Vụ ám sát hụt ông Trump tác động thế nào tới cuộc đua "ghế nóng" Nhà Trắng?
(Dân trí) - Vụ ám sát hụt đã biến cựu Tổng thống Donald Trump trở thành biểu tượng cho tinh thần quả cảm, trong khi Tổng thống Joe Biden cũng nhận được sự chú ý giữa lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đang nóng dần lên.
Hình ảnh biểu tượng của ông Trump
Theo AFP, hiện vẫn còn sớm để kết luận nỗ lực nhằm ám sát ông Donald Trump sẽ có tác động như thế nào đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, nhưng hình ảnh cựu tổng thống được đưa ra khỏi sân khấu của một cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hôm 13/7 đã trở thành biểu tượng.
Một ứng cử viên tổng thống với một bên mặt đẫm máu, giơ nắm đấm lên thách thức sau khi sống sót sau một vụ ám sát.
Ông Trump, một nhân vật từng bị nhiều người coi là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với nền dân chủ và pháp quyền, đã trở thành nạn nhân - và là người sống sót - sau một vụ việc bạo lực chính trị.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Pennsylvania, John Fetterman, cảnh báo cuộc tấn công không nên trở thành "cơ hội chính trị hay chiến lược". Tuy nhiên, động lực của đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa, diễn ra tại Milwaukee hôm 15/7 đã thay đổi, khi ông Trump biến vụ ám sát hụt thành lợi thế tranh cử. Tại đại hội, ông Trump chính thức được đề cử thành ứng viên tổng thống đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Là một nhân vật thường gây tranh cãi, nhưng cũng là một nhà vận động tranh cử khôn ngoan với lập trường chính trị không lay chuyển, ông Trump đã trở thành ứng viên "chiếm sóng" khi kêu gọi người Mỹ sát cánh cùng nhau để "không cho phép cái ác giành chiến thắng".
Xuất hiện dày đặc trên trang nhất của các tờ báo trên khắp thế giới và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, hình ảnh ông Trump giơ nắm tay lên cao trên nền cờ Mỹ được cho là có giá trị hơn cả chiến dịch quảng cáo đắt đỏ nhất.
Thông điệp bầu cử thường nói về sự tương phản, và nắm bắt đúng thời điểm, ông Trump đã cho thấy lòng dũng cảm và sự nghị lực mà nhiều cử tri chắc chắn sẽ đưa ra so sánh với hình ảnh bị cho là "lép vế" của Tổng thống Joe Biden trong những tuần gần đây.
Nhận định về tác động của vụ nổ súng đối với đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, cựu chiến lược gia Nhà Trắng của đảng Dân chủ David Axelrod dự đoán trên CNN rằng, ông Trump sẽ được "chào đón như một người tử vì đạo".
Gần đây, ông Biden đang "đối đầu" với ông Trump, trong một nỗ lực nhằm coi người tiền nhiệm là mối đe dọa đối với nền dân chủ. Tuy nhiên, thông điệp này có thể bị bỏ ngoài tai sau khi ông Trump trở thành mục tiêu trong một vụ ám sát mà nhiều người coi là hành động khủng bố.
Ông Trump dường như nhận được sự ủng hộ từ những người Mỹ giận dữ vì vụ nổ súng.
"Vẫn còn chút hoài nghi rằng vụ việc này sẽ thay đổi bản chất của chiến dịch tranh cử. Nhưng nó có thể sẽ làm gia tăng sự ủng hộ dành cho ông Trump, cũng như huy động nhiều người ủng hộ ông, thậm chí một số người tỏ ra ôn hòa hơn trong việc ủng hộ ông", giáo sư khoa học chính trị Virginia Tech Karen Hult nói với CNA.
Tuy nhiên, theo nhà thăm dò kỳ cựu Frank Luntz, lợi ích lâu dài có thể liên quan nhiều đến việc thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu hơn là thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn ứng viên.
"Cuối cùng, các cử tri sẽ ổn định tâm lý và quay trở lại với ứng cử viên mà họ đã lựa chọn. Những người ngả về phía ông Trump vì thương cảm (sau vụ ám sát) có thể sẽ suy nghĩ lại. Nhưng những gì đã xảy ra ở (Pennsylvania) chắc chắn sẽ tác động đến cuộc bỏ phiếu cuối cùng, đảm bảo rằng mọi cử tri ủng hộ ông Trump sẽ thực sự đi bỏ phiếu", ông Luntz cho biết.
Theo Conversation, Donald Trump là bậc thầy về hình ảnh chính trị và có thể thấy điều này trong đoạn video về vụ nổ súng ở Pennsylvania. Sau khi đứng dậy, ông Trump giơ nắm đấm một cách đầy thách thức và các phóng viên đã bắt được khoảnh khắc lịch sử đó. Hình ảnh đó tất nhiên mang tính quyết định vào thời điểm đó, nếu không muốn nói là trong toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump.
"Cho đến nay, đã có một loạt điểm bùng phát trong chiến dịch tranh cử và đây có lẽ là điểm quyết định. Nó có thể biến ông Trump từ một người tử vì đạo thành một vị thánh trong mắt những người ủng hộ ông", Conversation bình luận.
Việc ông Trump, chiến dịch tranh cử của ông và những người xung quanh ông sử dụng câu chuyện về vụ ám sát sẽ rất quan trọng, đặc biệt là trước thềm đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa.
Trong bối cảnh Tổng thống Biden nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong những tuần gần đây sau màn tranh luận thiếu thuyết phục trước đối thủ, hình ảnh tương phản về hai ứng cử viên đã xuất hiện và ngày càng khoét sâu hơn nữa.
Hình ảnh của ông Trump, với gương mặt đẫm máu và nắm đấm giơ cao, chắc chắn có thể đóng khung toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông và tập hợp sự ủng hộ phía sau ông. Nói cách khác, đây hoàn toàn có khả năng trở thành thời điểm ông Trump thắng cử.
Đối với những người ủng hộ ông Trump, vụ nổ súng càng khiến ông trở thành một người tử vì đạo vì chính nghĩa. Họ gọi ông là người "không thể đánh bại". Chiến dịch tranh cử nhanh chóng gửi đi một tin nhắn gây quỹ trích dẫn câu nói của ông Trump: "Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng!".
Theo New York Times, vụ nổ súng đã làm thay đổi cục diện cuộc đua và điều chắc chắn là Mỹ đang phải đối mặt một lần nữa với làn sóng bạo lực ngày càng gia tăng trong nền chính trị.
Những bức ảnh ông Trump đứng dậy sau vụ nổ súng đã gây ấn tượng mạnh: Mặt ông đầy máu, một tay giơ cao thách thức, tay kia ôm chiếc mũ màu đỏ in dòng chữ "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), lá cờ Mỹ tung bay phía sau. "Chiến đấu! Chiến đấu! Chiến đấu!", ông Trump vừa hô vừa giơ nắm đấm lên trời.
Nhà sử học Douglas Brinkley cho rằng đối với nhiều cử tri, những hình ảnh đó sẽ "phủ bóng" lên bất kỳ lời chê bai nào về việc ông Trump đang đối mặt với hàng loạt cáo trạng, thay vào đó là hình ảnh mới về "một người tử vì đạo bị thương ở Butler, Pennsylvania".
Ông Brinkley, giáo sư tại Đại học Rice, người trước đây từng chỉ trích ông Trump, chỉ ra sự bình tĩnh của cựu tổng thống trong vài phút sau khi bị thương.
"Nhiều người sẽ còn rung động hơn nhiều. Ông Trump nhận ra đây là cơ hội để thể hiện lòng dũng cảm. Đó là một sự thúc đẩy to lớn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông ấy", giáo sư Brinkley nhận định.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đã ca ngợi những bức ảnh ông Trump giơ nắm tay lên như một biểu tượng về sức mạnh và bản năng của ông. "Khả năng thua của ông Trump gần như bằng 0", nghị sĩ Dan Crenshaw của đảng Cộng hòa tại Texas, bình luận.
Theo CNA, Robert Kelly, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, dự đoán một kết quả nhiều khả năng xảy ra là ông Trump nổi lên như một người tử vì đạo trong mắt các cử tri của mình và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ông Trump đã dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận. Chiến dịch tranh cử của ông sẽ không ngừng ca ngợi sự sống sót của ông sau vụ ám sát như một khoảnh khắc của sức mạnh, trong bối cảnh khả năng tái đắc cử của Tổng thống Joe Biden đang bị hoài nghi sau một số lùm xùm.
Cuộc chạy đua của Tổng thống Biden
Về phía đảng Dân chủ, vụ tấn công nhằm vào ông Trump dường như đã giải quyết được một vấn đề trước mắt cho Tổng thống Biden. Ông Biden đã bị chỉ trích sau cuộc tranh luận mờ nhạt với ông Trump ở Atlanta vào tháng trước, khi ông bị cho là gặp khó khăn trong việc nói hết câu, chứ chưa nói đến việc đưa ra một chiến lược rõ ràng trong 4 năm tới.
Tuy nhiên, sau vụ nổ súng tại Pennsylvania, những bài viết gây xôn xao dư luận nhắm mũi dùi vào đảng Dân chủ đã bị đưa vào các trang báo bên trong hoặc bị cắt đi hoàn toàn, khi các đảng phái mải miết tranh luận về việc lập trường chính trị của ai là nguyên nhân dẫn đến vụ bạo lực.
Ông Biden, người đang ở nhà thờ vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng, đã lên án bạo lực là "bệnh hoạn" trong bài phát biểu ngắn gọn từ sở cảnh sát địa phương ở Delaware. Ông Biden cũng thay đổi kế hoạch và trở về Nhà Trắng vào nửa đêm. Ông Biden và ông Trump đã nói chuyện vào cuối ngày 13/7, một cuộc gọi mà quan chức Nhà Trắng mô tả là "tốt, tôn trọng và ngắn gọn".
Vụ nổ súng gần như ngay lập tức bị soi xét qua lăng kính chính trị. Một số thành viên đảng Cộng hòa đổ lỗi cho đảng Dân chủ hoặc giới truyền thông đã khơi dậy lòng căm ghét và nỗi sợ hãi của người dân đối với ông Trump, khiến ông trở thành mục tiêu bị ám sát.
"Tiền đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Biden là mô tả Tổng thống Donald Trump như một kẻ phát xít độc tài, phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Những lời lẽ đó đã trực tiếp dẫn đến âm mưu ám sát Tổng thống Trump", Thượng nghị sĩ J.D. Vance của bang Ohio, người nằm trong danh sách rút gọn các ứng cử viên mà ông Trump đang cân nhắc làm người đồng hành tranh cử, cho biết.
Tuy nhiên, ông Biden, người tranh cử tổng thống với hy vọng hàn gắn một số chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước, nói rằng "không có chỗ cho kiểu bạo lực này ở Mỹ".
"Đó là một trong những lý do chúng ta phải đoàn kết đất nước này. Chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra. Chúng ta không thể tha thứ cho điều này", ông Biden nói sau vụ ám sát.
Hiện không rõ vụ nổ súng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực tập trung cao độ của ông Biden nhằm đoàn kết nội bộ đảng Dân chủ, sau màn tranh luận thiếu thuyết phục khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực và sự nhạy bén của ông với tư cách là một ứng viên tổng thống. Một số người thậm chí kêu gọi thay thế ông Biden bằng một ứng viên khác để đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử.
Một câu hỏi đặt ra là liệu vụ nổ súng có làm chậm lại nỗ lực loại bỏ ông Biden khỏi danh sách ứng cử viên tổng thống hay không, khi đảng này còn chờ xem liệu ông Biden có thể đảm đương vai trò của một tổng thống đoàn kết nước Mỹ trong một cuộc khủng hoảng.
Ông Biden nói: "Một vụ ám sát trái ngược với tất cả những gì chúng ta ủng hộ với tư cách là một quốc gia. Đoàn kết là mục tiêu khó nắm bắt nhất, nhưng bây giờ không có gì quan trọng hơn thế".
Sau cuộc họp báo nhằm trấn an các thành viên đảng Dân chủ đang dao động, ông Biden đã dành ngày 13/7 và 14/7 để trình bày quan điểm của mình với các phe phái khác nhau trong đảng tại một loạt cuộc họp riêng.
"Chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn với tổng thống về những lo ngại của mình và đặt những câu hỏi hóc búa về con đường phía trước", nghị sĩ Pramila Jayapal của Washington, chủ tịch Nhóm Cấp tiến của Quốc hội Mỹ, cho biết sau khi nhóm gặp ông Biden.
Hầu hết các thành viên đảng Dân chủ, những người đã nhiều lần cảnh báo rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là một mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước, đã hành động theo sự dẫn dắt của ông Biden khi tạm thời giữ im lặng trước các cuộc công kích của họ nhằm vào ông Trump và lên án vụ nổ súng.
Theo Fox News, vào thời điểm này đã có nhiều suy đoán về việc vụ ám sát sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống.
Vào ngày 5/11, cử tri Mỹ sẽ phải quyết định liệu Tổng thống Joe Biden có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay cựu Tổng thống Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Vụ nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở Butler, Pennsylvania khiến cả thế giới và cử tri Mỹ phải bàn tán, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi.
Trong thời điểm nước Mỹ đang có sự chia rẽ chính trị, một số người tự hỏi liệu quyết định của một tay súng khi leo lên mái nhà và bắn 8 phát súng vào đám đông khiến một người thiệt mạng và hai người bị thương - bao gồm cả cựu tổng thống - có thay đổi được kết quả bầu cử hay không.
Fox News đã trao đổi với Allan Lichtman, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ. Ông từng dự đoán chính xác người chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đây. Ông nói ngay bây giờ, còn quá sớm để đưa ra kết luận.
"Bất cứ ai nghĩ rằng họ biết những tác động của thảm kịch kinh hoàng này đều đang đánh lừa bạn. Những dự đoán ở thời điểm này là vô nghĩa. Bạn phải chờ xem những tác động đó là gì. Nó có thể đi theo một trong hai hướng. Một mặt, Donald Trump có thể được xem như một người hùng sống sót và tử vì đạo.
Mặt khác, nó có thể giống như đỉnh điểm của loại bạo lực mà chính Donald Trump đã nói đến rất nhiều và bị cáo buộc xúi giục vào ngày 6/1 khi ông để bạo lực tiếp diễn trong suốt ba giờ đồng hồ và không làm gì cả", chuyên gia Lichtman nói.
Hôm 6/1/2021, một nhóm người ủng hộ ông Trump bất ngờ xông vào trụ sở quốc hội Mỹ, tìm cách cản trở quốc hội thông qua kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Các nhà điều tra liên bang cho rằng, những người này tiến hành bạo loạn theo lời xúi giục của cựu Tổng thống Trump, người muốn lật ngược kết quả bầu cử.
Ông Lichtman nói rằng, liên quan đến cuộc bầu cử, "quả bóng" đang nằm trong sân của đảng Cộng hòa. Ông cho rằng đảng này có thể khai thác tác động từ vụ nổ súng hoặc sử dụng sự kiện này để gắn kết nước Mỹ.
"Tôi nghĩ bạn sẽ còn thấy rất nhiều hình ảnh Donald Trump giơ nắm đấm và kêu gọi chiến đấu. Như Donald Trump đã nói: "Tôi là vị cứu tinh của bạn và là người duy nhất có thể cứu nước Mỹ". Điều quan trọng là liệu họ có tìm cách gây hiểu lầm nhằm đổ lỗi cho đảng Dân chủ và Joe Biden về vụ việc này, hay họ nhân cơ hội này để làm điều gì đó mà đảng Cộng hòa chưa làm kể từ khi Donald Trump nhập cuộc vào năm 2015 và cố gắng mang lại lợi ích cho họ.
"Người Mỹ sát cánh cùng nhau", đó là thông điệp của ông Biden. Chúng ta sẽ xem liệu đó có phải là thông điệp của đảng Cộng hòa hay không", ông Lichtman nói thêm.
Lời khuyên của ông Lichtman dành cho cử tri là không đưa ra phán xét vội vàng, đặc biệt khi không biết chính xác động cơ của kẻ nổ súng.
Theo Axios, đối với Tổng thống Biden, việc chủ động liên hệ với cựu Tổng thống Trump để hỏi thăm, gỡ bỏ các quảng cáo chính trị và gấp rút quay trở lại Nhà Trắng là những quyết định không mấy khó khăn. Các cố vấn nói rằng phản ứng của Tổng thống Biden trước vụ ám sát nhằm vào đối thủ đã mang lại cho ông cơ hội ra tranh cử tổng thống và cố gắng xoa dịu bầu không khí trong nước.
Nó có thể tiếp thêm sinh lực cho nhiệm kỳ tổng thống của ông và dập tắt những lời chỉ trích cho rằng ông không đủ khả năng đảm nhận công việc của người lãnh đạo nước Mỹ.
Nhiều người thừa nhận ông Biden đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong những tuần tới: Ông vừa phải tiếp tục cảnh báo rằng ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, vừa phải lên tiếng ủng hộ ông Trump trong nỗ lực chống lại bạo lực chính trị sau vụ ám sát hụt.
Theo NBC, trong suốt hai tuần qua, sự hỗn loạn bao trùm đảng Dân chủ khi ông Biden có phần thể hiện bị cho lép vế trước đối thủ trong cuộc tranh luận đầu tiên. Khi vụ ám sát xảy ra, tất cả đều dừng lại. Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho biết vụ việc này sẽ chấm dứt mọi nỗ lực kêu gọi thay thế vị trí ứng viên tổng thống của ông Biden, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
"Tôi nghĩ mọi chuyện đã kết thúc", một đồng minh của ông Biden nói.
Thay vì chờ đợi khả năng có thêm lời kêu gọi từ chức, ông Biden đã lên sân khấu với tư cách là tổng thống, phát biểu trước người dân Mỹ trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, trong đó ông lên án bạo lực.
Một quan chức chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ đã tạm dừng "các hoạt động liên lạc ra bên ngoài" và cố gắng nhanh chóng gỡ bỏ các quảng cáo trên truyền hình. Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cũng tạm dừng các quảng cáo trên truyền hình và bảng quảng cáo công kích Trump.
Theo một email mà NBC tiếp cận được, chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng yêu cầu các nhân viên "kiềm chế đưa ra bất kỳ bình luận nào trên mạng xã hội hoặc nơi công cộng" và "tạm dừng mọi hoạt động liên lạc chủ động của chiến dịch trên tất cả các nền tảng và trong mọi trường hợp cho đến khi có thêm thông tin".
"Có vẻ như nỗ lực đánh bật ông Biden đã kết thúc. Ông ấy sẽ không tự nguyện bước sang một bên vào thời điểm này. Tổng thống Biden đã chứng minh rằng ông ấy sẽ tiếp tục chiến đấu", đồng minh thứ hai của ông Biden nói.
Theo AFP, NYT, Conversation, Fox, CNA, NBC