1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điểm khác biệt trong đòn thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù Mỹ và Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan lên hàng hóa lẫn nhau nhưng các chuyên gia đã phát hiện ra điểm khác biệt, thể hiện tính toán của 2 bên trong động thái này.

Điểm khác biệt trong đòn thuế quan qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế 10% lên hàng xuất khẩu của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã áp đặt mức thuế từ 10-15% đối với các sản phẩm năng lượng nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà quan sát ngạc nhiên là cách tiếp cận không quá quyết liệt của ông Trump đối với Trung Quốc và phản ứng tương đối điềm tĩnh từ phía Bắc Kinh.

Trong khi hai nước láng giềng gần gũi nhất của Mỹ là Canada và Mexico bị đánh thuế 25% - dù sau đó đã được tạm hoãn - thì Trung Quốc chỉ phải chịu mức thuế 10%.

Điều này khiến nhiều người thấy khó hiểu vì Trung Quốc được coi là đối thủ thương mại lớn hơn so với Mexico và Canada, với Canada vốn được xem là đồng minh thân cận của Mỹ trong nhiều tổ chức và liên minh.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã thúc đẩy ông Trump ra quyết định như vậy.

Giới phân tích cho rằng, ông Trump đang cố gắng đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, và bằng cách dọa đánh thuế nặng lên một đồng minh thân cận như Canada trước, ông muốn gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc về những gì họ có thể phải đối mặt trong tương lai.

Ấn tượng đó càng được củng cố khi ông Trump mô tả mức thuế 10% đối với Trung Quốc là mở màn. Ông Trump dường như đang muốn đẩy áp lực lên Bắc Kinh để tạo lợi thế cho các cuộc thương lượng tiềm tàng trong tương lai. 

Một điều đáng chú ý khác là phản ứng khá bình tĩnh từ phía Bắc Kinh. Trong khi Canada ngay lập tức đưa ra các biện pháp đáp trả và Mexico cũng bày tỏ ý định làm điều tương tự, thì Trung Quốc ban đầu chỉ đề cập đến việc thực hiện các "biện pháp đối phó cần thiết" và cho biết sẽ khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Kể từ đó, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với hàng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ, đồng thời mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google và đưa công ty mẹ của Tommy Hilfiger và Calvin Klein vào danh sách "các thực thể không đáng tin cậy".

Theo giới quan sát, động thái này tạo ra cho Trung Quốc một số "quân bài" để rút lại nếu Bắc Kinh và Mỹ có thể trao đổi để hạ nhiệt căng thẳng trong thời gian tới.

Có quan điểm cho rằng, với những động thái ban đầu của ông Trump, Trung Quốc đã "thoát hiểm" nhẹ nhàng hơn nhiều so với Canada và Mexico.

Phản ứng điềm tĩnh này cũng có thể cho thấy Bắc Kinh biết rằng họ còn nhiều "quân bài" khác để sử dụng ngoài các biện pháp trả đũa thông thường.

Trước hết, Trung Quốc đang nắm giữ 769 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc bán tháo một phần số trái phiếu này - dù gây tổn thất cho chính Trung Quốc - sẽ đẩy chi phí vay của Mỹ tăng lên.

Ngoài ra, Bắc Kinh có thể để đồng nhân dân tệ mất giá trên thị trường ngoại hối, giống như họ từng làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Dù thế nào đi nữa, các biện pháp mới nhất của ông Trump khó có thể làm thay đổi cách vận hành của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sản xuất.

Họ đã quen với sự đối đầu từ Mỹ trong nhiều năm qua, kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, và đã điều chỉnh cách thức kinh doanh cho phù hợp.

Điều này có thể giải thích lý do tại sao, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp một số vấn đề về tăng trưởng, các nhà chức trách ở Bắc Kinh vẫn phản ứng tương đối bình tĩnh trước các động thái của ông Trump.

Theo Sky News
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0