Bạn đọc bức xúc khi giá đỗ ủ chất cấm vẫn có chứng nhận an toàn thực phẩm

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Việc một cơ sở tại Đắk Lắk sản xuất giá ngâm ủ với hóa chất cấm nhưng vẫn được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ và đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này.

Ai chịu trách nhiệm?

Thông tin Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm do sản xuất giá đỗ ngâm ủ với chất cấm là hoạt chất 6-Benzylaminopurine đã khiến dư luận dậy sóng.

Điều đáng nói, trong số 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm ủ hóa chất mà công an phát hiện, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo), được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bạn đọc bức xúc khi giá đỗ ủ chất cấm vẫn có chứng nhận an toàn thực phẩm - 1

Chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - nơi các cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm ủ hóa chất bán hàng tấn giá đỗ mỗi ngày (Ảnh: Uy Nguyễn).

Cơ sở này ngoài bán giá đỗ cho chợ đầu mối tại Đắk Lắk còn nhập giá đỗ vào cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày.

Bạn đọc Lâm Hằng chia sẻ: "Nên đổi lại "đủ cơ sở vật chất để sản xuất, kinh doanh sản phẩm" chứ để "đủ điều kiện an toàn thực phẩm" làm cho người dân hiểu nhầm. Giờ tôi lại đâm ra nghi ngờ những cơ sở "đủ điều kiện an toàn thực phẩm" do cơ quan nhà nước cấp".

Bạn đọc bức xúc khi giá đỗ ủ chất cấm vẫn có chứng nhận an toàn thực phẩm - 2

Cơ sở sản xuất Lâm Đạo bị phát hiện sản xuất giá ngâm ủ hóa chất nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Ảnh: Uy Nguyễn).

Còn bạn đọc Ngô Đức quan tâm đến đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong vụ giá đỗ ủ hóa chất: "Đơn vị nào cấp giấy phép đủ an toàn thực phẩm thì đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, chứ không thể cứ quanh co chối cãi được, rõ ràng cái giấy đó không phải muốn cấp cho ai cũng được.

Khi cấp giấy anh phải qua các khâu kiểm tra có đạt tiêu chuẩn anh mới cấp, chứ không thể là anh A thì kiểm tra, anh B xét nghiệm còn anh C chẳng biết gì lại cấp giấy đủ điều kiện để người ta đưa thuốc độc vào trong siêu thị để đầu độc dân lành được".

Bạn đọc Yến Hữu bức xúc: "Vụ việc nếu không bị phát hiện thì các ban, ngành luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi bị phanh phui ra trước công luận thì tìm cách né tránh bao biện, không ai chịu trách nhiệm hết. Chỉ người dân chịu thôi".

Tài khoản Phan Trọng cho rằng: "Là cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vậy nhưng giờ đây khi cơ quan điều tra, báo chí phanh phui thực phẩm tẩm ướp hóa chất được đưa vào siêu thị, chợ búa, đến tay người tiêu dùng, thì cơ quan quản lý cấp phép lại đang tìm lý do để thoái thác trách nhiệm đổ thừa.

Nếu cấp phép chứng nhận chất lượng, nhưng lại không thể quản lý được chất lượng thực tế của thực phẩm bày bán, thì những cơ quan như thế này còn có ý nghĩa gì, ngoài việc sinh ra thêm những rào cản làm tăng giá thành thực phẩm, cũng như bị những cơ sở cá nhân xấu, lợi dụng những tờ giấy phép được cơ quan quản lý cấp, để lập lờ lừa người tiêu dùng".

"Tôi đã mua giá đỗ ở Bách Hóa Xanh. Tôi có được bồi thường không?", bạn đọc Hải Phong băn khoăn.

Bạn đọc thiep duc chỉ biết thốt lên: "Thật đáng sợ, biết bao nhiêu người đã ăn phải thứ giá đỗ nguy hiểm đến sức khỏe như vậy mà các cơ quan lại đùn đẩy trách nhiệm khi đã cấp giấy chứng nhận "đủ điều kiện VSATTP" cho cơ sở ấy chứ".

Rất nhiều các ý kiến của bạn đọc cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài xử lý, thậm chí là khung tử hình đối với các cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp dùng chất cấm độc hại ngâm ủ, sản xuất giá đỗ để bán cho người dân.

Bên cạnh đó với việc các cơ quan chức năng chồng chéo trách nhiệm, quyền hạn khi kiểm tra sản phẩm của đơn vị sản xuất giá đỗ, không ít bạn đọc nêu quan điểm, rất cần thiết để tinh giản bộ máy để tránh tình trạng "đá bóng" trách nhiệm giữa các sở, ngành.

Vướng cơ chế khi kiểm tra, giám sát?

Liên quan vụ việc, một lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk báo cáo cụ thể vụ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất giá đỗ Lâm Đạo.

Bạn đọc bức xúc khi giá đỗ ủ chất cấm vẫn có chứng nhận an toàn thực phẩm - 3

Vì lợi nhuận, các cơ sở ngâm ủ giá đỗ với hóa chất (Ảnh: Công an cung cấp).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho rằng, từ trước đến nay, đơn vị thường xuyên, tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng còn một số bất cập. 

Điển hình, khi cấp phép sẽ kiểm tra điều kiện sản xuất ban đầu, nếu đảm bảo quy định sẽ cấp chứng nhận. Tuy nhiên, việc giám sát hàng ngày xem đơn vị sản xuất như thế nào thì không có cơ chế, quy định.

"Sở từng có đề xuất cơ chế giám sát áp dụng công nghệ cao, các cơ sở sản xuất hàng hóa phải lắp camera để cơ quan quản lý có thể giám sát thường xuyên. Các đơn vị này phải cập nhật lên nhật ký điện tử về quy trình sản xuất hàng ngày để mọi cơ quan chức năng đều nắm được. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất chưa có chủ trương để làm", lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho hay.

Đối với trách nhiệm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk trong việc cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất giá đỗ có ngâm ủ hóa chất, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk bày tỏ quan điểm, đối với công tác an toàn thực phẩm, phía Chi cục chỉ phụ trách một số việc, không phải phụ trách toàn bộ và do một số vướng mắc từ cơ chế nên cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều sở, ngành.

Công an Đắk Lắk đã khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Các đối tượng đã sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để ngâm ủ giá đỗ. Đây là chất có thể gây dị tật thai nhi, thậm chí tử vong nếu sử dụng liều lượng nhiều.

Theo cơ quan công an, trong năm 2024, nhóm đối tượng của 6 cơ sở đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất. 

Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (thành phố Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.

Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Được biết, tháng 4, phía Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở Lâm Đạo và xác nhận đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đậu xanh. Giấy chứng nhận có giá trị đến 22/4/2027.