DNews

Bầu cử Mỹ diễn biến khó lường: Cơ hội của ông Trump?

An Hoàng

(Dân trí) - Vụ ám sát hụt và việc đảng Dân chủ thay đổi ứng viên ngay trước thềm đại hội có thể mang lại cơ hội lớn hơn cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bầu cử Mỹ diễn biến khó lường: Cơ hội của ông Trump?

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nước Mỹ đã chứng kiến những diễn biến cực kỳ khó lường của cuộc đua vào Nhà Trắng. Đầu tiên là vụ ám sát bất thành nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump. Vài ngày sau, Tổng thống Joe Biden tuyên bố ngừng tranh cử và quay sang ủng hộ Phó Tổng thống Kalama Harris tiếp nối chiến dịch.

Những diễn biến này được cho là ít nhiều đem lại lợi thế cho ông Trump cũng như đảng Cộng hòa, song cũng có thể kéo theo một số thách thức cho cựu Tổng thống.

Diễn biến khó lường

Sự kiện vận động tranh cử giờ chót của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/7 trước thềm Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa bỗng chốc trở thành sự kiện rúng động chính trường Mỹ khi ông trở thành mục tiêu của một âm mưu ám sát.

Thomas Matthew Crooks, tay súng 20 tuổi, đã dùng súng trường bắn 8 phát đạn về phía ông Trump đang phát biểu cách đó khoảng 120m. Vụ nổ súng khiến 1 người trên khán đài thiệt mạng, 2 người bị thương. Ông Trump thoát chết trong gang tấc khi viên đạn chỉ sượt qua tai và khiến ông bị thương.

Trong khi các vụ xả súng hàng loạt tại trường học, hộp đêm và những nơi công cộng khác thường xảy ra ở Mỹ, đây là vụ xả súng đầu tiên nhằm vào ứng cử viên tổng thống của một đảng lớn kể từ vụ ám sát hụt Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan năm 1981. 

Trong lịch sử nước Mỹ, cũng đã có một số trường hợp ứng cử viên tổng thống bị ám sát trong chiến dịch vận động tranh cử. 

Ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy đã bị bắn tử vong ngày 5/6/1968, trong lúc đang vận động tranh cử tại Los Angeles. 

Trước đó, Tổng thống John F. Kennedy, anh trai của ông Robert, đã bị sát thủ bắn tại Texas vào ngày 22/11/1963, khi đang đi trên một đoàn xe hộ tống ở trung tâm thành phố Dallas.

Hơn 40 năm kể từ lần cuối nước Mỹ chứng kiến một vụ ám sát tổng thống hoặc ứng viên tổng thống. Vụ mưu sát nhằm vào ông Donald Trump đã trở thành một minh chứng nữa cho thấy sự bất ổn trong chính sách tự do súng đạn của Mỹ, thứ được chính ông Trump và những người Cộng hòa ủng hộ. 

Vụ việc lần này có thể là một trong những yếu tố khó lường của mùa bầu cử và rất có thể sẽ trở thành yếu tố có tác động nhất định với cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Bầu cử Mỹ diễn biến khó lường: Cơ hội của ông Trump? - 1

Các nhân viên mật vụ đưa cựu Tổng thống Donald Trump rời sân khấu sau khi trúng đạn (Ảnh: Reuters).

Khi cuộc bầu cử tháng 11 đang đến gần, khó ai có thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới và những  điều gì đang chờ đợi các ứng cử viên.

Vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump đã đánh dấu mới một trang nữa về bạo lực chính trị ở Mỹ, một quốc gia vốn đã phân cực sâu sắc trong một trong những giai đoạn căng thẳng nhất của lịch sử hiện đại.

Việc nhắm mục tiêu vào một cựu tổng thống tại một cuộc vận động tranh cử chỉ vài ngày trước khi ông chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa là một cuộc tấn công vào nền dân chủ và quyền của mỗi người Mỹ trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo của họ.

Khi dư luận về vụ ám sát hụt chưa kịp lắng xuống, Tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, bất ngờ quyết định ngừng tranh cử  do sức ép lớn từ chính các đảng viên Dân chủ khác. Ông ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris tiếp nối chiến dịch. Đây có thể coi là nỗ lực phút chót của ông Biden nhằm ngăn cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. 

Trước ông Biden, chưa từng có Tổng thống Mỹ đương nhiệm nào lựa chọn ngừng tranh cử trong vòng gần nửa thế kỷ.

Quyết định của ông Biden đang trở thành một ẩn số mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tạo ra bước ngoặt không chỉ với đảng Dân chủ mà cả với ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Ông Trump có thể buộc phải thay đổi những tính toán kỹ lưỡng trong chiến lược tranh cử bởi đối thủ của ông giờ không còn là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

"Bệ phóng" mới cho ông Trump

Bầu cử Mỹ diễn biến khó lường: Cơ hội của ông Trump? - 2

Ông Trump nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 18/7 (Ảnh: Reuters).

Vụ ám sát hụt thực sự đã đem lại những lợi thế bất ngờ cho ông Trump về mặt hình ảnh truyền thông.

Nick Beauchamp, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northeastern, cho biết đảng Cộng hòa sẽ tận dụng vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump để thúc đẩy hơn nữa lợi thế của cựu Tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong khi những người theo dõi chính trị chờ xem vụ xả súng có thực sự làm bùng nổ hay xoa dịu sự phân cực chính trị ở Mỹ hay không, hầu như các nhà phân tích trao đổi với  báo Al Jazeera đều đồng ý rằng ông Trump có khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ lớn hơn sau vụ tấn công.

Theo một số chuyên gia, vụ ám sát bất thành đang làm thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng theo hướng có lợi cho ông Trump. Cách phản ứng của ông Trump, như giơ nắm tay lên cao, hô dõng dạc "Kiên cường" dù bị thương, chắc chắn sẽ tập hợp được sự ủng hộ của cử tri và các nhà tài trợ.

"Hình ảnh ông Trump giơ nắm tay khi mặt vẫn dính đầy máu do vết thương có sức lan tỏa tốt hơn bất cứ thứ gì có thể mua được bằng tiền", Matthew Wilson, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Southern Methodist, bang Texas, nhận định.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Elon Musk và Bill Ackman, đã đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ ông Trump chỉ vài phút sau khi ông bị tấn công mặc dù trước đây họ từ chối ủng hộ bất cứ ứng viên tổng thống nào.

Nhà thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa Frank Luntz cho biết, vụ mưu sát đảm bảo "mọi cử tri của ông Trump sẽ thực sự bỏ phiếu cho ông". Vì vụ xả súng xảy ra tại tiểu bang chiến trường Pennsylvania, nơi ông Biden đã giành chiến thắng vào năm 2020 với tỷ lệ sít sao, nên theo một số chiến lược gia về chính trị, vụ việc có thể có tác động đặc biệt lớn bằng cách làm tăng tỷ lệ cử tri Cộng hòa có cảm tình với ông Trump đi bỏ phiếu.

Sau vụ ám sát hụt, cơ hội chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 đã tăng ngay lập tức trên các nền tảng dự đoán. Hiện tại, xác suất thắng cử của ông Trump theo đánh giá trên Polymarket đã lên 68%. 

Ngay cả những sự ủng hộ nhỏ nhất cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong một cuộc đua được định đoạt bằng tỷ lệ sít sao. Cả ông Trump và ông Biden đều hy vọng giành được sự ủng hộ của một nhóm nhỏ cử tri còn do dự ở một vài tiểu bang chiến trường quan trọng, đồng thời thu hút những cử tri thường không đi bỏ phiếu. 

Giới đầu tư cũng thừa nhận về tác động tích cực đối với ông Trump sau khi bị ám sát hụt. Chỉ số S&P 500 kể từ tháng 3 phản ánh tích cực triển vọng chiến thắng của ông Trump. Trước tháng 3, biến động của thị trường chứng khoán có mối tương quan tích cực với khả năng chiến thắng của ông Biden.

Chỉ vài ngày sau vụ ám sát bất thành ông Donald Trump, chính trường Mỹ tiếp tục chứng kiến một diễn biến khó lường khác là quyết định ngừng tranh cử của Tổng thống Biden. Sự việc này đã tạo điều kiện cho những chỉ trích nhắm vào nội bộ đảng Dân chủ.

Phó Tổng thống Kamala Harris gần như nắm chắc tấm vé đề cử của đảng Dân chủ để trở thành ứng viên đại diện đảng ra tranh cử tổng thống vào cuối năm nay.  Tuy nhiên, vấn đề là bà đã có khởi đầu không mấy suôn sẻ với tư cách phó tổng thống.

Mặc dù là phó tổng thống, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bà Harris sẽ tự động trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Hiến pháp Mỹ quy định, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống nếu tổng thống qua đời hoặc mất năng lực hành vi, nhưng không đề cập đến quá trình chọn người được đề cử. 

Để chuẩn bị cho kịch bản bà Harris được đảng Dân chủ đề cử, MAGA Inc, một quỹ vận động ủng hộ ông Trump, cho biết họ sẽ hủy các quảng cáo truyền hình chống ông Biden dự kiến phát ở các tiểu bang chiến trường Arizona, Georgia, Nevada và Pennsylvania và thay thế bằng quảng cáo công kích bà Harris.

Đội ngũ của ông Trump tìm cách liên kết bà với những chính sách của chính quyền Tổng thống Biden, đổ lỗi cho bà về các vấn đề như nhập cư và lạm phát. Các cử tri cho biết họ không hài lòng với cách quản lý nền kinh tế của ông Biden, và quan điểm này đã làm giảm sự ủng hộ quan trọng của cử tri da màu và gốc Tây Ban Nha dành cho chủ nhân Nhà Trắng.  

Ngoài ra, bất kể người được đề cử là ai, đảng Cộng hòa sẽ cáo buộc đảng Dân chủ che đậy những điểm yếu liên quan đến tuổi tác của ông Biden.  

Ngoài ra, một số đảng viên Dân chủ lo lắng về 2 năm đầu không như ý của bà Harris với tư cách là phó tổng thống.

Theo một số cuộc khảo sát được thực hiện trước khi ông Biden rút lui khỏi cuộc đua năm 2024, khả năng cạnh tranh của bà Harris với ông Trump cũng chỉ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với Tổng thống Biden. Trong một cuộc đối đầu giả định theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được tiến hành ngay sau vụ ám sát hụt ông Trump, bà Harris và ông Trump đều giành được tỷ lệ ủng hộ 44%.

Thêm vào đó là các vấn đề dai dẳng về phân biệt chủng tộc và giới tính ở Mỹ. Trong lịch sử, cử tri Mỹ chỉ bầu một tổng thống da màu nhưng chưa từng bầu một phụ nữ, một kỷ lục khiến ngay cả một số cử tri da màu cũng tự hỏi liệu bà Harris có thể vượt qua được rào cản đó không.

Nadia Brown, giám đốc chương trình nghiên cứu về phụ nữ và giới tại Đại học Georgetown, cho biết mặc dù số lượng các nhà lãnh đạo chính trị da màu ngày càng tăng, vẫn còn sự miễn cưỡng đáng kể trong việc chấp nhận phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo quan trọng. Đây cũng có thể là điều giúp cho ông Trump có thêm lợi thế trước bà Harris. 

Thách thức với ông Trump vẫn còn

Bầu cử Mỹ diễn biến khó lường: Cơ hội của ông Trump? - 3

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể trở thành "ẩn số" mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng, buộc cựu Tổng thống Donald Trump phải thay đổi chiến lược tranh cử (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, không phải mọi diễn biến đều đang có lợi cho đảng Cộng hòa và ông  Trump. Cả vụ ám sát bất thành cũng như khả năng bà Kamala Harris trở thành ứng viên thay thế đều sẽ gây ra những thách thức nhất định đòi hỏi cựu Tổng thống thay đổi chiến lược tranh cử.

Vụ ám sát bất thành làm nổi bật một vấn đề đã ám ảnh nước Mỹ trong một thời gian dài, đó là bạo lực súng đạn. Đây có thể là điểm yếu tiềm năng của đảng Cộng hòa khi 72% người Mỹ ủng hộ thắt chặt luật súng đạn theo khảo sát của Trung tâm John Hopkins.

Từ đầu quá trình bầu cử tới nay, cử tri của đảng Dân chủ và Cộng hòa có quan điểm hoàn toàn khác nhau về quyền sở hữu súng ở Mỹ. Những cử tri Dân chủ ưu tiên kiểm soát súng hơn quyền sở hữu súng và cho rằng việc sở hữu súng làm giảm thay vì tăng cường sự an toàn.

Hơn nữa, có ý kiến cho rằng vụ ám sát hụt sẽ không làm lung lay những người phản đối ông Trump. Các nhà phân tích nghi ngờ về tác động của diễn biến này đối với ngày bỏ phiếu sẽ diễn ra sau 4 tháng nữa.

Theo ông Beauchamp, vụ ám sát hụt sẽ khiến những người ủng hộ Trump mạnh dạn hơn, nhưng không thay đổi đáng kể quan điểm của những người phản đối cựu Tổng thống và các chính sách của ông.

Matthew Dallek, giáo sư lịch sử chính trị, cho biết lịch sử không chỉ ra rằng các chính trị gia có thể biến sự đồng cảm từ các cuộc tấn công bạo lực thành chiến thắng trong cuộc bầu cử. 

"Ông Theodore Roosevelt đã bị bắn khi đang vận động tranh cử tổng thống vào năm 1912 nhưng vẫn thất bại. Một nỗ lực ám sát Tổng thống Harry Truman vào năm 1950 đã không ngăn được đảng Dân chủ của ông thua đậm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm đó. Tổng thống Gerald Ford bị mưu sát hai lần vào năm 1975, nhưng ông vẫn thua cuộc bầu cử tổng thống một năm sau đó", ông Dallek nói.

Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, việc ông Biden ngừng chạy đua vào Nhà Trắng và bà Harris trở thành ứng viên của đảng Dân chủ có thể làm thay đổi cục diện bầu cử theo những cách không thể lường trước được.

Bà Harris, một phụ nữ 59 tuổi, người Mỹ gốc Phi và gốc Á, sẽ tạo nên một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với ông Trump, 78 tuổi.

Vấn đề tuổi tác giờ đây lại là bất lợi của đảng Cộng hòa mặc dù trước đó ông Trump nhiều lần xoáy vào khía cạnh này khi chạy đua với Tổng thống Biden.

Ngoài ra, bà Harris đã tiếp cận các khu vực bầu cử mà ít người khác có thể. Những người trong cuộc mô tả bà là người có lợi thế nhất trong các vấn đề như quyền sinh sản, một khía cạnh quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2024 và là điểm yếu của đảng Cộng hòa.

Lời kêu gọi của bà Harris có thể ảnh hưởng đến những người phụ nữ ngoại ô mà ông Trump rất cần để giành chiến thắng. Bà cũng đã mang lại hiệu quả trong việc khuyến khích cử tri da màu, một khu vực bầu cử quan trọng của đảng Dân chủ, nơi ông Biden đã thu hút sự ủng hộ.

Cựu tổng thống Trump cũng phải đối mặt với thách thức thay đổi chiến dịch tranh cử.  Một nguồn tin hôm 21/7 cho biết, chiến dịch tranh cử của ông đã bắt đầu thảo luận về cách tái phân bổ các nguồn lực của chiến dịch sau khi Tổng thống Biden rút lui.

Theo nguồn tin, do bất kỳ ứng cử viên Dân chủ thay thế nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu khác với ông Biden nên việc ông rút lui sẽ đòi hỏi phải xem xét lại cách chi tiền quảng cáo và phân bổ nguồn lực theo khu vực.

Hải Đăng - Anh Ngọc

Theo New York Times, AFP, Reuters