Thư viện nhiều, người đọc sách ít
Một bảng xếp hạng gần đây được nhiều người chia sẻ trên Facebook đưa ra số liệu rằng, Việt Nam là quốc gia với số lượng thư viện công nhiều nhất Đông Nam Á, gần gấp 3 lần quốc gia ở vị trí số 2 là Thái Lan (số liệu từ Mạng lưới thư viện toàn cầu). Đây là một bảng thành tích đáng mừng. Thư viện là một yếu tố quan trọng trong văn hóa đọc.
Ngoài những lúc ở nhà, tôi dành phần lớn thời gian tại thư viện trường đại học bên Mỹ. Chỉ khoảng một nửa thời gian ở thư viện tôi dành cho việc học; phần còn lại để khám phá nguồn học liệu đồ sộ trong thư viện. Nếu chất lượng giáo dục là một niềm tự hào của nước Mỹ, hệ thống thư viện là "khung xương sống" vững chắc nâng đỡ cả nền giáo dục.
Thỉnh thoảng ngồi trong thư viện, tôi nhớ lại những "thư viện" từng lướt qua suốt quãng đời đi học ở Việt Nam: Là những căn phòng nhỏ quanh năm cửa đóng then cài ở trường tiểu học hay trường trung học, rất ít khi đám học sinh chúng tôi có thể mượn được gì từ đó. Thư viện trường đại học hữu dụng hơn, nhưng cũng chủ yếu dùng để học với số lượng đầu sách ít ỏi. Bạn bè tôi, có nhiều người chưa từng bước chân vào cửa thư viện ở Việt Nam.
Nhìn vào số lượng thư viện công cộng "lớn nhất Đông Nam Á", niềm vui của tôi đi kèm với nỗi băn khoăn khi so với thực tế về tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam. Kết quả của một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách rất ít. Trung bình người Việt Nam đọc 1 giờ/1 tuần và thụ hưởng khoảng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm (trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa). Tỷ lệ này ở Malaysia là 12 cuốn sách/năm/người.
Số liệu từ năm 2016 có thể không còn chính xác nhưng từ đó đến nay, không năm nào báo chí không than thở về câu chuyện người Việt lười đọc sách.
Nâng cao văn hóa đọc đồng nghĩa với việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó theo tôi có ba vấn đề cụ thể nêu trên: Không gian đọc và khả năng tiếp cận sách, xây dựng thói quen đọc sách, phát triển thị trường sách cả về số lượng và chất lượng.
Phát triển các thư viện có thể giải quyết được bài toán số một. Thư viện không phải không gian chỉ mang tính chất biểu trưng mà cần thực sự được vận hành một cách bài bản. Tại Mỹ, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy thư viện công ở khắp các thành phố, từ nhỏ tới lớn. Khuyến đọc được thể hiện qua những hoạt động cụ thể: Thư viện mở cửa cho mọi đối tượng đọc sách tại chỗ, làm thẻ mượn sách dễ dàng, số lượng sách trong thư viện đồ sộ và luôn được cập nhật. Với thư viện ở trường đại học, chúng tôi có thể sử dụng hệ thống interlibrary loan (tạm dịch: Hệ thống mượn sách xuyên thư viện) để mượn sách từ thư viện trường khác, đảm bảo sinh viên có thể tiếp cận với hầu hết mọi cuốn sách.
Đọc sách và tiếp cận sách không phải "đặc quyền" của giới trí thức. Các thư viện công cộng tạo điều kiện để mỗi người dân, bất kể tầng lớp hay điều kiện kinh tế đều có thể tiếp cận với việc đọc sách miễn phí.
Tại Việt Nam, giá thành sách không hề rẻ là một trở ngại cho người đọc trong khi hệ thống thư viện còn nhiều hạn chế. Nhiều cuốn sách dịch được các nhà xuất bản đội giá vài trăm nghìn là chuyện không còn hiếm gặp. Tôi vẫn thường so sánh vui việc nếu tôi đi ăn một bát phở ở Mỹ, số tiền tôi bỏ ra rơi vào khoảng 15-16 USD tương đương với một cuốn sách đâu đó cỡ 200-400 trang. Một bát phở tương tự có giá 50.000 - 70.000 VNĐ ở Việt Nam không đủ để mua một cuốn sách dịch tương tự. Tất nhiên, so sánh như vậy chỉ mang tính tương đối nhưng từ góc nhìn của một người tiêu dùng, tôi có thể cảm nhận được thị trường sách đắt đỏ hơn.
Xây dựng thói quen đọc sách trong mỗi gia đình và nhà trường có thể giải quyết bài toán số hai. Chúng ta phải chấp nhận rằng, công nghệ sẽ khó có thể bị thay thể và điều gia đình, nhà trường cần làm là cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ của trẻ và thời gian đọc sách. Với thế hệ chúng tôi, sách là một trong những phương tiện giải trí duy nhất, nhưng điều này đã không còn đúng với thế hệ trẻ ngày nay khi các em có thể tiếp cận với hàng loạt phương tiện nghe nhìn khác nhau.
Khi còn làm ở trường học, tôi nghe nhiều phụ huynh than thở về việc con lười đọc sách nhưng khi tôi hỏi lại lần cuối cùng anh chị đọc sách là khi nào, nhiều phụ huynh lúng túng không thể trả lời. Muốn xây dựng thói quen đọc sách cho con trẻ, trước nhất phải xây dựng thói quen đọc sách cho cha mẹ. Trẻ con có xu hướng bắt chước cha mẹ. Phụ huynh không thể bắt con ngồi vào bàn đọc sách khi mỗi tối đều cắm cúi với điện thoại. Một nghiên cứu tại Mỹ được thực hiện vào năm 2013 cho thấy, với những trẻ em thường xuyên đọc sách, 57% phụ huynh sẽ đặt ra một khoảng thời gian đọc sách mỗi ngày cho trẻ. Với những trẻ em không đọc sách thường xuyên, con số phụ huynh dành khung thời gian đọc sách cho các em chỉ là 16%.
Với bài toán số ba, muốn văn hóa đọc phát triển, thị trường sách cần phong phú và chất lượng. Thoạt nhìn, với số lượng sách xuất bản hàng năm vẫn lớn, nhiều người cho rằng thị trường sách Việt Nam cũng đa dạng. Hãy làm một phép thử đơn giản: Bạn có thể kể tên bao nhiêu tác giả sách Việt Nam? Có cuốn sách văn học trong nước nào nổi bật trong những năm vừa qua? Bên cạnh văn học, có bao nhiêu cuốn sách non-fiction (phi hư cấu) ra đời từ các tác giả trong nước? Số lượng sách ngoại văn dịch ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, số lượng tác giả trong nước lại càng ít ỏi, chưa kể tới việc thị trường đôi khi bị "đầu độc" bởi những cuốn sách kém chất lượng, gây phẫn nộ trong xã hội. Đơn cử vừa qua sách của hot TikToker Tun Phạm đã bị kêu gọi tẩy chay vì hạ thấp phụ nữ.
Biên lợi nhuận của các công ty sách không lớn; nhiều công ty nhận thêm việc làm sách cho các tác giả trẻ sẵn sàng bỏ tiền để xuất bản sách, chủ yếu để đánh bóng tên tuổi. Các công ty sách hiểu rằng họ không thể quá khắt khe với những tác giả không chuyên này nhưng cũng vì thế làm ảnh hưởng tới thị trường sách.
Ba bài toán trên là những câu chuyện thực tế và cụ thể, tôi muốn chia sẻ nhân dịp ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam sắp tới (21/4). Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Câu nói ấy chưa bao giờ sai dù trong bất cứ thời đại nào. Ngạn ngữ châu Phi nói rằng để nuôi dạy một đứa trẻ cần cả một ngôi làng. Để hiền tài trở thành nguyên khí cho quốc gia, cần nhiều hơn việc đọc 1 cuốn sách/1 năm.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!