Tâm điểm
Nguyễn T. Hà

Xin đừng đóng khung "nam tính", "nữ tính"!

Chưa đến ngày 8/3 song không khí "chào mừng" đã xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội. Đây chắc chắn là một trong những ngày kỷ niệm quan trọng ở Việt Nam khi phụ nữ đâu đâu cũng nhận được những lời chúc có cánh, tràn ngập hoa và quà.

Thế nhưng, ít người biết rằng khởi đầu của ngày 8/3 không lãng mạn như vậy. Ngày 8/3 bắt đầu bằng làn sóng biểu tình cho quyền bình đẳng của phụ nữ trên thế giới đầu thế kỷ 20. Những điều chúng ta thấy hiển nhiên ngày nay như phụ nữ mặc quần âu, áo sơ mi, lái xe, tự do trong hôn nhân, có công việc và có quyền bầu cử là kết quả đấu tranh bền bỉ của các thế hệ phụ nữ trong lịch sử.

Sau hơn một thế kỷ, dù phụ nữ đã có những quyền lợi căn bản, bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nóng bỏng. Trong nhiều cuộc tranh luận, bình đẳng giới được đẩy đến mức cực đoan như một cuộc chiến thắng thua giữa hai giới. Thế nhưng, tôi nghĩ cả đàn ông và phụ nữ đều được hưởng lợi từ bình đẳng giới.

Xin đừng đóng khung nam tính, nữ tính! - 1

Bình đẳng giới vẫn là một vấn đề nóng bỏng (Tranh minh họa: Institute of Entrepreneurship Development/TTXVN).

Từ khía cạnh người đàn ông, lấy Nhật Bản làm một ví dụ. Dù Nhật đã cố gắng thay đổi trong vài thập kỷ qua, đây vẫn là một xã hội khá truyền thống với sự phân công lao động rõ rệt giữa hai giới. Người đàn ông là thu nhập chính trong gia đình. Người phụ nữ tập trung vào nội trợ. Do đó, áp lực về thành công và tài chính trên vai người đàn ông Nhật rất nặng nề. Tỷ lệ trầm cảm cũng như tự tử ở nam giới khá cao. Theo số liệu của cơ quan cảnh sát Nhật, 70% của các vụ tự tử trong năm 2019 là ở nam giới.

Tại Trung Quốc, chính sách một con đã khuyến khích nhiều gia đình chỉ giữ con trai. Sau vài thập kỷ, tỷ lệ giữa nam và nữ trở nên chênh lệch trầm trọng. Nam giới Trung Quốc vì vậy khó tìm được bạn đời, nhất là khi họ không có tiền bạc hay tài sản như nhà cửa.  

Ở Việt Nam, khái niệm "nam tính" chịu ảnh hưởng từ xã hội Nho giáo truyền thống. Dù ở xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã cân bằng hơn, người chồng vẫn chịu áp lực là trụ cột gia đình, để duy trì ý thức "nam tính" của họ. Khi người vợ có thu nhập nhiều hơn người chồng hay thành công hơn trong sự nghiệp, người đàn ông thường nhận được những đánh giá tiêu cực từ xã hội như "kém cỏi" hay "bám váy vợ".

Do đó, đàn ông có xu hướng ưu tiên công việc, chấp nhận đánh đổi thời gian cho gia đình hay gần gũi với con cái. Ở một xã hội mà cán cân bình đẳng giới cân bằng hơn, người đàn ông sẽ được giải phóng ra khỏi những mô típ đó, để họ có thể tự do lựa chọn lối sống phù hợp nhất với mong muốn hoàn cảnh của mình.

Đối với phụ nữ, không phải ai cũng cho rằng chúng ta cần nhiều hơn bình đẳng giới. Nhiều người nghĩ đó là câu chuyện xa xôi không liên quan đến tính thực tiễn của đời sống hàng ngày. Thế nhưng, dù không rõ ràng như thời phong kiến, những áp đặt của xã hội hiện đại lên phụ nữ vẫn tồn tại. Những áp đặt này giống như một tấm kính trong suốt, khó chỉ mặt đặt tên, nhưng làm cho người phụ nữ ngạt thở.

"Tiêu chuẩn kép" là một ví dụ. Ở Việt Nam, nếu người phụ nữ chọn ở nhà chăm sóc con họ bị coi là ăn bám chồng. Vì không tạo ra thu nhập, họ là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương về mặt tài chính. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ chọn đi làm và đầu tư thời gian cho sự nghiệp sẽ bị trách là bỏ bê gia đình.

Ngoài ra, việc người chồng ngoại tình đôi khi được nhân nhượng với cái tặc lưỡi "đàn ông ai chả thế" và xã hội có thiên hướng trừng phạt người phụ nữ thứ ba. Trong trường hợp người vợ ngoại tình, họ gặp phải những chỉ trích nặng nề về nhân phẩm và đạo đức. Có một áp lực vô hình lên người phụ nữ là họ vừa làm mẹ giỏi, vợ tốt, kiếm thu nhập cho gia đình trong khi đó vẫn giữ ngoại hình trẻ trung xinh đẹp để "chồng không chê".

Đối với người đàn ông, áp lực từ tiêu chuẩn kép ít thấy hơn. Sự chênh lệch này, về lâu dài, khiến nhiều người phụ nữ cảm thấy đuối sức và căng thẳng (stress), dẫn đến những xung đột trong hôn nhân và gia đình.

Xét đến cùng, việc đóng khung người đàn ông và phụ nữ vào những chiếc hộp "nam tính" và "nữ tính" ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai giới. Thực tế là các cá nhân trong xã hội rất đa dạng. Họ có nhiều màu sắc tính cách và nhu cầu hạnh phúc khác nhau. Một hai chuẩn mực cứng nhắc không thể phản ánh được tính cá nhân và sự đa sắc này. Vì vậy, khi bàn về bình đẳng giới, hãy ngừng coi nó là cuộc chiến thắng thua giữa đàn ông và phụ nữ. Tôi nghĩ, đây là một sự chuyển đổi cần thiết để giải phóng cả hai giới ra khỏi định kiến xã hội hẹp hòi.

Nhưng bình đẳng giới không chỉ là câu chuyện của từng cá nhân hay sau cánh cửa mỗi gia đình. Nó cũng là câu chuyện của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tại công sở nơi tôi làm việc, bình đẳng giới trở thành một chủ đề thường xuyên được thảo luận. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra rằng mô hình kinh doanh bền vững cần sự đa dạng về giới tính.

Phụ nữ và đàn ông sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Một doanh nghiệp được vận hành bằng bộ máy toàn nam hay nữ đều có độ lệch về một kiểu suy nghĩ, dẫn đến việc thiếu tính đa chiều trong tư duy về giải pháp doanh nghiệp. Đặc biệt, các tệp khách hàng của doanh nghiệp thường bao gồm cả nam và nữ. Do đó, một đội ngũ nhân sự cân bằng cả hai giới sẽ tạo ra sản phẩm hay dịch vụ bám sát mong muốn của khách hàng với giới tính khác nhau.

Ở một mức độ vĩ mô hơn, đối với nền kinh tế, chúng ta cần sự tham gia của cả nam và nữ vào lực lượng lao động. Mô hình tăng trưởng Solow, một trong những lý thuyết căn bản về tăng trưởng kinh tế, chỉ ra rằng cùng với các yếu tố về vốn, công nghệ và năng suất lao động, tăng trưởng lao động là một nguồn lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế.

Lấy Ấn Độ làm một ví dụ. Đây là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay, với mức độ tăng trưởng trong quý gần nhất là hơn 7%. Tuy nhiên, vào thời kỳ đỉnh cao, Trung Quốc có mức tăng trưởng gấp đôi mức tăng trưởng của Ấn Độ hiện tại. Một báo cáo của tổ chức tiền tệ thế giới chỉ ra rằng, Ấn Độ có thể tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều nếu phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ tham gia của phụ nữ ở quốc gia này chỉ chiếm 28% so với Trung Quốc là 60%. Xét về khía cạnh đó, Việt Nam có một lợi thế rất lớn khi duy trì tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới trong top đầu ở khu vực, khoảng 70%.

Nói tóm lại, nếu bình đẳng giới mang lại nhiều lợi ích như vậy, thì tại sao xã hội lại không chung tay cùng nhau thúc đẩy bình đẳng giới.

Tác giả: Nguyễn T. Hà hiện là phó giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và đầu tư tài chính thị trường châu Á tại tập đoàn bảo hiểm Zurich. Tác giả tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Đại học quốc gia Singapore và hiện tại đang sống và làm việc tại Thụy Sỹ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!