Bước tiến của quyền chuyển đổi giới tính
Tại phiên họp ngày 2/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 90.28% đại biểu có mặt tán thành. Nghị quyết này chốt việc đưa dự án Luật chuyển đổi giới tính vào Chương trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2024. Đây là một tin vui với cộng đồng LGBT Việt Nam - cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và người chuyển giới (Transgender).
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người chuyển giới ở Việt Nam chiếm 0,3% - 0,5% dân số, nghĩa là vào khoảng 400.000 đến 500.000 người.
Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Điều 37 đã quy định về quyền chuyển giới của cá nhân. Theo đó, bất kỳ cá nhân nào có nhu cầu thì đều có quyền được chuyển đổi giới tính và được Nhà nước công nhận bằng cách đi đăng ký thay đổi hộ tịch. Tuy nhiên, trong hơn 8 năm kể từ khi quyền của người chuyển giới được công nhận, cộng đồng LGBT vẫn phải chờ dự thảo luật chuyển giới chính thức được thông qua vì Bộ luật Dân sự quy định rằng "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật".
Không thể phủ nhận chuyển đổi giới tính là một vấn đề khó và mới tại Việt Nam nhưng 8 năm chờ đợi với người chuyển giới là một hành trình dài - có nhiều người bạn của tôi đã không thể chờ tới ngày Luật chuyển đổi giới tính được thông qua. Dù vậy, nhiều người vẫn giữ vững niềm tin, mong chờ ngày đạo luật này được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội và được xem xét thông qua.
Ngọc Hiệp là đồng nghiệp cũ của tôi tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE. Là một người chuyển giới nữ với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quyền của người LGBT, Ngọc Hiệp vừa mong chờ dự thảo Luật sớm được thông qua, vừa trăn trở trước những đề xuất trong dự thảo Luật này.
"Người chuyển giới đã trông chờ dự thảo luật này rất lâu và công chúng nói chung tại Việt Nam cũng đang mong dự thảo luật sớm ngã ngũ. Khi luật chuyển đổi giới tính chưa được thông qua, người chuyển giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, dịch vụ công và xa hơn là sự kỳ thị trong xã hội".
Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên công nhận Quyền của người chuyển giới. Và theo báo cáo "Hiện trạng thừa nhận giới tính pháp lý của người chuyển giới trên thế giới" của tổ chức IT'S T TIME, tính đến năm 2021, đã có 71 quốc gia trên thế giới ban hành quy định về Chuyển đổi giới tính.
Tại sao Luật chuyển đổi giới tính cần được thông qua là một câu hỏi không mới, nhưng luôn thôi thúc những người làm luật và các nhà hoạt động vì quyền của người chuyển giới.
Luật chuyển đổi giới tính được thông qua sẽ giúp người chuyển giới vượt qua được nhiều rào cản trong cuộc sống, đặc biệt các vấn đề liên quan tới pháp lý, thủ tục hành chính. Sự công nhận của luật pháp sẽ dẫn đến nhiều thay đổi tích cực trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, việc làm. Tại Việt Nam đã ghi nhận không ít các trường hợp liên quan đến thái độ kỳ thị của các nhân viên y tế với người chuyển giới.
Khi luật chuyển giới chưa được thông qua, người chuyển giới cũng không biết tham vấn y tế từ đâu, đặc biệt với các dịch vụ y tế chuyên biệt cho người chuyển giới như sử dụng hormone.
Một điều quan trọng mà nhiều người chuyển giới nhấn mạnh rằng, sự ra đời của dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nên đi kèm với chính sách chống kỳ thị phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới. Thay đổi luật pháp là điều kiện cần cho sự công nhận người chuyển giới nhưng để hạn chế sự kỳ thị, định kiến trong xã hội cần có những chính sách chống phân biệt đối xử cụ thể.
Trong nghiên cứu "Có phải bởi vì tôi là LGBT - Phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới tại Việt Nam" của Viện iSEE, người chuyển giới (cả nam lẫn nữ) là đối tượng phải chịu nhiều sự kỳ thị nhất trong hầu khắp các lĩnh vực và môi trường, từ gia đình, trường học, công sở, các cơ sở y tế. Họ bị kỳ thị phân biệt đối xử từ thầy cô, bị bắt nạt bởi bạn bè, không nhận được việc làm vì là người chuyển giới, bị soi mói đánh giá khi sử dụng toilet…
Chỉ khi có hành lang pháp lý cụ thể, người chuyển giới mới có cơ hội được xã hội công nhận một cách bình đẳng hơn và được hưởng những quyền của bản thân. Khi những rào cản pháp lý được tháo dỡ, những rào cản tâm lý cũng như định kiến cũng sẽ dần dần được cởi bỏ.
Vừa qua, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính để phù hợp, làm rõ những thắc mắc, giúp đẩy nhanh tiến trình luật được thông qua. Trong dự thảo Luật chuyển đổi giới tính, có những điểm quan trọng đã được đề xuất như giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời, công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới, giới hạn độ tuổi tiếp cận liệu trình hormone là 16 và thay đổi trên giấy tờ là 18….
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc yêu cầu bắt buộc can thiệp y tế sẽ tạo ra những trở ngại rất lớn về tài chính và sức khỏe, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người chuyển giới vẫn sẽ không tiếp cận được quyền chuyển đổi giới tính khi chưa thể thực hiện can thiệp y học.
"Việc chấp nhận cho trẻ 16 tuổi sử dụng hormone nhưng đến 18 tuổi mới được thay đổi thông tin trên giấy tờ vô tình cũng tạo ra khoảng vênh 2 năm khi ngoại hình và giấy tờ có những sự khác biệt."
Tuy nhiên, theo tôi, việc có những đề xuất rõ ràng cùng với một dự thảo Luật chỉn chu đã là một bước tiến quan trọng với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam. Những sửa đổi, bổ sung sẽ cần một tiến trình dài hơn trong tương lai.
Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính được thông qua sẽ mở ra những hy vọng mới cho người chuyển giới, và xa hơn cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!