò trung tâm, chủ chốt đối với thành công của mỗi quốc gia. Chúng tôi rất quan tâm tới sự thành công của Việt Nam và tôi cho rằng sự đầu tư vào thế hệ trẻ của Việt Nam là sự đầu tư rất hiệu quả”, Đại sứ Mỹ cho biết.
Đại sứ Kritenbrink đã lấy một số dẫn chứng về hợp tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua, bao gồm số lượng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học hàng năm tại Mỹ. Theo ông, đây là “bằng chứng tuyệt vời cho mối quan hệ hợp tác về giáo dục giữa hai nước”.
Đại sứ Kritenbrink cũng cho biết hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam không chỉ giới hạn ở con số 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ hàng năm. Thực chất, sự hợp tác này mở rộng ra nhiều khía cạnh khác như thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, xây dựng các chương trình giảng dạy tiếng Anh cho giới trẻ Việt Nam, hay thúc đẩy Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)…
“Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy tình hữu nghị với Việt Nam và chúng tôi tin rằng trong quá trình đó, trao đổi về giáo dục đóng vai trò chủ chốt”, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh.
Đại sứ Daniel Kritenbrink đã điểm lại một số thành quả về hợp tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua.
Theo Đại sứ, cho đến nay đã có hơn 1.400 học viên Việt Nam và Mỹ tham gia chương trình học bổng Fulbright. Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đã cung cấp học bổng cho 600 học viên Việt Nam tham gia các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học tại Mỹ.
Đại học Fulbright Việt Nam đã được thành lập và cho đến nay đã có hơn 500 sinh viên theo học hệ cử nhân và thạc sĩ tại trường. Mỹ cũng triển khai chương trình học bổng tiếng Anh Access, hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các cộng đồng yếu thế hơn, trong đó có các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Chương trình này cho đến nay đã hỗ trợ hơn 1.000 người Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho rằng 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ hàng năm không chỉ phát triển kỹ năng tiếng Anh của họ mà còn học được nhiều kỹ năng, kiến thức khác thuộc ngành học mà họ theo đuổi. Khi quay trở lại Việt Nam, họ đóng góp rất lớn cho sự phát triển và thành công của đất nước. Đại sứ cũng tin tưởng rằng các học sinh, sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ đóng góp rất lớn cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
“Tôi nghĩ các học sinh, sinh viên đó đóng góp rất lớn cho tương lai hợp tác của chúng ta. Và họ cũng đóng góp nhiều cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, cũng như xây dựng tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Chúng tôi vẫn thường nói rằng với 30.000 học sinh, sinh viên này, chúng ta đã có 30.000 đại sứ về văn hóa giữa hai nước”, Đại sứ Kritenbrink chia sẻ.
Theo Đại sứ Daniel Kritenbrink, việc trao đổi về giáo dục không chỉ bao gồm sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ mà cả sinh viên Mỹ cũng tham gia các chương trình trao đổi tại Việt Nam. Hiện nay có hơn 1.000 người Mỹ tham gia các chương trình trao đổi tại Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink cho biết hiện có nhiều chương trình hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, trong đó các chuyên gia Mỹ được cử tới để tham gia giảng dạy tại các trường ở Việt Nam, hoặc giúp xây dựng các chương trình học ngoại ngữ tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm có khoảng 20 người Mỹ tham gia chương trình trợ giảng tiếng Anh của chương trình Fulbright và giảng dạy tại các trường trên khắp Việt Nam.
“Một trong những lý do chúng tôi thúc đẩy hoạt động hợp tác tại Việt Nam vì chúng tôi nghĩ rằng những hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam và đó là cách để chúng tôi đầu tư vào Việt Nam”, nhà ngoại giao Mỹ cho biết.
Đại sứ Kritenbrink nhận định một trong những lợi ích dễ thấy của việc nâng cao trình độ cho những người tham gia các chương trình ngoại ngữ như vậy là giúp họ phát triển kỹ năng tiếng Anh. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thêm nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.
“Tôi nghĩ khi họ tham gia các chương trình đó, họ được nâng cao một số kỹ năng. Dù họ tham gia các chương trình trao đổi ngay tại Việt Nam hay ở Mỹ, họ vẫn có thể áp dụng những kỹ năng đó trong công việc, giúp ích cho sự nghiệp của họ cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, Đại sứ Mỹ cho biết.
Theo Đại sứ, ông đã gặp nhiều sinh viên Việt Nam từng theo học ở Mỹ trong các ngành như báo chí, kinh tế, thương mại, kỹ thuật, lập trình… Đại sứ Kritenbrink nói rằng dù ở ngành nào đi nữa, phía Mỹ cũng rất vui mừng khi nhìn thấy các sinh viên Việt Nam thông minh, tài giỏi như vậy. Họ học tập ở Mỹ, sau đó quay trở lại Việt Nam, mang những kỹ năng mà họ đã được tiếp thu ở Mỹ và áp dụng những kỹ năng đó tại Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink nói thêm rằng một trong những lợi ích của việc trải nghiệm nền giáo dục Mỹ là giúp học sinh, sinh viên nhận ra ý thức đóng góp cho cộng đồng, nâng cao nhận thức về việc đóng góp cho cộng đồng và mang lại những lợi ích cho cộng đồng của họ.
“Tôi từng nói chuyện với nhiều bạn trẻ Việt Nam là cựu sinh viên trong các chương trình của Mỹ hoặc từng tham gia các chương trình trao đổi của Mỹ. Họ đều chia sẻ với chúng tôi rằng, họ rất vui mừng khi có thể học hỏi và mang những điều đã được học hỏi về đóng góp cho các cộng đồng tại Việt Nam. Đây có lẽ là điều truyền cảm hứng lớn nhất khi tôi nói chuyện với họ”, Đại sứ Kritenbrink cho biết thêm.
Một trong những sáng kiến nổi bật của chính phủ Mỹ liên quan tới giới trẻ tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Đây là chương trình nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thủ lĩnh trẻ xuất sắc tại Đông Nam Á, phát triển các kỹ năng của họ, khuyến khích họ hợp tác giải quyết các thách thức xuyên biên giới trong khu vực.
Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Buangan, YSEALI đã “tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á, khuyến khích tinh thần cộng đồng của các nhà lãnh đạo - những người đang hợp tác xuyên biên giới để giải quyết những thách thức chung”.
“Mỹ tự hào về mối quan hệ gần gũi của chúng tôi với Đông Nam Á. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ nồng ấm giữa 1 tỷ người dân Mỹ và Đông Nam Á. Những chương trình như YSEALI góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho các đất nước của chúng ta”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Theo quan chức Mỹ, YSEALI giúp thúc đẩy việc phát triển nguồn lực con người, cung cấp các kỹ năng và kiến thức để những người trẻ có thể tham gia và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. “Đây cũng là mục tiêu mà Mỹ và Đông Nam Á chia sẻ”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
YSEALI kết nối những người trẻ trong độ tuổi 18-35 từ 10 nước thành viên ASEAN và Đông Timor. Để giải quyết các vấn đề đáng quan tâm của giới trẻ ASEAN, YSEALI tập trung vào 4 chủ điểm: phát triển kinh tế và khởi nghiệp, bảo vệ môi trường, giáo dục, công dân tích cực.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Buangan cho biết YSEALI gồm nhiều chương trình khác nhau: Chương trình học bổng YSEALI dành cho cán bộ trẻ; Chương trình học bổng YSEALI dành cho thanh niên; Chương trình hội thảo khu vực và Hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Đông Nam Á. Ngoài ra, YSEALI cũng hỗ trợ cho các dự án cộng đồng thông qua Quỹ tài trợ Hạt giống tương lai YSEALI và Chiến dịch cộng đồng YOUnified. YSEALI cũng thúc đẩy kết nối trong khu vực thông qua Mạng lưới YSEALI trực tuyến.
Chính phủ Mỹ đã tài trợ hơn 1,7 triệu USD để hỗ trợ các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á thực hiện những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế, giáo dục và phát triển bền vững.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hồi tháng 9 thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ dự định cung cấp 5 triệu USD để thành lập Học viện YSEALI đặt tại Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) ở TP. Hồ Chí Minh. Học viện sẽ tổ chức các buổi hội thảo về xây dựng năng lực cho các chuyên gia trẻ từ sơ đến trung cấp, có tuổi đời từ 25-40 từ khắp Đông Nam Á với các chủ đề về công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách công và khởi nghiệp.
“Bất chấp đại dịch Covid-19 toàn cầu, chúng tôi đã điều chỉnh chương trình YSEALI để cung cấp thêm các chương trình trực tuyến và tiếp tục đẩy mạnh kết nối cũng như đào tạo cho giới trẻ Đông Nam Á”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.
Chỉ trong 7 năm, chương trình YSEALI đã có hơn 5.000 thành viên tham gia các chương trình trao đổi và hơn 150.000 thanh niên thuộc Mạng lưới YSEALI.
Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Buangan, các cựu thành viên của YSEALI đã áp dụng những kỹ năng và mối quan hệ mà họ có được thông qua các chương trình vào công việc của họ, đồng thời phục vụ cho cộng đồng. Trên toàn khu vực, các thành viên của YSEALI đã trở thành những nhà giáo dục, các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trong các doanh nghiệp hoặc các tổ chức phi lợi nhuận.
Ông Buangan nói, Mỹ đã chứng kiến sức mạnh của cộng đồng YSEALI trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Chẳng hạn, một thành viên của Mạng lưới YSEALI từ Việt Nam đã được truyền cảm hứng từ những gì học hỏi được thông qua Mạng lưới YSEALI và tổ chức một dự án để ứng phó đại dịch. Thành viên này đã phát động một cuộc thi toàn quốc, khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo video nhằm nâng cao nhận thức về Covid-19.
“Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ giới trẻ và thúc đẩy giao lưu nhân dân với khu vực Đông Nam Á thông qua những chương trình như YSEALI”, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Buangan nhấn mạnh.
Đại sứ Kritenbrink nhận định chính bản thân người Mỹ cũng được hưởng lợi từ các chương trình trao đổi như YSEALI. Khi các bạn trẻ từ Việt Nam và khắp Đông Nam Á tới giao lưu tại Mỹ, họ không chỉ tìm hiểu, học hỏi về nước Mỹ mà những bạn trẻ người Mỹ cũng học hỏi được nhiều từ những người bạn ở Đông Nam Á. Đại sứ cho rằng đây là chương trình hiệu quả mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Theo Đại sứ Kritenbrink, hầu hết chương trình giao lưu, trao đổi nằm trong khuôn khổ YSEALI đều có các đại diện của Việt Nam tham gia.
“Tôi nghĩ các bạn trẻ Việt Nam này là những đại sứ văn hóa tuyệt vời cho Việt Nam. Nhìn chung giới trẻ Việt Nam rất tự hào về đất nước mình. Mỗi khi các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài và đại diện cho đất nước mình một cách tích cực như vậy, họ cũng giúp người Mỹ hiểu biết thêm về Việt Nam và tăng cường mối quan tâm của người Mỹ tới Việt Nam, thúc đẩy người Mỹ đến tham quan, làm việc tại Việt Nam”, Đại sứ Kritenbrink nói.
“Thông qua các kênh giao lưu như thế này, chúng ta có thể thúc đẩy việc xây dựng tình hữu nghị cũng như các mối giao lưu xuyên Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do tôi nói rằng, các hoạt động trao đổi như thế này đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tình hữu nghị mà chúng ta đang xây dựng hiện nay”, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Mỹ, việc lựa chọn thành lập Học viện YSEALI tại Việt Nam cho thấy Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
“Việc đặt Học viện YSEALI tại Việt Nam cho thấy chúng tôi rất tin tưởng Việt Nam cũng như Đại học Fulbright Việt Nam. Điều này cũng cho thấy Việt Nam có vai trò rất lớn trong khu vực. Vị trí địa lý của Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á cùng vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực đã mang lại nhiều lợi ích cho Học viện YSEALI. Điều này cũng giúp thúc đẩy sự giao lưu giữa giới trẻ trên toàn khu vực Đông Nam Á”, Đại sứ Kritenbrink cho biết thêm.