Phụ nữ đẹp là vì chính mình!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nếu như nhan sắc của người phụ nữ có thể thay đổi bằng dao kéo và mỹ phẩm, thì vẻ đẹp nội tâm, trí tuệ và bản lĩnh là cả một quá trình dài bồi đắp mà nên.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày một nửa thế giới tôn vinh phái đẹp. Đã là phái đẹp, đương nhiên là ai cũng đẹp. Nhưng như thế nào là đẹp thì xem ra vẫn còn nhiều tranh cãi.

Mới đây, một MC khá nổi tiếng đã có bài viết chia sẻ quan điểm về người phụ nữ trên trang cá nhân Facebook gây nhiều tranh cãi. Tựu trung lại, nữ MC này cho rằng, phụ nữ là phải biết làm đẹp, phải biết "sửa soạn, trưng trổ", bởi phụ nữ là một nghệ sĩ mà khán giả là đàn ông. Một người phụ nữ "xấu từ hồn tới xác" thì vừa có lỗi với cộng đồng, xã hội, mà tội nhất chính là chồng.

Vậy, phụ nữ đẹp là vì ai?. Vì người đàn ông của mình hay vì con mắt của người khác nhìn vào? Vậy nhỡ nếu không đẹp, có phải thực sự đó là một cái tội?

Phụ nữ đẹp là vì chính mình! - 1

Phụ nữ là định nghĩa đầy đủ nhất về cái đẹp (Ảnh minh họa: Tất Lành).

Sử sách vẫn lưu truyền câu chuyện của người đàn bà xấu, xấu đến nỗi tên của bà đến giờ vẫn được gắn cho những người phụ nữ thậm xấu - Chung Vô Diệm. Nhưng kỳ thực, bằng trí tuệ và bản lĩnh (chứ không phải bằng nhan sắc hay mưu hèn kế bẩn), bà chinh phục được Tề Vương và giúp chồng bảo vệ, xây dựng giang sơn xã tắc.

Đó là chuyện cổ xưa, còn bây giờ, nếu xấu như Chung Vô Diệm, tôi đồ rằng, chị em sẽ gặp không ít trở ngại trên con đường tìm hạnh phúc của mình.

Theo quan niệm truyền thống, hình mẫu tiêu chuẩn vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam là công - dung - ngôn - hạnh. "Vẻ đẹp bên ngoài" được xếp hàng thứ 2, chứng tỏ nhan sắc đối với phụ nữ mà nói, hết sức quan trọng.

Nói thế không có nghĩa người không đẹp về dung mạo, hoặc không đủ điều kiện để thay đổi dung mạo của bản thân qua những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, những bộ quần áo, trang sức hàng hiệu đắt đỏ... là không có quyền được hưởng hạnh phúc, được yêu thương và tôn trọng.

Phụ nữ, đẹp đến mấy thì cũng đến lúc da nhăn, ngực xệ, hình thể 3 vòng chuẩn được thay bằng thân hình béo phệ, bụng mỡ, cằm ngấn. Vượt ra khỏi quy luật ấy họa ra chỉ là... thiểu số.

Đàn ông ra đường, thấy một cô gái đẹp, một thân hình nóng bỏng mà không rung rinh thì chắc đã đạt tới "cảnh giới". Nhưng không phải ai "rung rinh" trước phụ nữ đẹp đều sa ngã, bởi với vợ và gia đình, ngoài tình yêu, tình thương, còn là trách nhiệm và nhiều quan niệm ràng buộc khác. Người phụ nữ của họ, thời trẻ cũng xinh đẹp, cũng thu hút và hấp dẫn. Mà lỡ ra không đẹp trong mắt họ, nhưng lại đẹp trong mắt... hàng xóm thì sao?. Bởi vậy, xấu hay đẹp chỉ mang tính tương đối, trừ khi là xấu quá!.

Phụ nữ hiện đại có cần "công - dung - ngôn - hạnh" không? Chắc chắn là cần. Nhưng từng ấy là chưa đủ. Xã hội hiện đại, phụ nữ đề cao cái đẹp và biết làm đẹp nhưng cũng đề cao sự độc lập, cả về đời sống tinh thần và kinh tế. Họ không còn quanh quẩn bên cái bếp, chậu đồ, xoay quanh những đứa con hay người đàn ông của mình.

Phụ nữ làm đẹp, trước hết là vì chính bản thân, không có nghĩa vụ phải đẹp vì đàn ông. Tất nhiên, đàn ông ai cũng muốn vợ mình đẹp, cả về hình thể lẫn tâm hồn. Nhưng nếu "trút" hết việc nhà cửa, con cái cho vợ trong khi chị em chúng tôi cũng phải làm việc ngày làm 8 tiếng và cả tỉ tỉ công việc không tên khác mà mong vợ phải đẹp, thì e rằng... khó quá.

Đã là phụ nữ thì ai cũng đẹp, chỉ là đẹp như thế nào, trong hoàn cảnh nào và trong mắt ai mà thôi. Nếu như nhan sắc của người phụ nữ có thể thay đổi bằng dao kéo, thì vẻ đẹp nội tâm, trí tuệ và bản lĩnh là cả một quá trình dài bồi đắp mà nên.

Bởi vậy, khi bản thân người phụ nữ biết yêu thương, biết tôn trọng chính mình, có một tâm hồn đẹp và thiện lương, vun vén cho gia đình và không ngừng cố gắng chứng tỏ bản thân thì chính là một biểu tượng của cái đẹp. Và khi họ đẹp, họ xứng đáng được yêu thương, xứng đáng hạnh phúc, phải không các đấng nam nhi?.