Tâm điểm
Nguyễn Hoàng Ánh

Đằng sau tranh luận về trang phục nữ sinh

Gần đây trên báo chí và mạng xã hội đang có cuộc tranh luận về quan điểm nữ sinh mặc như thế nào là đẹp, và phụ nữ có cần quan tâm đến quan điểm của nam giới hay không? Những tranh cãi này có thể không bao giờ đi đến hồi kết nếu ta không hiểu bản chất của vấn đề.

Trước khi đi vào cụ thể, cũng cần nói rằng chủ đề trang phục của nữ sinh ở Việt Nam đã và đang được quan tâm, gõ từ khóa "nữ sinh mặc váy ngắn" vào google ta sẽ thu được 10,5 triệu kết quả chỉ trong 0,36 giây; còn nếu từ khóa là "nữ sinh mặc áo dài" thì kết quả lên đến hơn 36 triệu!

Những quy định về trang phục (tiếng Anh là dress code) phổ biến trên toàn thế giới và cũng lâu đời như chính quần áo. Quy định về trang phục là một bộ quy tắc, thường được viết ra và có liên quan đến loại quần áo mà các nhóm người phải mặc, như quan lại, nhà buôn hay học trò.

Đằng sau tranh luận về trang phục nữ sinh - 1

Các nữ sinh tham dự cuộc thi "Tìm kiếm gương mặt nữ sinh áo dài 2017" tại TPHCM (Ảnh minh họa: Lê Đăng Đạt)

Quy định về trang phục được tạo ra dựa trên nhận thức và chuẩn mực xã hội, đồng thời thay đổi tùy theo mục đích, bối cảnh và sự kiện, ví dụ như trang phục đi dự tiệc, đi làm hay đi học... Các xã hội và nền văn hóa khác nhau có thể có quy định về trang phục khác nhau. Ở hầu hết các quốc gia, trang phục của phụ nữ luôn được quy định chặt chẽ hơn nam giới, người trẻ sẽ chặt chẽ hơn người lớn tuổi; điển hình như niqab của phụ nữ Hồi giáo, hoàn toàn che kín cả mặt, chỉ hở có đôi mắt!

Quy định về trang phục là không chỉ là một phần của văn hóa, nó còn mang tính biểu tượng của thời đại. Trong nhiều thế kỷ, quần áo là biểu tượng cho địa vị của người mặc và thời trang có thể trở thành một vũ khí trong cuộc đấu tranh thay đổi xã hội.

Ví dụ những năm 60 ở phương Tây, những người hippie đã hoàn toàn quay lưng lại với những chuẩn mực lâu đời về trang phục nơi đây và ăn mặc hết sức phá cách để thể hiện ý chí muốn thay đổi xã hội của họ. Cũng vì vậy, quy định về trang phục cũng có thể là một vũ khí chính trị, như phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do cụ Lương Văn Can khởi xướng đã đả phá nam giới mặc áo tứ thân như một biểu tượng của sự cổ hủ; hay vua Minh Mạng cấm phụ nữ miền Bắc mặc váy mà bắt mặc quần như phụ nữ Đàng Trong để xóa tàn dư văn hóa thời nhà Lê.

Khi xã hội phát triển, những quy định về trang phục sẽ thay đổi theo, như chiếc váy dài tha thướt bó sát của Scarlet O'Hara cuối thế kỷ thứ 19 từng được coi là chuẩn mực của vẻ đẹp cũng dần bị thay thế bởi những trang phục đơn giản, ít gò bó hơn khi phụ nữ giành được nhiều sự tự do hơn. Vì thế những tranh cãi xung quanh trang phục của nữ sinh mà chúng ta thấy vừa qua, cũng phần nào phản ánh văn hóa và trình độ phát triển của Việt Nam.

Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới cũng có những tranh cãi về trang phục của nữ sinh. Cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết các trường danh tiếng trên thế giới đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Tuy nhiên khi phong trào giải phóng cá nhân trở lên phổ biến, trang phục trở thành một cách để thể hiện bản sắc nên việc quy định mặc đồng phục không trở thành bắt buộc mà chỉ áp dụng trong một số ngày lễ mà thôi.

Hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài trắng trên đường phố ở các đô thị lớn Bắc - Trung - Nam đã trở thành một dấu ấn đẹp cho tất cả những người sống qua thời đấy. Nhưng xã hội đã thay đổi, cuộc sống công nghiệp hóa với những phương tiện giao thông phức tạp không còn phù hợp với trang phục áo dài.

Sau rất nhiều những tranh cãi về những bất tiện, thậm chí nguy hiểm khi yêu cầu nữ sinh mặc áo dài, hầu hết các trường học cũng đã phải bãi bỏ và chỉ yêu cầu mặc trong ngày lễ. Một số trường học nhất là những trường liên kết quốc tế chuyển sang đồng phục váy ngắn cho nữ sinh nhưng cũng còn hạn chế vì chưa được xã hội chấp nhận. Trang phục đến trường chính là một phần trong văn hóa giáo dục. Làm sao để chọn một trang phục vừa đẹp, phù hợp với khí hậu và tiện lợi cho cuộc sống của các em là một chủ đề cần nhiều nhà nghiên cứu về thời trang, thẩm mỹ quan tâm.

Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Nhật bản, nữ sinh được yêu cầu mặc đồng phục là váy midi (một loại váy có chiều dài đến giữa bắp chân) và áo sơ mi; nam sinh mặc quần short hoặc quần dài với áo sơ mi. Trang phục như vậy khá thuận tiện cho cuộc sống và cũng phù hợp với xu thế của thời đại. Vào các dịp lễ tết học sinh có thể mặc trang phục truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa.

Những trường học chưa có yêu cầu về đồng phục có thể đưa ra một số yêu cầu về trang phục cho học sinh, ví dụ như mặc quần dài màu sẫm, áo sơ mi hay áo chui đầu có cổ, mùa hè có thể mặc váy hay quần short midi (tức là đến đầu gối). Trang phục của học sinh nên kín đáo, đơn giản để thuận tiện cho việc học tập và tạo sự bình đẳng giữa các học sinh với nhau.

Tuy nhiên những quy định này không nên quá chặt chẽ. Học sinh tuổi còn trẻ sẽ không thích bị gò bó và những quy định về trang phục thường rất cảm tính, nên nếu khắt khe quá chính nhà trường cũng có thể rơi vào những trường hợp lúng túng như câu chuyện dưới đây.

Ở một trường đại học nọ, thầy hiệu trưởng mới về nhậm chức nghe phàn nàn nữ sinh mặc "thoáng" quá nên trong một buổi họp đã đề xuất nên đưa quy định cấm nữ sinh mặc váy cao hơn đầu gối 10cm đến trường! Một nữ giáo viên liền hỏi hiệu trưởng là: "Thưa thầy, 10cm này xác định theo tư thế nào, khi nữ sinh đứng thẳng hay khi ngồi và quan trọng là AI ĐO? Như tôi là xin phép không ngồi xổm dưới chân sinh viên để đo được đâu, nam giáo viên càng không được"! Hiệu trưởng cũng chịu, không trả lời được, thế là quy định ấy không bao giờ được thực thi mà chỉ là nhắc nhở thôi.

Mong các nhà giáo dục nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những lựa chọn hợp lý, làm đẹp thêm cho giáo dục Việt Nam, và rất mong các cơ quan truyền thông không cổ vũ cho những tư tưởng bất bình đẳng giới kiểu "phụ nữ mặc gì thì đàn ông thấy đẹp" nữa. Xã hội đẹp là xã hội cổ vũ sự bình đẳng và tự do phát huy của mỗi con người, mà trang phục là một ví dụ điển hình.

Tác giả: Bà Nguyễn Hoàng Ánh là PGS.TS ngành Kinh tế Quốc tế, người đã có hơn 30 năm công tác trong các trường Đại học ở nhiều nước. Bà được biết đến là một cây bút sắc sảo về giáo dục, gia đình và bình đẳng giới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!