Phát triển toàn diện để cải thiện vị thế xã hội của phụ nữ
Từ đầu những năm 2000, tôi và các đồng nghiệp trẻ, trong vai trò là những cán bộ nghiên cứu xã hội học, được tham gia vào một số chương trình nghiên cứu về bình đẳng giới. Các chuyến khảo sát thực tế đến nhiều địa phương, tiếp xúc với phụ nữ thuộc các nhóm xã hội khác nhau giúp tôi tích lũy những trải nghiệm và sự hiểu biết nhất định về tiến bộ giới ở nước ta. Sau khoảng hai thập kỷ, tôi thấy nhận thức và hành động về bình đẳng giới đã có những bước tiến rõ rệt.
Các chủ trương, chính sách và những nỗ lực hành động ở nhiều cấp độ khác nhau đã góp phần quan trọng đem đến sự tiến bộ cho phụ nữ ở nước ta. Một điều dễ thấy là hình ảnh và vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định ở cả khu vực công và khu vực tư, cả địa bàn thành thị và các vùng nông thôn.
Hiện nay, theo quan sát và cảm nhận của cá nhân, tôi thấy tâm lý "trọng nam khinh nữ" hay "kỳ thị nữ giới" gần như đã bị đẩy lui, không còn là vấn đề xã hội nghiêm trọng như trước đây. Trong cuộc sống cũng như tại nơi làm việc, phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ bởi pháp luật. Hơn thế, các quyền, cơ hội và lợi ích của phụ nữ còn được bảo đảm bởi những nhận thức hiện đại, và các hình thức ứng xử văn minh, được đồng thuận và mang tính tự giác cao.
Tuy nhiên, trên bình diện xã hội, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là vị thế xã hội của phụ nữ nói chung hiện vẫn còn thấp hơn so với nam giới trên nhiều phương diện.
Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 thì tỷ lệ nữ giới ở nước ta nhỉnh hơn nam giới (khoảng 48,3 triệu người so với 47,8 triệu nam giới). Thế nhưng, vị thế thua thiệt của phụ nữ so với nam giới thể hiện rõ qua nhiều chỉ báo, như: Tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn cao; số lượng phụ nữ và trẻ em gái thuộc diện nghèo vẫn nhiều hơn nam giới; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ luôn thấp hơn lao động nam; tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo cao hơn nam giới; trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ vẫn thấp, và thấp hơn so với lao động nam…
Trong lĩnh vực kinh tế, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng số doanh nghiệp cả nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đa số xuất phát từ hộ kinh doanh, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 90,7%). Tính đến ngày 31/12/2020, theo số liệu từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong tổng số 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước thì có 242.326 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Còn theo số liệu điều tra doanh nghiệp PCI năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 23,4%.
Vào năm 2007, Nghị quyết số 11/NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa X đã chỉ ra: "Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ". Vì thế, Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ".
Tuy nhiên, đến năm 2018, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã nhận định: "các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 11/NQ/TW về công tác cán bộ nữ chưa đạt, vẫn còn định kiến giới". Đến năm 2023 thì mục tiêu có được 25% thành viên tham gia cấp ủy các cấp là nữ vẫn chưa đạt được.
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là tiếp tục nỗ lực để "nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội". Mục đích cao nhất cho công tác phụ nữ trong thời gian tới được nêu ra trong Chỉ thị số 21-CT/TW là "xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện".
Vậy, thế nào là "Người phụ nữ phát triển toàn diện"? Theo Nghị quyết 11/NQ/TW từ năm 2007 thì đó là người phụ nữ "được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; có việc làm, được cải thiện rõ rệt về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực; đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình".
Như vậy, có thể hiểu "phụ nữ phát triển toàn diện" là những người có tri thức và khả năng tư duy, hành động độc lập; có việc làm và thu nhập ổn định để tự lập về cuộc sống; quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng và có khả năng tham gia các "công việc xã hội". Nhờ được phát triển toàn diện, phụ nữ có thể thích ứng thành công với bối cảnh hiện nay, qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách về vị thế xã hội so với nam giới.
Người phụ nữ phát triển toàn diện, có bản sắc, hẳn nhiên cũng ý thức rằng cuộc sống của mình và vị thế của mình trong xã hội trước hết phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng tự vươn lên của bản thân. Thoát ra khỏi tâm thế "phái yếu" chính là cách phụ nữ tự vượt lên chính mình, để khẳng định bản thân, làm việc và cống hiến, tạo ra giá trị mới, qua đó từng bước gia tăng vị thế trong xã hội.
Chỉ thị số 21-CT/TW (năm 2018) đã nêu ra hàng loạt các định hướng chính sách, vốn đã được thực hiện trong những năm vừa qua, nhằm thúc đẩy những thay đổi tích cực về vị thế xã hội của phụ nữ. Đáng chú ý nhất là tiếp tục hoàn thiện điều kiện thể chế để bảo đảm bình đẳng giới, và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các nhóm phụ nữ yếu thế tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ phải chuyển đổi nghề nghiệp, phụ nữ di cư, đồng thời khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các mô hình sản xuất, kinh doanh…
Theo các nhà xã hội học, vị thế xã hội của cá nhân hay nhóm không chỉ phản ánh chỗ đứng của cá nhân, nhóm trong cấu trúc tổ chức, cộng đồng, và trên bình diện toàn xã hội, mà còn cho thấy mức độ thừa nhận từ phía các thành viên trong nhóm, cộng đồng, xã hội đối với vai trò, thể hiện qua những giá trị mà họ đóng góp.
Như vậy, vị thế xã hội của phụ nữ phụ thuộc vào mức độ đáp ứng các kỳ vọng vai trò, được đo lường thông qua khả năng đóng góp cho xã hội. Cũng có nghĩa, để thay đổi vị thế xã hội hiện nay, bên cạnh các hình thức hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng, phụ nữ cũng cần ý thức tự vươn lên mạnh mẽ. Phát triển toàn diện để khẳng định được bản thân trong phạm vi gia đình và có đóng góp trên quy mô cộng đồng là những điều kiện then chốt nhất có thể thúc đẩy sự cải thiện vị thế xã hội của phụ nữ.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!