Phạt đọc sách sẽ hết bạo lực học đường?
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp (TPHCM) vừa đưa ra cách phạt khá "lạ" với 7 nữ sinh tham gia một vụ đánh nhau. Đó là các em bị phạt… đọc sách thay vì đình chỉ học tập.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, cho biết đọc sách dưới sự giám sát của thầy cô là một hình thức giáo dục, uốn nắn.
Trong hai tuần, vào giờ ra chơi buổi sáng và chiều, những em này phải đến thư viện trường đọc sách, nhất là các đầu sách về đạo đức, dưới sự giám sát của thầy cô. Đọc xong, các em ghi lại cảm nhận rồi từng em đứng trước trường chia sẻ về bài học rút ra. Ngoài ra, bốn nữ sinh đánh bạn và quay, chia sẻ video bị xếp hạnh kiểm yếu trong học kỳ I. Trong số này, có một học sinh sắp chuyển trường, hồ sơ kỷ luật sẽ chuyển sang trường mới. Nữ sinh bị đánh và hai em đứng canh cửa, quay video bị xếp loại chưa đạt rèn luyện trong học kỳ I.
Ngay khi đọc được thông tin trên, tôi đã rất hào hứng vì từ lâu tôi vẫn phản đối việc đình chỉ học với học sinh tham gia bạo lực học đường. Trong thực tế với ba hình thức kỷ luật mà ngành Giáo dục đưa ra là Nhắc nhở, Khiển trách và Đình chỉ học tập có thời hạn, đều không thay đổi được vấn nạn bạo lực học đường những năm qua.
Lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. "Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", vị lãnh đạo nói.
Trong bối cảnh trên, việc phạt các em bằng hình thức đọc sách liệu sẽ có tác dụng đến đâu? Tôi mang câu hỏi này đến gặp con trai tôi, cậu bé 17 tuổi - một đứa trẻ đang đi học và rất có thể trở thành nạn nhân (hoặc là thủ phạm - đồng phạm) của bạo lực học đường. Sở dĩ tôi trò chuyện với cậu ta vì tôi muốn nghe chính ý kiến của "đối tượng thụ hưởng và liên quan" đến hình thức kỷ luật "đọc sách".
Tôi đã bất ngờ khi nghe cậu bé nói rằng: "Phạt lũ trẻ tham gia bạo lực học đường bằng việc bắt đọc sách trong 2 tuần là một hành vi bạo lực với sách, bất công với sách và có thể khiến những đứa trẻ thích đọc sách bị tổn thương".
Tôi hơi khựng lại khi nghe con trai mình nói, nhưng suy nghĩ một lúc thì tôi hiểu cảm xúc và chia sẻ của nó, vì tôi cũng từng là đứa trẻ mê đọc sách, thèm đọc sách. Nếu như đọc sách trở thành một hình thức kỷ luật thì chắc tôi hồi bé sẽ tìm mọi cách phạm lỗi để được đọc sách. Tất nhiên, trừ việc còn bị hạ hạnh kiểm.
Đúng là đọc sách có thể giúp thay đổi tâm tính của con người. Đọc sách giúp trẻ kiên nhẫn, mở mang đầu óc và (có thể) hiểu bạo lực không phải cách giải quyết duy nhất trong cuộc sống. Đọc sách giúp chúng ta thấu hiểu nhiều hơn, nhìn thế giới này rộng hơn, xa hơn, sâu hơn để lý giải được nhiều điều thay vì cạn nghĩ và hành động nông nổi, bộc phát. Nhưng đó vẫn chỉ là lợi ích của việc đọc sách với người thích đọc sách - tôi nhấn mạnh là "người thích đọc sách", và đọc được đúng cuốn sách cần đọc.
Vậy nên đọc sách trong "hoàn cảnh bắt buộc" thì có giúp những đứa trẻ kia không còn tái phạm? Đặc biệt là phạt như vậy liệu có thể răn đe được những đứa trẻ khác sẽ không sử dụng bạo lực nữa?
Một hình thức kỷ luật phải bao gồm 2 yếu tố: Một là khiến người phạm lỗi phải nhận thức được lỗi của mình để không tái phạm. Hai là làm gương, khiến những người có ý định phạm lỗi phải dừng lại, biết sợ bị kỷ luật mà không làm.
Nhắc nhở, khiển trách, đình chỉ học tập có thời hạn có thể đạt được yếu tố một, nhưng không làm được yếu tố thứ hai. Bằng chứng là con số bạo lực học đường vẫn tăng. Vậy nên đọc sách cũng vậy. Cùng lắm hình thức này chỉ nhắm vào những học trò sợ đọc sách. Một đứa trẻ đọc một cuốn sách do ép buộc sẽ giống như nhồi nhét vào đầu em những con chữ. Đứa trẻ có thể thuộc làu làu cuốn sách đó nhưng chẳng hiểu những gì cuốn sách ấy viết. Bởi đầu óc trẻ chỉ như "chiếc máy photocopy lại những trang sách" chứ không thấm ngữ nghĩa của chữ.
Về bạo lực học đường, lâu nay tôi vẫn phản đối giải pháp đình chỉ học tập có thời hạn. Không thể xử lý một đứa trẻ hư bằng việc "quẳng" nó về cho gia đình dạy dỗ 2 tuần. Bởi nếu gia đình dạy dỗ được, đứa trẻ đó đã chẳng hành động như thế, đánh bạn, quay clip, cổ vũ đua xe, hút thuốc lá điện tử…
Nhà trường không thể từ chối trách nhiệm giáo dục trẻ và tìm ra cách để xây dựng nhân cách, định hình nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật… Bởi đó luôn là nhiệm vụ của nhà trường, của giáo dục. Đó cũng là ý nghĩa, mong muốn của việc cha mẹ cho con đến trường.
Trong lúc chúng ta chưa nghĩ ra hình thức kỷ luật nào khả thi hơn, tôi nghĩ việc phạt đọc sách trong 2 tuần vẫn có thể áp dụng song cần kết hợp với các hoạt động khác. Nghĩa là trong hai tuần đó, đọc sách chỉ là một hoạt động trong rất nhiều hoạt động khác nữa nhằm giúp trẻ hiểu mình đã sai và mình đang trong hành trình sửa chữa.
Tôi mạo muội đề xuất lịch trình 2 tuần của một học sinh phạm lỗi bạo lực học đường như sau:
- Vẫn đi học như bình thường để đảm bảo không bị đứt gãy kiến thức học của 2 tuần đó. Nếu nhà trường có điều kiện, hãy xếp lớp học riêng cho những đứa trẻ phạm quy để có những giáo viên đủ yêu thương học sinh trực tiếp quan tâm, lắng nghe và hiểu vì sao đứa trẻ đó phạm quy. Có thương mới có tìm hiểu, có hiểu rồi mới có thương đúng.
- Trẻ được đọc sách, tham gia thảo luận về cuốn sách chúng được đọc. Là tham gia thảo luận thay vì viết bài cảm nhận hay đọc trước toàn trường. Thầy cô cũng là những chuyên gia sư phạm nên sẽ hiểu được lũ trẻ thực sự nghĩ gì và giúp trẻ nghĩ đúng.
- Trẻ sẽ tham gia các hoạt động khác như dọn vệ sinh cùng các bác lao công, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường, đi thăm và làm công tác xã hội nếu như trường có hoạt động đó. Việc một đứa trẻ học cách giúp đỡ mọi người sẽ giúp chúng "mềm ra", giúp trẻ biết thấu cảm với những hoàn cảnh khó khăn hơn chúng. Và quan trọng nhất: Lao động. Chỉ có lao động mới giúp trẻ trưởng thành hơn.
- Lâu dài hơn, lũ trẻ cần trở thành những chuyên gia trong việc bảo vệ môi trường học đường không bạo lực. Là chính đứa trẻ đã tham gia bạo lực học đường sẽ phải trở thành những người chống bạo lực học đường mạnh mẽ nhất. Bằng chính câu chuyện của mình. Hãy trao quyền và trách nhiệm cho những đứa trẻ đó. Cho dẫu có thể nó cũng là một hình thức kỷ luật kéo dài nhưng nó sẽ tạo ra giá trị. Một đứa trẻ biết mình đang tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời, nó sẽ trưởng thành rất nhanh.
Tôi mạo muội đề xuất vậy dù biết rằng có thể nó sẽ lại trôi tuột đi như hàng trăm bài báo hiến kế xử lý tình trạng bạo lực học đường. Nhưng thêm một ý kiến nữa vẫn tốt hơn là thêm một tiếng thở dài và đổ lỗi cho nhà trường. Như những đứa trẻ kia, nếu các em trở thành người lan tỏa thông điệp nói không với bạo lực học đường hẳn là sẽ tốt hơn việc chúng ta có thêm những đứa trẻ hạnh kiểm kém.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!