Chính quyền Trump 2.0: Hai tuần làm rung chuyển thế giới
(Dân trí) - Ngay trong 2 tuần đầu tiên nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng chứng kiến một loạt những sắc lệnh, hành động, tuyên bố táo bạo làm rung chuyển cả thế giới.
Dù đã nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử và nêu lại trong phát biểu tại lễ nhậm chức hôm 20/1 vừa qua, nhưng không như ở nhiệm kỳ đầu (Trump 1.0), ngay trong 2 tuần đầu tiên nhiệm kỳ 2 (Trump 2.0), Tổng thống Donald Trump đã làm chấn động thế giới bằng những quyết định táo bạo theo đúng tinh thần "nước Mỹ trên hết/Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông.
Quyết liệt áp thuế
Dư luận dường như không ai thấy lạ nhưng ít nhiều cũng bị bất ngờ khi Tổng thống Trump nhanh chóng tuyên bố áp thuế một cách kiên quyết với hàng loạt đối tượng khác nhau, từ đồng minh, đối tác cho đến đối thủ cạnh tranh.
Thực tế là đúng như đã cảnh báo, Canada, Mexico và Trung Quốc, 3 đối tác thương mại hàng đầu mà Mỹ có thâm hụt thương mại cao nhất chính là 3 nước bị đưa ra áp thuế đầu tiên với lý do, ngoài khoản thâm hụt thương mại tổng cộng khoảng 600 tỷ USD.
Nguyên nhân trực tiếp mà Nhà trắng đưa ra là cả 3 nước đã không kiểm soát được biên giới để cho chất gây nghiện fentanyl tràn vào Mỹ khiến hàng ngàn người Mỹ bị chết khi lạm dụng thứ thuốc này.
Tiếp theo, một loạt nước khác cũng đã bị Tổng thống Trump dọa áp thuế như Colombia do "không sẵn sàng đón nhận người nhập cư trái phép vào Mỹ bị đưa về nước"; Panama vì để "Trung Quốc có quá nhiều ảnh hưởng trong việc điều hành kênh đào ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ"; Nga do "không chấp nhận đàm phán giải quyết cuộc chiến ở Ukraine"; các nước khối BRICS vì "nỗ lực xây dựng một đồng tiền riêng nhằm thay thế đồng đô la Mỹ" trong giao dịch quốc tế….
Và đặc biệt là cả các nước đồng minh truyền thống trong Liên minh châu Âu và Anh do "đã lợi dụng nước Mỹ" trong khi không tích cực nhập khẩu hàng của Mỹ vào thị trường của mình.
Những biện pháp cứng rắn khác
Song song với "ma trận" thuế quan là biện pháp rất được ưa thích, ông Trump còn đe dọa sẽ cắt viện trợ đối với Nam Phi "nếu nước này không chấm dứt các biện pháp cưỡng bức đối với một bộ phận người dân" (tịch thu đất đai…); xóa sổ Cơ quan Viện trợ quốc tế của Mỹ (USAID) với tư cách là một cơ quan độc lập có sứ mệnh triển khai các hoạt động trợ giúp từ thiện, nhân đạo ở nước ngoài vì "đã bất tuân lệnh" Nhà Trắng trong quá trình hoạt động để đưa về cho Bộ trưởng Ngoại giao trực tiếp quản lý…
Bên cạnh đó, tuy không ồn ào như những vấn đề trên, chính quyền Trump 2.0 vẫn không hề giảm nỗ lực gây sức ép về mọi mặt để có thể mua đảo Bắc cực Greenland thuộc Đan Mạch khi gián tiếp cho biết sẽ giành được hòn đảo chiến lược này trong 4 năm tới, bất chấp sự phản đối của các bên trực tiếp liên quan & Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, Tổng thống Trump còn tỏ rõ sự ủng hộ và khuyến khích chính quyền Thủ tướng Israel Netanyahu trong cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông, nhất là trong kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Israel và đẩy người Palestine ra khỏi các vùng lãnh thổ của mình.
Về đa phương, Tổng thống Trump cũng đã nhanh chóng ký sắc lệnh đưa nước Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Tổ chức Nhân quyền của Liên hợp quốc bởi "các tổ chức này không còn phục vụ lợi ích của Mỹ" như Nhà Trắng đã công khai nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Cuộc chiến thương mại lớn tạm thời tránh được
Cả 3 nước bị tuyên bố áp thuế đầu tiên, nhất là Canada và Mexico, đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng kiên quyết trước lý do áp thuế 25% vào tất cả hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ và tuyên bố cứng rắn sẽ trả đũa Mỹ bằng cách đánh thuế tương tự vào hàng hóa Mỹ xuất sang các nước này.
Riêng Trung Quốc còn tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), đồng thời để ngỏ khả năng đàm phán để tránh nổ ra cuộc chiến thương mại không có lợi cho bất kỳ bên nào. Các nước EU dù chưa phải là đối tượng bị áp thuế ngay lần này nhưng cũng đã có phản ứng mạnh ở cấp cao nhất, khi chủ tịch Ủy ban châu Âu thẳng thắn cảnh báo sẵn sàng trả đũa một khi Washington quyết định áp thuế vào hàng hóa các nước này xuất khẩu sang Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi Nhà trắng gia tăng áp lực với tuyên bố sẽ áp mức thuế cao hơn đối với Canada, Mexico và Trung Quốc nếu 3 nước này không chấp nhận biểu thuế đã đưa ra, Canada và Mexico đã bất ngờ có những nhượng bộ quan trọng, đủ để Nhà trắng bất ngờ tuyên bố "dừng việc áp thuế trong 1 tháng". Trong khi đó, Colombia đã nhanh chóng "quay xe" đồng ý tiếp nhận tất cả những người nhập cư trái phép bị Mỹ đưa trở lại.
Trong khi đó, Panama cũng đã có nhượng bộ lớn khi cam kết miễn phí cho tàu chiến Mỹ di chuyển qua kênh đào, ưu tiên các hoạt động của Hải quân Mỹ ở khu vực và đồng ý sẽ chấm dứt tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đã ký với Trung Quốc.
Riêng với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh đã đề nghị đàm phán trở lại Giai đoạn 1 như đã thỏa thuận từ thời Trump 1.0, Nhà Trắng vẫn giữ nguyên kế hoạch áp thuế thêm 10% khiến Bắc Kinh lập tức tái khẳng định sẽ áp thuế trả đũa ở mức tương xứng đồng thời sẽ siết chặt hơn việc xuất khẩu các nguyên liệu quý hiếm rất cần cho các ngành công nghiệp của Mỹ.
Việc đe dọa thuế quan và áp đặt một số biện pháp cứng rắn khác như chính quyền Trump 2.0 đã đưa ra trong 2 tuần đầu vừa qua đã khiến thế giới rung chuyển và phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để đối phó.
Mặc dù vậy, việc đe dọa như vậy cần được hiểu là công cụ/phương tiện mà ông Trump rất ưa sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu của mình, không hẳn là chỉ về kinh tế-thương mại, mà chính là để tạo áp lực tổng hợp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Chính vì thế, khi các nước liên quan, trước hết là những đồng minh quan trọng, láng giềng gần gũi như Canada, Mexico, Panama & Colombia… bí mật đàm phán và chấp nhận có những nhượng bộ cần thiết, tình trạng căng thẳng, đối đầu lập tức giảm mạnh, chiến tranh thương mại tưởng như là không thể tránh khỏi thì ít nhất cũng đã tạm thời tránh được.
Triển vọng sắp tới
Việc Canada cam kết sẽ triển khai quân và ứng dụng công nghệ mới dọc biên giới với Mỹ để ngăn chặn dòng fentanyl chảy vào Mỹ, còn Mexico thì đồng ý tăng cường kiểm soát biên giới phía Bắc với 10.000 thành viên Vệ binh quốc gia để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy vào Mỹ trước mắt sẽ khiến ông Trump không còn cớ để áp thuế đối với 2 nước này.
Hơn nữa, việc áp thuế lẫn nhau sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào, kể cả Mỹ, nước được dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể bị giảm tới 1,5% nếu chiến tranh thương mại xảy ra.
Thực tế thì các công ty và người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng gánh chịu các khoản chi phí phát sinh từ việc áp thuế. Và theo các nhà phân tích, "các biện pháp đó có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng tích hợp cao giữa 3 nước vốn là nền tảng cho sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ".
Chính vì thế, có cơ sở để tin rằng với những gì đã đạt được, nhiều khả năng là sau khi thời hạn tạm thời 1 tháng qua đi, cuộc chiến thương mại tương tàn giữa Mỹ với Canada và Mexico với Mỹ có thể sẽ không xảy ra.
Tương tự như vậy, do Nga & các nước BRICS đều đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định không có ý định loại bỏ vị trí độc tôn của đồng đôla Mỹ. Riêng Nga, do ưu tiên cao nhất hiện nay là kết thúc cuộc chiến ở Ukraine và khôi phục quan hệ bình thường với Mỹ, khả năng là quan hệ hai bên sẽ không xấu đi hơn nữa.
Đặc biệt, khi một cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Nga cũng như cuộc nói chuyện cấp cao Mỹ - Trung đang được thúc đẩy, một cuộc chiến thương mại lớn giữa Mỹ với nhóm nước BRICS sẽ ít có khả năng nổ ra.
Riêng với EU, những đe dọa áp thuế mà ông Trump đã đưa ra cho thấy trong thời Trump 2.0, dù là đồng minh chiến lược đoàn kết cao thì "nước Mỹ vẫn là trên hết". Mỹ không muốn chiến tranh thương mại nhưng các mối quan hệ phải bình đẳng hơn và EU phải đẩy nhanh tự chủ chiến lược hơn.
Đó là điều các đồng minh châu Âu đã thấy và nay phải hiểu là không thể tiếp tục trì hoãn. Dù thực hiện như thế nào còn là vấn đề và phụ thuộc vào cả vào sự đoàn kết và quyết tâm hy sinh của từng nước thành viên vì một tương lai chắc chắn và bền vững hơn.
Còn với Trung Quốc, do cuộc chiến thương mại có thể đã bắt đầu lại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang cạnh tranh gay gắt hơn cả trong thời Trump 2.0 có nguyên nhân, tính chất và quy mô rộng lớn và phức tạp hơn nhiều, nên việc xử lý cũng khó khăn phức tạp và kéo dài hơn.
Mặc dù rất nhanh chóng và quyết đoán trong việc đưa ra những biện pháp khiến tất cả đối tượng, đối tác và đồng minh của Mỹ ít nhiều đều thấy bất an và bất ổn, chắn hẳn ông Trump cũng chủ động cố gắng tránh không để mọi việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát với những hệ quả khó lường. Đó là điều đem lại hy vọng cho tất cả các nước trên thế giới hiện nay.