Thuế quan từ Mỹ: Cú sốc lớn nhất 50 năm đối với thương mại toàn cầu?
(Dân trí) - Thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên các đối tác thương mại có thể là "cú sốc lớn nhất trong chính sách thương mại toàn cầu" trong 50 năm qua.
Trong báo cáo ngày 2/2, các nhà phân tích của Deutsche Bank đánh giá việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa của 3 đối tác thương mại lớn nhất gồm Canada, Mexico, Trung Quốc "sẽ gây ra "cú sốc lớn nhất trong chính sách thương mại toàn cầu kể từ sự sụp đổ của Bretton Woods".
Hệ thống quản lý tiền tệ toàn cầu Bretton Woods chấm dứt vào đầu những năm 1970 khi Tổng thống Mỹ khi đó là Richard M. Nixon tuyên bố nước này sẽ không bán vàng lấy USD nữa.
"Chúng tôi nhận thấy hậu quả suy thoái ngay lập tức đối với một số nền kinh tế liên quan và tác động tiêu cực trên diện rộng đối với nền kinh tế thế giới", các nhà phân tích tại Deutsche Bank nhận định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/2 thông báo sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Mexico và Canada bắt đầu từ ngày 4/2. Washington cáo buộc các nước này không làm đủ để ngăn chặn người nhập cư trái phép và ma túy chảy vào Mỹ. Dầu Canada là một ngoại lệ và sẽ nhận được mức thuế nhập khẩu chỉ 10%.
Mỹ cũng sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, với cáo buộc rằng nước này đã để chất gây nghiện fentanyl vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thuế quan giúp bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh.
Tác động suy thoái đối với Mexico và Canada
Theo Deutsche Bank, mặc dù thuế quan đối với năng lượng của Canada thấp hơn, nhưng chúng vẫn sẽ tác động đến lạm phát.
"Các mức thuế quan tác động lên nền kinh tế vĩ mô trên diện rộng, gây gián đoạn ở nhiều thị trường, đặc biệt là bên ngoài Mỹ", các nhà phân tích chỉ ra.
Nhóm chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng, quy mô lớn của thuế quan đối với hàng hóa Mexico và Canada có thể sẽ khiến nền kinh tế của 2 nước này rơi vào suy thoái.
Họ ước tính: "Những mức thuế này cũng lớn hơn khoảng 5 lần so với tổng số tích lũy được thực hiện dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Đối với Canada và Mexico, chúng tôi nhận thấy cú sốc thương mại này, nếu kéo dài, sẽ có quy mô kinh tế lớn hơn nhiều so với cú sốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit)".
Anh rút khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2020, hơn 3 năm sau khi đa số cử tri thông qua cuộc trưng cầu dân ý về cái được gọi là Brexit.
Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã làm phức tạp việc phân tích tác động của Brexit đối với nền kinh tế Anh, mặc dù ban đầu xuất khẩu của nước này sang EU đã có sự sụt giảm.
Biến động thị trường
Theo Deutsche Bank, chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính thế giới. Nhà đầu tư cũng cần chú ý đến viễn cảnh về các vụ kiện tụng về thuế quan, cũng như các hành động trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ.
"Chúng tôi kỳ vọng phản ứng của thị trường ít nhất sẽ định hình một phần chức năng phản ứng của Mỹ và đây sẽ là một quá trình học hỏi phản ánh cho cả thị trường và chính quyền trong những ngày tới. Dù sao đi nữa, tác động lâu dài nhất có thể sẽ là một mức phí thuế quan cao hơn và cấu trúc thuế quan sẽ có sự thay đổi, gây ảnh hưởng đến tất cả các đối tác thương mại của Mỹ", Deutsche Bank nhận định.