Cú hích cho thói quen đọc sách của người Việt
Cách trường Tiểu học Cam Thanh (Cam Lộ, Quảng Trị) chừng 100m có một ngôi nhà cấp 4 rộng 80 mét vuông. Cửa vào được gắn tấm biển Thư viện Khai Trí. Người sáng lập Thư viện Khai Trí là anh Nguyễn Văn Khôi, biên tập viên của Nhà xuất bản Thanh Niên.
Thư viện Khai Trí khai trương hoạt động từ tháng 10 năm 2018, đến nay đã được gần 4 năm. Hầu hết sách trong Thư viện được quyên góp từ bạn hữu của anh Khôi trên mạng xã hội. Phần lớn là bạn hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh, có những bạn khác ở Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Trị. Cũng có những bạn hữu là Việt kiều ở Mỹ, Nhật,... gửi tiền nhờ anh Khôi mua sách bổ sung vào giá sách thư viện. Đến nay đã có gần 80 bạn hữu tặng sách cho Thư viện Khai Trí, có người đã quyên tặng đến đợt thứ tư. Thư viện có khoảng 130 đến 150 lượt bạn đọc mỗi tháng, chủ yếu là học trò trường Cam Thanh ở gần đó và người trong làng.
Thư viện mở cửa các ngày trong tuần, trừ thứ Bảy. Thủ thư phục vụ sách đọc miễn phí. Hằng tháng, qua số liệu ghi chép của thủ thư, Thư viện Khai Trí trao tặng giải thưởng "Bạn đọc thân thiết".
Một người nhận giải thưởng nổi bật là cháu Hồ Trần Thúy Nga, sinh năm 2009, ở làng An Bình (Cam Thanh, Cam Lộ, Quảng Trị). Trong tháng 6 năm 2020, cháu Nga có 9 ngày đến đọc sách tại Thư viện và cũng trong tháng đó cháu mượn 49 cuốn sách về đọc ở nhà. Cháu nhận được quà tặng là một chiếc bút bi cao cấp cùng 5 cuốn sách mới.
Anh Khôi nói với tôi: Tình yêu sách của các cháu là vô bờ bến. Chỉ cần chúng ta biết cách đánh thức, khơi gợi. Câu chuyện về Thư viện Khai Trí ở Cam Thanh của anh Khôi nói lên rất nhiều điều về sách và đọc sách hiện nay.
Ngày 4 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1862/ QĐ -TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tháng 4 năm nay, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra rầm rộ, rộng khắp trên cả nước. Sau 2 năm dịch bệnh, sau 1 năm trầm lắng của thị trường xuất bản, những hoạt động đó đã mang đến nhiều điều tích cực cho xã hội, khiến những người yêu sách thêm phấn chấn.
Trong đời, tôi đã gặp những người chưa từng đọc một trang sách. Cũng có người biết chữ nhưng thứ họ đọc thường chỉ là mấy hàng phụ đề ở máy hát karaoke. Trong thế giới bao la này, số người không hề đọc sách vẫn sống, vẫn giàu, vẫn có địa vị chắc cũng không ít. Chuyện này cũng là bình thường thôi.
Nhưng một người muốn hiểu biết, muốn trưởng thành, muốn được tôn trọng, một quốc gia muốn trở nên hùng cường, không thể nào không quan tâm đến sách và đọc sách. Khi suy nghĩ đến điều đó, chúng ta không khỏi lo âu trước con số thống kê rằng tính trung bình mỗi năm (không kể sách giáo khoa) mỗi người Việt Nam chỉ đọc 1 cuốn sách.
Năm 2021, doanh thu toàn ngành xuất bản Việt Nam chỉ khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng ngành sách ở Việt Nam rất chậm. Những con số đó rất khiêm tốn khi so sánh ngay cả với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan,... và không thể so sánh được với các quốc gia phát triển.
Anh Khôi vốn là cậu học trò nghèo ra đi từ vùng quê này, trở thành học sinh chuyên Văn tỉnh Bình Trị Thiên, sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành phóng viên với nhiều phóng sự nổi tiếng dưới bút danh Nguyễn Linh Giang, rồi cuối sự nghiệp rẽ sang công việc làm sách.
Trong trận lụt lịch sử vào tháng 10 năm 2020, Thư viện Khai Trí ngập sâu 1,8m. Số sách trên giá lúc đó là 6.500 cuốn, sau lụt, nhiều người giúp anh cứu được 1.000 cuốn. Những đợt quyên tặng sách sau đó đã nâng số lượng sách trong Thư viện lên 9.000 cuốn. Một số nhà hảo tâm đang quyên góp để giúp anh xây thêm một gác nhỏ để phòng lũ lụt sau này.
Ra đi và trưởng thành từ cậu học trò nghèo trường làng, hơn ai hết, anh Khôi hiểu ý nghĩa giá trị mà sách và đọc sách mang lại. Trước đây là cho chính anh và bây giờ là cho những đứa trẻ ở ngôi làng vẫn còn rất nghèo quê anh. Và không chỉ riêng anh Khôi, một doanh nhân điều hành doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 hơn 10 ngàn tỷ đồng có lần nói với tôi rằng: Thế hệ tôi có được đi đâu xa đâu. Tất cả những hiểu biết về thế giới cũng như ngành công nghiệp tôi đang làm, tôi có được là nhờ đọc sách. Doanh nhân, doanh nghiệp nào muốn chuyển đổi, muốn phát triển vượt lên, đều có nhu cầu tìm kiếm tri thức mới qua sách, nơi tri thức nhân loại được chắt lọc, đóng gói theo những cách phù hợp.
Từ cú hích tích cực của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất mang lại, chúng ta hy vọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thói quen đọc sách, coi trọng việc thu nhận tri thức được đóng gói và thẩm định. Thấu suốt quan điểm tri thức là sức mạnh, trang sách tốt, cuốn sách hay sẽ giúp cá nhân chuyển nghiệp, giúp quốc gia đi tới thịnh vượng.
Ngày càng có thêm nhiều những cá nhân như anh Khôi và mô hình Thư viện cộng đồng. Nhưng trong hành trình gắn liền công cuộc chấn hưng văn hóa, đào tạo phát triển nhân lực cho khát vọng 2045 này, chỉ những hoạt động mang tính bề nổi hoặc nhỏ bé thầm lặng là không thể đủ.
Có lần một người Việt, dạy học nhiều năm ở Nhật Bản trở về nước lập nghiệp lâu dài hỏi tôi: Em làm báo cho học trò. Em có lý giải vì sao trường học nơi anh từng dạy không đặt ra các danh hiệu xuất sắc, toàn diện, tiên tiến để khen thưởng. Nhưng học trò nhìn chung rất nỗ lực chăm chỉ. Còn chúng ta có đủ danh hiệu động viên, biểu dương, tuyên dương, nhưng vẫn còn nhiều em chán học, lười học. Có phải đó là do giáo viên chúng ta chưa giỏi, chưa tâm huyết không?
Tôi mạo muội nói với anh rằng câu hỏi của anh là về giáo dục, nhưng câu trả lời thì không phải chỉ nằm ở giáo dục hay giáo viên. Nó nằm ở cam kết mạch lạc của xã hội, sự rõ ràng trong phân chia thang bậc giá trị con người. Bất cứ ai, nếu giỏi giang, chắc chắn sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Tự điều đó sẽ thúc đẩy nỗ lực, chăm chỉ trong mỗi học trò.
Tri thức được tôn trọng trong cuộc sống hằng ngày, trong mỗi văn bản được soạn thảo, thậm chí trên cả dòng chữ in trên cổng bơm hơi lối vào phố sách. Những người hiểu biết thực sự, có kiến văn và tâm hồn trong lặng, có lương tri dẫn dắt chắc chắn được tôn trọng và có chỗ đứng xứng đáng. Những điều đó hiển nhiên sẽ tạo ra động lực nội sinh trong mỗi người, khiến họ chủ động tìm đến tri thức, đến sách vở. Điều đó sẽ có vai trò đóng góp thực sự, khiến giấc mơ về sách và văn hóa đọc được hiện thực hóa tương xứng kỳ vọng của mỗi người Việt chúng ta.
Tác giả: Ông Lê Thanh Hà nguyên là Phó tổng biên tập báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò; viết cho mục Trò chuyện đầu tuần trên Tuần san Hoa Học Trò từ năm 2008. Hiện ông Hà là Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh niên.