Sách giáo khoa miễn phí, được không?
Báo chí đưa tin Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo chương trình mới.
Từ nội dung Đoàn giám sát thông tin, có thể thấy những điều đáng tiếc đã xảy ra sau khi người dân sử dụng các bộ sách giáo khoa mới cho con em học hành.
Thứ nhất, có thể thấy từ khi đưa sách giáo khoa mới vào dùng thì người dân phải trả nhiều tiền hơn, khi giá sách mới tăng từ 2-4 lần so với sách giáo khoa cũ.
Trong khi đó, chỉ nhìn vào mức phí chiết khấu cũng đã thấy rất cao rồi. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020 - 2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.
Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Thứ hai, nhìn vào các chi phí khác, thì có thể đặt câu hỏi vì sao sách giáo khoa in với số lượng cực lớn, nhiều triệu bản, mà giá lại cao so với mặt bằng giá sách bán trên thị trường như vậy.
Hầu hết các bản sách bình thường chỉ in được chừng vài ngàn cuốn hay nhiều thì 10.000 cuốn, song lại có mức giá rất cạnh tranh kèm các chương trình khuyến mãi; thậm chí họ còn giảm giá 20-30% cho người mua ngay từ khi sách mới in ra bán. Điều này ai hay vào hiệu sách hay mua sách online thì sẽ rõ.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị thanh tra toàn diện nội dung nêu trên. Đây chắc chắn là một động thái được người dân hoan nghênh, bởi vì minh bạch về sách giáo khoa, từ khâu soạn sách, phát hành, cho tới chi phí là một điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay ở nước ta. Nhất là khi Việt Nam có tới 23 triệu học sinh, sử dụng sách giáo khoa hàng năm (số thống kê từ niên học 2022-2023).
Nhưng cũng nhân đây, tôi thử đặt ra một câu hỏi, là vì sao chúng ta không thể quay trở lại thời kỳ trước: Sách giáo khoa được miễn phí dưới hình thức cho mượn hoặc cho thuê với giá rất thấp. Những năm đất nước còn chiến tranh và thời kỳ bao cấp gian khó, tôi còn nhớ rõ đi học không phải lo mua sách giáo khoa mà thường là lên thư viện trường mượn về.
Nhiều thế hệ học sinh ở ta đã được hưởng lợi từ chủ trương trên, khi sách giáo khoa được cung cấp miễn phí, qua quản lý của thư viện các trường phổ thông và cho học sinh mượn lại qua nhiều thế hệ. Khi cần thì sách giáo khoa sẽ được chỉnh lý, sửa đổi và lại tiếp tục cho học sinh mượn miễn phí như thế.
Từ 1987 thì chúng ta mới thực hiện giá bán sách giáo khoa theo giá hạch toán không bù lỗ và dần theo cơ chế thị trường như hiện nay.
Thực ra cách làm mà ngành giáo dục ta đã từng làm nhiều năm về trước, cho mượn hoặc cho thuê sách giáo khoa với giá do Nhà nước hỗ trợ, là cách mà các nước phát triển trên thế giới đều làm. Ví dụ sách giáo khoa hiện nay hoàn toàn miễn phí ở Mỹ, EU, Australia, Canada, Nga… Tại châu Á có các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Myanmar cũng hoàn toàn miễn phí.
Trong trường hợp giả định có khó khăn về ngân sách, hay muốn cập nhật thông tin trên sách giáo khoa nhiều hơn, thì có thể dùng giải pháp cho thuê sách giáo khoa giá rẻ cho học sinh sử dụng.
Nếu biến vấn đề sách giáo khoa thành một phần của phúc lợi xã hội mà ngân sách từ thuế dân đem phục vụ cho dân, thì mọi vấn đề tiêu cực xảy ra quanh sách giáo khoa, đặc biệt liên quan tới tiền bạc sẽ có thể giảm thiểu.
Còn nếu chưa làm được như vậy thì rõ ràng các cơ quan quản lý phải tạo ra một cách thức, một quy trình minh bạch cho toàn bộ việc này. Cụ thể là minh bạch từ xây dựng chương trình môn học, đề cương môn học, chọn tác giả sách giáo khoa, biên soạn, biên tập, thẩm định, cho đến áp dụng thí điểm, phê chuẩn, định giá, phát hành, quản lý và sử dụng sách giáo khoa.
Bởi vì dù thế nào thì chính sách về sách giáo khoa của từng nước cũng nên đáp ứng được 3 tiêu chí mà UNESCO từng đưa ra từ 2014 nhằm giúp mọi học sinh được tiếp cận bình đẳng với sách giáo khoa chất lượng.
Theo đó, một là nguyên tắc tiếp cận: Bảo đảm mọi học sinh có sách giáo khoa, được sử dụng sách giáo khoa miễn phí hoặc với giá phải chăng;
Hai là nguyên tắc chất lượng: Sách giáo khoa phải đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục cùng các nhu cầu của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học;
Và cuối cùng là nguyên tắc hiệu quả: Sách giáo khoa phải đóng góp vào sự hình thành con người với những phẩm chất mong muốn, bao gồm tinh thần công dân toàn cầu, tinh thần vì sự phát triển bền vững.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Chị là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!