Những hạt mầm của thói quen đọc sách
Năm nay là năm thứ hai chúng ta thực hiện quyết định của Chính phủ về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 21/4 vừa qua.
Trước đây khi chúng ta thực hiện Quyết định 284 năm 2014 của Thủ tướng về Ngày sách Việt Nam 21/4, hoạt động chỉ mang tính chất tôn vinh sách và những người làm sách, bây giờ thêm vế "văn hóa đọc" mang ý nghĩa sâu rộng hơn liên quan đến nội dung phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Về quy mô, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai so với lần thứ nhất, và đặc biệt là so với các năm trước đây, rõ ràng là vượt trội hơn nhiều. Không chỉ tại Hà Nội, TPHCM và một số trung tâm đô thị lớn mà năm nay, các hội sách chào mừng diễn ra ở nhiều vùng miền trên cả nước, hoạt động còn lan tỏa đến cả các đoàn thể, bộ ngành cơ quan từ trung ương xuống tới địa phương.
Về chiều sâu, bên cạnh việc diễn ra các lễ hội sách chào mừng, còn có rất nhiều hoạt động như giao lưu, giới thiệu sách thu hút rộng rãi công chúng qua nhiều kênh khác nhau.
Nhìn chung, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay, xét về hình thức thì quy mô hơn, về nội dung thì phong phú, đa dạng, lan tỏa rộng khắp hơn.
Đặc biệt, qua theo dõi lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 2 tại Thừa Thiên Huế, tôi được biết Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã biểu dương 8 đơn vị báo chí, truyền thông, trong đó có Báo Dân Trí. Những tờ báo lớn có độc giả đông đảo vào cuộc thành lập các chuyên mục giới thiệu sách và nội dung liên quan ngành xuất bản, văn hóa đọc. Với người làm sách, đây là điều rất vui mừng vì đã có được sự đồng hành của các cơ quan truyền thông để giúp lan tỏa sách hay đến đông đảo bạn đọc.
Đi sâu vào vấn đề văn hóa đọc, chúng ta có thể thấy một thực trạng đáng lo ngại là sự phát triển như vũ bão của các nền tảng công nghệ với hấp lực mạnh mẽ, lôi cuốn rất nhiều người trẻ. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, ngay cả các quốc gia vốn người dân có truyền thống đọc sách, văn hóa đọc đã được xây dựng lâu đời, cũng chịu ảnh hưởng nhất định. Số lượng người đọc sách có xu hướng giảm so với trước. Đây là vấn đề chung của thế giới và là một thách thức rất lớn với riêng Việt Nam.
Việc tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam cũng như các hoạt động khuyến đọc khác cần tiếp tục được duy trì và mở rộng, không chỉ nhằm mục đích để "giành giật" người đọc, làm giảm bớt tầm ảnh hưởng không hay của các nền tảng mạng xã hội, mà điều quan trọng nhất là để gieo nhận thức đến mọi người về những giá trị cao đẹp của sách và văn hóa đọc.
Khi những người trẻ thấy rằng, đọc sách vẫn là một việc cần thiết, một nhu cầu thực sự vì sách mang đến cho người đọc những giá trị không chỉ là thông tin đơn thuần mà còn là nền tảng của tri thức, phương pháp tư duy, triết lý sống…, thông qua việc đọc sách giúp con người sống tốt hơn, hữu ích hơn, họ sẽ tiếp tục trung thành với việc đọc sách. Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam chính là để góp phần tạo ra những nhận thức tốt đẹp về giá trị như vậy. Công nghệ càng phát triển thì những hoạt động khuyến đọc càng phải được thúc đẩy.
Theo tôi, để xây dựng được văn hóa đọc sách một cách căn cơ, bền gốc rễ thì phải hình thành được thói quen đọc sách trong mọi người từ khi còn bé, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi trẻ còn là những học sinh tuổi mầm non…
Quá trình đó, trẻ cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đến với sách, nhất là những sách truyền đạt kiến thức cuộc sống, những câu chuyện văn học, lịch sử, lan tỏa những giá trị sống tích cực như lòng tử tế, trách nhiệm, sự trung thực, lòng yêu thương… Sách cho các em đọc cần được gắn liền với các chủ đề, môn học của các chương trình giáo dục ngay bậc mầm non, cấp tiểu học.
Chúng tôi rất chú ý đến việc các em đọc để học, đọc để mở mang kiến thức, đọc để góp phần xây dựng, phát triển tri thức, tâm hồn, phát triển nhân cách đạo đức, phát triển những thói quen tốt. Đây là một quá trình mà trẻ sẽ đến với sách một cách tự nhiên, có động lực (đọc để học tốt hơn), từ đó sẽ hình thành thói quen đọc sách từ khi còn thơ bé, để rồi sẽ đi theo các em đến suốt cuộc đời. Chắc chắn khi hình thành thói quen đọc sách rồi thì trẻ sẽ ít bị cuốn vào những thói quen xấu do mặt trái của công nghệ gây ra.
Nhà trường nếu không tổ chức các tiết đọc sách, tiết học cùng sách thì vô hình trung không tạo điều kiện cho học sinh đến với sách một cách tốt nhất. Ở nhà, người lớn bận rộn, nhiều gia đình đã coi các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng… như "bảo mẫu", mặc kệ trẻ tự lớn lên với những trang mạng. Điều này rất nguy hiểm. Do đó, nếu thói quen đọc sách đã được hình thành sớm thì cũng có thể giúp trẻ "đề kháng" tốt hơn với "lực hấp dẫn" của mạng xã hội. Đây mới chính là nền tảng căn cơ nhất để tạo nên văn hóa đọc sách của cộng đồng. Còn một khi trẻ đã bị hấp dẫn bởi mạng xã hội và các nền tảng giải trí online thì việc "giành giật" trẻ, đưa trẻ đến với thói quen đọc sách là vô cùng khó khăn.
Hơn ai hết, chúng ta - những bậc phụ huynh - phải là người đầu tiên bảo vệ con em mình bằng cách giúp trẻ đến với sách sớm nhất, các nước phát triển đều đi qua con đường như vậy.
Tại các nước phát triển, mạng xã hội ít nhiều có ảnh hưởng tới giới trẻ nhưng không "báo động" như ở ta. Tôi có cháu hiện sống ở Mỹ, các thầy cô giáo thường ấn định sách yêu cầu trẻ phải đọc ở nhà để lên lớp tương tác với thầy cô theo chủ đề môn học. Trẻ vẫn đọc sách là chính, còn việc đến với thiết bị công nghệ chỉ nhằm mục đích giải trí chứ không bị "lậm" vào, bị lôi cuốn đến mức không kiểm soát.
Hiện nay, sách bản in cũng như sách trên mạng có vô vàn, với nội dung, chất lượng khác nhau, do vậy việc định hướng cho trẻ đọc sách gì là trách nhiệm của người lớn - của phụ huynh và thầy cô giáo thông qua việc giúp con em tìm được những cuốn sách nên đọc và đáng đọc; hoặc tìm được những nhà xuất bản uy tín để định hướng đọc cho trẻ. Trên thị trường sách hiện nay, có những cuốn sách mang tính chất "định hình" sẵn như Truyện cổ Grimm, Truyện cổ Andersen hay Tuyển tập truyện Cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi… Các tuyển tập thơ cũng được các nhà xuất bản trình bày rất công phu, là những quyển sách chất lượng tốt. Sách hay muốn tìm thì sẽ tìm thấy, không phải khó lắm đâu!.
Hiện nay, nhằm định hướng cho việc đọc tốt trong nhà trường, mà khởi điểm là trong trường tiểu học, Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện dự án chọn lọc từ trong 6.000 cuốn sách của các nhà xuất bản uy tín, hình thành nên một danh mục sách có tên là "Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học, góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học".
Danh mục sách này tập hợp 965 tựa sách, được chọn lọc và sắp xếp theo chủ đề môn học, lớp học để hỗ trợ thầy cô giáo tìm kiếm nguồn tư liệu để thiết kế bài giảng, cũng giúp học sinh chọn sách theo chủ đề lớp học và môn học để đọc mở rộng và tích cực tham gia trong quá trình học với thầy cô giáo.
Ví dụ lớp 1, môn Đạo đức có chủ đề yêu thương gia đình, trong danh mục sách khuyến nghị có 13 tựa sách có nội dung gắn với chủ đề này, thầy cô giáo có thể tham khảo thiết kế cho bài giảng, và học sinh đọc để mở rộng, đào sâu cho nội dung bài học - đó là một quá trình đọc để dạy và học. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị, giải pháp này nhằm định hướng việc đọc sách cho các em vừa để phục vụ tốt cho việc dạy và học của thầy cô và học trò, vừa hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng văn hóa đọc từ ngay trên ghế nhà trường.
Hi vọng với những nỗ lực ngay từ hôm nay, văn hóa đọc sách sẽ thấm nhuần từ tuổi thơ, thực sự đi vào cuộc sống, có tính căn cơ, nền tảng, lâu dài.
Tác giả: Ông Lê Hoàng xuất thân từ phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn trước năm 1975. Sau ngày thống nhất đất nước, ông tham gia công tác Thành đoàn, rồi sang Campuchia làm chuyên gia giúp nước bạn. Về nước cuối năm 1988, ông Lê Hoàng làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ. Ông Hoàng cũng từng giữ chức Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn.
Năm 2010, ông Lê Hoàng được Ủy ban Tổ chức của Hội thảo Xuất bản châu Á thường niên lần 4 trao tặng giải thưởng "Thành tựu trọn đời trong xuất bản". Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!