"Quả bóng" trách nhiệm vụ 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất
Khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine được nhóm 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột bán ra thị trường trong năm 2024, theo kết quả của cơ quan điều tra. Trung bình có 8-10 tấn sản phẩm này được tiêu thụ mỗi ngày.
Ấy là chưa kể tại thời điểm phát hiện vụ việc, cơ quan chức năng đã chặn đứng và thu giữ được 20 tấn giá đỗ ngâm hóa chất chuẩn bị được đưa ra thị trường bán rộng rãi với trị giá khoảng 400 triệu đồng. Nếu không sớm bị phát hiện, từ 135 lít dung dịch hóa chất cấm, các đối tượng có thể sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 675 tấn giá thành phẩm với giá bán khoảng 18,7 tỷ đồng.
Sản phẩm giá đỗ ủ chất cấm này chủ yếu được bán sỉ cho những đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó vận chuyển về các huyện, thị xã, thành phố để tiêu thụ. Thông thường mỗi gia đình trong bữa ăn cũng chỉ dùng hết vài ba lạng giá đỗ. Do đó, với khối lượng lớn sản phẩm như đề cập ở trên, diện tác động đến người tiêu dùng rất rộng.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), bị cấm dùng trong sản xuất thực phẩm vì có mức độ nguy hại lớn, khi đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Nếu hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy, gây ra các dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi; thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Vụ việc đang được điều tra và tin rằng mọi tội ác sẽ phải bị trả giá và các vi phạm đều được xử lý nghiêm. Đến thời điểm hiện tại, Công an Đắk Lắk đã khởi tố vụ án; khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tuy vậy, hãy còn những vấn đề nhức nhối cần lời giải.
Thứ nhất, trong số các cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm ủ hóa chất vừa bị công an phát hiện, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo), được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Như vậy, các cơ sở còn lại không có đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng vì sao vẫn có thể ngang nhiên sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài? Xin nhấn mạnh là trước khi bị phát hiện, họ đã đưa ra thị trường một khối lượng giá đỗ khổng lồ, gần 3.000 tấn.
Thứ hai là, Giấy chứng nhận được cấp cho cơ sở Lâm Đạo (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) vào ngày 22/4 và có giá trị đến 22/4/2027, xác nhận đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh.
"Chúng tôi chỉ thẩm tra về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở trong sơ chế và đóng gói để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Còn khâu sản xuất, đơn vị không kiểm tra được trừ khi thanh, kiểm tra đột xuất" - đây là lời giải thích của ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk.
Ông Hưng nói cơ quan này không có thẩm quyền để biết cơ sở này có ngâm hóa chất cấm trong sản xuất giá đỗ hay không, và cần phải lấy mẫu giám định hoặc triển khai chuyên đề mới xác định được. Từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói trách nhiệm của ngành nông nghiệp; sau đó trách nhiệm kiểm tra của ngành y tế và khi sản phẩm bày bán ở cửa hàng, siêu thị trách nhiệm kiểm tra của ngành công thương.
Trong khi phía Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Đắk Lắk cho biết chưa nắm được chính xác về hóa chất 6-Benzylaminopurine và phải là ngành y tế mới kiểm tra được, thì Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đắk Lắk lại vẫn "chưa nhận được thông tin" về vụ việc, còn phải chờ phối hợp liên ngành để làm rõ, tính đến cuối tuần qua theo giờ hành chính.
Rốt cuộc cây giá đỗ trước khi đến tay người tiêu dùng chịu sự quản lý của rất nhiều cơ quan, nhưng đến khi xảy ra vi phạm mang tính chất hình sự, "quả bóng trách nhiệm" cứ việc đá qua đá lại, hậu quả trước mắt chỉ thấy người tiêu dùng gánh chịu.
Thứ ba là cơ sở duy nhất được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm - cơ sở Lâm Đạo - đã ký được hợp đồng bán cho Bách Hóa Xanh, là thương hiệu có tên tuổi lớn, với số lượng 350-400kg giá đỗ/ngày.
Đành rằng việc để lọt sản phẩm bẩn từ phía nhà cung ứng có giấy tờ "đủ điều kiện an toàn" có thể coi là rủi ro của doanh nghiệp, nhưng mong rằng cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Sự việc này một lần nữa là hồi chuông cảnh báo với mọi siêu thị trong việc nâng cao tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng. Định vị của một doanh nghiệp trong lòng người tiêu dùng không đơn thuần là hạ tầng hiện đại, là sự phổ biến về nhận diện thông qua quảng cáo, mà chính là uy tín, là tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm!
Thứ tư, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích sinh trưởng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép dùng trong nông nghiệp, cho cây mọc rễ nhanh, ra hoa, trái nhanh. Hóa chất này dùng cho cây trồng, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Như vậy, một chất có thể là độc trong trường hợp này nhưng lại không phải là chất độc trong trường hợp khác, và làm sao để chắc rằng chất đó được dùng đúng mục đích? Và khi hóa chất độc hại có thể mua bán dễ dàng vậy làm sao tránh những trường hợp bất nhân tương tự?
Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải đặt niềm tin vào đâu khi mà những tờ giấy chứng nhận an toàn không còn đủ sức nặng, khi mà các hàng rào kỹ thuật không còn chắc chắn để bảo vệ họ trước sự bủa vây của hàng hóa kém phẩm chất!
Trong khi ở một số quốc gia phát triển, người dân chỉ mua hàng siêu thị có nhãn mác, chỉ ăn hoa quả, thực phẩm có nguồn gốc thì dường như chúng ta lại đang quen dần với sản xuất tự cung tự cấp. Những nông dân bất đắc dĩ xuất hiện ngày càng nhiều thêm giữa phố thị, tự ủ giá, tự trồng rau, thậm chí tự nuôi gà. Trông thì vui đấy, mà cũng rất đáng buồn.
Đến bao giờ thì người tiêu dùng mới không còn phải nỗ lực trở nên "thông thái" để tự bảo vệ mình?
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!