Chờ đợi kết quả thanh tra trách nhiệm công vụ trên toàn quốc
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ tại 6 bộ, ngành và địa phương. Các đoàn thanh tra sẽ làm việc tại các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; và UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, TP Đà Nẵng.
Hoạt động thanh tra sẽ tập trung đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.
Qua thanh tra ghi nhận những cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước để kiến nghị biện pháp khắc phục.
Trước hết cần khẳng định rằng hoạt động thanh tra thực hiện theo quy định pháp luật và kế hoạch được ban hành bởi các cấp có thẩm quyền. Ở đây, tôi nêu một số kỳ vọng vào kết quả thanh tra, nhìn từ góc độ các vấn đề thực tiễn nổi lên trong thời gian qua.
Thứ nhất, đầu tháng 10 năm nay, trong báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, bên cạnh các kết quả to lớn đã đạt được, một trong những vấn đề bất cập của công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay là khả năng tự kiểm tra, phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn kém hiệu quả.
Thực tế nêu trên lý giải cho tình trạng rất ít vụ việc vi phạm được phát hiện thông qua tự kiểm tra trong nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị). Thay vào đó, chỉ khi có các đoàn thanh tra từ cấp trên hoặc ngoài ngành, ngoài đơn vị vào cuộc thì mới phát hiện ra nhiều biểu hiện vi phạm, thậm chí có những vi phạm nghiêm trọng, đã xảy ra từ lâu. Trong bối cảnh đó, nhu cầu bảo đảm thực chất trong hoạt động thanh tra là điều luôn được quan tâm.
Thanh tra khu vực công là hoạt động kiểm tra, đánh giá khách quan đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoạt động thanh tra có thể được thực hiện nội bộ (ngành, địa phương, đơn vị) hoặc bởi cơ quan thanh tra bên ngoài (cấp trên hoặc ngoài ngành, ngoài đơn vị).
Ở đây là Thanh tra Chính phủ tổ chức các đoàn thanh tra tại một số bộ ngành, địa phương, vì vậy chúng ta hoàn toàn hiểu được sự quan tâm của dư luận cũng như sự chờ đợi và kỳ vọng vào kết quả thanh tra.
Trong các nền quản trị công hiện đại, thanh tra là nhu cầu tất yếu để hướng đến một hệ thống công quyền hiệu lực, hiệu quả, và có trách nhiệm. Điều này cũng đặt ra nhu cầu thực hiện công tác thanh tra một cách thực chất, tránh mọi biểu hiện hình thức, chiếu lệ. Một kết quả thanh tra nghiêm túc thì sẽ không chỉ sớm nhận biết những biểu hiện vi phạm, mà quan trọng hơn là còn có thể phát hiện ra những vấn đề cần điều chỉnh ở cấp độ thể chế quản trị và chính sách công.
Thứ hai, một vấn đề nổi lên trong thực thi công vụ thời gian qua là "bệnh sợ trách nhiệm". Trong năm 2023 này, lãnh đạo nhiều bộ ngành, tỉnh thành và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này, thậm chí ban hành công điện để chấn chỉnh. Vì vậy, mong rằng qua thanh tra lần này sẽ chỉ ra cụ thể địa chỉ cán bộ, công chức "sợ trách nhiệm" nếu có, hoặc ít nhất là góp phần cùng với chỉ đạo trước đó của các cấp có thẩm quyền để chấn chỉnh thực trạng này.
Đặc điểm chính của chức năng thanh tra khu vực công là khảo sát, đánh giá các chiều cạnh hoạt động của chủ thể bị thanh tra, so sánh với các chuẩn mực chính thức (pháp luật, nguyên tắc và quy định hành chính). Vì thế, công tác thanh tra có thể được triển khai với nhiều mối quan tâm, đáng chú ý nhất là các chiều cạnh: Tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động, quản lý và chi tiêu tài chính, và hiệu quả trong hoạt động của các chủ thể được thanh tra.
Sâu xa hơn, thanh tra khu vực công chính là một hình thức kiểm soát quyền lực Nhà nước. Hoạt động thanh tra không chỉ có thể phát hiện ra những biểu hiện lạm quyền, thể hiện ra thành những vi phạm các chuẩn mực pháp lý và hành chính được áp dụng trong khu vực công, mà các kiến nghị xử lý vi phạm cũng là những phản ứng thể chế nhằm đẩy lui các biểu hiện "quyền lực công nhưng lại phục vụ lợi ích tư".
Hơn thế, thanh tra khu vực công chính là dịp có thể nhận diện những vấn đề đang nảy sinh trong sự vận hành của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi các chính sách cụ thể. Việc nhận diện những tồn tại, bất cập về thể chế và chính sách sẽ hữu hiệu nếu các đoàn thanh tra quan tâm, dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề bất cập đang nổi lên hoặc các vấn đề được người dân tập trung phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Như đã nêu trên, "bệnh sợ trách nhiệm" chính là một bất cập nổi lên trong thực thi công vụ thời gian gần đây.
Thứ ba, trên phạm vi toàn cầu, yếu tố số một ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra là tính độc lập của chủ thể thanh tra. Theo đó, các đơn vị thanh tra cần bảo đảm rằng mọi hoạt động của họ chỉ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, cũng như các quy tắc hành chính do Nhà nước ban hành. Điều này cũng có nghĩa, các đoàn thanh tra phải "miễn nhiễm" với mọi hình thức can thiệp của các cá nhân, tổ chức liên quan đến chủ thể đang được thanh tra.
Đặt trong bối cảnh nước ta hiện nay, bảo đảm được sự độc lập của hoạt động thanh tra càng là yêu cầu quan trọng cho dù sẽ có những thách thức nhất định. Nhiều khi chất lượng chưa như kỳ vọng của công tác thanh tra là do ý thức chưa chuyên nghiệp của một bộ phận trong đội ngũ cán bộ thanh tra. Vẫn còn những cán bộ yếu kém về ý thức, đạo đức và trách nhiệm, biến công tác thanh tra thành cơ hội để vụ lợi cho nên dễ dàng thỏa hiệp, đồng lõa với các chủ thể bị thanh tra để che giấu hoặc giảm nhẹ các vi phạm.
Bấy lâu nay, chúng ta vẫn quen với câu nói: "chủ trương, chính sách thì đúng nhưng khâu thực hiện lại có vấn đề", gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các mục tiêu chính sách. Câu nói cửa miệng nêu trên cũng chính là sự khẳng định tầm quan trọng của công tác thanh tra: bảo đảm các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, nhất quán ở mọi cấp độ của hệ thống quản lý Nhà nước.
Với ý nghĩa đó, mỗi cán bộ thanh tra cần luôn ý thức về bổn phận và trách nhiệm mà nhân dân trông đợi. Thực hiện các nhiệm vụ thanh tra không chỉ đơn giản khảo sát xem các đơn vị có hoạt động đúng nguyên tắc và quy định hay không, có sai phạm gì hay không. Quan trọng hơn, nhân dân mong đợi những kết quả thanh tra thực chất sẽ góp phần đẩy lui những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, và giúp chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, liêm chính và có trách nhiệm hơn với nhân dân.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!